“Em muốn nghe … nhưng cuộc đời xôn xao khó hiểu. Biết bao điều em muốn nói lại … vô ngôn”. Mấy dòng này tôi đọc được dưới bức ảnh chụp một buổi học của cô trò trường khuyết tật Sao Mai tại triển lãm 50 giáo phận Nha Trang. Bức ảnh gợi cho tôi những suy nghĩ về một nơi chốn đặc biệt đang cưu mang và dạy dỗ những đứa học trò cũng rất đặc biệt.

Vậy là tôi tìm cách ghé đến thăm.

*Dạy và chăm sóc bằng cả trái tim

Theo địa chỉ, sau 2 cái “xẹt” của đường Hoàng Diệu, tôi đã đứng trước cổng trường khuyết tật Sao Mai do các nữ tu dòng Khiết tâm Đức Mẹ Nha Trang thành lập. Mở cổng đón tôi là một nam học sinh mắc chứng bệnh down, thật lịch sự em hỏi: “Xin lỗi muốn gặp ai ạ!”, khi nghe tôi nói muốn gặp Hiệu trưởng em bảo tôi đợi một chút. Lát sau, em quay lại mở cổng và giúp tôi đẩy xe vô sân, tôi thật dễ chịu về sự tận tình của chàng trai nhỏ. Chợt thấy thoáng bóng của chị nữ tu trẻ giơ tay làm ký hiệu OK với cậu học trò, tôi hiểu cậu vừa thực hiện tốt một bài thực hành về đón tiếp khách đến nhà. Chưa hết, khi khách vừa ghé ngồi, một cô bé dễ thương bưng 2 ly nước vào. Cẩn thận em đặt từng ly lên bàn rồi mỉm cười. Thật khó khăn, em uốn miệng để nói những tiếng: “Xin mời dùng nước!” với cách phát âm ngọng ngịu (phải nhờ chị nữ tu giải thích tôi mới hiểu được em nói gì) và bàn tay đưa ra lịch sự mời khách. Em là học sinh mới của lớp khiếm thính, các nữ tu muốn các em tập nói những từ đơn giản trong giao tiếp thay vì chỉ ra dấu tay.

Từ những lần đi công tác xã hội, các nữ tu đã gặp nhiếu hoàn cảnh thương tâm khi thấy những đứa trẻ bị khuyết tật không được quan tâm chăm sóc, thậm chí bị khinh rẻ bởi chính cha mẹ các em. Nỗi thao thức muốn làm một cái gì đó thiết thực cho các em đã thúc đẩy các chị thành lập ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật này. Trường Sao Mai chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2004, với mong muốn thực hiện việc phục hồi chức năng thích ứng xã hội và giúp các em khuyết tật được phát triển trong mức độ tương đối cần thiết để có khả năng sau này học một nghề đơn giản, có thể phần nào tự lập cho đời sống cá nhân của mình. Trường hiện có 9 nữ tu (7 chị có trình độ chuyên môn ĐH, CĐ và trung cấp ngành giáo dục đặc biệt )ï chăm sóc và dạy dỗ cho 58 em, chia làm 5 lớp (1 lớp khiếm thính và 4 lớp chậm phát triển). Đối với một số em thuộc nhóm chậm phát triển thì gần như giáo viên phải làm thay hết cho các em. Nữ tu Như Khuê hiệu trưởng của trường cho biết: “Có em lúc mới vào học không thể tự làm những việc cá nhân, ngay cả trong việc đi vệ sinh thế nào cho sạch sẽ cũng phải qua một thời gian hướng dẫn mới có kết quả tương đối. Nói tương đối là vì những lúc các em thiếu tự chủ thì hầu như cô giáo phải làm tất cả cho em đó”.

Mà thật vậy, có tận mắt chứng kiến những công việc của các nữ tu ở đây thì mới thấy hết được sự công phu và tình yêu thương của các chịï đối với những đứa trẻ thiếu may mắn. Nữ tu Minh Loan, người lớn tuổi nhất trường được các em gọi cách trừu mến là bà Hai, cho biết: “Mục tiêu giáo dục của trường vẫn là dạy các em tự làm lấy, giúp các em biết chọn lựa, tôn trọng em và bằng mọi cách tạo mối tương quan an toàn, tin cậy nơi các em”. Nhà trường áp dụng chương trình giáo dục mầm non và bậc tiểu học của Bộ Giáo dục và đào tạo, kết hợp với phương pháp giáo dục cá nhân của Uỷ Ban II Hà Lan vào kế hoạch giảng dạy.

Nữ tu hiệu trưởng đưa tôi đi thăm một vòng các lớp. Tại lớp khiếm thính, tôi thầm cảm phục những gì chị nữ tu có dáng người nhỏ nhắn đang cố hết sức để dạy cho các em cách phát âm nhận biết các chữ. Học trò mắt không rời cô giáo và những cái miệng tròn vo uốn theo miệng cô. Cô giáo phải nói thật to cùng với ra dấu để giúp em nhận biết và phân biệt chữ, một số học trò có vẻ như chưa tiếp thu kịp các bạn nên ra dấu hỏi lại cô. Theo các nữ tu, việc dạy học cho học sinh khiếm thính khó khăn nhất là lúc các em chưa biết chữ, còn những lớp sau thì đỡ cực hơn. Để được học trò cảm nhận được mình yêu thương các em và được các em tin tưởng giữa một thế giới của sự im lặng, tôi biết rằng đối với các chị không phải là dễ dàng mà phải đổi bằng cả trái tim. Năm học vừa qua, trường đã liên hệ với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM xin cấp 18 máy trợ thính cho 9 em khối khiếm thính, với những học trò nghèo thì đây là một niềm vui không chỉ đối với các em mà với cả gia đình. Có lẽ chính vì vậy nên không ở đâu mà tôi nghe được nhiều những tiếng khen ngợi, động viên liên tục của cô giáo nhiều như ở đây. Ngôi trường Sao Mai không chỉ có những vất vả của phục vụ mà còn đầy ắp những tiếng cười.

*Cuộc đời vẫn đẹp sao

Dù điều kiện còn eo hẹp, nhưng vào các ngày hội như Trung Thu, Giáng Sinh, tết Nguyên Đán các nữ tu đều kết hợp với Hội phụ huynh tổ chức cho các em vui chơi. Dù rằng, tập múa hát cho trẻ nhỏ bình thường đã khó nên việc giúp các em khiếm thính cảm nhận được nhịp điệu âm nhạc để biểu diễn là gian nan biết bao nhiêu. Dịp 8-3 vừa rồi, các em được hướng dẫn làm thiệp tặng mẹ, được các cô hướng dẫn đi bưu điện gởi thư. Những người khách ở bưu điện hôm ấy tỏ ra rất thích thú thấy các em thật lễ phép. Một người mẹ tâm sự rằng, khi nhận được tấm thiệp được chính đứa con tật nguyền của mình, chị không nén nổi nước mắt, trước đây chị thật buồn vì con mình sinh ra không lành lặn như những đứa trẻ khác. Nhưng từ khi gởi bé vào học, được sự động viên và giải thích của các nữ tu, chị tìm ra những niềm vui trong việc chăm sóc và quan sát con phát triển từng chút. Tấm thiệp chị nhận ẩn sâu vô vàn tình thương của các nữ tu tận tình chăm sóc con của chị.

Ngoài dạy dỗ, uốn nắn cho những trẻ nhỏ bất hạnh hòa nhập với cuộc đời, các nữ tu trong trường còn phải kiêm luôn việc hướng dẫn tâm lý cho phụ huynh các em để họ có sự cộng tác tốt trong công việc rất công phu là giáo dục trẻ khiếm thính. Nữ tu Như Khuê cho biết, một số phụ huynh các em khuyết tật còn xem các em là gánh nặng, thậm chí thiếu quan tâm và còn hắt hủi. Các nữ tu rất chú trọng đến việc giúp họ thay đổi cách nhìn để chấp nhận các em, vì các em rất cần tình yêu thương của mọi người.

Trường khuyết tật Sao Mai là một trong 2 trường học dành cho trẻ khuyết tật tại thành phố Nha Trang. Cộng tác với các nữ tu còn có các thầy ĐCV Sao Biển đến sinh hoạt và dạy trống cho các em vào chiều thứ 5 hàng tuần. Những nữ tu trong trường đang âm thầm góp chút sức nhỏ để chia sẻ với những khó khăn của các em và gia đình các em, với tâm nguyện thực hiện điều Đức Giêsu đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 25,40).

Chia tay với ngôi trường mang tên Sao Mai, ngôi sao cho người lữ hành chút ánh sáng trong đêm tối trước khi bình minh tỏ rạng, tôi nghiệm ra ý nghĩa sâu sắc tên gọi Sao Mai của ngôi trường. Công việc các chị nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ âm thầm từng ngày như ánh sáng Sao Mai góp cho đời hơi ấm của tình yêu thương, của sự tôn trọng những con người bé nhỏ nhưng mang dáng dấp của chính Giêsu, Người đã sống cả cuộc đời mình cho tình yêu.