Chúa Nhật 30(C):

Tự công chính hóa chính mình hay để cho Thiên Chúa công chính hóa mình


((Lc 18,9-14)

Trong các lãnh vực chính trị, xã hội hay tôn giáo, v.v…của cuộc sống hằng ngày, một trong các danh từ dùng để chửi bới và chê trách quen thuộc và hiệu nghiệm nhất, đó là cái nhãn hiệu «Pha-ri-sêu!»Ví dụ: Khi một người nói nhiều, nói hay và nói khéo về chuyện này hay về vấn đề nọ, nhưng trong cuộc sống thực tế người đó lại không hề hành động theo những gì mình nói; anh ta nói là để cho người khác làm, chứ mình lại không muốn động ngón tay vào, thì người ta liền gọi anh ta là «pha-ri-sêu». Nói tắt, cái nhãn hiệu «pha-ri-sêu» mang nội dung tiêu cực, được dùng để chỉ một điều giả dối, thiếu thành thật.

Thực ra, theo lịch sử Do-thái vào thời Đức Giêsu, những người Pha-ri-sêu hay Biệt Phái là biểu tượng cho tầng lớp người đạo hạnh và ngay chính gương mẫu. Họ được dân chúng tôn trọng và kính nể. Những người Pha-ri-sêu không hề là những người quá khích cố chấp về vấn đề tuân giữ luật pháp. Trái lại, họ luôn cố gắng tìm cách cắt nghĩa luật Môsê thế nào cho những người dân bình thường cũng có thể tuân giữ được một cách trọn vẹn và hoàn hảo hết sức. Và chính họ đã làm gương trước về điều đó. Họ luôn lưu tâm tới mọi qui định của tôn giáo, để sao cho việc tuân giữ chúng phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của người dân bình thường một cách hợp lý, chứ không vượt sức họ. Còn riêng mình, họ đã thực hành nhiều hơn là luật đòi hỏi. Ví dụ: Họ ăn chay mỗi tuần hai ngày, trong khi luật chỉ đòi hỏi một ngày mà thôi; về thuế má phải nộp cho Đền Thờ, họ còn tự nguyện nộp nhiều hơn cả luật buộc, v.v…!

Như vậy, người ta không thể tùy tiện kết án những người Pha-ri-sêu một cách dễ dàng là những kẻ đạo đức giả hình được. Có lẽ cũng vì thế mà Đức Giêsu đã thường đối chất và tranh luận với những người Pha-ri-sêu, bởi vì Người đã cảm nhận được và đồng thời kính trọng tinh thần tôn giáo nghiêm chỉnh của họ.

Theo thiển ý tôi, tôi nghĩ rằng trong câu chuyện dụ ngôn này, Đức Giêsu đã không tiên quyết đặt nặng vấn đề đánh giá về luân lý giữa hai nhân vật; chẳng hạn Người không muốn nói: Các ngươi hãy nhìn xem, đây là người Pha-ri-sêu tự cao tự đại, còn kia là một người thu thuế khiêm nhu nổi danh thế giới, một người đã từng làm nhiều điều tiêu cực, nhưng anh ta lại chân thành nhìn nhận những hành động thiếu lương thiện của mình. Không! Đối với Đức Giêsu, vấn đề đạo đức trọng yếu trước hết phải là sự tương quan nền tảng giữa con người với Thiên Chúa; tiếp đến là làm thế nào để sự hiện diện có tác động cứu rỗi của Thiên Chúa và Nước của Người có thể đâm rễ sâu vào cuộc sống nhân loại và được lan rộng ra khắp nơi trên thế giới.

Việc kỳ vọng rằng, cuối cùng Thiên Chúa sẽ thiết lập quyền thống trị của Người trên Ít-ra-en, sẽ qui tụ các dân tộc về quanh núi Si-on và sẽ chấm dứt mọi hận thù, mọi đàn áp bóc lột cũng như cảnh sống khốn cùng của Dân Người, v.v…, là niềm hy vọng mong đợi to lớn nhất của những người Ít-ra-en đạo đức. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi, chứ chưa được xác định rõ ràng, là ở chỗ: Sự kiện đó sẽ xảy đến thế nào? Thiên Chúa nghĩ và hành động ra sao? Và những gì mỗi người trong chúng ta có thể và phải đóng góp phần nỗ lực của cá nhân mình vào sự kiện đó?

Những người Pha-ri-sêu cho rằng: Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào việc trung thành chu toàn luật lệ. Nếu mỗi người Ít-ra-en chỉ trong một ngày mà giữ trọn được luật Môsê mà thôi, thì con đường cho Thiên Chúa ngự đến thực sự đã được khai quang dọn sẵn. Cũng vì thế mà những người Ít-ra-en đã luôn nỗ lực chu toàn luật pháp một cách trung thành, và nhiều khi họ còn thực hành quá những điều luật đòi buộc, hầu có thể bù đắp thay cho những trễ nải và quên sót của kẻ khác.

Ngược lại với sự mong đợi trên của người đương thời, Đức Giêsu đã nói lên sự mong đợi của Người hoàn toàn khác hẳn. Đối với Đức Giêsu, con người không cần phải kêu xin hay ép buộc Thiên Chúa đến với họ được. Thực ra, Thiên Chúa đã đến giữa họ rồi. Quyền thống trị của Người cũng đã được thiết lập trên thế giới. Do chính quyền lực của Người, Thiên Chúa đã tác động và thi hành sự cứu rỗi cho chúng ta. Và Đức Giêsu không chỉ đã khẳng định bằng lời nói suông, nhưng Người còn dấn thân trọn vẹn cho điều đó nữa, đó là khi Người nhân danh Thiên Chúa đã đến với con người để chữa lành, để hòa giải, để nâng đỡ dậy và để an ủi họ, v.v…Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy chọn cho mình một quan niệm sống mới, một quan niệm giúp chúng ta biết can đảm và đầy tin tưởng trở về trong nhà Cha, dù với hai bàn tay trắng.

Đàng khác, đó cũng không phài là một điều làm hạ thấp con người một cách nhục nhã. Trái lại, quan niệm nền tảng mới mẻ đó làm cho con người có được thái độ nghiêm chỉnh cần thiết đối với một thực tại không thể chối cãi được, đó là tất cả mọi cố gắng vất vả của con người sẽ không bao giờ có thể mang lại cho thế giới và nhân loại sự cứu rỗi sau cùng được. Như thế, quan niệm đúng đắn đó đã giúp con người biết quay trở về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi sự cứu rỗi. Và Thiên Chúa không hề đến với chúng ta để mặc cả hay đổi chác có tính cách thương mại về những chuyện thiêng liêng, nhưng là để ban cho chúng ta sự thiện hảo cao cả.

Vì thế, sự lựa chọn mà câu chuyện dụ ngôn đã đặt ra cho chúng ta, những con người hôm nay, cũng vẫn luôn mang tính cách thời sự và mạnh mẽ như xưa kia vậy. Vâng, hằng ngày chúng ta cũng phải tự quyết định: hoặc chúng ta biết chân thành chấp nhận tình trạng thụ tạo nghèo nàn và bất toàn của mình để đầy lòng khiêm tốn ra đứng mặt Thiên Chúa với hai bàn tay trắng, hoặc chúng ta muốn tự sức lo tìm kiếm cho mình sự cứu rỗi! Những ai biết hành động như người thu thuế trong dụ ngôn, tức biết tin tưởng phó thác vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, chứ không tự phụ dựa vào công sức của mình và không chờ đợi một sự thưởng công tương xứng, người đó sẽ ra về như một người công chính; nghĩa là tâm hồn người đó sẽ được an bình thanh thản và đầy tin tưởng hơn, đời sống nội tâm người đó sẽ trong sáng và an vui hơn. Người đó sẽ ý thức được rằng, việc chân thành tự hạ và nhìn nhận sự nghèo hèn bất toàn của mình trước mặt Thiên Chúa không phải là một hành động dại khờ và bất lợi, nhưng là một điều cần thiết, vì đó là sự thật, hầu có thể được sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Nói tóm lại, câu chuyện dụ ngôn muốn nhắc nhủ chúng ta phải luôn biết đề phòng và cẩn thận chớ đưa mình lên và coi khinh đồng loại. Trước mặt Thiên Chúa, lòng biết ơn là một nhân đức và Người luôn đòi hỏi kẻ thụ ân phải biết tri ân (x. Lc 17,17-18). Nhưng một hình thức cám ơn không hề làm đẹp lòng Thiên Chúa, là khi chúng ta chỉ trích dẫn Người ra cốt để trang hoàng, cốt để biện minh cho những công việc của mình và đồng thời cũng qua đó chúng ta đã gán ghép trách nhiệm cho Người về những việc mình đã làm.

Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng Đức Giêsu đặt nặng lời cầu xin đầy lòng trông cậy và phó thác của chúng ta. Kinh Lạy Cha, lời kinh đắc ý nhất của Người, là một kinh khẩn cầu. Đó chính là việc mà hôm nay, trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta sẽ làm với một tâm tình sốt sắng và liên đới huynh đệ đặc biệt. Anh chị em đồng loại ở khắp nơi trên thế giới đang nóng lòng chờ đợi sự liên đới Kitô giáo của chúng ta, đang cần tới sự nâng đỡ của chúng ta – cả tinh thần lẫn vật chất – nhưng nhất là lời cầu nguyện sốt sắng của chúng ta.

Chúng ta hãy chân tình mở rộng lòng và đôi tay bố thí của mình ra cho các anh chị em đó của chúng ta!