CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật này mời gọi chúng ta suy gẫm về vấn đề vinh hoa phú quý đối chiếu với lý tưởng minh triết hay lý tưởng Tin Mừng về đức nghèo khó.

Kn 7: 7-11: Bài đọc I, được trích từ sách Khôn Ngoan, ca ngợi giá trị khôn sánh của Đức Khôn Ngoan, còn quý hơn mọi vinh hoa phú quý trần thế.
Dt 4: 12-13: Trong đoạn trích thư gởi các tín hữu Do thái, Lời Chúa được gợi lên với tất cả quyền năng của nó: ban sự sống, chức năng xét xử; Lời Chúa xuyên thấu tận cõi thâm sâu nhất của con người chúng ta.
Mc 10: 17-30: Tin Mừng tường thuật câu chuyện một người giàu có. Đức Giê-su đề nghị anh từ bỏ của cải mà theo Ngài, nhưng anh không thể. Đức Giê-su nêu vấn đề về sự giàu có là một trở ngại trên con đường cứu độ.

BÀI ĐỌC I (Kn 7: 7-11)

Sách Khôn Ngoan được viết bằng tiếng Hy-lạp vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, bởi một người Do thái quê A-lê-xan-ri-a. Trước những nguy hiểm của việc Hy lạp hóa đang đe dọa Do thái giáo, tác giả lại tôn vinh những giá trị khôn sánh của Đức Khôn Ngoan Kinh Thánh.

Tác phẩm bao gồm ba phần. Phần thứ nhất về Đức Khôn Ngoan và vận mệnh con người; phần thứ hai về bản chất và nguồn gốc của Đức Khôn Ngoan; và phần thứ ba về hành động của Đức Khôn Ngoan trong lịch sử. Trong phần thứ hai tác phẩm của mình, tác giả, bằng hư cấu văn chương, đặt lời trên môi miệng của vua Sa-lô-mon, vị vua được truyền tụng là người khôn ngoan nhất. Đoạn văn chúng ta đọc được trích dẫn từ diễn từ của vua Sa-lô-mon. Vị quân vương vừa mới nhắc nhớ rằng ông không khác với những con người khác, ông chia sẻ thân phận con người như bao nhiêu người khác; đức khôn ngoan ở nơi vua không là một đặc sủng mà tự nhiên ông được ban cho khi trở thành quân vương: vua đã đạt được đức khôn ngoan là do thành tâm cầu nguyện.

1. Lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon.

“Tôi đã nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết; tôi đã kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi”.

Việc vua Sa-lô-mon cầu xin Thiên Chúa ban cho mình sự khôn ngoan là một sự kiện truyền thống được kể ra trong sách Các Vua quyển thứ nhất (1V 3: 4-14), được nhắc lại trong sách Sử Biên quyển thứ hai (2Sb 1: 1-12) và tác giả của sách Khôn Ngoan sáng tác một đoạn văn từ câu chuyện nầy (9: 1-18). Vua Sa-lô-mon, xúc động vì được kế nghiệp thân phụ của mình là vua Đa-vít khi hãy còn tuổi niên thiếu, cầu xin Đức Chúa ban cho mình những đức tính cần thiết để hướng dẫn một dân tộc quan trọng như thế.

Sách Khôn Ngoan trình bày lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon không có trong bối cảnh gốc, nhưng theo cách riêng của mình để đánh động những đọc giả của thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên: vị vua Ít-ra-en xưa đã không có gì phải tự hào vì mình được sở hữu những ân ban của Thiên Chúa; ông phó thác sự yếu đuối của mình vào chỉ một mình Thiên Chúa đích thật, Đấng phân phát sự khôn ngoan, ngược lại với các bậc quân vương thời Hy lạp.

2. Lòng quý chuộng Đức Khôn Ngoan:

Vua Sa-lô-mon công bố lòng quý chuộng Đức Khôn Ngoan của mình. Bản văn nhắc lại câu trả lời của Đức Chúa cho vị vua trẻ theo 1V 3: 11, được tô điểm bằng những chủ đề truyền thống minh triết.

“Tôi đã trọng Đức Khôn Ngoan hơn vương trượng, ngai vàng”, nói như thế, không có nghĩa vua Sa-lô-mon đã muốn từ chối ngai vàng của vua Đa-vít, nhưng vì “vì Đức Khôn Ngoan đưa ông lên hàng vương đế”. Tác giả đã khai triển chủ đề nầy ở trên: “Như vậy, chính lòng khao khát Đức Khôn Ngoan đưa chúng ta lên hàng vương giả. Thế nên, hỡi chư vị lãnh đạo các dân, nếu chư vị quý chuộng ngai báu và vương trượng, thì hãy tôn trọng Đức Khôn Ngoan, để chư vị được trị vì mãi mãi ” (Kn 6: 20-21).

Những châm ngôn theo sau là di sản chung mà chúng ta gặp lại trong sách Châm Ngôn, sách Huấn Ca, vân vân, chưa nói đến các Thánh Vịnh. Ví dụ như “Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không bảo vật nào của con so sánh nổi” (Cn 3: 15) hay còn: “Hãy đón nhận lời nghiêm huấn của ta quý hơn cả bạc, hãy đón nhận tri thức quý hơn cả vàng ròng. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không báu vật nào so sánh nổi” (Cn 8: 10-11).

“Tôi đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng”; bằng những lời nầy, vua Sa-lô-môn nhắc nhớ rằng ông đã không cầu xin Thiên Chúa một cuộc sống trường thọ. Rời bỏ cuộc sống hay rời bỏ ánh sáng là những cách nói tương đương trong văn chương kinh thánh cũng như trong văn chương của các dân tộc Đông Phương và ở Hy-lạp.

3. Thành quả của Đức Khôn Ngoan:

Trong sách Các Vua, Đức Chúa đã ca ngợi phẩm chất của lời nguyện xin của vua Sa-lô-mon; để tưởng thưởng cho vua, Ngài đã ban cho ông không chỉ Đức Khôn Ngoan nhưng mọi vinh hoa phú quý mà nhà vua đã không xin.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một bài học gần như thế. Mến chuộng Đức Ki tô hơn sự giàu có là con đường dẫn đến Nước Trời, và “đối với những ai từ bỏ mọi sự vì Ngài và vì Tin Mừng, thì ngay ờ đời nầy sẽ nhận được gấp trăm và đời sau sẽ được hưởng sự sống đời đời ”.

BÀI ĐỌC II (Dt 4: 12-13)

Thư gởi các tín hữu Do thái được gởi đến những người Ki tô hữu gốc Do thái, họ sống xa Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và luyến nhớ các nghi lễ Cựu Ước; hơn nữa, vì những bách hại, vài người mất can đảm đã muốn bỏ rơi niềm tin Ki tô giáo của mình. Bức Thư nầy nhằm an ủi họ và tăng cường đức tin của họ.

Đoạn văn chúng ta đọc hình thành nên một phần của những lời khuyến dụ dài mời gọi hãy trung tín và kiên trì. Tác giả vừa mới gợi lên tấn thảm kịch đối với những ai bất tuân; họ đã không được chấp nhận vào Đất Hứa nhưng phải vùi thây trong sa mạc.

Vì thế, chúng ta hãy giữ mình khỏi bất trung nếu chúng ta muốn đi vào Đất Hứa đích thật, vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: “Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ nầy, kẻo có ai cũng theo gương bất trung đó mà sa ngã” (Dt 4: 11).

1. Nhân cách hóa Lời Chúa.

“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi”. Đây không là lần đầu tiên Kinh Thánh dâng hiến cho chúng ta nhân cách hóa Lời Chúa như vậy. Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã mô tả Lời Chúa, xuống từ trời để đem lại sống cho toàn cõi thế và chỉ trở về với Ngài một khi sứ mạng đã được hoàn thành (Is 55: 10-11). Sách Đệ Nhị Luật cũng đã trình bày Lời Chúa như một sức mạnh nội tại, nguồn sống, nhưng cũng là chứng nhân lên án: “Hãy để tâm vào tất cả những lời mà hôm nay tôi cảnh báo anh em, hãy truyền những lời đó cho con cái anh em, để chúng lo đem ra thực hành tất cả những lời của Luật nầy. Thật vậy, đó không phải là một lời trống rỗng đối với anh em, mà đó là sự sống của anh em, và nhờ lời ấy, anh em sẽ được sống trên đất mà anh em sắp qua sông để chiếm hữu” (Đnl 32: 46-47).

2. Chức năng xét xử của Lời Chúa.

Lời Chúa được nêu lên như vậy vì Lời Chúa có chức năng giáo huấn. Tác giả của thư gởi tín hữu Do thái chuyển từ Lời Chúa có chức năng giáo huấn đến Lời Chúa có chức năng xét xử, đây không phải là một ví dụ độc nhất. Thánh Gioan cũng chuyển dời viễn cảnh như vậy: “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12: 48).

Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái so sánh Lời Chúa với thanh gươm hai lưỡi; không cốt là thanh gươm Công Lý, mà sách Khải Huyền trang bị cho Con Người vào ngày tận thế, vào ngày Chung Thẩm (Kh 1: 16; 19: 15). Từ ngữ gợi lên một dụng cụ của nhà giải phẩu, như một con dao mổ, Lời Chúa “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó là lời phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. Cuối cùng, tác giả đồng hóa Lời Chúa với chính Thiên Chúa: “Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ ra trước lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ”.

Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc được gởi đến cho các Ki tô hữu mà đức tin của họ đang chao đảo, nhưng tác giả ngay tức khắc liên kết vị Thượng Tế biết cảm thương, là Đức Ki tô với những nỗi yếu hèn của chúng ta.

TIN MỪNG (Mc 10: 17-30)

Câu chuyện về một người giàu có nầy đều được cả ba Tin Mừng nhất lãm tường thuật, bởi vì đây là dịp thuận tiện, là cơ hội dể thấy mà Đức Giê-su lợi dụng để minh họa bài học kiểu mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài. Cả ba đều đã cho bài trình thuật của mình tính cách xúc động và thống thiết, nét đặc trưng rất dể thấy tại Mác-cô.

Đức Giê-su vừa lên đường về Giê-ru-sa-lem bằng cách băng qua thung lũng của sông Gio-đan, thì “có một người chạy đến”. Thánh Mác-cô thích làm sinh động những bài trình thuật của mình bởi những động từ chuyển động; ở đây, chi tiết nầy có giá trị của nó: nó chỉ ra sự hối hã và thiện chí, chuẩn bị tương phản với thái độ sau cùng.

1. Sự sống đời đời.

“Sự sống đời đời” là diễn ngữ then chốt của toàn bộ câu chuyện nầy; nó được nêu lên ngay từ đầu với câu hỏi mà người nầy nêu lên và ở cuối với câu trả lời của Đức Giê-su. Đây không chỉ là một ví dụ điển hình về kỷ thuật văn chương đóng khung, nhưng còn định vị tấm thảm kịch sắp diễn ra trong chiều kích cốt yếu của nó. Vấn đề về những mối tương quan giữa người Ki tô hữu và của cải được đặt ra tùy thuộc vào vấn đề cốt yếu nầy: cuộc sống tương lai; vì thế, các môn đệ xao động tận đáy lòng.

Nỗi ưu tư của người nầy phù hợp với những nỗi bận lòng của những môi trường đạo hạnh Do thái giáo ở đó người ta tranh luận về những viễn cảnh cánh chung: sự sống đời đời, chính là gia nghiệp mà Thiên Chúa hứa vào thời tận thế. Phải làm gì để đảm bảo sự sống đời đời?

Người nầy ca ngợi Ngài “Thưa Thầy nhân lành” với một cử chỉ hết mực cung kính: “quỳ xuống trước mặt Người”. Thái độ nầy làm chứng rằng Đức Giê-su nổi tiếng là một vị kinh sư đặc biệt và người nầy tin rằng chỉ có Ngài mới có thể ban cho ông những lời khuyên có giá trị.

Tại sao Đức Giê-su thoái thác phẩm chất “nhân lành” nầy, trong khi lòng nhân hậu của Ngài thì hiển nhiên? Nếu không để hướng tâm trí của người đối thoại về Đấng là nguồn mạch của mọi lòng nhân hậu? Nếu Đức Giê-su thì nhân hậu, chính vì Ngài đón nhận lòng nhân hậu từ Thiên Chúa. Tại Mát-thêu, sắc thái thì hơi khác. Chàng thanh niên hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”. Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi” (Mt 19: 16). Tại các thánh ký có mối bận lòng là không quên thân phận con người của Đức Giê-su, nhất là tại Mác-cô.

Sau khi đã hiệu chính, Đức Giê-su sắp trả lời một cách tích cực, như minh chứng rằng: “Tôi không đến hủy bỏ, nhưng kiện toàn Lề Luật”.

2. Lời kêu gọi kép được gởi đến cho người giàu có.

Thập Giới là nền tảng hàng đầu của Lề Luật. Đức Giê-su chỉ trích dẫn phần thứ hai của Thập Giới, phần liên quan đến những bổn phận đối với anh em đồng loại của mình. Như thế, đối với Đức Giê-su, thực thi giới luật mà Đức Chúa đã truyền dạy là con đường bình thường và đầy đủ để đạt đến “sự sống đời đời”. Người này mau mắn trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Điều nầy chứng tỏ tấm lòng thành tâm thiện chí của anh trên con đường khao khát sự sống đời đời. Câu trả của anh gây ấn tượng mạnh nơi Đức Giê-su. Mác-cô là thánh ký duy nhất cung cấp chi tiết cảm động nầy: “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.

Đối với con người thành tâm thiện chí nầy, Đức Giê-su đề nghị đi xa hơn trên con đường sự sống đời đời: “Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Sau đó, hãy đến theo tôi”. Đây không chỉ là tinh thần siêu thoát mà Đức Giê-su đòi hỏi anh, nhưng một sự từ bỏ của cải để đạt cho bằng được: “kho tàng trên trời”. Đây là theo cách Thiên Chúa. Đối với ai muốn bước đi trên con đường nhân đức, Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi thêm nữa. Những ai Thiên Chúa đem lòng yêu mến, Ngài không để cho kẻ ấy sống trong một cuộc sống tầm thườngnhư bao nhiêu người khác. Thiên Chúa đã xử sự với các ngôn sứ của Ngài như vậy; Đức Giê-su hành xử với các môn đệ của Ngài cũng theo một cách như vậy. Nhưng “nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Chỉ mãi đến lúc nầy chúng ta mới biết được người ấy rất giàu và chính sự giàu có đã ngăn cản không cho anh tích cực đáp lại tiếng gọi trở thành môn đệ của Đức Giê-su.

Tuy nhiên, lý tưởng của sự nghèo khó không xa lạ gì đối với Do thái giáo; các ngôn sứ đã ca ngợi lý tưởng nầy; họ đã công kích những kẻ giàu có; họ đã công bố ơn cứu độ của Ít-ra-en nhờ một nhóm nhỏ còn lại, bị tước đoạt tất cả, chỉ còn lại một niềm tin tưởng vào Đức Chúa…tuy nhiên, vẫn hiện diện trong tâm thức ý tưởng Thiên Chúa hứa ban muôn vàn của cải như phần thưởng cho ai trung thành tuân giữ Lề Luật. Vì thế, ở nơi người Do thái trung thành với luật Mô-sê ngay từ khi còn bé nầy chúng ta gặp thấy lý tưởng của những người Do thái đạo hạnh, họ lấy Thập Giới làm quy luật sống để hướng tới “sự sống đời đời” là kho tàng Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài.

Còn ở đây, Chúa Giê-su được trình bày như là Đấng Mê-si-a đến mặc khải một lý tưởng còn cao hơn lý tưởng của dân Ít-ra-en: “Anh chỉ còn thiếu có một điều”: trung thành với giới luật của Thiên Chúa thì chưa đủ, còn phải bước theo Đấng mà Thiên Chúa sai đến. Trọng tâm của câu chuyện nầy không phải hệ tại ở việc từ bỏ của cải nhưng là gắn bó với Đức Giê-su, yêu mến Ngài trên tất cả. Chúng ta đừng quên rằng câu chuyện về ơn gọi bất thành nầy được ghi lại trên con đường Đức Giê-su quyết liệt tiến về cuộc khổ nạn của Ngài. Như vậy, đức tin Ki tô giáo vừa kiện toàn vừa hoàn tất đức tin Do thái giáo. Người ta không thể trở thành người Ki tô hữu nếu không xem Đức Giê-su là trung tâm và là cứu cánh cuộc đời của mình được. Như một người gặp được viên ngọc quý hay kho tàng chôn dấu trong ruộng, người ta sẳn sàng đánh đổi tất cả để sở hữu cho bằng được Ngài như lời của thánh Phao-lô: “Ai có thể tách tôi ra khỏi lòng mến đối với Đức Ki tô”.

3. Lời mời gọi được gởi đến với mọi người.

“Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh”. Đây là một ghi nhận đặc trưng của thánh Mác-cô (3: 5; 5: 32; 9: 8; 10: 23; 11: 11). Đây không nhằm chi tiết điểm tô; ý nghĩa của nó thì rõ ràng: Đức Giê-su ngỏ lời với dân chúng, chắc chắn đám đông vây quanh Ngài, nhưng không được kể ra, và đám đông vô hình của những Ki tô hữu của mọi thời: “Những người có của mà vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao!”.

Vì các môn đệ hết sức kinh ngạc, Đức Giê-su lập lại đến hai lần lời cảnh giác của Ngài: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao!”.

Việc sánh ví với con lạc đà chui qua lổ kim còn dể hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa là một kiểu nói khoa trương Đông Phương để kích thích sự chú ý. Sự giàu có là một trở ngại trên con đường cứu độ. Đức Giê-su đã nói rồi: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6: 24). Sự cố mà các môn đệ đã chứng kiến mang đến một bằng chứng tỏ tường.

“Thế thì ai có thể được cứu?”, các môn đệ nêu lên câu hỏi nầy không vì những người gắn bó với của cải thì đầy dẫy chung quanh họ, nhưng họ sửng sốt bởi những lời nghiêm khắc của Thầy mình. Đức Giê-su trấn an họ bằng cách khai mở tâm trí của họ vào mầu nhiệm Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với Thiên Chúa, mầu nhiệm ân sủng, mầu nhiệm của lòng xót thương…

Thánh Lu-ca tường thuật câu chuyện của ông Da-kêu không xa mấy sau câu chuyện nầy, như vậy cho một ví dụ về ơn cứu độ của một người giàu có. Ông Da-kêu đã không bao giờ nghĩ bố thí một phần của cải của mình cho những người nghèo, nếu Đức Giê-su đã không viếng thăm gia đình của ông. Vấn đề là câu trả lời của con người trước việc Thiên Chúa đi bước trước.

4. Một phần thưởng kép?

Các tông đồ không thể không so sánh thái độ của họ với thái độ của người giàu có nầy: họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài; ông Phê-rô nhân danh tất cả môn đệ nhắc lại điều đó.

Đức Giê-su trả lời khi nêu lên hai loại phần thưởng: phần thưởng được ban cho “bây giờ, ngay ở đời nầy” và phần thưởng được ban cho trong thế giới tương lai: “sự sống đời đời”.

Có lẽ phải hiểu một chuỗi những phần thưởng đầu tiên theo nghĩa đen. Chắc chắn, ai từ bỏ các người thân yêu và của cải quý giá của mình vì Đức Giê-su, người ấy sẽ gặp thấy ở lòng cộng đoàn Ki tô hữu, một đại gia đình. Nhưng lời giải thích tinh thần thì có vẻ thật hơn; thánh Mác-cô xem ra hiểu như vậy bởi vì thánh ký đặt sự bách hại giữa những phần thưởng trần thế.

Chính ở nơi những của cải nầy mà những Ki tô hữu đã sở hữu rồi, thánh Phao-lô ám chỉ đến khi thánh nhân viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “…coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6: 10).