Suy niệm Tam Nhật Vượt Qua



Lễ Tiệc Ly

Anh Em hãy yêu thương nhau

Trong thánh lễ Tiệc Ly hôm nay Lời Chúa giúp chúng ta suy niệm chủ đề rất quan trọng, đó là: Yêu thương và Phục Vụ.

Thánh Gian ở trong bài Tin Mừng nói rằng: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian và về với chúa Cha. Người vẫn yêu thương họ những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

“Người yêu thương họ đến cùng” có nghĩa là gì?

Nicholas Cabasilas, một tác giả Đông Phương rất nổi tiếng, cho rằng có hai cách thể hiện tình yêu với người khác. Cách thứ nhất bao gồm làm điều tốt cho người mình yêu. Cách thứ hai đòi hỏi hy sinh hơn nhiều, đó là dám chịu đau khổ vì người mình yêu.

Thưa anh Chị em, Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng cả hai hình thức đó: Cách thứ nhất, Thiên Chúa đã yêu chúng ta với một tình yêu hào phóng khi tạo dựng nên ta, ban cho ta biết bao hồng ân bên trong, bên ngoài, tinh thần và vật chất. Như thế vẫn chưa đủ, Thiên Chúa cũng đã yêu chúng ta bằng cách thức thứ hai, khi Người ban Con Một của Người cho chúng ta. Thánh Gioan nói rằng: “Quả thế, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,15). Thiên Chúa chịu đau khổ với chúng ta khi Đức Giêsu trở nên người tôi tớ, người phục vụ, (x. Is 52,14-15), chịu khổ nhục và chết trên thập giá một cách đau đớn nhất, vì ơn cứu độ và hạnh phúc của chúng ta. Cái chết trên thập giá tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất. (x. Thông Điệp Deus caritas est, s. 12), một tình yêu dám hiến mạng vì người mình yêu. Chiều hôm nay Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể và Chức linh mục để nối dài sự hiện diện của Người mãi mãi giữa trần gian. Như thế, ta hiểu được câu “Người yêu thương họ đến cùng” là như thế nào.

Sống yêu thương và phục vụ

Chúa nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga, 13,34). Tất cả chúng ta được mời gọi sống yêu thương và phục vụ nhau như Đức Giêsu đã yêu thương và phục vụ chúng ta. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa cho người xung quanh. Ước gì trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta, đừng có ai là cớ gây chia rẽ nhau, là “con sâu làm sầu nồi canh”. Nhưng cùng nhau cộng tác theo tinh thần Phúc Âm để phục vụ nhau và phục vụ Giáo Hội. Ước gì mỗi người đừng là khố giá cho người khác, nhưng hãy vác thập giá cho nhau, nâng đỡ và khích lệ nhau. Ước gì mỗi người biết chia sẽ với niềm vui và gánh nặng cuộc đời của nhau. Và nói như Đức Hồng Y Thuận, cả cuộc đời hãy học yêu thương. Như thế, chúng ta đang đi vào con đường của Chúa đó là con đường yêu thương và phục vụ, con đường này sẽ mang lại hạnh phúc và niềm vui cho mỗi người chúng ta. Amen

Thứ Sáu Tuần Thánh

Thập Giá, lời chứng về tội lỗi và ơn Tha Thứ

Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng: “Nơi thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa đã nói hết tất cả những gì cần phải nói với con người”.

Ngày hôm qua Chúng ta đã cùng nhau suy về Tình Yêu Của Chúa qua Thập giá Đức Kitô. Hôm này suy niềm về đề tài Thập Giá nói với ta về tội lỗi và ơn Tha Thứ.

1. Trước hết, Thập giá nói về tội lỗi chúng ta

Nếu Thập Giá là mạc khải lớn nhất về tình yêu vô biên của Thiên Chúa, thì thập giá cũng là lời chứng rõ ràng nhất về tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, khi người Do Thái phạm tội chống lại Thiên Chúa, họ bị rắn cắn. Thiên Chúa truyền cho ông Môisê hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được lành. Việc treo con rắn là nhắc nhở cho họ nhớ lại tội lỗi mà họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa.

Cũng thế, Thập giá Đức Kitô nhắc nhở chúng ta ý thức rằng: Chúa Chết vì Tội lỗi của con người thật lớn lao và nặng nề.

Người Tôi Tớ Đau Khổ được mô tả trong bài đọc I là hình ảnh về Đức Giêsu chịu đóng đinh: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưu thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền mien và nếm mùi bệnh tật… Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt… Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 2-5).

Như thế, Đức Kitô đã chết thay, chết vì tội chúng ta (1Cr 15,3). Tuy không mắc tội tình gì nhưng Người đã phải chết trên Thập giá, một cái chết nhục nhã, đau đớn và tức tưởi. Mọi tội lỗi Người đã gánh trên vai Người. Mọi đau khổ Người đã hứng chụi thay cho chúng ta! Thánh Catêrina thành Siena chiêm ngắm thập giá và thốt lên rằng: “Thập giá của Chúa không phải là một sự đùa giỡn”. Không là sự đùa giỡn vì Thiên Chúa đã nộp mạng vì tội của chúng ta!

2. Nhưng thập giá nói với chúng ta về sự tha thứ của Thiên Chúa

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ và oán thù, thì thập giá của Đức Kitô là biểu tượng của lòng tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta.

Thập giá không có Đức Kitô trở thành khổ giá, nhưng thập giá có Đức Kitô trở thành thánh giá, là nguồn ơn cứu độ, là công cụ hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với nhau. Qua thánh giá Đức Kitô chứng tỏ rằng tình yêu chiến thắng tất cả, lòng tha thứ lớn lao hơn sự hận thù và khỏa lấp mọi tội lỗi.

Thánh Edit Stein trong đêm tối lao tù của đế quốc xã, suy ngắm thập giá Chúa và thốt lên rằng: “Tôi thấy bình minh của thế giới đang bắt đầu ló dạng qua thập giá Đức Kitô”. Nhờ thánh giá mà chúng ta được tha thứ, được cứu độ và được làm con cái của Thiên Chúa.

Sống trong thế giới hôm nay, một thế giới chạy theo văn hóa vật chất, hưởng lạc và cá nhân chủ nghĩa. Con người đang rơi vào chủ nghĩa duy tương đối về luân lý. Cái tội lớn nhất của con người hôm nay là đánh mất cảm thức về tội lỗi, đánh mất ý thức về tội. Người kitô hữu được mời nhìn vào Thập giá Đức Kitô để sống có trách nhiệm, và trung thành với lề luật của Chúa, với các giá trị Tin Mừng: đó là biết làm lành lánh dữ, biết cam đảm xa tránh con đường tội lỗi và sống xứng đáng phẩm giá con người và Con Thiên Chúa. Nếu ai trong chúng ta cảm thấy yếu đuối và tội lỗi của mình như rừng như núi, thì cũng nên ý thức rằng Tình Yêu Tha Thứ của Chúa Chúa như đại dương bao la không bờ không bến. Tội chúng ta lớn lao, nhưng lòng tha thứ của Chúa còn lớn lao hơn. Amen.

Thư Bảy Đêm Vọng Phục Sinh

Tam Vượt Qua

Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày trong sự thinh lặng sâu xa, Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương và tín thác nơi Chúa của Mẹ Maria. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến Thánh Lễ vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui Chúa Sống Lại bùng lên. Trong đêm nay, chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết sẽ được công bố và Giáo Hội vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô sống lại.

Vì thế, Đêm này được gọi là Đêm Canh Thức Vượt Qua. Lời Chúa nói tới ba cuộc Vượt Qua.

1. Cuộc vượt qua của Dân tộc Do thái

Dân Do Thái sống lưu đày ở Ai cập khổ sở vì cảnh nô lệ. Thiên Chúa muốn giải thoát Dân riêng của Người. Qua Môise, Chúa dẫn đưa họ vượt qua Biển đỏ về Đất Hứa. Thiên Chúa đã tỏ uy quyền mà giải thoát họ trong cuộc Vượt Qua này. Vì thế hằng năm người Do thái kỷ niệm mừng lễ Vượt Qua này để nhắc nhớ việc Thiên Chúa đã cứu thoát họ. Biến cố này là hình ảnh của cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu.

2. Cuộc vượt Qua của Đức Giêsu.

Để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu đã tự nguyện đi con đường thập giá với cái chết nhục nhã trên thập giá. Đức Giêsu đi vào lòng đất và chốn âm phủ, nơi sâu thẳm nhất kiếp người. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã vượt qua cái chết đó để khai mở một cuộc sống mới trong vinh quang bất diệt cho chúng ta. Người đã chiến thắng sự dữ và thần chết. Người đã chổi dậy từ cõi chết. Như vậy, thế lực sự chết cho dù có mạnh cũng không cầm giữ được Đức Kitô, như lời khẳng định của thánh Phaolô: “Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát với tội lỗi, mà khi Người sống là sống cho Thiên Chúa”. Nhờ cuộc vượt qua của Đức Giêsu, chúng ta có cuộc vượt qua thứ ba, đó là cuộc vượt qua của Giáo hội

3. Cuộc vượt qua của Giáo hội hay cụ thể hơn là mỗi người chúng ta

Khi chúng ta chịu phép Rửa tội, chúng ta đã tham dự vào một cuộc vượt qua của Chúa Kitô: từ nô lệ tội lỗi tới ơn cứu độ, từ sự chết tới sự sống trong Thiên Chúa, từ tội nhân tới việc làm con cái Thiên Chúa.

Như thế, qua thánh lễ hôm nay Giáo hội tuyên xưng rằng: Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Kitô chổi dậy từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã phục sinh đó là niềm tin, niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta đặt hy vọng vào Người là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta xác tín rằng: Tình yêu mạnh hơn cái chết. Sự Thiện sẽ chiến thắng sự dữ. Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành, Thiên Chúa có thể vẽ những đường thẳng trên những đường cong. Vì không có gì là không có thể đối với Thiên Chúa. Dù trời âm u mây mù nhưng mặt trời vẫn chiếu sáng trên đó. Dù cuộc đời có nhiều thất bại ê chề, mõi mệt cuộc sống, gánh nặng đau khổ, sự dữ lan tràn. Nhưng Đức Kitô đã phục sinh, Thiên Chúa vẫn hiện diện và lèo lái cuộc sống chúng. Thiên Chúa vẫn mãi mãi chiến thắng sự dữ!