Năm Thánh Phaolô: Từ Quang Lâm tới Thần Học Thân Xác

Đức Cha Terence Prendergast, Dòng Tên, hiện là Tổng Giám Mục Ottawa, Gia Nã Đại từ năm 2007. Ngài là một học giả Thánh Kinh, từng giảng dạy tại trường Thánh Kinh Giêrusalem. Ngài tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Đại học Fordham, cao học và tiến sĩ thần học tại Trường Thần Học Toronto, và thạc sĩ (licentiate) thần học tai Học Viện Regis. Đức cha Prendergast dạy tại Trường Thần Học Atlantic tại Halifax, nơi sau này ngài sẽ là tổng giám mục, từ năm 1975 tới năm 1981, rồi viện trưởng Học Viện Regis tại Toronto từ năm 1981 tới năm 1987 và là khoa trưởng thần học tại đó trong các năm 1991-1994. Trong mười năm nay, ngài thường xuyên giữ mục thánh kinh hàng tuần trên tờ The Catholic Register. Nhân dịp năm Thánh Phaolô, ngài có viết một số bài mà chúng tôi xin trình bày dưới đây, diễn tiến từ việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai tới các lời dạy về thân xác con người.

Chúa Kitô đến trong vinh quang

Một đêm kia, trong hành trình truyền giáo thứ hai, Thánh Phaolô được một thị kiến. Ngài thấy một người Hy-lạp khẩn khoản yêu cầu ngài: “Xin ngài hãy tới đây, tới Macedonia này giúp đỡ chúng tôi” (Cv 16:9). Đó chính là giờ phút chủ yếu trong công trình truyền bá phúc âm từ Á Châu qua Âu Châu.

Thánh Phaolô mạnh bạo công bố với người Tes-sa-lô-ni-ca rằng Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và họ tin vào sứ điệp của ngài, coi sứ điệp ấy như lời của Thiên Chúa. Họ “từ bỏ ngẫu tượng để phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (1Tx 1:9-10).

Lòng thành thực của họ muốn trở thành tín hữu quả là chân thực: Thánh Phaolô do đó đã có được nhiều mối thân tình sâu sắc với họ. Nhưng rồi, bỗng nhiên bách hại xẩy tới và chỉ sau một ít tuần, ngài phải chia tay với họ. Thánh nhân rất lo lắng không biết họ sẽ ra sao nếu không có ngài ở đó, dạy dỗ họ. Nhưng, sau đó, ngài được an tâm phần nào vì Ti-mô-tê cho ngài hay: tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca luôn được bình an.

Ngài bèn gửi cho họ một bức thư, chính là Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca. Các học giả đều tin rằng đây là tài liệu đầu tiên của Tân Ước được viết thành bản văn, vào khoảng năm 51. Lúc ấy, Thánh Phaolô được tin người Tes-sa-lô-ni-ca đang đau buồn về một số bằng hữu của họ mới qua đời.

Kitô hữu vốn tin vào Thiên Chúa và sự phục sinh của Chúa Kitô. Tuy nhiên, sự biệt ly với người thân yêu, hay việc thấy người thân yêu đau khổ hay mất người thân yêu, tất cả những sự kiện ấy vẫn là những kinh nghiệm đau đớn đối với chúng ta. Trong những lúc như thế, vấn đề đặt ra là đức tin, đức cậy và đức mến có thể giúp ta được gì để đương đầu với các thực tại kia. Đó chính là những tâm tư dằn vặt người Tes-sa-lô-ni-ca lúc Thánh Phaolô viết thư cho họ.

Một trong các chủ đề quan trọng của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca, vì thế, là sự “quang lâm” (parousia) của Chúa Kitô (xem 1:10; 2:19; 3:13; 4:13-18; 5:4, 9, 23). Hạn từ Hy Lạp này nghĩa đen chỉ sự hiện diện và có ý nói tới việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc tận cùng thời gian, nghĩa là vào lúc tận thế. Rõ ràng Thánh Phaolô nói tới biến cố này như một hoàn tất cho chuỗi biến cố đầy cảm kích bắt đầu với cái chết, sự sống lại, lên trời và vinh hiển bên cạnh Thiên Chúa của Chúa Giêsu.

Theo Thánh Phaolô, dường như việc quang lâm ấy chẳng bao lâu nữa sẽ xẩy ra. Thực vậy, cách ngài đề cập đến nó khiến người tân tòng Tes-sa-lô-ni-ca hy vọng là chính họ sẽ được hân hạnh tham dự vào biến cố ấy. Ngoài ra, một số tân tòng còn cho rằng những người chết trước biến cố quang lâm này đã bị kết án là không xứng đáng để được chung chia giờ phút huy hoàng trong lịch sử cứu độ.

Đối với chính sự chết, Thánh Phaolô giảng giải kỹ hơn giúp tín hũu Tes-sa-lô-ni-ca biết phải nhìn mầu nhiệm sự chết ra sao. Ngài cho họ hay: tín hữu phải khóc thương trước sự mất mát người anh chị em thân thương của mình, nhưng không khóc thương theo lối những người “không có niềm hy vọng” (4:13). Đối với Kitô hữu, chết giống như ngủ lúc đêm khuya. Như một tình trạng từ đó người ta tự nhiên thức giấc (hay thức dậy) vào sáng hôm sau: chính vì thế Thánh Phaolô dùng chữ “ngày” để mô tả thời điểm Chúa Kitô “đến” (5:4).

Ngài nói rằng: người chết “đi ngủ” (an giấc) trong niềm tin vào cả Chúa Giêsu lẫn mầu nhiệm chết và sống lại của Người (4:14). Như thế, sự chết của Kitô hữu không phải là án phạt chống lại họ. Thực tế, các Kitô hữu đã qua đời và những người vẫn còn sống trong ngày quang lâm đều hợp nhất trong cùng một đức tin chung vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Cho nên, Kitô hữu nào còn sống sót lúc Chúa Kitô đến đều không có lợi điểm chi hơn người đã qua đời.

Thánh Phaolô sử dụng một số hình ảnh để giải thích thực tại quang lâm. Trước nhất, ngài dùng kinh nghiệm của thế giới Hy Lạp về một cuộc kinh lý của hoàng đế tới một thành phố của nước ông, để mọi Kitô hữu nhận thức họ phải ra chào đón Chúa Kitô lúc Người “đến” khai mạc việc Người vĩnh viễn thống trị vũ trụ như thế nào. Sau đó, ngài dùng một hình ảnh khác lấy từ Cựu Ước, đó là ý niệm ‘thánh chiến” theo đó Thiên Chúa tới trợ giúp Ít-ra-en đánh bại kẻ thù của dân Chúa chọn. Theo cái nhìn này, kẻ thù cuối cùng cần đánh bại chính là “Sự Chết” (mặc dù việc đánh bại sự chết này đã được sự phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô đảm bảo).

Do đó, những thuật ngữ như “hiệu lệnh ban ra”, “tiếng tổng lãnh thiên thần” và “tiếng kèn của Thiên Chúa” (4: 16) đều là các hình ảnh rút ra từ truyền thống “thánh chiến”. Trong trận đánh sau cùng của “thánh chiến” chống lại Sự Chết này, chính Chúa Kitô sẽ đến như người đại diện Thiên Chúa để cứu các tín hữu cả sống lẫn chết khỏi nanh vuốt Sự Chết.

Hình ảnh cuối cùng được Thánh Phaolô để lại cho người đọc là hình ảnh trong đó, mọi tín hữu sẽ hiện diện với Chúa Kitô và với nhau “trên đám mây” hay “trên không trung”. Các kiểu nói này chỉ có ý nhắc tới nơi chốn mà người ta thường cho là chỗ Thiên Chúa ngụ cư, nghĩa là “ở trên trời”. Chính vì thế, Thánh Phaolô kết luận: “Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (4:17).

Vì Chúa Kitô quang lâm, nên sự đau đớn phải ly cách người thân yêu của chúng ta đã được mãi mãi vượt qua. Niềm xác tín này chính là nguồn ủi an cho mọi Kitô hữu (4:18). Như thế, theo quan điểm của Thánh Phaolô, trời có nghĩa là được tái hợp với người thân cũng như được kết hợp với Thiên Chúa. Còn nhiều hình ảnh khác về sự chết cũng đã được nói tới trong Thánh Kinh, nhưng Thánh Phaolô mường tượng ra rằng việc tái hợp mà ngài hy vọng có được với tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca sẽ là cuộc tập dượt cho sự sống đời đời mà tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ sau khi qua đời.

Bản chất phức tạp của tận thế

Thư thứ nhất và thư thứ hai gửi tín hữu Tes-a-lô-ni-ca đều tập trung vào giáo huấn về Ngày Quang Lâm, tức việc Chúa Giêsu sẽ đến vào ngày tận thế.

Sau khi nhận được thư thứ nhất của Thánh Phaolô, một số tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca hình như đi tới kết luận cho rằng Ngày Quang Lâm kia gần lắm rồi, đến nỗi họ ngưng không làm ăn chi nữa để lúc nào cũng sẵn sàng đón mừng Chúa Kitô đến (2 Tx 3:6-12). Chính vì thế, thư thứ hai gửi cho họ đã nhấn mạnh rằng kết luận như thế là sai lầm. Kitô hữu không được từ bỏ thách đố làm ăn lúc còn sống ở trên đời với lý do phải sẵn sàng chào đón Chúa trở lại hay vì lầm tưởng Người đã trở lại rồi.

Thánh Phaolô, dù rất mong chờ việc Chúa trở lại, nhưng luôn dấn thân vào việc chăm chỉ lao động. Ngài quả là một gương mẫu cho các Kitô hữu bắt chước. Công việc làm ăn vất vả của ngài cho thấy ta phải sống ra sao trong khi chờ mong ngày sau hết: bằng cách không trở thành gánh nặng cho người khác hay cản trở công việc của họ.

Dù hết sức mong ước được thấy Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu, Kitô hữu chúng ta phải dấn thân trọn vẹn vào các nhiệm vụ và cam kết trần thế của mình. Thái độ làm môn đệ Chúa Kitô của ta dưới ánh sáng ngày Người lại đến không phải là thái độ “hoặc là/hoặc là” (hoặc là hoàn toàn dấn thân vào việc làm ăn hoặc là mong đợi ngày Chúa đến) mà phải là “vừa/vừa” (vừa hoàn toàn dấn thân làm chứng đối với người khác qua việc lao động trong thế gian vừa sốt sắng chờ mong được thấy sự thống trị của Chúa hoàn tất vào ngày tận thế).

Cả hai thư gửi tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca đều nói về những gì sẽ xẩy ra vào ngày sau cùng. Tuy nhiên, chúng lại rất khác nhau về chi tiết và rõ ràng thư thứ hai đã phản ảnh cả cấu trúc lẫn ngôn ngữ của thư thứ nhất. Điều ấy khiến nhiều học giả cho rằng thư thứ nhất gửi tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca là thư thực sự của Thánh Phaolô, còn thư thứ hai chỉ là một ngụy thư (do một người khác viết, như một người kế vị hay một người giải thích chẳng hạn, nhưng cho rằng mình có thế giá của Thánh Phaolô và nhân danh ngài mà viết).

Tuy vậy, các luận chứng không có chi có tính kết luận cả. Vì thế, tốt nhất nên coi thư thứ hai gửi tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca như là thư để Thánh Phaolô nói tới các vấn đề chưa được ngài nói tới trong thư thứ nhất hay để ngài xử lý các vấn nạn do việc giải thích sai thư thứ nhất kia tạo ra, nhất là về vấn đề quang lâm của Chúa Giêsu Kitô và việc ta được qui tụ lại với Người ra sao.

Trong thư thứ hai này, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng các hình ảnh cổ truyền liên quan đến ngày sau hết của thế gian hàm chứa điều này: một số những “biến cố” khác phải xẩy ra trước khi một loạt các biến cố thuộc ngày sau hết sẽ xẩy tới (xem 2 Tx 2:3-12). Các biến cố giáo đầu kia mô tả các lực lượng xấu đang gom sức để tấn kích lần cuối cùng dân thánh của Thiên Chúa. Liên minh của Sự Chết trong trận tấn kích cuối cùng dành trái tim con người đó được miêu tả là “tên vô luật lệ”, một con người, cùng với Satan, luôn chống lại nước Thiên Chúa.

Kitô hữu, những người luôn tỉnh thức sống thực cuộc sống mình, không cần phải sợ tên vô luật lệ ấy, vì “Chúa Giêsu sẽ hạ thủ nó bằng hơi thở từ miệng của Người… bằng việc Người xuất hiện và quang lâm” (2 Tx 2:8).

Mỗi thư của Thánh Phaolô (trừ thư gửi tín hữu Galát) đều bắt đầu bằng một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban ơn phúc cho cộng đoàn Kitô hữu qua sự sống lại của Chúa Giêsu (“theo ơn phúc của Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô”). Những lời cầu nguyện ấy có thể được coi như những khúc dạo đầu (giống như những khúc giáo đầu dẫn vào đại nhạc kịch hay những màn trình diễn lớn) trong đó các thể tài chính của thư được ngụ ý.

Lời cầu nguyện của Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca chính là các câu 1:3-12. Đoạn này nói đến lòng kiên nhẫn giữa cơn bách hại của Kitô hữu và việc Chúa Kitô quang lâm sẽ chấn chỉnh mọi việc ra sao. Việc ấy sẽ đem lại vinh quang không những cho Thiên Chúa và Chúa Giêsu mà cho cả các Kitô hữu là những người bám vững vào Thiên Chúa bằng đức tin, đức cậy và đức mến (“danh của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người”).

Thiên Chúa có mục tiêu như sau: nhờ Chúa Giêsu, mọi người chúng ta sẽ được chia sẻ Nước Thiên Chúa sau khi Chúa Kitô đã thắng trận đánh sau cùng đánh bại mọi kẻ thù của Giáo Hội. Đó chính là sứ điệp đầy an ủi của thư thứ hai gửi tín hữu Tes-sa-lô-ni-ca và của các bài đọc thánh kinh trong các tuần cuối cùng của năm phụng vụ.

Sự kiện Tân Ước hay trình bày cả một loạt phức tạp gồm nhiều hình ảnh khác nhau để mô tả ngày tận cùng của thế gian cho ta thấy Kitô hữu không nên lo lắng coi Ngày Quang Lâm như một khả thể ngày lại qua ngày. Đúng hơn, họ phải cùng một lúc vừa sẵn sàng đón chờ giờ phút Quang Lâm gần kề của Chúa vừa sẵn sàng kiên vững trong đức tin cho một chờ đợi lâu dài đối với biến cố ấy.

Cũng như đã xẩy ra trong nhiều thế kỷ qua, bất cứ ai vốn đặt hy vọng nơi Chúa Kitô phải sống mỗi ngày như thể đó là ngày sau hết, luôn sẵn sàng gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô khi Người xuất hiện, vì Người từng nói: “chúng con không biết ngày giờ đâu” (Mt 24:13).

Còn một kỳ