Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm A

Các bài đọc Chúa Nhật tuần này có một điểm giống nhau là nói về thái độ khác nhau của những người tin vào Thiên Chúa khi gặp Ngài trong những cơn giông tố của cuộc đời.

Đời tôi là một cuộc hành trình tiến về quê trời. Trong cuộc hành trình ấy, tôi đã, đang và sẽ gặp rất nhiều gian nan thử thách. Như ngôn sứ Êlida phải đương đầu với Hoàng Hậu Giadêbel và phải chạy trốn vào hang núi, tôi cũng bị người ta tẩy chay vì muốn làm theo lời Chúa dạy, và đôi khi cũng muốn chạy trốn. Như dân Do Thái bị dày xéo dưới ách nô lệ ngoại bang và mong chờ Đấng Mêsia đến cứu, thì tôi cũng có những tật xấu không tài nào bỏ được, cũng có những hoàn cảnh éo le vô phương cứu chữa, cần Chúa giúp đỡ. Như các môn đệ vật lộn với sóng gió trên Biển Hồ mà không biết sao chèo chống mặc dù họ là những ngư phủ nhà nghề, đời tôi cũng gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác mà không biết sao giải quyết! Và trong cả ba trường hợp, Thiên Chúa đều hiện đến để cứu giúp. Phản ứng của ngôn sứ Êlida, của dân Do Thái và của các môn đệ là bài học cho tôi hôm nay.

1) Ngôn sứ Êlida nhận ra Thiên Chúa trong tiếng gió hiu hiu, thay vì trong cơn bão xé non nghiền đá, thay vì trong cơn động đất kinh hoàng. Ngôn sứ Êlida đã dễ dàng nhận ra Chúa trong cơn gió nhẹ hiu hiu và đã tiến ra cửa hang đá để đón Ngài vì suốt đời ông đã luôn lắng nghe Lời Chúa và làm theo huấn lệnh của Ngài.

2) Dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn thành dân riêng và luôn cứu giúp. Họ hãnh diện vì họ “được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa” (Rom 9:4) như Thánh Phaolô viết trong bài đọc hai. Ngay cả các tổ phụ đức tin của chúng ta cũng là của họ. Và chính Đấng Mêsia, là Đức Kitô, cũng là dân của họ, có cùng một giòng máu và màu da như họ. Thế mà khi Ngài đến trong lúc họ đang nôn nóng mong chờ Ngài, họ đã không nhận ra Ngài, dù Ngài đã làm bao nhiêu phép lạ như hóa bánh ra nhiều được kể trong bài Tin Mừng tuần qua. Sở dĩ họ đã không nhận ra Ngài vì họ muốn có một Đấng Mêsia theo ý họ chứ không theo ý Chúa. Họ nuôi trong lòng một hình ảnh một Đấng Mêsia sẽ đưa đến cho họ một thứ vinh quang và uy quyền trần thế; một Đấng Mêsia có đoàn quân hùng mạnh như những cơn giông bão xé non nghền đá, như những cơn động đất chuyển núi rời non; một Đấng Mêsia sẽ cho họ bá chủ hoàn cầu đến muôn đời. Chính vì quan niệm như thế nên họ đã không nhận ra Ngài trong hình dạng một bậc thiền sư “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29), trong hình dạng một người “cùng bàn với bọn thu thuế và phường tội lỗi?” (Mt 9:11; Lc 5:30), và cuối cùng là một tử tội bị chết treo trên Thập Giá.

3) Còn các môn đệ trong lúc đang vật lộn với cơn sóng gió Biển Hồ cũng đã không nhận ra Chúa. Tuy tin vào Chúa, nhưng các ông vẫn dựa vào sức mình mà vật lộn với ba đào. Khi Chúa đến cứu thì các ông đã tưởng là “ma”. Không chỉ lần này, mà cả lần sau khi Ngài sống lại hiện ra với các ông, các ông cũng “tưởng là ma” (x. Lc 24:37). Sở dĩ các ông có thái độ ấy vì lòng tin của các ông còn quá yếu.

Chúa nhiều lần xuất hiện trong đời tôi dưới những khuôn mặt tầm thường mà tôi cũng không biết và không nhận ra. Tôi thường tìm Chúa trong những hình ảnh do mình dựng nên, theo những quan niệm mà tôi đã có sẵn về Ngài, nên khi Ngài xuất hiện cách khác tôi không tài nào nhận ra được. Ngài hiện diện hằng ngày nơi những người chung quanh tôi, nơi vợ con và bạn bè tôi mà tôi không biết. Ngài đã xuất hiện như một em bé bất lực trong lòng Mẹ Maria. Và ngày nay Ngài vẫn đang xuất hiện như những trẻ em còn trong bụng mẹ đang cần tôi bênh vực vì người ta đang nhẫn tâm giết chết cả mấy chục triệu em mỗi năm, mà không một mảy may thương xót. Ngài đang hiện thân nơi những người nghèo hèn bệnh tật đang cần tôi giúp đỡ. Sở dĩ tôi không nhận ra Ngài vì tôi đang coi thường những người yếu thế trong xã hội, đang đi tìm một Đấng Mêsia thế tục là tiền tài, danh vọng và thỏa mãn cá nhân, chứ không phải đi tìm một Thiên Chúa nhân từ trong ngọn gió hiu hiu. Ngài xuất hiện trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể để ở cùng tôi “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20), mà một tuần tôi đến được với Ngài mấy lần? Và nhiều khi tôi đến vì bất đắc dĩ, thân xác thì ở đó mà lòng trí thì vẫn lo toan tính sự đời. Ngài ở trong Thánh Kinh mà tôi để trong tủ cả năm không một lần đụng đến!

Nhiều khi trong những cơn giông tố cuộc cuộc đời, trong những đau khổ thất vọng ê chề, trong khi vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống, Chúa cũng đã sai nhiều người đến để giúp đỡ, nhưng vì tôi không ưa họ hoặc vì nghe thấy họ nói những lời chói tai, nên tôi cũng tưởng họ là “ma” mà không tin họ. Ngài cũng xuất hiện trong Thánh Kinh, trong các sách đạo đức và những lời giảng dậy mà tôi đọc hay nghe thấy mỗi ngày, nhưng tôi đã coi thường. Ngài còn xuất hiện trong nhiều biến cố của đời tôi, nhưng tôi không biết hoặc không muốn biết.

Đôi khi tôi cũng tin vào Ngài và thử nghe lời Ngài, bước ra khỏi thuyền để đi bộ trên nước như Thánh Phêrô. Nhưng thường thì tôi chưa làm đã mong thấy thành công. Giống như Thánh Phêrô, thay vì nhìn lên Chúa để đi về phía Người, tôi đã nhìn xuống mặt biển và hãnh diện rằng rằng mình đang đi trên nước. Mới thấy mình thành công một tí đã tự hào là mình tài giỏi, mà quên rằng tất cả những gì tốt tôi làm được là do hồng ân Chúa ban. Chính vì thế chỉ gặp một chút thử thách là tôi đã chán nản bỏ cuộc, như Thánh Phêrô vì thấy sóng gió mà mất niềm tin nên đã bị chìm.

Lạy Chúa, đời con có quá nhiều giông tố như con thuyền đang vất vả với ba đào nơi biển cả. Xin cho con biết vững tin chèo lái vì biết rằng lúc nào Chúa cũng ở bên con. Xin cho con biết luôn hướng tâm về Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời để quân thù không làm hại được con. Xin cho con biết kêu cầu cùng Chúa khi gặp hiểm nguy: "Lạy Chúa, xin cứu con!" Amen.