Tóm tắt về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị CHAN và HIV ở Thuỵ Sĩ, Pháp và Đức

Trích yếu: Tường trình tóm tắt về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị CHAN ở Geneva, Thuỵ Sĩ, với Secours Catholique - Caritas France (SCCF), tại Pháp và với Caritas Germany, tại Đức.

Kính thưa Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội,

Kính thưa Quý Hồng y và Quý Đức cha,

Con xin thay mặt cho đoàn Việt Nam, trong tư cách là Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH), vừa mới tham dự các hội nghị liên quan đến các công tác bác ái xã hội để tường trình tóm tắt về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị CHAN ở Geneva và các buổi làm việc với Secours Catholique – Caritas France (SCCF), tại Pháp và với Caritas Germany, tại Đức.

Bản tường trình chi tiết sẽ được trình lên Đức Hồng y và Quý Đức cha sau này cùng với báo cáo của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong tư cách là trưởng đoàn đại biểu tại Hội nghị CHAN về HIV/AIDS ở Geneva.

1. Hội nghị Quốc tế về HIV/AIDS của CHAN ở Geneva

Đức ông Vitillo và Đoàn Việt Nam
Để chuẩn bị cho Hội nghị Quốc tế này, UBBAXH đã tổ chức một hội thảo vào ngày 27-5-2008, tại Trung tâm Công giáo, 72/12 Trần Quốc Toản, TP.HCM, với sự tham dự của hơn 30 đại biểu đến từ 12 giáo phận quan tâm nhiều đến vấn đề HIV/AIDS và đã soạn thảo nên chương trình hành động trong giới Công giáo về HIV/AIDS tại Việt Nam.

Đoàn Việt Nam gồm Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt là trưởng đoàn; Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH; Lm. G.B. Phương Đình Toại, MI., điều phối viên mục vụ về HIV thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM; Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hiền, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế. Đoàn Việt Nam đến Geneva ngày 2-6-2008. Đức ông Robert Vitillô, Chủ tịch đoàn Chủ tịch CHAN đã tận tình đón tiếp và giúp đỡ đoàn Việt Nam trong suốt thời gian hội nghị.

Hội nghị đã dành trọn ngày 3-6-2008 để đoàn Việt Nam báo cáo tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam và việc đối phó hiện nay của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam trước đại dịch này. Sau đó, đại diện các tổ chức Misereor Đức, Caritas Đức, Catholic Relief Service Hoa Kỳ tường trình các hoạt động tài trợ và cùng bàn luận với đoàn Việt Nam về phương hướng hành động trong tương lai.

Buổi tối, đoàn được Đức Tổng Giám mục Sứ thần Toà Thánh tại Geneva tiếp đón và dùng bữa tối tại Toà Sứ Thần vì ngài rất quan tâm và yêu mến Việt Nam.

Từ ngày 4 đến 6-6-2008, đoàn được tham dự các buổi thảo luận của các thành viên CHAN về các hoạt động chữa trị và phòng ngừa, cách sử dụng những thuốc mới và những tiến bộ của việc chữa trị HIV/AIDS trong năm qua do những chuyên viên thuộc các tổ chức của Liên Hiệp Quốc trình bày. Hội nghị cũng bàn về khía cạnh thần học mục vụ và đại kết trong việc phòng ngừa HIV/AIDS. Đoàn Việt Nam đã học hỏi được nhiều điều mới lạ từ hội nghị này. Các tham dự viên bày tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ đối với bản trình bày xúc tích và cả điểm mới lạ về bối cảnh xã hội, văn hoá của đoàn Việt Nam. Đại biểu của các tổ chức cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt là Giáo hội Việt Nam trong việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS.

2. Hội nghị với Secours Catholique - Caritas Pháp

Rời Geneva vào sáng ngày 7-6-2008, đoàn Việt Nam gồm Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và Lm. G.B. Phương Đình Toại đã đến Pháp vào buổi trưa cùng ngày để làm việc về những vấn đề 2 bên cùng quan tâm. Đoàn đã làm việc với ông Aloysius John, cô Delphine, ông Philipphe Simon, bà Madaleine Alambret trong suốt 2 ngày 9 và 10-6-2008. SCCF đã quan tâm đến các hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội Công giáo Việt Nam, việc mở lại hoạt động của Caritas Việt Nam và hội ý với UBBAXH về các dự án mà SCCF đang thực hiện ở Việt Nam. SCCF hứa đóng góp vào quỹ dự phòng thiên tai của Hội đồng Giám mục Việt Nam để tạo điều kiện cho UBBAXH hoạt động, cam kết sẽ trợ giúp hoạt động của các Ban BAXH của giáo phận và đề nghị UBBAXH giúp đỡ SCCF để các dự án đi sát với thực tế và hiệu quả hơn. SCCF cũng sẽ gửi chuyên viên để đào tạo cho UBBAXH và các Ban BAXH giáo phận về việc báo cáo tài chính và kiểm toán cho phù hợp với đòi hỏi của các cơ quan quốc tế hiện nay.

3. Hội nghị với Caritas Germany

Rời Paris lúc 7 giờ sáng ngày 11-6-2008, đoàn đáp xe lửa sang Đức và đến Freiburg, trụ sở của Caritas Đức vào lúc 12 giờ cùng ngày. Đoàn được tiến sĩ Oliver Mller, Trưởng Ban Quốc tế; cùng với bà Christine Wegner-Schneider, điều phối viên của chương trình, tiếp đón. Sau khi giới thiệu những hoạt động của nhau cũng như những vấn đề cùng quan tâm và bàn thảo trong chương trình nghị sự, đoàn Việt Nam về nghỉ tại khách sạn gần đó để lại tiếp tục làm việc vào lúc 16 giờ đến 18g30 với tiến sĩ Reinhard Wrkner, Trưởng phòng châu Á về Chương trình Phòng chống HIV ở Việt Nam. Đoàn ăn tối với ông bà Gnter Hưlter, Cựu Trưởng bộ phận Quốc tế của Caritas Germany, tại thành phố Saint Peter/ Black Forest.

Ngày 12-6-2008, sau Thánh lễ tại nhà nguyện trung tâm của Caritas Đức, vào lúc 8g40, đoàn làm việc với tiến sĩ Reinhard Wrkner, bà Christine, cô Vogt về việc liên kết giữa 2 đoàn để phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, về việc trợ giúp cho hoạt động của UBBAXH và các hoạt động của Ban BAXH giáo phận. Đoàn cũng làm việc với ông Klaus Snger về chương trình kế toán để báo cáo các hoạt động về mặt tài chính. Sau bữa ăn trưa, đoàn làm việc với cô phóng viên Monika Hoffmann, phỏng vấn về các hoạt động bác ái và HIV/AIDS tại Việt Nam. Đoàn tiếp tục làm việc với tiến sĩ Reinhard Wrkner và với ông Karl Ammann, chuyên viên Phòng chống Thiên tai về các hoạt động giảm thiểu thiệt hại thiên tai dựa vào cộng đồng.

Caritas Đức cam kết sẽ giúp đỡ UBBAXH - Caritas Việt Nam trong việc củng cố và phát triển mạng lưới hoạt động tại các giáo phận, tăng cường cường cho văn phòng uỷ ban ở trung ương và tài trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Sáng sớm ngày 13-6-2008, đoàn đáp xe lửa từ Freiburg trở lại Paris vào lúc 11 giờ; và 13g30 cùng ngày, từ phi trường Paris, đoàn trở về Việt Nam và đến phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 10g30 ngày 14-6-2008.

Chúng con xin hết lòng cám ơn Quý Hồng y và Quý Đức cha đã cầu nguyện và chúc lành cho chuyến đi của chúng con được thành công tốt đẹp.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tổng Thư ký UBBAXH


----

BÀI PHÁT BIỂU TẠI HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CỦA CHAN TẠI GENEVA

TỪ NGÀY 3 ĐẾN 6-6-2008

Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam


Kính thưa:

Đức Ông Robert Vitillô, Chủ tịch,

Quý vị đại biểu, khách quý,

Các bạn tham dự viên thân mến,

Trước hết, thay mặt cho đoàn đại biểu Việt Nam, chúng tôi xin trân trọng chào mừng Đức ông Robert Vitillo và tất cả các bạn đang hiện diện trong Hội nghị này.

Thật là một vinh dự lớn lao cho đoàn đại biểu Việt Nam lần đầu tiên được tham dự Hội nghị Thường niên của CHAN với tư cách là đoàn chính thức do Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) cử đi. Chúng tôi hết lòng cám ơn Đức ông Chủ tịch Robert Vitillo và các bạn bè đã dành riêng một ngày cho Việt Nam để tìm hiểu về tình trạng HIV tại Việt Nam và những đáp ứng của Giáo Hội đối với tình trạng này. Tấm lòng ưu ái của các bạn càng thúc đẩy chúng tôi dấn thân cho những người anh chị em đau khổ đang có HIV tại đất nước chúng tôi.

1. Giới thiệu thành viên của đoàn Việt Nam

Đến với Hội nghị lần này, HĐGMVN đã muốn đề cử chính vị Chủ tịch của HĐGMVN là Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nhưng vì ngài phải công tác ở bên Đức và một vài nước châu Âu nên HĐGM đề cử tôi là TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Thư ký HĐGMVN đi thay. Hơn nữa, trong tháng Giêng vừa qua (từ ngày 14 đến 16-1-2008), một cuộc Hội thảo Quốc tế về HIV được tổ chức tại Toà Giám mục Hà Nội với 74 tham dự viên đến từ 14 giáo phận và 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Đức ông Robert Vitillo đã dành nhiều thời giờ để hướng dẫn cho các đại biểu.

Cùng đi trong đoàn lần này có Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội của HĐGMVN; Lm. J.B. Phương Đình Toại, MI, điều phối các hoạt động mục vụ về HIV của Toà Tổng Giám mục TP.HCM; Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hiền, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, thành viên của Ban Mục vụ về HIV của Tổng Giáo phận Huế. Như thế là chúng tôi có đủ thành phần đại biểu của 3 giáo tỉnh trong Giáo hội Việt Nam.

2. Điểm qua tình hình HIV ở Việt Nam

Chắc chắn quý vị đã biết rất rõ về tình hình lây nhiễm và lan rộng HIV nhanh chóng ở Việt Nam hơn chúng tôi. Kể từ lần đầu tiên phát hiện người nhiễm HIV, vào tháng 12-1990, đến cuối năm 1999, Bộ Y tế ước tính có 90.000 người, và đến cuối năm 2007, số người nhiễm lên tới 300.000 người. Mỗi ngày có khoảng 100 người nhiễm HIV mới và 40 người chết vì AIDS. Đây là con số kinh hoàng vì hơn cả số người chết do tai nạn giao thông (30 người/ngày).

Tuy nhiên, đây có thể mới chỉ là con số ước lượng đã được hạ thấp. Chúng tôi nghĩ rằng con số này có thể cao hơn vì sự lây lan qua đường tình dục ngày một tăng cao, với 55.000 cô gái mại dâm đang hành nghề. Nếu chỉ có 5% các cô gái này nhiễm HIV thì số người nhiễm HIV mới mỗi ngày có thể lên gấp 3 lần con số phỏng đoán hiện tại. Trong một đất nước đang phát triển như ở Việt Nam, phụ nữ nhiều hơn nam giới (gần 51%) mà trình độ văn hoá rất thấp (chỉ mới qua bậc tiểu học), nghề nghiệp chuyên môn không có, đa số là nghèo đói (chiếm 22% dân số), thì mại dâm là một phương tiện để sống còn đối với một số người và cũng là con đường lây lan HIV nhanh chóng cho nhiều người khác.

Trong thời gian từ 1990-2005, đa số người nhiễm HIV là những người nghiện ma tuý vì đã dùng chung kim chích với nhau. Số người nghiện ma tuý hiện nay cũng còn rất lớn: 180.000 người. Vấn đề phòng chống HIV ở Việt Nam khác với nhiều nước khác là nó gắn liền với việc phòng chống ma tuý. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là cầu nối quan trọng để đưa ma tuý từ Tam Giác Vàng giữa Thái Lan, Myanmar qua Lào, Campuchia để vào Việt Nam và đi tới nhiều nước trên thế giới, nhất là trong nền phát triển thương mại thế giới như hiện nay.

Như thế, việc lây nhiễm HIV ở Việt Nam gắn bó nhiều với các vấn đề xã hội khác như nghiệm ma tuý, mại dâm, nghèo đói, di dân, thất học và cả nền thương mại thế giới. Bài phát biểu của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn sẽ giới thiệu với quý vị những nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng này.

3. Đường hướng hoạt động của Giáo Hội ở Việt Nam trong lĩnh vực HIV

Chúng tôi phải thú nhận rằng, hoạt động về lĩnh vực HIV của Giáo Hội tại Việt Nam còn rất ít và rất yếu do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chúng ta sẽ cùng phân tích trong cuộc Hội thảo. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên khái quát một vài đường hướng hoạt động của Giáo hội Việt Nam như sau:

3.1. Hội đồng Giám mục Việt Nam trao trách nhiệm cho Uỷ ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam tổ chức và phối kết các hoạt động phòng chống HIV trên toàn quốc và liên kết với cộng đồng thế giới. Muốn thế, cần tổ chức cơ cấu cho các Ban Bác ái Xã hội - Caritas giáo phận có văn phòng và nhân viên làm việc thường trực với phương tiện làm việc tối thiểu để hoạt động bác ái xã hội, đặc biệt là hoạt động về HIV/AIDS. Thực ra cho đến nay, ngoài Văn phòng Uỷ ban Bác ái Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam có cơ cấu đơn giản, mới chỉ có Tổng Giáo phận TP.HCM là có một văn phòng lo cho người HIV/AIDS với một số nhân viên phục vụ. Còn lại 25 giáo phận khác hầu như chưa có gì về HIV/AIDS.

3.2. Muốn phòng chống HIV/AIDS hiệu quả phải chú ý đến lĩnh vực truyền thông cho quần chúng có đạo cũng như không có đạo.

Việc truyền thông này Nhà nước cũng đã làm trong những năm qua bằng một vài hình ảnh trên tivi, bài viết trên báo chí nhân ngày HIV hằng năm, hoặc một số tổ chức thiện nguyện đi phát các poster hay tờ bướm về HIV/AIDS, hoặc một vài biểu ngữ gắn trên đường phố. Tuy nhiên, những hình ảnh ghê sợ, lời ghi tiêu cực đã làm cho dân chúng khiếp sợ, xa lánh và kỳ thị đối với người có HIV và chúng cũng gây ra nhiều ngộ nhận với giáo huấn của Giáo Hội như vấn đề sử dụng bao cao su hoặc phá thai. Vì thế, Giáo Hội cần phải có một nội dung truyền thông thích hợp, tích cực và đầy tình yêu thương với người có HIV.

Nội dung truyền thông này cần được thống nhất và được truyền bá cho nhiều thành phần dân Chúa, nhất là những người tín hữu giáo dân trong các giáo xứ để họ loan báo cho các anh chị em trong địa phương mình.

Nội dung truyền thông cũng không phải chỉ nói về việc phòng chống HIV/AIDS mà còn là những bài học nhân bản dạy về việc tôn trọng sự sống, tôn trọng tình yêu cao thượng và chung thuỷ, dạy những kỹ năng sống cho các bạn thanh niên, sức khoẻ sinh sản cho người phụ nữ, thậm chí cả việc tổ chức tín dụng nhỏ để họ vượt qua đói nghèo.

Uỷ ban Bác ái Xã hội đã thực hiện một số buổi truyền thông cho hai giáo phận Long Xuyên và Cần Thơ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Uỷ Ban cũng đang cùng với Ban Truyền thông biên soạn một số nội dung truyền thông cần thiết.

3.3. Để giúp đỡ những người HIV hiệu quả

- Cần phải để ý đến đời sống của những người HIV/AIDS vì đa số họ là những người nghèo. Một số cô gái mại dâm dù biết mình nhiễm HIV vẫn phải hành nghề vì phải nuôi sống mình hay gia đình mình mỗi ngày. Do đó, phải giúp cho họ có công ăn việc làm bằng sự trợ giúp như dạy nghề, vay vốn tín dụng nhỏ, nhất là giúp cho cộng đồng không kỳ thị và xua đuổi họ.

- Trong hoàn cảnh còn khó khăn hiện nay, nhiều chính quyền địa phương rất ngại quy tụ những người nghiện ma tuý hay nhiễm HIV/AIDS vào một cơ sở nhất định vì sợ lây nhiễm, sợ mất danh hiệu văn hoá hoặc nhiều lý do khác; các giáo phận, giáo xứ có thể dùng tạm cơ sở nhà xứ hay Ban Mục vụ để làm chỗ tham vấn cho người HIV. Từ cơ sở này ta có thể nhờ một số bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý chăm sóc cho người có HIV, hoặc nhờ các linh mục, tu sĩ tham vấn cho họ về vấn đề tâm linh.

- Ban Bác ái Xã hội giáo phận hay giáo xứ có thể lập danh sách những người có HIV hoặc những người đã đến tình trạng AIDS đang phải sống nghèo khổ, thiếu thuốc chữa trị để nhờ cộng đồng địa phương hay tổ chức khác giúp đỡ. Nhất là khi họ qua đời, họ cũng cần được an táng một cách đầy đủ và xứng đáng.

- Ban Bác ái Xã hội Trung ương và Giáo phận sẽ cố gắng gây ý thức để có nhiều tổ chức, cộng đồng dân Chúa, nhất là những người thân trong gia đình có người nhiễm HIV, tích cực chia sẻ và giúp đỡ những nạn nhân này.

Kính thưa Quý vị,

Trên đây chỉ là một vài nhận định sơ khởi trong ngày làm việc của CHAN dành cho Việt Nam. Cầu chúc cho Hội nghị thành công tốt đẹp.

Chân thành cám ơn Quý vị đã lắng nghe.

+ Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam