Văn Hóa Gia Đình Việt Nam và Nếp Sống Xứ Đạo bên Mỹ:



(Bài thuyết trình trong buổi hội thảo hành hương Mẹ La Vang ngày 20/6/08)

1. Những Giá Trị Truyền Thống Văn Hóa của Gia Đình Việt Nam (1)

Trong sứ điệp của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp lần thứ 8, sau khi khẳng định xác tín của mình về "gia đình là quà tặng quý giá và ân phúc Chúa ban cho vùng Á châu", các Giám Mục Á Châu đã đưa ra nhận định sau đây:

“Được thôi thúc bởi các giá trị và truyền thống về tôn giáo và văn hóa, nhiều gia đình đang nỗ lực kiên trì dấn thân cho những lý tưởng của đời sống gia đình. Họ múc lấy sức mạnh từ những giá trị mang tính Á Châu, như lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, siết chặt tình thâm gia tộc, tình nhân ái giữa người với người, củng cố lòng hiếu khách, tôn trọng người già, đề cao lòng hiếu thảo, chăm sóc cho người trẻ. Duy trì được đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo trong gia đình, cảm nhận được sự thánh thiêng của hôn nhân, gia đình và con cái, là những yếu tố mang lại niềm vui và biến nhiều gia đình thành những vườn ươm cho ơn thiên triệu.”(2)

Tiếp nối lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn "Ðời sống gia đình" (Familiaris Consortio) ban hành năm 1981, các Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục và các linh mục Giám quản thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã viết như sau trong Thư mục vụ năm 2002 cho đề tài hôn nhân và gia đình:

“Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa. Gia đình ấy xem chữ Tín làm trọng nên dễ dàng gặp thấy nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly. Gia đình ấy gồm có ông bà cha mẹ con cháu trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em. Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là "Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Ðền Thờ Chúa Thánh Thần" thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình.”(3)

1.1 Tôn kính sự sống:

Sự sống luôn là một điều thiêng liêng đối với người Á Châu. Một trong những nét đặc trưng trong Giáo lý Phật Giáo là “không sát sinh”. Giáo lý này xuất phát từ quan niệm coi mọi dạng sự sống (thực vật, động vật) trên đời này đều có giá trị cao quý. Quan điểm của Kitô giáo có khác, cũng tôn kính sự sống của mọi sinh vật nhưng lại được dậy cho biết là con người được Thiên Chúa giao quyền bá chủ vũ trụ và vạn vật, nên con người có quyền sử dụng thực vật, động vật để phục vụ cho sự sống của mình. Kitô giáo cũng cấm giết người, vì quan niệm rằng sự sống là quà tặng của Thiên Chúa, là bất khả xâm phạm và thuộc về Thiên Chúa. Con người chỉ có quyền đón nhận chứ không có quyền hủy diệt sự sống. Kitô hữu phải là các chiến sĩ bảo vệ sự sống. Gia đình Kitô hữu phải là cung thánh của sự sống như giáo huấn của Giáo hội về Gia đình.

1.2 Tôn trọng thiên nhiên:

Con người là sinh vật có xã hội tính nghĩa là có nhiều mối tương quan: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với chính mình, tương quan với tha nhân, tương quan với xã hội và tương quan với cả thiên nhiên nữa. Các bậc hiền triết từ Đông sang Tây đều là những người sống gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên. Theo triết lý của Đông phương “thiên thời / địa lợi / nhân hòa” là ba yếu tố thiết yếu cho sự thành công của mọi công trình. Người Kitô hữu phải là các chiến sĩ bảo vệ môi trường. Gia đình Kitô hữu phải là trường dạy sự tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.

1.3 Gia đình Việt Nam là một tiểu cộng đồng:

Riêng đối với người Việt Nam, gia đình còn mang một mầu sắc đa diện đáng yêu và đáng quí hơn nữa. Gia đình Việt Nam có thể nói được là một tiểu cộng đồng, nơi đó các phần tử trong đại gia đình cùng về chung sống với nhau và nương tựa vào nhau:

  • Là nhà giữ trẻ, nơi đó tất cả mọi con cái, cháu chắt đều được trông coi, nuôi dưỡng, và chăm sóc một cách tận tình như một người mẹ trong gia đình.
  • Là học đường, ở đó mọi đứa trẻ trong gia tộc được hướng dẫn và giáo hóa một cách chu đáo và lễ độ.
  • Là toà án, ở đó mọi xung đột giữa những người thân yêu trong gia đình đều được giải quyết và giải hòa để có thể bảo vệ được hòa khí của gia đình.
  • Là hội đồng cố vấn, nơi đó tất cả mọi quyết định quan trọng có liên quan đến những người trong gia đình như vấn đề hôn nhân, làm ăn, buôn bán, dời chỗ… đều được bàn hỏi trước khi đi đến quyết định để cùng giúp nhau thực hiện.
  • Là cơ quan trợ cấp xã hội, nơi đó họ có thể tìm được những nguồn trợ giúp cho đời sống an sinh xã hội của họ từ những người thân yêu trong gia đình.
  • Là ngân hàng, ở đó trong những trường hợp cần thiết họ có thể mượn tiền từ những thân nhân họ một cách dễ dàng để đầu tư vào những công việc làm ăn lớn mà mọi người trong gia đình thấy có hy vọng.
  • Là bệnh xá, ở đó khi ốm đau họ có thể tìm được sự chăm nom, săn sóc một cách tận tình bỡi những phần tử của đại gia đình.
  • Là viện an dưỡng, nơi đó bố mẹ khi về già có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi trong sự an bình và hạnh phúc bên đàn con cháu trong bầu không khí ấm cúng gia đình.
  • Là nơi an nghỉ cuối cùng, ở đó khi họ được Chúa gọi về, họ được mọi phần tử trong đại gia đình từ các nơi tuốn về quây quần chung quanh để cùng nhau cầu nguyện và nhìn mặt họ lần cuối trước khi tiễn đưa họ đến phần mộ cuối cùng; sau hết, gia đình Việt nam cũng chính là nơi thờ tự, ở đó bàn thờ tổ tiên được dựng lên để tôn kính ông bà cha me, những người đã về bên kia thế giới nhưng hương hồn của họ vẫn còn ở lại để hộ phù những người còn đang sống.
Vì thế, gia đình chính là một báu vật cao quí mà tất cả chúng ta có bổn phận phải giữ gìn nếu chúng ta muốn có một đời sống an vui và hạnh phúc.(4)

Gia đình Kitô hữu phải là nơi tình gia tộc được gìn giữ và hoàn thiện hơn lên để trở thành nét đặc trưng của gia đình Kitô hữu.

1.4 Tình nhân ái:

Giữa người với người thì chẳng có gì cao quý hơn là tình nhân ái. Bao lâu con người chưa có lòng nhân ái thì bấy lâu chiến tranh vẫn tồn tại. Nơi nào con người thiếu lòng nhân ái thì nơi ấy con người sống trong hận thù. Dân tộc nào thiếu lòng nhân ái thì những người nghèo khổ, túng thiếu sẽ không có được chăm sóc và nâng đỡ là điều cần thiết để vượt qua khó khăn, nghèo đói. Lòng nhân ái là tiền đề của đức ái Kitô giáo. Gia đình Kitô hữu là trường đào tạo những tấm lòng nhân ái cũng như những tâm hồn bác ái yêu thương là dấu riêng của người môn đệ Chúa Giêsu.

1.5 Lòng hiếu khách:

Tôn giáo nào cũng trân trọng lòng hiếu khách, nhất là Kitô giáo. Thế nhưng lối sống đề cao chủ nghĩa cá nhân đã làm sói mòn lòng hiếu khách. Còn một yếu tố khác làm phai nhạt và hạn chế việc thực hành lòng hiếu khách trong đời sống những con người văn minh: đó là những tai hại do chính những người được đón tiếp gây ra cho người đón tiếp. Ví dụ người được đón tiếp ăn cắp ăn trộm tài sản của chủ nhà, thậm chí giết hại chủ nhà tiếp đón mình, thì làm sao người ta dám mở cửa đón tiếp nữa. Có lẽ chúng ta phải tìm một hình thái mới để duy trì sự đón tiếp, nhất là trong một cộng đồng tôn giáo. Chẳng hạn giáo xứ có nhà đón tiếp những người lỡ đường thay cho các gia đình. Điều cần nghi nhận là ở các dân tộc thiểu số lòng hiếu khách còn khá sống động.

1.6 Lòng hiếu thảo

Một nét đặc trưng khác của gia đình Á Châu là lòng hiếu thảo. Người Việt có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con” để nói lên mối tương quan ruột thịt và tình hỗ týõng giữa các thế hệ khác nhau. Ðạo lý uống nước nhớ nguồn đã ăn sâu vào máu thịt của người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng. Vì thế theo quan điểm Đông Phương thì tội lớn nhất của một con người là tội bất hiếu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ.

Tình yêu gia đình thì dân tộc nào cũng có, nhưng đối với người Việt Nam, lòng nhớ ơn, tôn kính tổ tiên đã vượt lên một bậc cao siêu trở thành "ÐẠO HIẾU". Do đó, ý thức về quốc gia, tình yêu nước có thể yếu kém, nhưng tình gắn bó với ông bà cha mẹ, cô chú, họ hàng, nội-ngoại rất khắng khít, mặn mà. Sinh sống ở nhà, hay ở ngoài nước, người Việt chỉ còn trông nhờ vào sự giúp đỡ của bà con anh chị em ruột thịt. Bà con bảo lãnh lẫn nhau, anh chị giúp các em học hành. Những dịp, cưới hỏi, ma chay..dầu sinh sống ở những tiểu bang xa xôi, nhưng họ hàng bà con vẫn còn tập họp thân tình để chia vui sẻ buồn với nhau.(5)

1.7 Lòng Sùng Ðạo:

Ðặc biệt lòng trung thành với Ðức Tin của đồng bào Công Giáo được cả thế giới ngưỡng mộ, qua việc Phong Thánh cho 117, Vị Thánh Tử Ðạo. Họ là những người Việt nam bình dân, thấm nhuần đạo đức của dân tộc. Khi hiểu biết chân lý của Phúc Âm, nhiều điều cũng phù hợp với tín ngưỡng của tổ tiên, như tin có " Ông Trời",, và "Hồn Thiêng bất tử", thì họ say mê tin theo. Bị vua chúa chuyên chế, và các hủ nho, cấm đoán, giết hại, nhưng họ đã không nổi loạn, không oán thù, mà đã quả cảm, sẵn sàng chịu chém đầu, phân thây, hay "phân sáp"(dùng kim khí nung đỏ để khắc chữ "tả Ðạo"trên má), để chứng tỏ NIỀM TIN. Ngày nay, các Cộng Ðồng Công Giáo vẫn còn sốt sáng giữ Ðạo, và số tu sĩ vẫn còn đông. Niềm tin ở một Ðấng Thiêng Liêng, gọi là Ông Trời hay Ðức Chúa Trời, cầm quyền sinh tử, thưởng kẻ lành phạt kẻ dữ, và chết không phải là hết, nhưng hồn thiêng của Tổ Tiên vẫn tồn tại, bất tử: đó là niềm tin chung của mọi người dân Việt khắp thế giới.(6)

1.8 Sự thiêng liêng của hôn nhân và gia đình:

Như trên đã nêu sự bền vững của gia đình là một đặc trưng của các nước Á Châu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Dù ly hôn đã được pháp luật nhìn nhận nhưng trong suy nghĩ của đại đa số người Việt Nam, ly hôn vẫn là một tai họa, một điều đáng tiếc xẩy ra chứ không phải là một điều gì tốt đẹp đáng hãnh diện và khoe khoang. Sở dĩ gia đình được bền vững như vậy là nhờ ở quan niệm về hôn nhân, gia đình và con cái là thiêng liêng, là qúy giá.

1.9 Đức chịu đựng:

Nét đặc trưng cuối cùng của người Á châu nói chung và của người Việt Nam nói riêng và nhất là của người phụ nữ Việt Nam, là đức chịu đựng. Phần lớn các gia đình tan vỡ là vì con người thời nay không còn biết chịu đựng nhau nữa. Do đó trong gia đình có chuyện gì xảy ra là người ta nghĩ ngay đến biện pháp “chia tay”. Đã đành có nhiều trường hợp chỉ có chia tay mới giải quyết được vấn đề, nhưng chia tay cũng chẳng phải là cây đũa thần giải quyết được mọi khó khăn, mọi vấn đề.

1.10 Tinh Thần Cầu Tiến, Trọng Giáo Dục:

Người Việt rất trọng việc học hành, vì theo truyền thống từ xưa: đó là con đường duy nhất để tiến thân, lập sự nghiệp cho mình và làm vinh danh cho gia đình. Vì thế, các bậc phụ huynh thôi thúc con cháu học hành càng học cao càng tốt, và chọn những môn học "hái" ra tiền như bác sĩ, kỹ sư. Nhờ óc tháo vát, thực tiễn, và kiên trì chịu gian lao khó nhọc, ít hưởng thụ, nhưng tiết kiệm, nên chỉ sau mấy năm lập nghiệp định cư, nhiều gia đình Việt nam đã trở nên sung túc, mua nhà riêng. Nhờ óc tự lực tự cường, một số người Việt đã mạo hiểm trong lãnh vực kinh doanh, và đã trở nên giầu có.(7)

II. THẾ NÀO LÀ SỐNG ĐẠO?

2.1 Quan niệm ngày xưa

Ngày xưa cha ông chúng ta nói là xem lễ chứ không nói là dâng lễ hay tham dự thánh lễ như chúng ta ngày nay. Các cụ cũng nói là giữ đạo hay theo đạo chứ không nói là hành đạo hay sống đạo như chúng ta thường nói ngày nay.

  • Giữ đạo là bảo vệ đạo, bảo vệ đức tin, là giữ các giới răn. Hiểu như thế không có gì là sai, nhưng chỉ là chưa hết ý nghĩa của đời sống Kitô hữu mà thôi và thường chỉ chú trọng đến mặt tiêu cực là xa lánh tội mà ít đề cao mặt tích cực là sống bác ái, yêu thương, loan báo Tin Mừng hay làm chứng nhân cho Chúa.
  • Theo đạo là tin theo giáo lý của đạo. Hiểu như thế cũng không có gì là sai, nhưng là chưa hết ý nghĩa mà thôi. Vì thật ra thì theo đạo là theo Chúa Giêsu Kitô tức bước đi theo Người, có những tâm tình, lời nói và hành động như Người, sống chết như Người.


Sở dĩ cha ông chúng ta có quan niệm giữ đạo hay theo đạo nặng tính thụ động như thế là vì sự hiểu biết giáo lý còn hạn chế. Thật ra thì không chỉ trình độ giáo lý của cha ông ta còn hạn chế mà trình độ giáo lý của tất cả những người công giáo các nước khác vào thời bấy giờ cũng hạn chế. Hơn nữa các thừa sai người nước ngoài đến truyền giáo tại Việt Nam lại không thông thạo tiếng Việt và phải đảm trách nhiều cộng đoàn ở xa nhau nên không có đủ thời gian để huấn luyện giáo dân. Rồi cũng không thể không kể đến trình độ dân trí của tổ tiên chúng ta còn thấp nên sự hiểu biết giáo lý có mức độ. Nhưng không phải vì thế mà lòng đạo của tiền nhân không sâu sắc, gắn bó. Bằng chứng hùng hồn là hằng trăm ngàn anh hùng Tử Đạo trong đó đã có 117 vị được phong Thánh và 1 vị được phong Chân Phước.

2.2 Quan niệm ngày nay

Ngày nay chúng ta không còn nói là xem lễ mà nói là dự lễ hay dâng lễ. Cũng thế chúng ta không còn nói giữ đạo, theo đạo mà nói là hành đạo, sống đạo. Rõ ràng nét tích cực, chủ động, ý thức được làm rõ trong các kiểu nói ấy.

Thời thế đã thay đổi nhiều, não trạng con người đã thay đổi và trình độ con người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh cũng đã được nâng cao hơn xưa rất nhiều. Các khoa Thần học, Thánh Kinh, Giáo hội học, Bí tích học, Truyền Giáo học... cũng đã có những bước tiến vượt bậc so với những thế kỷ trước. Vì thế mà nội dung và phương cách giữ đạo cũng đã khác xưa rất nhiều nên mới gọi là hành đạo hay sống đạo. Thật vậy ngày nay, người công giáo hiểu Đạo cũng khác xưa. Đạo được hiểu là con đường mà con người phải đi để đến Thiên Chúa. Theo Đạo là đi vào con đường dẫn tới Thiên Chúa. Nhưng không có con đường nào chắc chắn, bảo đảm hơn con đường mà Chúa Giêsu Kitô đã vạch ra cho loài người mà mời gọi mọi người đi vào. Nên theo Đạo là đi theo chính Chúa Giêsu, Đấng đã khẳng định "là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống." Đạo còn được hiểu là Giáo lý Mạc khải mà Thiên Chúa đã bộc lộ cho con người trong lịch sử cứu độ và nhất là nơi Chúa Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể làm người. Nên theo Đạo là tin vào và sống theo Giáo lý Mạc khải ấy. Nói cách vắn gọn, sống đạo theo quan niệm thời nay là thể hiện căn tính hay ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu Kitô một cách xác tín, trưởng thành trong mọi môi trường sống và lao động của người tín hữu Kitô giáo.

2.3. Thế Nào Là Gia Đình Sống Đạo?

Khi nói “gia đình sống đạo” là chúng ta nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn, chiều kích gia đình trong việc thể hiện đức tin mà không còn dừng lại ở tính cách cá nhân của người tín hữu. Từ trong việc tham dự các cử hành phụng vụ, cầu nguyện cho đến việc loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Tin Mừng, thể hiện lòng bác ái và tinh thần phục vụ của Kitô giáo, tính tập thể, gia đình, cộng đoàn đều được làm nổi bật. Trước kia là cá nhân đi lễ. Bây giờ là cả gia đình cùng tham dự thánh lễ. Trước kia người cha, người mẹ hay người anh, người chị làm việc tông đồ. Bây giờ cả bố mẹ con cái làm việc tông đồ. Trước kia người cha, người mẹ bớt tiền chợ để giúp đỡ người nghèo. Bây giờ mọi thành viên trong gia đình đều bớt ăn bớt tiêu để chia sẻ với người nghèo hay hỗ trợ công việc truyền giáo. Trước kia chứng tá đức tin là của mỗi cá nhân trong gia đình. Ngày nay chứng tá đức tin là của cả gia đình.

Nếu đọc kỹ Sách Tông đồ Công vụ chúng ta sẽ thấy rằng Giáo hội công giáo lúc ban đầu mang đậm tính gia đình. Vì thế ngày nay Giáo hội đặt ưu tiên vào việc gia đình sống đạo là cách trở về nguồn cội của Kitô giáo, đồng thời là đáp ứng nhu cầu thâm sâu nhất của nhân loại ngày nay, vì gia đình đang gặp rất nhiều thử thách trong giai đoạn hiện nay.(8)

2.4. Có Nhiều Cách Sống Đạo?

Có bốn tiêu chuẩn để phân loại người Công giáo:(9)

  • Tiêu chuẩn 1: đi nhà thờ thường xuyên,
  • Tiêu chuẩn 2: làm việc cho/liên quan đến nhà thờ, đến các việc đạo đức,
  • Tiêu chuẩn 3: Chú tâm đến việc học hỏi Thánh Kinh, Thần Học,
  • Tiêu chuẩn 4: Chú tâm đến các sinh hoạt liên quan đến công lý và bác ái, chính trị-xã hội trần thế.
Tùy theo những tiêu chuẩn mà mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chúng ta đạt được mà chúng ta có cách sống đạo tương ứng. Nhìn vào thực tế của Giáo hội Việt Nam hay Hoa Kỳ hay ở bất cứ Giáo hội nào trên thế giới chúng ta cũng đều thấy rằng chỉ một số ít, thậm chí rất ít, giáo dân đạt được hai tiêu chuẩn (3) và (4), vì phần đông hoặc thờ ơ với đạo hoặc vẫn quan niệm đạo trong nhà thờ. Còn hai tiêu chuẩn (1) và (2) thì rất phù hợp với cách giữ đạo truyền thống của đại đa số giáo dân Việt Nam mà có người nói cách văn hoa là cách giữ đạo “sáng lễ chiều kinh”. Đến các xứ đạo Miền Bắc Việt Nam hay các xứ đạo gốc Bắc ở Miền Nam Việt Nam vùng nông thôn, chúng ta thấy cách giữ đạo này còn rất thịnh hành. Tiếng chuông nhà thờ là một âm thanh rất quan trọng trong cách và nhịp sống của đại đa số giáo dân.

Nhưng thời buổi và xã hội đã và đang thay đổi cách nhanh chóng và sâu rộng. Trong bối cảnh của một xã hội công nghiệp như Hoa Kỳ thì có lẽ chỉ các người về hưu mới có thể duy trì được cảnh “sáng lễ chiều kinh”! Mà dù có duy trì được cách giữ đạo “sáng lễ chiều kinh” thì cũng chưa thỏa đáng với đòi hỏi của Tin Mừng vì Tin Mừng đòi người Kitô hữu phải là muối men ánh sáng trong các môi trường trần thế. Vì thế mà có nhiều câu hỏi chúng ta phải đặt ra mà suy nghĩ và tìm câu trả lời:

  • “Liệu chúng ta có duy trì được cách giữ đạo “sáng lễ chiều kinh” mãi không?”
  • “Liệu cách giữ đạo ấy có còn phù hợp nữa không?”
  • “Cách giữ đạo ấy có đủ sức nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống đầy vật lộn này không?”
  • “Chúng ta phải chuẩn bị thế nào để giúp con em của chúng ta có thể sống Đức Tin trong một khung cảnh xã hội công nghiệp, thực dụng, coi nhẹ - thậm chí coi thường - tôn giáo và đời sống tâm linh?”


III. Nếp Sống Đạo trên Đất Mỹ.

3.1. Không chú ý đến việc dậy dỗ con cái về đức tin

Trong Sứ Điệp Mục Vụ Gia Đình Familiaris Consortio, Đức Giáo Hoàng Giaon Phaolô II nhấn mạnh về nhiệm vụ của các cặp vợ chồng là tạo nên bầu khí đầy sinh độïng nhơi tình yêu và lòng kính trọng Thiên Chúa và tha nhân để cho các con cái được dào tạo để trở nên hoàn thiện về nhân cách và xã hội. Mái ấm gia đình là ngôi trường đầu tiên nơi chúng hàng ngày học tập những đức tính nhân bản mà xã hội nào cũng cần tới. Sứ mạng giáo dục đòi hỏi cha mẹ phải trình bày cho con cái tất cả những chủ đề cần thiết để đạt tới mức trưởng thành của người Kitô hữu.(10)

3. 2. Hôn nhân lỏng lẻo dễ tan vỡ

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta tái khám phá sự liên kết thiết yếu giữa hôn nhân và Bí Tích Thánh Thể, và phát triển những phương cách để tăng cường mối liên kết này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết như sau vào tháng 8 năm 1999: "Một nhân chủng học mới đang được đề ra để thay thế cho hình ảnh của người nam và người nữ trong Công Giáo. Kết quả là, ý niệm về gia đình được xây dựng trên hôn nhân bất khả tiêu hủy giữa một người nam và một người nữ... (như) một tế bào tự nhiên và căn bản của xã hội, đang lâm vào tình trạng khủng hoảng."

Tiếc thay, Văn Hóa của Sự Chết đã vươn bàn tay lạnh lẽo ra nắm cứng lấy trọng tâm của tình yêu loài người. Giới lập pháp đang cố gắng tái tạo hôn nhân cho phù hợp với hình ảnh của một loài người trần tục. Khi chối bỏ mọi sự tùy thuộc vào Thiên Chúa, nền văn hóa của sự chết này mong muốn phá bỏ kế hoạch chính đáng của Thiên Chúa cho hôn nhân và tính dục con người.(11)

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn dùng thành ngữ cô đọng chính xác ám chỉ đời sống gia đình: “đó là mầu nhiệm cao cả”(Eph 5:32), và: Giáo Hội tuyên xưng rằng hôn nhân như bí tích giao ước giữa vợ chồng, là mầu nhiệm cao cả vì hôn nhân biểu thị tình phu thê của Chúa Kitô với Giáo Hội.(12)

Khi xã hội tiếp tục đề cao một hình ảnh giả tạo về con người, mối tương quan chính yếu giữa một người nam và một người nữ đang bị tấn công mạnh mẽ. Bản thể của hôn nhân càng ngày càng bị bóp méo nhiều hơn. Xã hội này càng ngày càng chấp nhận nhiều hơn việc ly dị và tái hôn, việc ngừa thai nhân tạo, và cuối cùng là việc tái định nghĩa "hôn nhân" để bao gồm cả sự kết hợp của hai người cùng phái. Tất cả những điều này là bằng chứng hùng hồn cho hình ảnh lệch lạc của hôn nhân.

Tiếc thay, Văn Hóa của Sự Chết đã vươn bàn tay lạnh lẽo ra nắm cứng lấy trọng tâm của tình yêu loài người. Giới lập Mỹ đang cố gắng tái tạo hôn nhân cho phù hợp với hình ảnh của một loài người trần tục. Khi chối bỏ mọi sự tùy thuộc vào Thiên Chúa, nền văn hóa của sự chết này mong muốn phá bỏ kế hoạch chính đáng của Thiên Chúa cho hôn nhân và tính dục con người.(13)

Một cuộc nghiên cứu mới đây của Trung Tâm Hôn Nhân và Gia Đình thuộc Đại Học Creighton cho biết thời giờ, việc chăn gối, và tiền bạc là ba trở ngại lớn nhất khiến cho các đôi lứa mới cưới nhau không được hạnh phúc.(14)

Trong phúc trình của trung tâm này mang tên "Thời giờ, Tình dục, và Tiền bạc: Năm Năm đầu của cuộc sống lứa đôi" có nêu ra ba đề tài trên là "ba vấn đề gây khó khăn được ghi nhận có nhịp độ thường xuyên nhất và có cường độ cao nhất."

Cuộc nghiên cứu này thấy rằng các nợ nần sau đám cưới, tình trạng tài chánh của đôi lứa, nỗ lực làm cân bằng giữa công ăn việc làm và gia đình, và nhịp độ chăn gối là những yếu tố được các giới từ 29 tuổi trở xuống quan tâm nhất.

Những người 30 tuổi trở lên cũng có cùng một ưu tư với những người trẻ tuổi hơn về các vấn đề giữ được sự cân bằng giữa công ăn việc làm và đời sống gia đình và nhịp độ giao hợp, nhưng lại thêm một lãnh vực khó khăn mới là vấn đề thường xuyên cằn nhằn và mong đợi nhiều ở người bạn đời về các công việc trong nhà.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (The U.S.C.C.B.) là một trong nhiều tổ chức tài trợ và giúp đỡ cho cuộc nghiên cứu này được hoàn tất.

Theo lời tuyên bố của bà Gail Risch, một trong các tác giả của phúc trình của Trung Tâm Hôn Nhân và Gia Đình thuộc Đại Học Creighton, một đại học do các cha Dòng Tên điều khiển ở Omaha, Nebraska, thì cuộc nghiên cứu nhằm giúp ích cho các chương trình dự bị hôn nhân của các địa phận được hữu hiệu hơn trong việc cố vấn các cặp đã đính hôn về những gì chờ đợi họ trong đời sống hôn nhân.(15)

Phúc trình cho hay "Mặc dầu những năm đầu của hôn nhân có liên quan đến đa số những gì được áp dụng cho tất cả các hôn nhân nói chung, vẫn có những kinh nghiệm, nhu cầu và vấn đề riêng biệt cho năm năm đầu."

"Thời giờ, tình dục, và tiền bạc" là ba vấn đề quan trọng nhất được báo cáo bởi các người tham gia cuộc thăm dò: làm sao để giữ được sự thăng bằng giữa công ăn việc làm và gia đình, mức độ giao hợp, và các món nợ đôi lứa mang đến cho hôn nhân.(16)

Các vần đề khác được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là: việc làm của người chồng, tình trạng tài chánh tổng quát, sự mong đợi nơi nhau về các công việc trong nhà, sự cằn nhằn dai dẳng và thường xuyên, truyền thông với người bạn đời, cha mẹ và cha mẹ của người phối ngẫu, và thời giờ dành cho người phối ngẫu.

"Truyền thông và giải quyết các sự xung đột" được nhóm nghiên cứu coi như một tập thể các vấn đề thường xẩy ra trong số các vấn đề khó khăn, mặc dầu không được xếp vào trong số mười vấn đề có ưu tiên cao nhất.

Cuộc nghiên cứu cho hay các người tham gia có đề nghị ba lời khuyên cho các các cặp vợ chồng: "Truyền thông, truyền thông, và truyền thông."

Họ cũng thấy rằng các cặp có cha mẹ chưa bao giờ ly dị báo cáo về những món nợ đôi lứa mang đến cho hôn nhân - nhất là các món nợ về học phí ở đại học - là vấn đề có ưu tiên cao nhất. Sự bền vững của hôn nhân của cha mẹ giúp cho các cặp này hoàn tất đại học, và do đó họ đã phải vay mượn tiền học. Vần đề mắc nợ không đáng kể nơi các cặp có cha mẹ của một người đã ly dị.

Cuộc nghiên cứu cũng cho hay là quá nửa con số các người trả lời đã sống chung với người phối ngẫu trước khi cưới. Tuy nhiên, các vần đề được báo cáo bởi những người sống chung trước hôn nhân và không sống chung tương đối giống nhau.

Những người không sống chung trước hôn nhân có điểm số cao hơn những người đã sống chung về việc sống đạo, giữ đức tin, và việc tham dự Thánh Lễ và các sinh hoạt khác của nhà thờ.

Một giải Mỹ cho sự căng thẳng trong hôn nhân được liệt kê bởi cuộc nghiên cứu là bành trướng tình trạng "hai chức nghiệp" thành "ba chức nghiệp", và thiết lập hôn nhân như một chức nghiệp thứ ba, trong đó các trách nhiệm và bổn phận cũng giữ những phần quan trọng như hai chức nghiệp kia của hai vợ chồng.

Trên phân nửa các người đáp trả cuộc nghiên cứu cho hay họ đi nhà thờ đều đặn hay thường xuyên, và trên một phần ba đi nhà thờ với nhau như vợ chồng. Đa số đồng ý với quan niệm của một hôn nhân Công Giáo.

3.3. Vai Trò Phụ Nữ Việt Nam Trong Xã Hội Mỹ

Theo tuyên ngôn lập trường Tòa Thánh (17) về Hội nghị Quốc Tế lần thứ VI về phụ nữ họp tại Bắc Kinh ngày 4, tháng 5 năm 1995, thì trước đó đã có nhiều văn kiện quốc tế đề cập đến vai trò phụ nữ như: Tuyên Ngôn Chúng về Nhân Quyền 1948, Hiệp Ước về Quyền của Trẻ Em, 1959, Tuyên Ngôn tại Vienna về Nhân Quyền 1993, Hội Nghi Quốc Tế về Dân Số và Phát Triển 1994, và Hội Nghị Thưởng Đỉnh Quốc Tế về Phát Triển Xã Hội 1995. Tòa Thánh nhận thấy có rất nhiều điều cần được biểu quyết và chấp thuận nhưng lại không được đưa ra hội thảo. Tòa Thánh viện tới Luật Tạo Hóa để giải quyết những vấn đề mà con người vì ích kỷ hay tư lợi đã không dám nói thẳng.. “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của mình, Ngài dựng nên họ có nam có nữ” (St 1:27). Việc tạo dựng người nữ là để bổ túc cho người nam và để cho nó thoát khỏi tình trạng cô đơn. Nữ tính và nam tính được bổ túc cả về thể lý, tâm lý và cả về hữu thể nữa.(18)

Vai trò phụ nữ, là các chức phận làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ, làm bà ở trong gia đình; làm quản lý, làm thư ký, làm hội viên, làm thành viên hội Đồng Mục Vụ... ở trong cộng đoàn; làm học sinh; làm sinh viên, làm cô thợ, làm bà chủ tiệm, làm bà bác sỹ, bà giáo sư... trong xã hội.

Vai trò phụ nữ có thể là độc quyền, như các vai trò mẹ vợ, chị, bà. Nam giới không thể tranh dành được. Hay dự phần như quản lý, hội viên, học sinh, thợ, chủ... Vì nhữõng vai trò này có thể do nam giới đóng. Phụ nữ có những vai trò tiên khởi, như nuôi con, dạy con... bắt buộc ngưòi phụ nữ phải làm trước nhất, dẫu sau đó nam giới có thể kế tiếp. Có những vai trò người phụ nữ đóng trực tiềp như sinh con đẻ cái, dạy dỗ con cái, làm hội viên hội Các Bà Mẹ Công giáo, xướng hát kinh kệ ở nhà thờ... hoặc đóng một cách gián tiếp, như các bà cụ dạy con cháu, các bà nội trợ, quản lý tài sản gia đình để gây lời hoặc thâu chi có đúng mức.

Những vai trò nào là chính yếu cho phụ nữ? Chính yếu vì thường xuyên là phụ nữ đảm nhiệm. Ai là người chính yếu theo dõi sức khỏe, ăn uống may mặc, học hành của con cái? Ai là người chính yếu lo lắng cho gia phong, cho lễ lạy? Ai là người chính yếu tổ chức các bữa cơm, tiệc tùng của giáo xứ? Ai là người chính yếu đóng góp tiền bạc, công của vào các sinh hoạt cộng cộng đoàn?

Và vai trò quan trọng, nghĩa là nếu phụ nữ không làm, thì chẳng nên công quả gì. Ai dám phủ nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc trẻ em nói tiếng Việt tại Mỹ? Ai dám phủ nhận vai trò phụ nữ trong sự hạnh phúc và đầm ấm gia đình? Ai dám phủ nhận vai trò của phụ nữ trong vệc nâng đỡ và phát triển ơn thiên triệu?

Phụ nữ mà chúng ta đang nói đến ở đây bao gồm tất cả những người nữ thành niên, từ 16 tuổi trở lên, bất cứ họ ở qui chế gia đình nào: đi tu, lập gia đình, ở độc thân, góa bụa; bất kể trình độ học vấn nào: ít học, học nghề, tú tài, hay đại học; bất kể ở nghề nghiệp nào: hành chánh, thương mại, kỹ nghệ, canh nông.

''Người phụ nữ Việt Nam trong xã hội Mỹ'' có nghĩa là chính bản thân người phụ nữ là một yếu tố của xã hội và được xã hội công nhận, qua các ngành nghề họ hành xử. Nhưng đơn vị can bản của xã hội là gia đình. Bởi vậy, nói đến vai trò phụ nữ trong xã hội, không thể bỏ qua vai trò phụ nữ trong gia đình. Và cao rộng hơn gia đình là cộng đoàn. Cộng đoàn bao gồm nhiều cá nhân, nhiều gia đình, nhiều đoàn thể. Đề cập đến vai trò phụ nữ mà bỏ qua vai trò họ trong cộng đoàn, nhất là cộng đoàn Việt Nam, là một thiếu xót lớn. Qua một số khái niệm vừa được trình bày một cách sơ lược, ta thấy đề tài ''ngưòi phụ nữ Việt Nam hiện nay trong xã hội Mỹ'' rất quan trọng và phức tạp.

Sau đây là những vai trò nổi bật mà phụ nữ Việt Nam đang đóng tại Mỹ: tự do kết hôn, làm chủ sinh đẻ, bảo vệ truyền thống, đồng trách nhiệm với nam giới trong việc quản trị gia đình. Những vai trò này rất nặng tính chất xã hội, nhưng đa số được đóng khung trong gia đình.Tôi tạm xếp chúng vào những vai trò phụ nữ Việt Nam tại Mỹ hiện nay trong gia đình.

Ngoài ra còn có một số vai trò khác mà tầm quan trọng không kém những vai trò trên, đó là đi học, đi làm, làm tiền. Những vai trò này hoàn toàn có tính cách xã hội và được đóng khung với tính cách cá nhân.

Nam giới thường chỉ có việc quan trọng là đi làm. Nữ giới có ba công việc chính yếu: đi làm như nam giới càng ngày càng đông, gia chánh sau giờ đi làm, đôi khi được chia sẻ bởi nam giới, và truyền sinh là công việc độc quyền mà chỉ có nữ giới mới có thể làm.(19)

3.4. Tình Yêu và Đức Khiết Tịnh(20)

Tình yêu phải đi song song với sự trong sạch. Tuổi trẻ ngày nay không phân biệt được giữa tình yêu sắc dục và tình yêu chân chính. Những trào lưu tư tưởng mới, và nền văn hóa cá nhân vị kỷ làm cho các em bị bối rối không biết khi nào là sẵn sàng để có những liên hệ sắc dục.

Về thể chất các em cảm thấy sẵn sàng vào tuổi dậy thì, khi cơ thể các em có những đòi hỏi, những ước muốn nổi dậy mà các em cảm thấy khó kiềm chế. Xã hội Hoa Kỳ đầy rẫy những cám dỗ qua phim ảnh, truyền hình, sách báo khiêu dâm, đồi trụy làm cho các em bị mê hoặc. Tại học đường, suốt ngày nhìn thấy các bạn Mỹ xà nẹo, "hút mặt", ngồi trên lòng nhau, chui rúc trong bụi rậm hay lăn lộn trên đất, dù có cứng lòng mấy, các em cũng vẫn bị nao núng. HoÏc đường cũng chị dạy các em về "Giáo dục sinh lý" trên phương diện hoàn toàn thể lý, ngừa thai và phòng bệnh AIDS. Học đường không đề cập đến vấn đề luân lý và đạo đức. Trong gia đình các em không được dạy dỗ gì về tính dục, trong khi phụ huynh sống buông thả, đem cả các sách báo khiêu dâm về nhà hay không kiểm soát con cái mỗi khi chúng sử dụng máy vi tính để tìm kiếm những Website khiêu dâm.

Trẻ em thời nay bị nhồi sọ, bị tẩy não vì những điệp văn được gửi đến qua sách vở báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, đĩa hát, băng nhạc. Những điệp văn này khuyến khích các em buông thả cho những nhu cầu thể chất: ăn chơi, hút xách và tính dục. Phần lớn những điệp văn này lừa bịp các em, chứa đầy những sự giả trá, và chỉ nhắm mục đích quảng cáo để các em tiêu thụ những sản phẩm có tính cách khiêu dâm và khuyến khích các em hút xách hay bạo động. Các em cần được giải phóng tâm trí khỏi những quyến rũ này. Các em có thể cảm thấy sẵn sàng về thể chất nhưng các em chưa đủ khôn ngoan để gìn giữ và bảo vệ sự trong sạch của các em trước những quyến rũ ghê gớm này. Thiên Chúa ban cho chúng ta một quà tặng quý giá, một ân sủng thiêng liêng để sử dụng sau khi đã được kết hợp với một người khác phái trước mặt Ngài và giáo hội. Khi hai người nam nữ đến trước bàn thờ để khấn hứa yêu thương nhau, và kết hiệp với nhau cho đến trọn đời, lời hứa của họ không chỉ có giá trị nhất thời mà vĩnh cửu. Chỉ có người chồng được làm chủ trên thân xác của người vợ, và người vợ làm chủ trên thân xác của người chồng. Họ thề hứa yêu thương và tôn trọng nhau suốt cuộc đời khi thịnh vượng cũng như lúc gian lao, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe.

Phải phân biệt tình yêu và sự lợi dụng. Tình yêu chân chính không lạm dụng, không ích kỷ thụ hưởng để đến lúc chán thì quăng bỏ. Tình yêu chân chính không coi người yêu như cái thảm chùi chân, như trái banh để đá, như món đồ chơi. Người yêu không phải là một đôi giầy dùng đi thử, khi dầy đã mòn, đã rách, thì đem bỏ sọt rác và đi kiếm đôi giầy khác.

IV. Phải làm gì để duy trì tập tục tốt và đức tin trên đất Mỹ?

Những người đầu tiên có bổn phận giáo dục thiếu nhi là phụ huynh. Chia sẻ trách nhiệm nặng nề về giáo dục căn bản này có học đường. Và bên cạnh học đường có Gíáo Xứ.

4.1. Dạy Cho Con Cái Biết Các Giá Trị Tinh Thần Trong Thế Giới Hôm Nay:

Dạy cho con cái biết các giá trị tinh thần của chúng ta là vấn đề hết sức quan trọng.

Rất may là mọi sự khởi đầu từ chúng ta là các bậc phụ huynh và cũng chấm dứt nơi chúng ta. Cha mẹ có nhiều ảnh hưởng trong việc di chuyền các giá trị cho con cái hơn mọi yếu tố khác. Sau đây là một vài điều giản dị, và rất quan trọng chúng ta phải nhớ về các giá trị và tìm cách để chuyển giao chúng cho con cái:

  • 1) Con cái học biết cách phân định những gì là tốt hay xấu nơi những người chúng thương yêu và kính trọng. Không có một ai khác có ảnh hưởng nhiều hơn trong việc dạy dỗ các giá trị hơn bạn. Lời nói của bạn có thể làm thay đổi mọi sự.
  • 2) Khi dạy dỗ giá trị, hành động luôn luôn nói nhiều hơn lời nói. Con trẻ bây giờ có thái độ “hãy làm cho tôi xem đi” (Show me!). Chúng cần được thây các giá trị được cha mẹ biểu tượng trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần kính trọng đời sống, kính trọng kẻ khác, ngay thẳng, công chính... Con cái sẽ có được các giá trị này khi quan sát chúng ta.
  • 3) Gia đình vẫn là công cụ hữu hiệu nhất cho việc giáo dục con cái. Một mái ấm gia đình, nơi mọi người thương yêu, đùm bọc lẫn nhau tạo được môi trường cần thiết cho con cái học hỏi cái gì là tốt, cái gì xấu, và học cả cách yêu thương nhau. Giá trị tinh thần chỉ có thể được nuôi dưỡng trong một môi trường có tình yêu và sự chấp nhận.
  • 4) Luôn luôn bỏ thì giờ ra để ngồi xuống nói chuyện với con cái. Đừng e ngại phải nói ra những điều bạn cảm thấy (nhưng cũng đừng bao giờ không chịu nghe những gì con cái đang suy nghĩ).
  • 5) Luôn luôn cố gắng dạy dỗ con cái biết yêu thương và kính trọng nhau như những đứa con của Thiên Chúa. Một tình yêu lành mạnh và sự tự trọng hết sức quan trọng đối với con cái. Đây cũng là bước đầu cần thiết trong việc giúp đỡ con cái học biết thương yêu và kính trọng tha nhân và Thiên Chúa.
  • 6) Không có ai nói rõ hơn Chúa Giêsu. Mấy chữ này: “Yêu tha nhân...” là một sứ điệp quan trọng cho mỗi đứa con trẻ.


4.2. Ảnh Hưởng của Bạn Bè

Đa số chúng ta không được huấn luyện để trở thành phụ huynh. Do đó chúng ta vô hình chung cảm thấy đôi khi bất lực. Đã bao lần bạn nghe thấy mình đang nói đúng những điều bạn đã từng thù ghét phải nghe nơi cha mẹ của bạn? Và khi con bạn đến tuổi vị thành niên, mọi sự còn khó khăn hơn. Chúng dường như chối bỏ mọi điều chúng ta dạy bảo chúng. Theo chúng, chúng ta chẳng hiểu biết gì cả. Các giá trị tinh thần và những gì chúng ta tin tưởng đều bị chúng thách đố. Mọi điều chúng ta nói ra đều được coi như những trở ngại cho chúng. Có sự căng thẳng trong gia đình lên đến cao độ.

Nhưng chúng ta lại quan trọng hơn bao giờ hết đối vơi các con cái vị thành niên. Trong khi chúng đang áp dụng các giá trị của bạn bè chúng, là những đứa đang ảnh hưởng đến chúng nhiều nhất, chúng ta phải hiện diện để chống lại sự lôi kéo của rượu chè và ma túy. Những độc được này càng ngày càng len lỏi vào đời sống của con cái bạn và hủy hoại chúng.

Trẻ em vị thành niên không tìm được niềm an vui nơi gia đình sẽ đi tìm kiếm ở chỗ khác. Một số bỏ nhà ra đi. Nhiều đứa khác tìm cách chạy trốn các áp lực: một đứa con trai thông minh và vui tính tìm sự thoát ly trong ma túy, một đứa con gái khỏe mạnh và vui nhộn bắt đầu chè chén.

Chúng ta thử xem xét các dữ kiện sau đây:

  • 1) Mỗi năm có một triệu học sinh bỏ học hay thường xuyên “cúp cua”.
  • 2) Cứ 10 đứa con gái vị thành niên thì có 4 đứa chửa hoang trước năm 20 tuổi.
  • 3) Mặc dù việc hút cần sa đã suy giảm trong các năm qua, việc nghiền bạch phiến, nhất là “crack cocaine” đã gia tăng gấp đôi.
  • 4) Trong 4 đứa trẻ vị thành niên có một đứa nghiện rượụ Khoảng 10.000 đứa sẽ chết vì các tại nạn liên quan đến rượu chè mỗi năm.
  • 5) Mỗi năm có khoảng từ 5.000 tới 6.000 đứa trẻ vị thành niên chết vì tự tử, và con số này ngày càng gia tăng tới mức cứ 90 phút là có một đứa tự tử. Cứ một đứa chết thì có 100 đứa mưu toan tự tử.


4.3 Con Cái Vị Thành Niên Cần Cha Mẹ

Trẻ vị thành niên phải đối phó với các áp lực người lớn không cho là quan hệ. Cơ thể chúng thay đổi, chúng phải thích nghi với con người mới chúng thấy khi soi gương. Chúng cảm thấy con ngưòi chúng khác lạ. Chúng bắt đầu chú ý đến vấn đề tính dục. Chúng thường xuyên có sự lo lắng bất an. Chúng cảm thấy có áp lực phải phù hợp với bạn bè và sẽ bị riễu cười nếu không theo. Các sự thay đổi này có thể hết sức sợ hãi, lạ lùng và buồn chán. Trẻ vị thành niên có những linh tinh tốt, nhưng chúng cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về khả năng xét đoán thiếu đúng đắn của chúng.

Trong khi các trẻ vị thành niên đang đòi hỏi được đối xử như người lớn, chúng vẫn cần một mái nhà êm ấm, một nơi trú ngụ. Và mặc dầu chúng không chịu công nhận, chúng cần có những khuôn phép, giới hạn, và rất nhiều sự giúp đỡ để có thể sắp xếp cuộc đời của chúng và quan trọng hơn cả là tình yêu. Trong giai đoạn trưởng thành sóng gió, điều quan trọng các phụ huynh cần nhớ (mặc dầu con cái vị thành niên của chúng ta lại muốn quên đi), đó là chúng ta yêu thương chúng và chúng cũng yêu thương chúng ta. Cuối cùng thì đây là điều làm cho mọi nỗ lực của chúng ta có ý nghiã.

4.4 Phụ Huynh Hiểu Biết Gì Về Con Cái Của Mình?(

Bạn có thể nói, “Con tôi không bao giờ làm như thế.” Đa số không. Nhưng cho dù các con bạn không làm như vậy, bạn hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau đây:

  • 1) Con cái bạn giờ này đang ở đâu?
  • 2) Con cái bạn ghê sợ điều gì nhất?
  • 3) Ai là bạn hữu thân nhất của con cái bạn?
  • 4) Bạn hữu của con bạn có được vui đón chào vào nhà của bạn không?


Xin nhớ là một mối liên hệ mật thiết nhất đối với con cái là phương cách tốt nhất để hướng dẫn chúng, và để ngăn không cho chúng trở nên một nạn nhân trong các con số thống kê.

4.5 Sống Hòa Hợp Với Con Cái

Sau đây là một số ý kiến và phương pháp có thể thử xử dụng để tăng cường mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Nếu chúng không có hiệu qủa tức thời, nên tiếp tục xử dụng vì chúng ta cần thời gian để thực hành:

  • 1) Bỏ thì giờ ra cho con cái vị thành niên. Tìm một sinh hoạt bạn thích làm với con cái và theo đuổi sinh hoạt này. Nếu lời mời gọi của bạn bị từ chối, nên tiếp tục mời.
  • 2) Lắng nghe, thật sự lắng nghe. Vì phụ huynh qúa bận rộn và có qúa ít thì giờ, chúng ta thường nghe trong khi lau chùi, rửa chén, hay sửa xe. Bỏ công việc vặt trong nhà sang một bên để con cái bạn biết rõ bạn đang lắng nghe chúng.
  • 3) Hãy nhìn xa trông rộng. Đừng coi những lỗi lầm nhỏ nhặt như nhũng tai vạ khủng khiếp. Chỉ nên chọn những vấn đề quan trọng. Không nên biến gia đình thành một bãi chiến trường.
  • 4) Hãy chấp nhận những sự dị biệt. Hãy coi các con cái vị thành niên như những cá nhân khác biệt với bạn. Đây không có nghĩa là bạn không thể nói lên ý kiến của bạn khi bạn không đồng ý.
  • 5) Hãy tôn trọng quyền tư hữu của con bạn. Đùng nghe lóm, đừng lục xoát. Nếu chúng có hành động làm bạn lo ngại thì phải nói ra.
  • 6) Để cho con cái tự thu xếp mọi việc của nó. Đừng bao giờ nói bạn biết rõ cảm nghĩ của chúng. Chúng tin rằng cảm nghĩ của chúng (qúa mới mẻ, và riêng tư) thật à duy nhất. Chúng phải tự tìm hiểu sự thật không có bạn giúp đỡ. Cũng đừng nói cảm nghĩ của chúng không ăn nhập gì và sẽ thay đổi. Vì chúng sống trong hiện tại, và nếu cảm nghĩ của chúng sẽ mau thay đổi thì cũng không quan trọng gì đối với chúng bây giờ.
  • 7) Đừng xét đoán. Hãy chỉ nêu lên các dữ kiện thay vì ý kiến khi bạn khen thưởng hay chỉ trích. Nói lên các dữ kiện như “Bài thơ của con làm cho mẹ phải mỉm cười,” hay “phiếu học bạ này toàn những con C và D” Hãy để cho con bạn tự đi đến những kết luận thích hợp. Con cái vị thành niên hết sưc nhậy cảm về những sự xét đoán dù là tốt hay xấu.
  • 8) Hãy rộng lượng trong các lời ngợi khen. Hãy khen con cái về những cố gắng thay vì chỉ khen các thành qủa. Và đừng bình phẩm về con người. “Con thật là một họa sĩ đại tài” là một điều con cái khó có thể trở thành. “Bố rất ưa thích bức họa của con” là một dữ kiện đến từ trong tim.
  • 9) Hãy đề ra những giới hạn hợp lý. Con cái vị thành niên cần có các giới hạn này. Luật lệ của bạn phải được áp dụng đồng đều và phải dựa trên những điều bạn thực sự tin và những giá trị của bạn.
  • 10) Hãy dạy cho con cái bạn biết lấy những quyết định và những lựa chọn hợp lý bằng cách khuyến khích sự tự chủ và cho phép con bạn làm những lỗi lầm. Đừng can thiệp trừ khi cần thiết.
V. Cộng Đồng Giáo Xứ phải làm gì để cải tiến nếp sống xứ đạo bên Mỹ

  • 5.1. Cần chuyên cần với đời sống phụng vụ, Bí tích và cầu nguyện, hiệp thông, đồng tâm nhất trí, chia sẻ như cộng đồng tiên khởi (Cv 2, 42)
  • 5.2. Tổ chức các chương trình giáo lý cho trẻ em, người lớn và tân tòng có giảng viên được huấn luyện và có khả năng.
  • 5.3. Có các thánh lễ và tĩnh tâm dành cho trẻ em bằng song ngữ và sống động để thu hút các em, đồng thời cũng có những cuộc tĩnh tâm cho người lớn.
  • 5.4. Có các cuộc hội thảo cho các lớp tuổi để duy trì văn hóa, để học hỏi về cách sống tại Mỹ và các trào lưu mới.
  • 5.5. Có các lớp Tiếng Việt để giúp cho con em duy trì tiếng mẹ đẻ, văn hóa và lịch sử Việt Nam.
  • 5.6. Có đủ các hội đoàn cho mọi lớp tuổi và sở thích.
  • 5.7. Có các sinh hoạt tập thể đề khuyến khích sự hợp tác và hòa đồng giữa cha mẹ, con cái, và các hội đoàn với nhau.
Kết Luận:

Đức Thánh Cha Gioan Pholô II trong Thông Điệp Ecclesia in Asia gửi Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã tuyên bố như sau:

“Gia đình giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa Á Châu, như các giám mục Á Châu đã nói, các giá trị gia đình như lòng hiếu thảo, nhân ái và săn sóc cho người già yếu bệnh tật, yêu thương trẻ em và nhân hòa được quý trọng trong văn hóa Á Châu và trong các truyền thống tôn giáo.”

Tuy nhiên, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay trên đất Mỹ đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ thấy nhất là sự hội nhập văn hoá Hoa Kỳ khiến cho người Việt di cư quá chú ý đến những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, gây nên những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đọa, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực...

Các thế hệ người Việt di cư đầu tiên trên đất Mỹ vẫn còn gắn bó nhiề với những giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam được liệt kê ở phần đầu: lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, siết chặt tình thâm gia tộc, tình nhân ái giữa người với người, củng cố lòng hiếu khách, tôn trọng người già, đề cao lòng hiếu thảo, chăm sóc cho người trẻ. Tuy nhiên các thế hệ trẻ càng ngày càng xa lìa với những giá trị này, vì nhu cầu của đời sống, vì ảnh hưởng của xã hội Mỹ với những đòi hỏi về tự do cá nhân và hưởng thụ. Người trẻ nếu không được học tiếng Việt, không học hỏi về văn hóa Việt sẽ càng ngày càng Mỵ Hóa. Tôn giáo phải đứng sau những ưu tiên khác là tiền tài, công ăn việc làm, xe cộ, nhà cửa và giải trí. Nếu không có một căn bản đạo lý vững chắc, họ dễ thờ ơ với việc giữ đạo, và sẽ không còn tha thiết với nhà thờ nhà thánh cụng như không lo cho việc giáo lý của con cái của họ.

Tóm lại, cần có sự tiếp tục hướng dẫn của phụ huynh, của thầy cô giáo lý, của các cha các thầy các sơ, cũng như các tổ chức và hội đoàn trong giáo xứ để duy trì lòng đạo đức của giới trẻ. Phụ huynh phải đưa con em đến nhà thờ sinh hoạt trong các đoàn thể và tham dự các lớp giáo lý và Việt Ngữ. Tiếng Việt còn thì văn hóa Việt còn. Một cộng đoàn lành mạnh, dưới sự hướng dẫn của một cha xứ đạo đức và có khả năng tổ chức và lãnh đạo sẽ sống mạnh và giúp cho các gia đình có đời sống thiêng liêng tốt đẹp.

____________________

1 Giêrôminô Nguyễn Văn Nội, “Gia Đình Sống Đạo là Thể Hiện Những Giá Trị Và Truyền Thống Về Văn Hóa Và Tôn Giáo của Gia Đình Á Châu”, 24 tháng 01 năm 2006, Giáo Dân Với Gia Đình, www.dongcong.net

2 Sứ điệp của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp lần thứ 8, FABC, The Asian Family Toward A Culture Of Life, August 17-23, 2004, Daejeon, Korea

3 Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, “Thánh Hóa Gia Đình”, Hànội, 2002

4 LM.Lê Văn Quảng, “Để Có Hạnh Phúc Gia Đình” Bán Nguyệt San Điện Tử CNDK, Số 45, Chúa nhật 30.4.2006

5 LM Cao Phương Kỷ, “Bảo Toàn Tiếng Việt và Văn Hóa Dân Tộc”, The Association of Vietnamese Language & Culture Schools of Southern California, www.ttvn.org

6 nt.

7 LM Cao Phương Kỷ, nt.

8 Giêrôminô Nguyễn Văn Nội “Thế Nào Là Gia Đình Sống Đạo?”, Giáo Dân Với Gia Đình, www.dongcong.net

9 LM Đào Quang Chính, Dòng Đa Minh, Cựu Giám đốc Văn Phòng Di Dân và Tỵ Nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

10 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, ngày 22, tháng 11, 1981

11 Joseph C. Atkinson, "Your Marriage as Eucharist: The Key to Christian Marriage", Columbia (Thaùng 3, 2001), t. 12-13.

12 Joseph Việt Vũ, Tâm Thư Gửi Các Gia Đình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,, San Jose, 1994, t..

13 Joseph C. Atkinson, "Your Marriage as Eucharist: The Key to Christian Marriage", Columbia (Thaùng 3, 2001), t. 12-13.

14 Mike Lawler, FOCCUS (Facilitating Open Couple Communication, Understanding and Study, Creighton's Center for Mariage and Family, Creighton University, July 15, 2003.

15 Michael G. Lawler and Gail S. Risch, “Time, Sex and Money”, America The National Catholic Weekly, Vol. 184 No. 16, May 14, 2001

17 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,, “Thư gửi Phụ Nữ Thế Giới nhân Dịp Hội Nghị Quốc Tế Lần VI về Phụ Nữ tại Bắc Kinh, 5/9/1995.

18 LM Nguyễn Công Lý, O.P., Văn Hóa Việt Nam, Văn Hóa Thánh Kinh, Cơ Sở Ân Loát Thời Báo, Vancouver, BC, 1996, t. 68-69.

19 Trần Văn Cảnh, Vai Trò của Người Phụ Nữ Việt Nam Hiện Nay Trong Xã Hội Pháp, bài đăng trên mạng lưới (Phỏng theo và áp dụng cho xã hội Hoa Kỳ).

20 Bùi Hữu Thư, Tình Yêu và Sự Khiết Tịnh, Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, số ngày 1 tháng 6, 2002.

21 Edwin and Sally Kiester, Bùi Hữu Thư phỏng dịch, “Phụ Huynh Cần Biết Gì về Những Đứa Con Trai?” (Reader's Digest 8/00).

22 John Paul II, Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia, The Family, 46b, New Delhi, India, November 6, 1999.