LÀM PHÉP NHÀ TRONG NẾP SỐNG ĐẠO HÔM NAY
Cái nhà quả thật là tài sản lớn với nhiều gia đình. Ca dao cũng từng nói rằng ở đời có ba việc khó là “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Nếu xếp theo thứ tự câu nói này, thì việc làm nhà là khó nhất trong ba việc. Ngẫm nghĩ thật chí lý. Có nhiều người đã tậu được trâu để làm ruộng ( nay chắc là xe cộ để đi lại nếu ai đó không phải là nông dân mà lại sống trong thành phố), có vợ con hẳn hoi nhưng chưa chắc đã đủ tiền để mua nhà.
Nhiều người bạn của tôi hiện nay là công chức, có vợ con và xe cộ để đi lại rồi, trong nhà cũng có đầy đủ những thứ cần dùng cho cuộc sống hàng ngày như TV, tủ lạnh… Nhưng anh ta còn thiếu một thứ: cái nhà. Mỗi lần nhắc đến chuyện mua nhà, anh ta lại thở dài “ Lương thấp như ri thì bao nhiêu năm mới mua được nhà?”
Với giá nhà cửa ngày càng cao hiện nay, thì với lương của một công chức cũng chẳng dư dả là bao, thì việc mua nhà vẫn còn là một giấc mơ xa vời. Có những người suốt đời chỉ ở chung cư hay căn hộ tập thể trong các thành phố mà không bao giờ với tay tới việc mua nhà. Xem thế thỉ đủ biết, cái nhà cho dù có nhỏ bé đi nữa, thì giá trị của nó cũng chẳng phải là nhỏ so với một gia đình bình thường trong xã hội chúng ta ngày nay.
Báo chí gần đây nói đến nhà cho người “có thu nhập thấp” nhưng việc thực hiện điều này xem ra vẫn còn quá tầm tay của nhiều người có thu nhập thấp thực sự. Người viết bài này có một người cậu bà con đi du học bên Nhật và ở đó làm ăn trong hơn 30 năm, nay đã trở về quê nhà sinh sống. Ông có viết một bài báo nói chuyện về việc chính phủ Nhật có chủ trương giúp những người có thu nhập thấp mua nhà trả góp trong một thời gian dài tới 30 năm thông qua các ngân hàng và cho biết rằng chỉ có làm như thế thì mới có hy vọng người thu nhập thấp mới mua được nhà. Dân Nhật có thu nhập cao trên thế giới mà còn phải làm như thế, huống hồ gì dân ta.
Vì cái nhà quan trọng như thế, nên mỗi khi có đủ tiền để mua nhà, người ta phải suy nghĩ ghê gớm lắm. Nào là phải xét về vị trí của căn nhà, rồi hướng nhà, bản thân mảnh đất của căn nhà… Mỗi thứ lại đi với một số tập quán đã hình thành từ xa xưa. Chẳng hạn người ta tin rằng nhà mà “nở hậu” là tốt. Nhà quay về hướng nam cũng là tốt. Nhà quay về hướng tây hình như không được ưa chuộng lắm. Người Trung Quốc xây dựng hẳn một “kho tàng lý luận” về những việc liên quan đến đất đai, trong đó có nhà cửa, được gọi là “phong thuỷ”.
Đối với nhiều người, sau khi đã làm hoặc mua được nhà, việc đầu tiên mà người ta nghĩ ngay đến là “Mừng nhà nới”, hay còn gọi là “tân gia”. Đây là một dịp vui tương đương với cưới hỏi, nên việc tổ chức cũng xôm tụ không kém việc cưới hỏi. Người ta cũng in thiệp mời, cũng tiệc tùng đình đám, cũng rượu chè đủ cả. Người đi mừng “tân gia” thì nếu thân tình sẽ đem món quà tặng có ý nghĩa, còn thường thì đưa phong bì để chủ nhân tuỳ ý sử dụng. Tập tục của người Việt mình như thế rất hay.
Nhưng với người Công giáo, tiệc tùng đình đám chỉ là “chuyện thế gian”, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Như thế xem ra việc làm tân gia không nhất thiết là phải có. Song việc “làm phép nhà” thì không người Công giáo nào dám xem nhẹ.
Vì sao thế?
Trước hết, cái nhà của người Công giáo không phải chỉ là nơi để ở, mà còn là một nơi thờ phượng của gia đình. Bất cứ gia đình Công giáo nào cũng có bàn thờ Chúa ở nơi xứng đáng nhất, thường là ngay trong phòng khách của căn nhà vì phòng này được bố trí đẹp đẽ và ngăn nắp nhất. Đây cũng là nơi mà gia đình đọc kinh sớm tối, là nơi sinh hoạt chung của gia đình. Nhân dịp mừng nhà mới, đich thân chủ nhà phải đi mời cha sở đến làm phép nhà. Chúng ta tin rằng một gia đình có làm ăn nên hay không, có hạnh phúc không, con cái có nên người không đều diễn ra chủ yếu dưới mái nhà. Vì thế, căn nhà cần phải được “thánh hoá” cũng giống như nhà thờ cần phải được cung hiến vậy. Sách bổn giáo lý của Giáo hội Mỹ có viết rằng “ Cái nhà của người Công giáo là nơi mà con cái nhận được lời tuyên xưng đức tin đầu tiên. Vì lý do này mà mái ấm gia đình xứng đáng được gọi là “Nhà thờ gia đình” (The Christian home is the place where children receive the first proclamation of the faith. For this reason the family home is rightly called "the domestic church,")
Thứ đến, căn nhà phải được chắc chắn là nơi Chúa ngự đến trong gia đình nên việc hiện diện của cha sở làm phép nhà là không thể thiếu được nhằm xua tan ma quỷ. Cha sở sẽ rảy nước phép trong tất cả các phòng của căn nhà. Cùng với những lễ nghi diễn ra sau đó, mọi người có mặt sẽ hiệp ý cầu nguyện cho gia đình của chủ nhà. Buổi cầu nguyện sẽ rất sốt sắng, đôi khi có cả thánh lễ ngay tại căn nhà làm cho buổi làm phép nhà trở thành một dịp không bao giờ quên được trong nếp sống đạo của người Công giáo nói chung.
Cũng xin nói thêm rằng nhân dịp làm phép nhà mới, chủ nhà cũng tự ý thức về việc sống đạo của mình. Do đó, trước khi cha sở đến làm phép nhà, họ đã tự nguyện đến tìm gặp cha sở để xin nhận bí tích hoà giải trước. Đây là một việc làm đáng quý trọng vì có khi chủ nhà có được nhà mới, có khi họ không đến nhà thờ hoặc không xưng tội rước lễ trong nhiều năm.
Lại nữa, cũng trong dịp này, chủ nhà sẽ trình bày những khó khăn vướng mắc đang gặp phải và cũng xin mọi người cầu nguyện cho mình. Đã từng có những “ơn đặc biệt” theo ý người xin đã được Chúa ban cho ngay sau đó mà chỉ có người xin mới làm chứng được là mình đã được ơn riêng. Người viết bài này đã từng tham dự một buồi làm phép nhà và trong dịp đó được nghe những khó khăn mà chủ nhà đang gặp phải và công khai ngỏ ý xin cha sở và mọi người tham dự hiệp thông cầu nguyện theo ý nguyện. Sau khi cầu nguyện, chủ nhà hết sức cảm động và tỏ lòng biết ơn và chẳng bao lâu sau thì được tin ý nguyện của họ đã được Chúa nhận lời. Sau đó, họ ngỏ lời cám ơn đến những người đã cầu nguyện cho mình. Ngừơi viết bài này xin phép không nói cụ thể người chủ nhà đã xin gì vì sợ mắc tội khoe khoang. Thật là một phép lạ nhãn tiền. Với niềm tin của chúng ta thì điều đó đã từng được nhắc đến trong Tin Mừng “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Luca 11,9)
Xét cho cùng thì cái nhà quả là quan trọng thật. Làm phép nhà là một dịp để cho chủ nhà sống đạo đức hơn và hơn nữa còn phải là cơ hội để phần nào trở nên một chứng nhân ít ra là đối với hàng xóm láng giềng.
Nguyễn Thụ Nhân
11.12.2006