NHỮNG CA KHÚC GIÁNG SINH ĐƯỢC ƯA CHUỘNG
ADESTE FIDELES
(O COME ALL YE FAITHFUL)
Bản nhạc Adeste Fideles (O Come All Ye Faithful) đã được hát trong các thánh đường Tin Lành và Công giáo mỗi mùa Giáng sinh gần hai trăm năm qua và trong các thánh lễ Công giáo nhiều năm trước nữa. Vào thế kỷ 20, ca khúc này cũng đã được các ca sĩ thượng thặng thâu thanh hàng trăm lần, và các đĩa nhạc đó đã đạt nhiều kỷ lục cũng như đã nhẩy lên hàng những đĩa nhạc bán chạy nhất (top ten) tới ba lần, được dịch ra hơn 150 ngôn ngữ khác nhau và được các nhà phê bình đánh giá là “ca khúc giáng sinh vĩ đại nhất “. Vậy mà điều đáng ngạc nhiên là mãi đến khi thế chiến thứ hai chấm dứt người ta mới biết được tên tác giả của ca khúc đó.
Suốt nhiều thế kỷ, người ta cứ tưởng tác giả của bản nhạc này là một giáo sĩ vô danh sống trước hoặc trong thời Trung cổ. Có truyền thuyết cho rằng lời ca của bản nhạc này là do thánh Bonaventura viết. Thế nên mọi người đều rất ngạc nhiên khi một học giả người Anh tên là Maurice Frost khám phá ra 7 bản nhạc này chép tay có chữ ký của một linh mục Công giáo người Anh tên là John Francis Wade. Lý do nào khiến cho tên tuổi của cha Wade không được ai biết là tác giả của bản nhạc thời danh này vẫn còn là một điều bí ẩn không ai giải thích được. Tuy nhiên, hoàn cảnh vị linh mục sáng tác bản nhạc này lại như một chuyện phiêu lưu thú vị.
Năm 1745, năm linh mục Wade mới 35 tuổi, cuộc xung đột giữa giáo hội Anh giáo và Công giáo đạt đến cao độ và cha Wade đã nằm giữa gọng kìm của cuộc thánh chiến đó. Nhiều tín hữu Công giáo phải rút vào sống đạo trong thầm lặng. Để tránh tù đầy và cái chết, nhiều linh mục phải bỏ trốn khỏi nước Anh, trong đó có cha Wade. Cha đến sinh sống tại miền Douay nước Pháp nơi có nhiều tín hữu Công giáo người Anh và những người chống đối hoàng gia Anh cư ngụ. Nơi đây cha được giao một công tác quan trọng. Vì có nhiều hồ sơ, văn bản của các xứ đạo nước Anh bị thất lạc trong cuộc xung đột nói trên, nhiệm vụ của cha Wade là truy tìm và xác định các nhạc bản công giáo, để rồi ghi chép và bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Cha làm việc hết sức cẩn trọng, cố gắng hết mình để không bỏ sót một nhạc bản nào có giá trị tinh thần và lịch sử, coi công việc là một tìm kiếm khó nhọc và lâu dài.
Là một người được học hỏi về thư họa và cũng là một nhạc sĩ có tài, cha Wade đã không chỉ bảo toàn được các bản thánh ca thời đó, mà còn sắp xếp, trình bày và phân phối cho các xứ đạo khắp châu Au. Cha đã tìm được và, qua nét họa và chữ viết tuyệt đẹp, đã phổ biến được nhiều bản nhạc thất truyền từ lâu, và những nhạc bản đó lại được hát vang trong các thánh lễ khắp Au châu và nhiều nơi khác.
Ngoài việc tìm kiếm những nhạc bản thất truyền, cha Wade còn có hứng sáng tác những ca khúc mới, dĩ nhiên bằng La ngữ vì cha là linh mục công giáo. Vào khoảng năm 1750 ngài sáng tác xong những nốt nhạc cuối cùng của bản “Adeste Fideles” và năm kế tiếp xuất bản trong tập nhạc “Cantus Diversi”. Trong khoảng thời gian 10 năm sau đó, cha hoàn thiện và đặt lời cho bản nhạc. Vậy là ca khúc này được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau với tên cha là tác giả, thế mà không hiểu tại sao đến năm 1841 khi Frederrik Oakeley phiên dịch nguyên bản bài ca ra tiếng Anh không thấy ghi tên của ngài. Cũng từ đó nhiều truyền thuyết về người khai sinh ra bản nhạc ra đời, nhưng không có tên của cha Wade.
Vào những năm 1800 tên tuổi thánh Bonaventura đuợc nổi bật lên là tác giả bản nhạc, và chắc là phải có lý do. Có thể là trong khi làm công tác nói trên tại Pháp, cha Wade đã tìm được một số bản nhạc của thánh nhân, và những bản nhạc đó đã ảnh hưởng hoặc gợi hứng cho cha Wade.
Chuyện kế tiếp thường được mọi người kể đi kể lại, là vào năm 1860 bản nhạc này đuợc trình bày ở sứ quán Bồ đào nha tại Luân đôn. Nhạc sĩ phong cầm Vincent Novello giới thiệu với thính giả là bản nhạc do một người tên là John Ređing sáng tác. Vậy là Ređing được công nhận là tác giả của ca khúc tuy rằng bản thảo của cha Wade xuất hiện trước đó cả thế kỷ đã vô hiệu hoá sự công nhận này. Ređing đem xuất bản và đặt tên là “Nhạc bản Bồ đào nha”. Vì sự việc đó nên nhiều người nghĩ rằng Ređing viết nhạc còn lời ca là do một người Bồ đào nha nào đó soạn thảo.
Tại Mỹ, cũng như trên khắp thế giới, nhiều nhà thờ đã hát bản thánh ca này từ trước năm 1900. Bản nhạc cũng là trọng điểm của phong trào hát dạo thánh ca nở rộ khắp nước. Nhiều ban nhạc đi đến từng nhà hát các ca khúc giáng sinh, và bản nhạc này luôn luôn được hát lên hoặc kết thúc với lời điệp khúc thật hùng hồn.
Trong mùa lễ Giáng sinh 1905, ban nhạc lớn nhất thời đó là Peerless Quartet ghi âm và phát hành bản nhạc này. Vào lúc mà phương tiện truyền thanh chưa xuất hiện để có thể chuyển đạt âm nhạc đến quảng đại quần chúng, thì đĩa nhạc này xuất hiện đã bán được cả hàng ngàn bản và nhảy lên đứng hàng thứ bảy trên bảng National Hit Parade. Ban nhạc Peerless Quartet tuy đã ghi âm cả hàng ngàn bản nhạc nhưng ca khúc này trở thành biểu tượng của họ về thánh nhạc.
Năm 1915, người ca sĩ giọng tenor gốc Ai nhĩ lan nổi tiếng nhất thế giới đã ghi âm ca khúc này và đưa lên đứng hạng nhì trong bảng sắp hạng toàn quốc năm đó. Một thập niên sau, ban nhạc American Gee Club lại chứng tỏ một lần nữa rằng bản nhạc này vẫn là ca khúc giáng sinh hàng đầu của dân chúng Mỹ. Trong thời kỳ mà rất ít bản thánh ca tìm được sự yêu chuộng đồng nhất nơi dân chúng, nhạc bản này vẫn giữ được vị thế hàng đầu cho mãi tới khi ca sĩ lừng danh Crosby thâu thanh bản nhạc “White Christmas”. Dĩ nhiên khi phát hành đĩa nhạc, Crosby còn thâu âm và phát hành kèm theo cả bản “O Come” nữa. Cũng chính vào thời điểm này, Maurice Frost đánh tan những nghi vấn về tác giả bản nhạc khi khám phá ra người khai sinh ca khúc này là linh mục Wade và trả lại cho ngài cái vinh dự là tác giả bản nhạc.
Tác quyền và tài năng của cha Wade phải được công nhận và tuyên dương. Sống giữa thời đại có những tranh chấp của các giáo hội, ngài đã chấp nhận cuộc đời ly hương để bảo vệ đức tin, đã tận tụy suốt thời gian lưu vong để bảo tồn những văn bản của giáo hội trong lúc một số người khác muốn xóa bỏ, ngài đã chứng tỏ nhiệt tâm phụng sự Chúa và giáo hội. Từng chữ từng câu trong bản thánh ca này không những chỉ chứng minh đức tin của tác giả mà còn triển dương đức tin đó nữa. Giữa một thời mà giáo hội đang ở trong tình trạng chiến tranh, chỉ người nào thực sự tin tưởng vào thánh đức của Chúa mới có thể viết nên một bài ca có khả năng đem tất cả những người Ki tô giáo hiệp nhất lại với nhau mỗi dịp giáng sinh về để cùng nhau phủ phục trước Đấng Cứu Thế sinh hạ làm người.
Phạm Hoàng Nghị
(viết theo Ace Collins)
Ghi chú: Bản Adeste Fideles (tiếng Latinh) đã được hát trong các thánh đường Việt nam trước thế chiến. Sau này, một nhạc sĩ trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã chuyển âm thành “Mau mau cùng nhau đến tôn thờ“. Chúng tôi không tìm được toàn văn bản Việt ngữ đó. Sau đây là một phiên khúc và điệp khúc bằng La ngữ, Anh ngữ và bản chuyển âm của Hội Thánh Tin Lành Bap-Tít:
Adeste fideles, laete triumphantes
Venite, venite in Bethlehem
Natum videte, regem angelorum
Venite adoremus
Venite adoremus
Venite adoremus Dominum
O come, all ye faithful, joyful and triumphant.
Come ye, O come ye, to Bethlehem;
Come and behold Him, born the King of angels;
O come, let us adore Him,
O come, let us adore Him,
O come, let us adore Him,
Christ, the Lord.
Hỡi môn đồ trung tín, dìu dắt nhau vui hát du dương
Vô nơi Bet-lê-hem chiêm ngưỡng thật tận tường,
Chúa tể muôn sứ thánh nay giáng sinh chỗ tầm thường.
Mau mau cùng nhau đến tôn thờ
Mau mau cùng nhau đến tôn thờ
Mau đến nơi đây tôn thờ Chúa Giê-su Vua ta.