Vài cảm hứng từ Thư Mục Vụ của HĐGMVN 2006
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa gởi các thành phần dân Chúa tại Việt Nam một thư mục vụ. Thư mang tựa đề "Sống đạo hôm nay".
Nội dung thư rất súc tích, nhưng dễ hiểu.
Đối với riêng tôi, lá thư vắn gọn này đã gợi ý nhiều nhất do cụm từ "hôm nay" và do lời kêu gọi "dấn thân" gởi riêng các linh mục và tu sĩ.
Tôi xin được phép chia sẻ ở đây vài loại dấn thân, mà tôi vui mừng nhận thấy nơi một số linh mục và tu sĩ đang thực hiện tại Đất Nước ta.
1/ Dấn thân phục vụ người nghèo
Nhìn thoáng qua toàn thể các linh mục và tu sĩ tại Việt Nam hôm nay, người ta dễ thấy nét nổi bật nơi đời sống các ngài là phượng tự. Phượng tự nói đây được hiểu đơn giản là thực hiện một số bổn phận tôn giáo như cầu nguyện, chiêm niệm, rao giảng Lời Chúa, thánh lễ, tạ ơn...
Đi liền với những việc đó là lo liệu để có các phương tiện cần thiết cho phượng tự, như đất đai xây cất nhà thờ, các cơ sở đào tạo, nhà xứ, nhà dòng. Tất nhiên nhà thì phải có thiết bị và các dụng cụ cần thiết.
Cùng với việc phượng tự, các linh mục và tu sĩ tại Việt Nam hôm nay thường quan tâm dấn thân cho việc từ thiện bác ái.
Qua việc dấn thân này, người ta có thể phân ra ba hình ảnh Hội Thánh nhỏ tại Việt Nam:
1. Hội Thánh cho người nghèo. Hội Thánh loại này coi gia sản của mình như một vốn liếng Chúa trao cho Hội Thánh quản lý, để lo cho dân nghèo.
2. Hội Thánh với người nghèo. Hội Thánh này thực hiện lời Công đồng Vaticăng II mời gọi các giáo sĩ: "Các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Chúa Kitô một cách rõ ràng và cụ thể hơn với chức vụ thánh. Thực vậy, dù giàu có, Chúa Giêsu đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khổ của Người mà chúng ta trở nên giàu có" (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống các linh mục. Chương III, số 16).
3. Hội Thánh giữa người nghèo. Hội Thánh này rất quan tâm đến hoàn cảnh gây nên sự người nghèo xa cách Hội Thánh, vì thấy Hội Thánh giàu sang. Như lời Công đồng Vaticăng II đã khuyên: "Các linh mục cũng như Giám mục, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài là Đấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi giảng Phúc Âm cho người nghèo khó. Các ngài phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm mình xa cách người nghèo khó... Các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở của mình thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để bất cứ ai dù nghèo khó đến đâu cũng không bao giờ dám lui tới" (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục. Chương III, số 17).
Ba hình ảnh Hội Thánh trên đây đang có sức hấp dẫn lạ lùng đối với xã hội Việt Nam.
Dấn thân phục vụ người nghèo là một hào quang toả sáng nơi nhiều linh mục tu sĩ trên Quê Hương Việt Nam hôm nay. Xin tạ ơn Chúa giàu lòng thương xót.
Ngoài việc dấn thân phục vụ người nghèo, còn có một dấn thân khác cũng đang giúp ích rất nhiều cho việc sống đạo hôm nay tại Việt Nam. Đó là dấn thân theo dõi tình hình và cắt nghĩa các dấu chỉ thời sự.
2/ Dấn thân cứu xét cẩn thận các dấu chỉ thời sự
Sống đạo là sống Phúc Âm giữa dòng thời sự phức tạp và đổi thay. Để biết thánh ý Chúa, chúng ta phải sống Phúc Âm một cách cụ thể, làm sao cho thích hợp và khôn ngoan theo các dấu chỉ.
Về điểm này, Công đồng Vaticăng II đã nhắc nhở về ơn gọi của linh mục trong mục vụ: "Tiếng gọi đó phải được hiểu và nhận định qua những dấu chỉ mà hằng ngày Chúa dùng để tỏ ý Người cho các tín hữu khôn ngoan. Các linh mục phải cẩn thận cứu xét những dấu hiệu đó" (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục". Chương II, số 11).
Ví dụ: Từ mấy năm nay, thế giới chứng kiến hiện tượng sức mạnh của đức tin Hồi giáo qua nhiều sự kiện chính trị, văn hoá và kinh tế.
Nhưng từ mấy ngày nay, một hiện tượng rất đáng lo ngại đã xuất hiện. Đó là những chỉ trích gay gắt từ thế giới Hồi giáo đã nhắm thẳng vào Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI. Kèm theo những chỉ trích của các chính quyền Hồi giáo là làn sóng biểu tình sôi nổi giận dữ của quần chúng Hồi giáo tại các nước.
Phong trào phản đối này đã bùng phát vì một vài lời Đức Giáo Hoàng đã phát biểu tại Đức. Ngài trích dẫn lời một vị hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 14 đã đánh giá thô bạo vị sáng lập ra đạo Hồi. Ngài nhấn mạnh rõ là đánh giá đó không phải là ý kiến của Ngài.
Phong trào đấu tranh nhằm vào Đức Giáo Hoàng đang lan rộng và diễn biến càng ngày càng lớn theo chiều hướng xấu.
Báo chí, các đài phát thanh và truyền hình trên khắp thế giới đã liên tục loan tin và bình luận.
Toà Thánh đã giải thích thiện chí của Đức Giáo Hoàng. Nhưng không được thế giới Hồi giáo chấp nhận. Tình hình căng thẳng chưa biết sẽ đi về đâu. Nếu tình hình căng thẳng này chỉ sẽ được kết thúc một cách bình an bằng một bản xin lỗi tự hạ của Đức Giáo Hoàng, kèm theo một thái độ nào đó có ý nghĩa tuyên xưng những giá trị của Hồi giáo, như vài dư luận đòi hỏi, thì liệu mọi sự có được kết thúc tốt đẹp không?
Còn tại Việt Nam, một sự kiện mới xảy ra có liên quan tới Công giáo Việt Nam, theo tôi cũng là một dấu chỉ đáng suy nghĩ. Đó là sự thinh lặng của hầu hết báo chí trong nước trước việc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp tại Huế đầu tháng 9 vừa qua.
Những sự kiện này gợi ý cho tôi nghĩ tới việc sống đạo nhất là tại Việt Nam hôm nay rất cần được soi sáng bởi những dấn thân sáng suốt của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Đoàn chiên mong đợi những dự báo đúng đắn sẽ giúp cho họ tránh được cách sống đạo một cách ngây thơ, nhưng ý thức được khả năng xảy ra những bất ngờ nguy hại, để có những chọn lựa khôn ngoan. Thời sự đôi khi có những dấu chỉ hơi khác thường, nhưng không nên coi thường.
Vài gợi ý trên đây, dù vắn tắt, cũng sẽ cho chúng ta thấy sống đạo hôm nay không phải là dễ.
Sống đạo bao giờ cũng đòi nhiều phấn đấu và tỉnh thức.
Hôm nay là thời sự rất phức tạp.
Vì thế, sống đạo hôm nay đòi phải có cả cái tâm và cả cái trí.
Với ý thức đó, chúng ta đón nhận thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2006 như một tài liệu quý.
Mỗi người chúng ta nên suy nghĩ với nhiều đóng góp và hưởng ứng tích cực.