Đá sỏi bên đường ngày nắng khô; ngày ướt nhẹp, đêm hóng sương, ngày đón gió. Đá hao mòn. Ta nhìn vẫn thế. Lâu ngày, dầy tháng mới biết đá hao mòn. Đá góc cạnh sắc bén biến thành viên sỏi phải trải qua nhiều năm.

Trước cuộc khổ nạn, Đức Kitô cưỡi lừa cùng môn đệ tiến vào thành thánh Giêrusalem. Ngài đi âm thầm, không ai biết, chẳng ai hay. Gặp Ngài trên đường, sáng kiến mới nảy sinh, dân chúng bẻ cành lá trải đường thay thảm đỏ đón Đức Kitô. Phải chăng Thiên Chúa mặc khải cho con người biết ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, thiên nhiên cũng luôn đón chào Đấng tạo dựng nên chúng. Trong trường hợp này, ta có thể nói chính cành lá, cánh hoa bên đường cùng chung vui với người cầm cành lá vui mừng đón chào Thiên Chúa. Truyền thống đón chào bằng lá phát sinh. Kitô hữu có Chúa Nhật lễ lá mừng kính ngày Đức Kitô tiến vào thành thánh. Dân chúng cầm cành lá phất phới, múa chào Đức Kitô, miệng hoan ca chúc tụng tôn vinh. Nhóm chống đối Ngài. Họ có chức, có quyền, thế giá. Họ nghe chướng tai, nhìn gai mắt; lên tiếng cấm dân chúng không được chúc tụng tôn vinh Đức Kitô. Ngài lên tiếng.

'Nếu các ông ngăn cấm dân chúng ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, thì những hòn sỏi bên đường sẽ lên tiếng ca tụng Ngài' Lc:19,40.

Đá sỏi không có cảm xúc, không biết khổ đau, u sầu bởi đá sỏi không có hệ thần kinh, cũng không có con tim nên không đớn đau, buồn tủi. Con người không lên tiếng ca tụng Thiên Chúa, thì đã đá sỏi lên tiếng tung hô, chúc tụng, tôn vinh. Đức Kitô mặc khải mọi loài thụ tạo, lớn cũng như nhỏ, ngay cả vật vô tri, vô giác, đều ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa. Ngoài tiếng thiên thần và các thánh ngày đêm tôn vinh chúc tụng, còn có tiếng vạn vật không ngừng, hoan ca, chúc tụng Thiên Chúa. Ca tụng Chúa để biểu lộ niềm tin, lòng mến và tâm tình tạ ơn.

Con người không hiểu ngôn ngữ loài thụ tạo. Có hiểu thì cũng rất lơ mơ, và hầu như không biết gì về ngôn ngữ của thế giới thiên nhiên. Mỗi loài Chúa dựng nên đều có ngôn từ riêng của chúng. Chúng hiểu nhau; ta nghe được nhưng không hiểu. Ta không siêu việt như ta tự hào. Ai hiểu thấu tiếng ve kêu suốt hè. Đây là cách ve gọi nhau. Gặp rồi ve vẫn gọi. Ai hiểu tiếng ếch, nhái. Ếch kêu đón mưa. Điềm báo rất chính xác, trời sắp mưa. Ngoài ra, tai nghe mà không hiểu. Chim hót chào nắng sớm hay nói chuyện. Có tiếng chim ca, có nắng ấm, trời xanh, mây trắng. Vắng tiếng chim ca, trời âm u, ảm đạm. Tiếng côn trùng rỉ rả thâu đêm, đàn dơi tung cánh rủ nhau săn mồi; muỗi vo ve mỗi tối; tiếng ong, cánh bướm. Không ai hiểu chúng nói gì. Tiếng sấm vang giữa trời, chớp sáng loè con mắt, tiếng mưa rơi, tiếng suối reo vang, tiếng gió hú, cánh gió nhẹ bay, tiếng kêu kẽo kẹt cây va chạm nhau. Ta nghe hoài. Hiểu rất ít.

Đức Kitô biến nước lã thành rượu ngon tại Cana Gn. 2. Ngài ra lệnh cho sóng gió yên lặng Gn 6:16tt. Bệnh tật vâng lời Đức Kitô Lc. 17. Ngài mở mắt cho người mù Gn. 9. Cho Lazarus chết sống lại Gn. 11. Ngoại trừ con người; mọi loài thụ tạo vâng phục Thiên Chúa, vang lên bài ca chúc tụng và dâng lời tạ ơn. Chúa yêu thương con người hơn cả, và muốn nghe tiếng thỏ thẻ của người yêu. Chúa lắng nghe tiếng ta chúc tụng, tạ ơn và ngay cả lời ta cầu xin, than vãn, thở than. Đã không kính thờ, tôn vinh Thiên Chúa, con người lại đi tôn sùng tài năng cá nhân, phục tùng sáng kiến mới, phát minh khoa học. Tự nguyện làm nô lệ cho sắc đẹp, của cải, chức tước. Cuộc sống nào cũng cần có niềm tin. Không tin Đấng tạo dựng đất trời, sẽ tin vị thần do bàn tay, khối óc con người làm ra.

Loài người được Chúa yêu thương nhất lại là kẻ làm phiền Ngài nhiều nhất. Viên sỏi lề đường, vật vô tri, vô giác còn biết tạ ơn Thiên Chúa. Còn ta thì sao?

TiengChuong.org