CN 20B : BỮA ĂN MÀ AI CŨNG THOẢ MÃN

Đối với phần đông chúng ta, phân đoạn Thánh Kinh này thật khó hiểu. Bởi nó được phát biểu bằng một ngôn ngữ của một thế giới hoàn toàn xa lạ với chúng ta, có thể là ghê rợn và thô kệch nữa: ăn thịt người, uống máu bạn. Nhưng chúng ta phải nhớ điều này, với thế giới thời cổ, nó cũng khá quen thuộc.

Vào thời cổ, khi dâng sinh tế, con vật ít khi được thiêu hủy trọn vẹn, dẫu là toàn thiêu, nhưng thường chỉ được thiêu một phần tượng trưng nơi bàn thờ, tuy là toàn thể con vật được dâng lên cho vị thần. Một phần thịt được chia cho các thầy tế lễ kể như thù lao của họ, một phần khác được chia lại cho người dâng lễ tế, để người ấy tổ chức bữa tiệc thiết đãi bạn bè mình ngay trong khuôn viên đền thờ. Trong bữa tiệc ấy vị thần cũng được xem như một vị khách. Hơn nữa, khi thịt đã dâng cho thần rồi, người ta cho rằng thần đã nhập vào đó, nên khi người ta ăn thịt ấy, là ăn chính vị thần của mình.

Tuy vậy, người Do Thái không phải thuộc thời thượng cổ, nên lời nói của Chúa, “nhai thịt người ta và uống máu kẻ khác” vẫn là sống sượng.

Đoạn Tin Mừng này có thể nói gồm bốn chi tiết :

1- Phản ứng.

Trước hết là phản ứng của người Do thái về lời tuyên bố của Chúa Giêsu, khi Chúa nói thịt Ngài là của ăn ban cho họ được sống muôn đời. Phản ứng của họ lần này có vẻ mạnh hơn trước. Họ xô xát và tranh luận với nhau. Gioan ghi : "Họ tranh luận sôi nổi". Lần trước, Chúa Giêsu nói Ngài là bánh từ trời, họ bảo ông từ đất thì có, vì bố ông là Giuse, mẹ ông là Maria sờ sờ ra đó, chứ đâu phải từ trời. Lần này lại dám nói bánh đó là thịt. Ai ăn thịt Ngài thì được sống. Người Do Thái đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen : Là một người như họ, làm sao có thể lấy thịt mình cho họ ăn? Giêsu đâu phải là Thoại Khanh (1) để lóc thịt đùi nấu canh cho mẹ chồng khi chồng là Châu Tuấn đang bị đày đi sứ. Giêsu cũng chẳng phải là Giới Tử Thôi (2) lấy thịt đùi mình nấu dâng Tấn Văn Công trên đường chạy nạn cạn lương.

2. Không cải chánh.

Trước phản ứng có vẻ dữ dội của người Do thái, Chúa Giêsu vẫn không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”, nghĩa là hiệu năng dinh dưỡng mà thịt máu Chúa đem lại cho kẻ lãnh nhận, là sự sống muôn đời và sự phục sinh từ trong cõi chết. Hơn xa “thực phẩm chức năng” mà có thời làm mưa gió tại nước ta : bán rất đắt, nhiều người bỏ tiền triệu mua, xem như của ăn tiên phật. Nhưng thất vọng. Làm sao bằng thần lương của Chúa được.

3- Tác động.

Chúa Giêsu cho biết của ăn của uống này tác động như thế nào. Của ăn vật chất chúng ta ăn thì biến thành thịt máu ta. Chúng ta ăn thịt heo, thì thịt heo thành thịt máu 'ta', chứ không phải ta thành con lợn. Còn thịt máu Chúa mà chúng ta ăn, chúng ta uống, lại đưa chúng ta vào một sự kết hiệp mật thiết với Ngài : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”. Tức là ngược lại : ta nên giống Chúa. Thánh Phaolô nói kiểu khác mà cũng một ý tưởng : "Tôi sống, không phải tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 3,20)

4- So sánh.

Cuối cùng, Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu lực của manna mới : manna cũ, những người ăn đã chết. Manna mới, những người ăn sẽ sống đời đời. Chính người Do thái gợi ra câu chuyện manna, thì Chúa Giêsu lại dùng ngay câu chuyện ấy để so sánh và mạc khải về bánh bởi trời đích thực, bánh ban sự sống muôn đời. Ăn Chúa, tức kết hợp làm một với Chúa, trở nên như Chúa, mà Chúa hằng sống đời đời, nên ta cũng đời đời hằng sống.

Ngày nay không ai thắc mắc như người Do Thái xưa, vì không thấy thịt sống, máu tươi ở đâu cả, mà chỉ thấy có bánh và rượu. Nhưng đó đích thực là Thịt và Máu Chúa thật, ẩn dưới hình thức rượu và bánh, chứ không phải bánh 'tượng trưng' cho Thịt, rượu 'tượng trưng' cho Máu đâu. Ai ăn bánh này, sẽ nên một với Chúa, và kết hợp với nhau. Ai cũng có một phần đều nhau, ai cũng thoả mãn.

Một lần kia, có một người thương gia giàu có. Trong nhà ông còn có người con trai ông vừa mới lập gia đình và vợ anh. Người con trai có tấm lòng nhân hậu và ân cần làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo.

Ít lâu sau, người vợ trẻ sinh một bé trai. Để ăn mừng, ông nội của bé chuẩn bị một bữa tiệc lớn. Gần đến ngày tổ chức bữa tiệc, người con hỏi :

“Thưa cha, xin cha cho con biết, cha định sắp xếp chỗ ngồi cho khách như thế nào? Nếu cha theo đúng tục lệ xếp người giàu ngồi ở đầu bàn và người nghèo ở cuối cùng, gần bếp, điều ấy sẽ làm con khổ tâm. Cha biết rất rõ con yêu thương người nghèo như thế nào. Vì đây là tiệc mừng của con, xin cha cho con tôn vinh những người không có danh phận. Xin cha hứa với con cha sẽ xếp người nghèo ở đầu bàn và người giàu ở cuối bàn, gần khói bếp”.

Cha của anh lắng nghe chăm chú và đáp lại : “Con ơi, khó mà thay đổi thế gian. Con thử nghĩ xem : Tại sao người nghèo đến dự tiệc? Bởi vì họ đói và muốn ăn thức ăn ngon. Tại sao người giàu đến dự tiệc? Để được vinh dự. Họ đến không phải để ăn, bởi vì nhà họ có đầy đủ.

“Bây giờ con hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi xếp người nghèo ở đầu bàn. Họ ngồi đó, cảm thấy rất e dè như mọi con mắt đang nhìn mình, và vì thế họ thẹn thùng không dám ăn cho thật no. Và thế là họ không thưởng thức trọn vẹn những món họ ăn. Con không nghĩ, vì quyền lợi của họ, tốt hơn nên xếp cho họ ngồi chỗ không ai để ý đến, ở đó họ có thể ăn uống thỏa thuê mà không phải xấu hổ đó sao?

“Còn nữa, giả sử cha làm theo điều con yêu cầu và xếp người giàu ngồi ở cửa ra vào. Con không nghĩ họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm sao? Họ không đến để ăn mà vì vinh dự. Và phải chăng con không cho họ điều mà họ muốn sao?"

Vậy là cứ xếp theo lối cũ, bữa ăn làm cho ai cũng thoả mãn.

Vào thời các tông đồ, có bữa ăn agape trước “bữa ăn của Chúa” (thánh lễ bây giờ). Người giàu mang đồ ăn đến để say sưa, người nghèo đói meo không có gì (x. 1Cr 11, 17tt). Bữa ăn agape đã biến mất sau đó, để rồi nay dự “bữa ăn của Chúa” ai nấy đều thoả mãn, vì ai cũng như ai, một miếng bánh nhỏ, nhưng gói giá trị to là chính Thân Thể Chúa.

Khi đưa Mình Thánh cho một người đau liệt gần chết, tôi đọc đoạn Lời Chúa này, “Ai ăn Thịt Ta sẽ được sống muôn đời,” tôi thấy những giọt lệ lăn trên mắt người liệt. Lúc đó ta mới thấy giá trị của bánh hằng sống là thịt của Chúa. Lúc gần chết mới thấy ý nghĩa bánh sự sống.

tt Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(có dùng một gợi ý của cha Hàm)

________________________

1 truyện Nôm Việt Nam khuyết danh, được nhân dân Miền Nam đặc biệt ưa thích. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, có tài văn chương, tiết nghĩa và là người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm, Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi.

2 Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng.