1. Zelenskiy đưa ra cảnh báo trực tiếp tới Tổng thống Joe Biden về hội nghị thượng đỉnh hòa bình
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Issues Direct Warning to Joe Biden Over Peace Summit”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã đưa ra cảnh báo với Tổng thống Joe Biden về việc ông phải tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Kyiv dẫn đầu ở Thụy Sĩ vào tháng tới.
Zelenskiy nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Brussels, rằng sự vắng mặt của Tổng thống Biden trong các cuộc đàm phán vào ngày 15 và 16 tháng 6 - nhằm mục đích phát triển sự hiểu biết chung về con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine - sẽ giống như việc đứng dậy hoan hô Putin.
Washington cho biết Mỹ sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh nhưng chưa cho biết liệu Tổng thống Biden có tham dự hay không. Bloomberg hôm 23 Tháng Năm đưa tin, dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này, rằng Tổng thống Mỹ có thể sẽ bỏ lỡ sự kiện này vì bận rộn với một buổi gây quỹ tranh cử ở California.
Nga không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh
“Nếu Tổng thống Biden không có mặt, thì sự vắng mặt ấy sẽ giống như hoan nghênh Putin: trong tư thế đứng dậy vỗ tay hoam hô,” Zelenskiy nói, đồng thời kêu gọi càng nhiều quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình.
“Tôi tin rằng Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cần Tổng thống Biden, và các nhà lãnh đạo khác đang theo dõi phản ứng của Mỹ cũng cần ông ấy,” ông nói và cho biết thêm rằng ông tin rằng việc tham dự hay bỏ qua sự kiện này phản ánh “sự lựa chọn” của một quốc gia giữa mong muốn hòa bình hoặc chiến tranh ở Ukraine.
Ông nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, bạn sẽ có mặt ở đó và bạn sẽ nói, ngay cả khi bạn không đồng ý với điều gì đó”. “Và nếu muốn chiến tranh, bạn sẽ đi đến đám đông mà Nga muốn tổ chức.
“ Putin rất sợ hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Ông ấy đã cố gắng ngăn cản hội nghị thượng đỉnh này và tiếp tục làm như vậy”.
Triển vọng đàm phán hòa bình giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa đã được nêu ra nhiều lần nhưng không thành công, kể từ khi Putin tiến hành tấn công Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai/2022.
Hôm thứ Sáu, Reuters đưa tin, trích dẫn bốn nguồn tin ẩn danh của Nga quen thuộc với vấn đề này, rằng Putin sẵn sàng “đóng băng” cuộc chiến ở Ukraine trên các tuyến đầu hiện tại.
Điện Cẩm Linh trước đây đã chỉ định một số điều kiện không thể thương lượng đối với Nga, bao gồm cả việc Ukraine phải chấp nhận việc sáp nhập vào Liên Bang Nga, hồi tháng 9 năm 2022, bốn khu vực của mình—Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia—sau các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp.
Ukraine đã tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải vô hiệu hóa việc sáp nhập lãnh thổ của họ vào tháng 9 năm 2022; và Bán đảo Crimea, mà Putin đã sáp nhập vào năm 2014, một lần nữa phải được coi là một phần của Ukraine.
Thụy Sĩ đã mời hơn 160 phái đoàn từ khắp nơi trên thế giới tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Tính đến ngày 24 tháng 5, đã có hơn 80 xác nhận.
2. Berlin rón rén cho phép Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí Đức
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Berlin tiptoes toward allowing Ukraine to hit Russia with German weapons”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Văn phòng Thủ tướng Olaf Scholz hiện nói rằng Ukraine có thể tấn công “lãnh thổ của kẻ xâm lược”.
Chính phủ Đức đang lặng lẽ từ bỏ sự dè dặt của mình về việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga bằng vũ khí được tài trợ.
Hôm thứ Ba, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Đức cung cấp “trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, điều này sẽ cho phép chúng được sử dụng để chống lại kẻ xâm lược như Nga, kể cả bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã có cuộc họp báo cùng Scholz hôm thứ Ba 28 Tháng Năm, cho biết: “Chúng ta phải cho phép người Ukraine vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi hỏa tiễn được phóng đi, chứ không phải các mục tiêu dân sự hoặc quân sự khác”.
Các quốc gia khác thậm chí còn thẳng thừng hơn.
“Vũ khí Ba Lan gửi tới Ukraine không có giới hạn. Người Ukraine có thể sử dụng chúng khi họ thấy phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cezary Tomczyk nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Ba Lan.
Hôm thứ Tư, Berlin đã cố gắng minh định rõ hơn về những gì Thủ tướng Scholz muốn nói.
Phát ngôn nhân Steffen Hebestreit nói với các phóng viên rằng “hành động phòng thủ của Ukraine không chỉ giới hạn ở lãnh thổ của mình mà còn có thể mở rộng sang lãnh thổ của kẻ xâm lược”, đồng thời nhấn mạnh rằng ông không thể tiết lộ các thỏa thuận chính xác với Kyiv về việc sử dụng vũ khí của Đức vì chúng là “bí mật”.
Hebestreit lập luận thêm rằng tuyên bố cách đây một năm của Scholz, trong đó ông nói rằng có “sự đồng thuận” rằng Ukraine sẽ không sử dụng vũ khí của Đức trên đất Nga, là “tuyên bố về sự thật tương đối” chỉ đúng vào thời điểm đó nhưng không nhất thiết phải áp dụng cho tương lai.
Một người quen thuộc với quan điểm của chính phủ Đức cũng cho biết Scholz ủng hộ việc cho phép sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga mà không đi sâu vào chi tiết.
Thủ tướng Scholz nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Tôi thấy thật kỳ lạ khi một số người thảo luận và nói rằng người Ukraine không được phép tự vệ và thực hiện các biện pháp phù hợp cho việc này”.
Các đồng minh đang đáp trả áp lực từ Kyiv yêu cầu rõ ràng cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây như một cách ngăn chặn chiến dịch phản công và ném bom của Mạc Tư Khoa.
Cho đến nay, Washington vẫn là người chậm lụt nhất.
3. Chủ tịch Quốc hội bác bỏ tuyên bố của Putin về tính hợp pháp của Zelenskiy
Ruslan Stefanchuk, Chủ tịch Quốc hội Ukraine, ngày 28 Tháng Năm đã bác bỏ những tuyên bố của nhà độc tài Nga Vladimir Putin về tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Trước đó cùng ngày, Putin đã tuyên bố sai lầm rằng quyền lực tổng thống nên được chuyển giao cho chủ tịch quốc hội Ukraine vì nhiệm kỳ của Zelenskiy được cho là đã kết thúc.
Nếu thiết quân luật không được áp dụng, cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo đã được tổ chức vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 và nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Zelenskiy sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 5. Nhưng Ukraine đã ban hành thiết quân luật sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2, 2022. Đạo luật Thiết quân luật cấm rõ ràng các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và địa phương.
Theo Hiến pháp Ukraine, tổng thống thực hiện quyền hạn của mình cho đến khi tổng thống mới được bầu nhậm chức, ông Stefanchuk nói.
“Vì vậy, Volodymyr Zelenskiy vẫn và sẽ giữ chức tổng thống Ukraine cho đến khi kết thúc thiết quân luật. Tất cả điều này đều phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Ukraine”, ông nói.
Stefanchuk nói: “Rõ ràng là những câu chuyện mà Nga công bố hôm nay vừa dễ đoán vừa buồn cười”.
Một số nhà phê bình Zelenskiy, bao gồm cả các nhà tuyên truyền Nga, cho rằng Hiến pháp không cho phép kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của ông dưới tình trạng thiết quân luật.
Họ cho rằng ông không còn là tổng thống hợp pháp vào ngày 20 tháng 5. Tuy nhiên, các luật sư hiến pháp hàng đầu phản đối tuyên bố này, nói rằng Hiến pháp cho phép gia hạn như vậy.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và phát ngôn nhân Ủy ban Âu Châu Peter Stano đã lên tiếng ủng hộ tính hợp pháp của Zelenskiy vào ngày 21 Tháng Năm.
Stano nói: “Chúng tôi ở Liên Hiệp Âu Châu cũng không nghi ngờ gì về việc tổng thống Ukraine là Volodymyr Zelenskiy.
4. Theo yêu cầu của các đồng minh, Thụy Điển trì hoãn giao máy bay phản lực Gripen cho Ukraine: Gripen so sánh với F-16 như thế nào?
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Sweden Delays Gripen Jets to Ukraine: How Does Fighter Compare to F-16?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Trong khi Ukraine háo hức chờ đợi những chuyến hàng chiến đấu cơ F-16 đầu tiên từ các đồng minh phương Tây để chống lại lợi thế trên không của Nga thì Thụy Điển cho biết họ sẽ tạm thời dừng kế hoạch chuyển giao chiến đấu cơ tiên tiến của mình cho Kyiv.
Các quan chức Thụy Điển cho biết việc tạm dừng giao máy bay phản lực Gripen chỉ nhằm bảo đảm rằng kế hoạch chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine diễn ra suôn sẻ.
Hôm Thứ Ba, 28 Tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonsson cho biết: “Chúng tôi đã được các thành viên khác trong liên minh chiến đấu cơ thuyết phục trì hoãn việc giao chiến đấu cơ Gripen”. “Bây giờ trọng tâm của Ukraine là thực hiện chương trình tiếp nhận máy bay F-16.”
Gripen là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất do phương Tây sản xuất và có thể thách thức Sukhoi và Mikoyan của Nga về khả năng cơ động. Ukraine đã quyết định lựa chọn những chiếc F-16 đáng tin cậy hơn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, với hy vọng chúng sẽ giúp xoá bỏ ưu thế trên không của không quân Nga.
Các chiến đấu cơ của Mỹ sẽ thay thế phi đội MiG-29, Su-24 và Su-25 đang căng thẳng của Ukraine - những máy bay phản lực đã ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh và khả năng của chúng đã được người Nga biết rõ. Việc đào tạo phi công ước tính mất từ 6 đến 8 tháng, trong đó Bỉ và Đan Mạch dự kiến sẽ chuyển giao lần lượt 30 và 19 máy bay phản lực trong những tuần tới và Hà Lan cũng lên kế hoạch cho một mốc thời gian tương tự.
Đây là những gì chúng ta biết về máy bay phản lực Gripen mà Ukraine có thể nhận được từ Thụy Điển sau khi làm chủ được F-16.
JAS 39 Gripen, do công ty Saab của Thụy Điển phát triển, đã trở nên cần thiết cho nhiều lực lượng không quân kể từ khi được giới thiệu vào năm 1996. Được biết đến nhờ tính linh hoạt và hiệu quả về chi phí, nó được Brazil, Cộng hòa Tiệp, Hung Gia Lợi, Nam Phi và Thái Lan sử dụng.
Được thiết kế như một chiến đấu cơ hạng nhẹ, đa chức năng, Gripen kết hợp hệ thống điện tử hàng không, radar và vũ khí tiên tiến, đồng thời nhấn mạnh tính dễ bảo trì, quay vòng nhanh và linh hoạt trong vận hành, cho phép nó thực hiện hiệu quả trong các tình huống nhiệm vụ đa dạng.
Gripen có thể đạt tốc độ trên Mach 2 (khoảng 2400 km/giờ) và hoạt động ở độ cao lên tới 15km. Nó có bán kính chiến đấu khoảng 800 km với nhiên liệu bên trong và tầm hoạt động phà khoảng 3700 km nếu có thêm bình xăng phụ bên ngoài.
Được trang bị hệ thống radar tiên tiến như PS-05/A và Raven ES-05 AESA, Gripen có thể theo dõi nhiều mục tiêu cả trên không và trên mặt đất với độ chính xác cao. Các máy bay phản lực này được trang bị để mang nhiều loại vũ khí, bao gồm hỏa tiễn không đối không, đạn không đối đất và bom dẫn đường chính xác.
Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy rằng một số loại vũ khí, bao gồm cả hỏa tiễn tầm xa, có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các loại máy bay khác nhau và hỏa tiễn hành trình của phương Tây có thể dễ dàng thích ứng với Gripens hơn so với các máy bay MiG-29 và Su-27 của Liên Xô của Không quân Ukraine.
Gripen E, phiên bản tiên tiến hơn của máy bay phản lực, cung cấp hệ thống điện tử hàng không cải tiến, khả năng tác chiến điện tử nâng cao và khả năng tương tác vượt trội với các hệ thống của NATO. Nó có các cảm biến tiên tiến, kết nối mạng và khả năng thực hiện các cuộc tấn công điện tử và phòng thủ trước các mối đe dọa hiện đại.
Một lợi thế chính của Gripen so với F-16 là chi phí bảo trì thấp và khả năng vận hành từ các đường băng chưa được chuẩn bị trước và thậm chí có thể hạ cánh và cất cánh trên các xa lộ dân sự.
Độ tin cậy của F-16
F-16 đã trở thành nền tảng của nhiều lực lượng không quân kể từ cuối những năm 1970, nổi tiếng về tính linh hoạt và khả năng cơ động.
Ban đầu được thiết kế như một chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không hạng nhẹ, nó đã phát triển thành một máy bay đa năng hoạt động thành công trong mọi thời tiết. Nhiều nâng cấp khác nhau trong những năm qua đã nâng cao hệ thống radar, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí của F-16.
Giống như Gripen, F-16 có thể bay với tốc độ trên Mach 2 (khoảng 2400 km/giờ) và hoạt động ở độ cao lên tới 15km. Bán kính chiến đấu của nó ngắn hơn so với Gripen - khoảng 547km- với nhiên liệu bên trong và tầm hoạt động vượt quá 3200km nếu có bình xăng phụ bên ngoài.
F-16 bao gồm các hệ thống radar nâng cấp như AN/APG-68, cung cấp 25 chế độ không đối không và không đối đất, cho phép nó theo dõi mục tiêu trong phạm vi hơn 96km. Nó cũng có mái che để nâng cao tầm nhìn, cần điều khiển gắn bên hông để điều khiển dễ dàng hơn và hệ thống điều khiển bay tự động tiên tiến giúp cải thiện tính linh hoạt.
Nhưng máy bay phản lực F-16, với tất cả tính linh hoạt của nó, có một nhược điểm lớn, là bảo trì. Một báo cáo của Văn phòng Kế toán Tổng hợp Hoa Kỳ năm ngoái đã xếp F-16 là một trong những máy bay khó bảo trì nhất của Không quân. Các chuyên gia cho rằng việc đào tạo mở rộng, kéo dài khoảng 9 tháng và thiết lập hệ thống bảo trì, tiếp nhiên liệu và cung cấp đạn dược là cần thiết để F-16 hoạt động hiệu quả.
Kyiv hy vọng sẽ tích hợp những máy bay phản lực này vào lực lượng không quân của mình ngay sau khi nhận được, mặc dù việc đào tạo cần thiết cho thấy điều đó sẽ không dễ dàng. Mới đây, nhóm phi công Ukraine đầu tiên đã vượt qua chương trình huấn luyện F-16 ở Arizona, theo tuyên bố của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đưa ra cho Politico vào tuần trước. Các quan chức Hà Lan cho biết, một nhóm phi công Ukraine gần đây cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo bảo trì máy bay F-16 ở Hà Lan.
5. Thủ tướng Tiệp cho biết lô đạn pháo đầu tiên theo sáng kiến do Tiệp dẫn đầu có thể đến Ukraine 'trong vài ngày tới'
Thủ tướng Tiệp Petr Fiala cho biết Ukraine có thể nhận được lô đạn dược đầu tiên do các nước đồng minh mua theo sáng kiến do Praha dẫn đầu “trong vài ngày tới”.
Tổng thống Tiệp Petr Pavel hồi tháng 2 cho biết Praha đã xác định được 500.000 quả đạn pháo 155 ly và 300.000 quả đạn pháo 122 ly bên ngoài Âu Châu có thể được mua và gửi tới Ukraine sau khi số tiền cần thiết được phân bổ cho sáng kiến này.
Ngoại trưởng Tiệp Jan Lipavsky cho biết vào cuối tháng 3 rằng, một số quốc gia đã đóng góp kinh phí cho sáng kiến của Tiệp, điều này có thể dẫn đến việc chuyển 1,5 triệu viên đạn tới Kyiv.
Theo Fiala, tổng cộng 15 quốc gia Liên Hiệp Âu Châu và NATO đã phân bổ hơn 1,6 tỷ euro hay 1,7 triệu Mỹ Kim cho nỗ lực này.
Ông nói trước cuộc họp với các quan chức Âu Châu ở Praha: “Hàng chục ngàn viên đạn 155 ly đầu tiên sẽ đến Ukraine vào tháng 6”.
Pavel đưa ra sáng kiến này trong bối cảnh Ukraine mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka vào tháng 2 do thiếu đạn dược trầm trọng.
Kể từ đó, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không vào các thành phố của Ukraine và phát động một cuộc tấn công mới ở Kharkiv, nơi quân xâm lược đã bị chặn lại bởi tuyến phòng thủ đầu tiên.
Nga đang tìm cách sản xuất đạn pháo với tốc độ nhanh gấp ba lần so với các đồng minh của Ukraine với mức giá chỉ bằng một phần tư, Sky News đưa tin hôm 26 Tháng Năm, tham khảo phân tích từ công ty tư vấn quản lý Bain & Company.
6. Thống đốc cho biết số người thiệt mạng trong vụ tấn công Kharkiv ngày 25 tháng 5 của Nga tăng lên 19
Thống đốc Oleh Syniehubov cho biết số người chết trong vụ tấn công Kharkiv ngày 25 Tháng Năm của Nga đã tăng lên 19 người vào ngày 29 Tháng Năm sau khi một người đàn ông bị thương chết tại bệnh viện.
Ông Syniehubov cho biết người đàn ông đã bị bỏng nặng hơn 50% cơ thể do vụ tấn công và hỏa hoạn sau đó.
Nga đã tấn công đại siêu thị vật liệu xây dựng “Epicenter” ở Kharkiv vào giữa ngày 25 tháng 5, được cho là đã sử dụng hai quả bom dẫn đường. Quả bom thứ ba chưa nổ sau đó được tìm thấy tại hiện trường.
Chính quyền địa phương báo cáo ngày hôm sau rằng ít nhất 16 người, trong đó có một bé gái 12 tuổi và mẹ của bé, đã thiệt mạng, trong khi 44 người khác bị thương.
7. Mediazona đã xác nhận được danh tính gần 54.200 binh sĩ Nga thiệt mạng ở Ukraine
Thông qua nghiên cứu nguồn mở, Mediazona, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, cùng với BBC Russia, đã xác nhận tên của 54.185 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Kể từ lần cập nhật gần đây nhất của Mediazona vào giữa tháng 5, tên của 1.396 binh sĩ Nga đã được thêm vào danh sách các binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc chiến.
Các nhà báo lưu ý rằng con số thực tế có thể cao hơn đáng kể vì thông tin được xác minh của họ đến từ các nguồn công khai như cáo phó, bài viết của người thân, báo cáo của phương tiện truyền thông khu vực và tuyên bố từ chính quyền địa phương.
Tính đến ngày 25 Tháng Năm, tổng số tổn thất của Nga đã vượt quá 500.000 quân nhân theo ước tính của Ukraine. Các con số dường như phù hợp với ước tính của Anh và Pháp, hồi đầu tháng 5, họ cho biết tổng thiệt hại của Nga là khoảng 500.000.
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tổng lực chống lại Ukraine, hơn 3.500 sĩ quan, trong đó có 414 người cấp bậc trung tá trở lên đã thiệt mạng trong chiến đấu ở Ukraine.
Cho đến nay, Trung tướng Oleg Tsokov, Phó Tư lệnh Quân khu phía Nam của Nga, là quan chức quân sự cao cấp nhất của Nga thiệt mạng trong chiến tranh.
Các nhà phân tích lưu ý rằng ít nhất 10.996 tù nhân Nga đã thiệt mạng ở tiền tuyến.
Theo ước tính của Mediazona, phần lớn những người thiệt mạng trong trận chiến đến từ các tỉnh Rostov, Sverdlovsk, Bashkiria, Chelyabinsk, đặc biệt là từ nước cộng hòa Buryatia nơi đa số dân là người thiểu số theo Phật Giáo.
Tính đến ngày 28 tháng 5 năm 2024, quân đội Ukraine ước tính tổn thất chiến đấu của Nga là 503.800 quân.
8. Lukashenko đình chỉ sự tham gia của Belarus vào hiệp ước Lực lượng vũ trang thông thường
Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko đã ký luật đình chỉ sự tham gia của Belarus vào Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở Âu Châu, gọi tắt là CFE, được thiết kế để thiết lập giới hạn về số lượng vũ khí và thiết bị ở các nước NATO và Hiệp ước Warsaw.
Luật mới của nhà độc tài Belarus đã được ghi danh trên cổng thông tin pháp luật trực tuyến của Belarus vào ngày 29 Tháng Năm.
Hiệp ước CFE đã được đàm phán giữa NATO và các quốc gia Hiệp ước Warsaw vào cuối Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế quy mô lực lượng có thể được sử dụng trong một cuộc tấn công nhanh chóng.
Hiệp ước được ký kết tại Paris vào tháng 11 năm 1990 và ban đầu được sự đồng ý của 16 thành viên NATO và sáu quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw cũ, bao gồm cả Liên Xô.
Lệnh đình chỉ của Belarus đã được Hội đồng Cộng hòa, tức là thượng viện của quốc hội Belarus, thông qua vào ngày 6 tháng 5, sau khi được Hạ viện thông qua vào tháng 4.
Luật quy định rằng việc đình chỉ “không có nghĩa là Belarus rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước này hoặc chấm dứt các thủ tục nội bộ trong Lực lượng vũ trang liên quan đến việc thực hiện Hiệp ước này”.
Nga chính thức rút khỏi CFE vào tháng 11 năm 2023, khiến NATO tuyên bố sẽ đình chỉ hiệp ước này để đáp trả.
Cơ quan báo chí của NATO viết: “Mặc dù thừa nhận vai trò của CFE là nền tảng của kiến trúc an ninh Euro-Atlantic, nhưng tình huống mà các quốc gia đồng minh tuân thủ Hiệp ước, trong khi Nga thì không, sẽ không bền vững”.
9. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia nói Liên Hiệp Âu Châu nên tăng chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine lên 100.000 nhân sự
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur ngày 28 Tháng Năm cho biết chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine của Liên Hiệp Âu Châu nên tăng năng lực từ 60.000 lên 100.00 nhân sự.
Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của Liên minh Âu Châu hỗ trợ Ukraine, gọi tắt là EUMAM Ukraine, được thành lập vào tháng 10 năm 2022 để cung cấp chương trình đào tạo cá nhân, tập thể và chuyên môn cho quân đội Ukraine.
Pevkur cho biết trước đây Liên Hiệp Âu Châu đã hứa sẽ tăng công suất của EUMAM từ 40.000 lên 60.000, nhưng nói rằng như vậy là “chưa đủ”.
Pevkur nói: “Tôi tin rằng có thể gửi một tín hiệu rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ huấn luyện tới 100.000 binh sĩ” để đáp lại áp lực gia tăng của Nga và cuộc tấn công mới của Nga ở Kharkiv.”
“Nhưng tất nhiên điều đó có nghĩa là người Ukraine sẽ có thể cần đến sự trợ giúp huấn luyện binh lính của chúng ta,” ông nói thêm.
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 27 Tháng Năm cho biết ông đã ký các văn bản “cho phép những huấn luyện viên từ quân đội Pháp đầu tiên sớm đến thăm các trung tâm huấn luyện ở Ukraine”.
10. Nga đạt cột mốc tổn thất lớn về pháo binh
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Hits Major Artillery Losses Milestone”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga đã đạt đến một cột mốc thê thảm về tổn thất pháo binh trong cuộc chiến ở Ukraine, theo bản cập nhật từ quân đội Ukraine đưa ra hôm Thứ Ba, 28 Tháng Năm.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đăng số liệu về tổn thất quân đội và trang thiết bị của Nga như một phần cập nhật hàng ngày về cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Bộ cho biết Nga đã mất 48 hệ thống pháo trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 13.029.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một bài đăng trên các kênh truyền thông xã hội của mình rằng “13.000 hệ thống pháo binh của Nga đã bị phá hủy kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, cộng với 1.018 kể từ đầu tháng 5. Đó là cái mà chúng tôi gọi là một cuộc chiến phản pháo hiệu quả.”
Những số liệu mới nhất được đưa ra khi lực lượng của Mạc Tư Khoa đang nỗ lực giành được những thắng lợi đáng kể ở miền đông Ukraine. Lực lượng Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc tấn công ở khu vực Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, chiếm giữ một số thị trấn ở biên giới phía đông bắc Ukraine khi Kyiv thiếu đạn dược và nhân lực.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 16 Tháng Năm cho biết trong khi lực lượng Mạc Tư Khoa tiến lên, quân của ông đang ổn định tình hình. Tuy nhiên, ông cảnh báo hôm Chúa Nhật rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới gần biên giới.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, cho biết đây có thể là một phần trong nỗ lực lôi kéo quân đội Kyiv đến khu vực và “chuẩn bị cho các hoạt động tấn công nhằm mở rộng chỗ đứng của Nga tại khu vực biên giới quốc tế ở phía đông bắc Ukraine”
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cũng cho biết Mạc Tư Khoa đã mất 1.460 binh sĩ trong ngày qua, nâng tổng số lên 503.800. Bản cập nhật cho biết, Nga cũng đã mất tổng cộng 7.692 xe tăng, 14.858 xe chiến đấu bọc thép, 17.740 phương tiện và thùng nhiên liệu cùng 357 máy bay phản lực quân sự và 326 máy bay trực thăng trong cuộc chiến.
11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 29 Tháng Năm,
Trong bản tin tình báo được công bố hôm Thứ Tư, 29 Tháng Năm, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến Đại Hội Thể Thao quân đội quốc tế do Nga tổ chức.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.
Tuần trước, truyền thông Nga đưa tin Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế thường niên của Nga sẽ không diễn ra vào năm 2024, dù Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận chính thức. Sự kiện này cũng bị hủy bỏ vào năm 2023.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế là sự kiện thường niên do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức với sự tham gia của một số quốc gia tham gia tranh tài trong các sự kiện quân sự kéo dài hai tuần. Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế lần cuối vào năm 2022 có 6.000 người tham gia từ 37 quốc gia.
Nga có thể đã hủy bỏ Thế vận hội để tránh sự kiện này bị chỉ trích là một hoạt động tầm thường trong thời chiến, làm chệch hướng nỗ lực quân sự trong cuộc chiến ở Ukraine và để tránh khả năng phơi bày sự sụt giảm tham gia của các nước khác.
Sự kiện này, được biết đến đặc biệt với tên gọi Tank Biathlon, cũng có một khả năng thực tế là, do những tổn thất ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga lo ngại việc thiếu nhân lực và thiết bị quân sự có tay nghề cao sẽ tạo ra nguy cơ đánh mất đi sự thống trị liên tục của Nga trong cuộc thi.