1. Vương miện được phục hồi cho tượng Đức Mẹ tại giáo xứ Michigan sau khi mất tích 44 năm
Susan Kraus đã nổi da gà khi phát hiện ra một chiếc vương miện được trang trí bằng 12 ngôi sao dưới tầng hầm của Giáo xứ Thánh Hyacinth ở Detroit.
Mảnh lịch sử Giáo hội địa phương quý giá tại giáo xứ Detroit phía đông đã từng được coi là một phần truyền thuyết của giáo xứ, đã thất lạc từ lâu, là vật trang trí cho bức tượng Vô Nhiễm Nguyên Tội của giáo xứ, một viên ngọc quý bị lãng quên trong một thời kỳ hỗn loạn.
“Đó là chiếc vương miện đội đầu của tượng Đức Mẹ ở trên bàn thờ chính tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Detroit,” Kraus, một người giữ phòng thờ ở St. Hyacinth, nói với Detroit Catholic. “Tượng Đức Mẹ đã không có vương miện suốt 40 năm.”
Vương miện đã được khôi phục lại vị trí thích hợp trên đầu bức tượng sau lễ trao vương miện vào ngày 5 tháng Năm vừa qua.
Tượng Immaculata được xây dựng vào năm 1920 bởi Paul Landowski, người cũng là người đã tạo ra bức tượng Chúa Kitô Cứu Thế nổi tiếng cao 98 foot ở Rio de Janeiro, Brazil. Bức tượng trang trí bàn thờ chính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho đến khi giáo xứ bị phá bỏ vào năm 1981 để nhường chỗ cho nhà máy General Motors Detroit-Hamtramck.
Đó là khoảng thời gian căng thẳng đối với cộng đồng Poletown, với các cuộc phản đối và thậm chí là biểu tình ngồi tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng giáo dân cuối cùng đã nhường bước - và bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm nổi tiếng của giáo xứ được chuyển đến nhà thờ Thánh Hyacinth lân cận.
Bức tượng được đặt trong một hốc trong nhà thờ, nơi từng là tòa giải tội, cùng với các quầy trưng bày các bài báo ghi lại lịch sử Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, một lời nhắc nhở về những gì đã mất và những gì còn sót lại.
Kraus nói: “Bức tượng có ý nghĩa rất lớn đối với những giáo dân đã đến đây và nhận nhà thờ Thánh Hyacinth làm ngôi nhà mới của họ sau khi nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bị phá bỏ”.
Nhưng chiếc vương miện ban đầu, liên quan đến Khải Huyền 12, mô tả một người phụ nữ đội vương miện có 12 ngôi sao, đứng trên mặt trăng, đã mất tích, dường như đã bị thất lạc trong khi di chuyển.
Tháng Tư vừa qua, trong khi lục lọi tìm kiếm các vật dụng còn có thể dùng được trong tầng hầm nhà thờ Thánh Hyacinth, Kraus tình cờ gặp được chiếc vương miện của tượng Đức Mẹ.
Kraus nói: “Nó có ý nghĩa rất lớn đối với mọi người, nhưng tôi thắc mắc tại sao việc tìm kiếm đã không được thực hiện cách đây 40 năm. Tôi mới đến nhà thờ này - sáu hoặc bảy năm trước tôi đến từ Thị trấn Shelby. Chúng tôi rất vui mừng khi chiếc vương miện được khôi phục trở lại nơi nó thuộc về.”
2. Đức Giám Mục Paprocki: Tổng thống Biden chế giễu đức tin Công Giáo bằng cách cầu khẩn Chúa Kitô trong thông điệp ủng hộ phá thai
Đức Giám Mục Thomas Paprocki của Giáo phận Springfield, Illinois, đang cáo buộc Tổng thống Joe Biden “chế giễu đức tin Công Giáo của chúng ta” sau khi ông làm dấu thánh giá trong khi cổ vũ việc phá thai.
Tổng thống Biden, tổng thống Công Giáo thứ hai của đất nước, đã làm dấu thánh giá tại một cuộc biểu tình phá thai ở Tampa, Florida, hơn hai tuần trước. Trong bài phát biểu của mình, tổng thống chỉ trích Thống đốc Công Giáo Ron DeSantis vì đã ký dự luật hạn chế phá thai sau sáu tuần mang thai.
Trong một video ngày 8 tháng 5 được đăng lên kênh YouTube của giáo phận, Đức Cha Paprocki nói: “Việc lạm dụng cử chỉ thiêng liêng này là nhằm chế nhạo đức tin Công Giáo của chúng ta”.
“Làm dấu thánh giá là một trong những cử chỉ sâu sắc nhất mà người Công Giáo có thể thực hiện để bày tỏ lòng tôn kính đối với cái chết của Chúa Kitô trên thập giá và niềm tin vào Chúa Ba Ngôi khi chúng ta làm dấu nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” vị giám mục nói.
Đức Cha Paprocki mở rộng lời chỉ trích của ngài đối với Tổng thống Biden trên podcast “Dive Deep” của giáo phận vào ngày hôm sau, ngày 9 tháng 5, nói rằng Tổng thống Biden đang “chế nhạo cử chỉ” làm dấu thánh giá vì ông ta làm điều đó “để cổ vũ một điều gì đó xấu xa, và đó là điều khiến nó trở nên phạm thượng.”
Đức Cha Paprocki đã thảo luận về các điều khoản mà theo đó một người có thể bị tự động rút phép thông công và đưa ra các định nghĩa về dị giáo, ly giáo và bội giáo. Tuy nhiên, ngài không cáo buộc điều khoản nào trong số đó cho Tổng thống Biden. Trong podcast, vị giám mục nói rằng điều đó sẽ đòi hỏi một “quy trình giáo luật”, có thể sẽ cần phải diễn ra trong giáo phận của Tổng thống Biden, là Tổng giáo phận Washington.
Đức Cha Paprocki đã nói rằng việc Tổng thống Biden ủng hộ việc phá thai “trên thực tế, Tổng thống đã bác bỏ ít nhất một phần của Điều răn Thứ Năm, cấm giết người.
“Tổng thống Biden dường như đang nói rằng ông ấy không có vấn đề gì với việc giết những đứa trẻ trong bụng mẹ,” vị giám mục nói thêm.
“Ngay cả tổng thống Hoa Kỳ cũng bị ràng buộc bởi những sự thật do Chúa mạc khải,” Đức Cha Paprocki nói sau đó trong podcast. “Chúng ta đang sống trong thời đại của thuyết tương đối, nơi mọi người nghĩ 'ồ, bạn có sự thật của mình và tôi có sự thật của tôi' nhưng thực sự chỉ có một sự thật được Chúa mạc khải.”
Khi kết thúc video vị giám mục đã trích dẫn chương thứ sáu của Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata.
“Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin.”
Đức Cha Paprocki lên tiếng đồng ý với nhận xét của các giám mục khác về việc Tổng thống Biden ủng hộ việc phá thai. Ngài đồng ý với Đức Hồng Y Wilton Gregory của Tổng Giáo phận Washington, người đã nói vào tháng 3 rằng tổng thống “chọn lọc” những yếu tố nào của đức tin Công Giáo mà ông tin tưởng.
Đức Cha Paprocki cũng cho biết ngài đồng ý với Giám mục người Tây Ban Nha José Ignacio Munilla của Giáo phận Orihuela-Alicante, người đã nói vào tuần trước rằng việc Tổng thống Biden làm dấu thánh giá tại một cuộc biểu tình ủng hộ việc phá thai là “hành vi phạm thánh”.
Đức Cha Munilla nói rằng việc làm dấu thánh giá có nghĩa như một dấu hiệu “trong đó chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì chúng ta, Người đã hiến mạng sống mình cho tất cả những người vô tội, Người đã hiến mạng sống mình để khôi phục sự vô tội và làm cho chúng ta trở nên vô tội”
Tổng thống Biden đã hứa rằng nếu ông đắc cử và có Quốc hội ủng hộ việc phá thai, ông sẽ ký một dự luật khôi phục luật phá thai được đặt ra trong quyết định Roe chống Wade hiện không còn tồn tại. Điều này sẽ cấm các tiểu bang thực thi luật bảo vệ sự sống trong bụng mẹ. Tổng thống cũng yêu cầu Quốc hội bãi bỏ luật cấm các cơ quan liên bang sử dụng tiền của người đóng thuế để tài trợ cho việc phá thai.
3. Nhật Ký Trừ Tà số 291: Thảm họa trên tấm thảm tập Yoga
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #291: Disaster on a Yoga Mat”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 291: Thảm họa trên tấm thảm tập Yoga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Người phụ nữ trong câu chuyện dưới đây mong muốn chia sẻ trải nghiệm của mình như một lời cảnh báo cho người khác. Cô ấy không muốn người khác phải “học một cách khó khăn” như cô ấy đã làm…
Tôi đã được rửa tội theo đạo Công Giáo nhưng chỉ là Kitô Hữu trên danh nghĩa trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình. Dần dần, tôi tin chắc rằng tất cả những con đường tâm linh được rèn giũa một cách nghiêm chỉnh đều dẫn đến cùng một Thiên Chúa.* Khi tin như vậy, tôi không nhận ra rằng mình đã đi lạc khỏi con đường duy nhất dẫn đến một Thiên Chúa thật sự.
Vào mùa xuân năm 2021, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, tôi bắt đầu khám phá nghiêm ngặt hơn các triết lý và thực hành của Ấn Độ giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Tôi đã tham dự các khóa tu trực tuyến ở cấp độ giới thiệu với nhiều giáo viên khác nhau có nền tảng về Advaita Vedanta, Thiền, Phật giáo Tây Tạng và các hệ thống tín ngưỡng khác, nghiên cứu các văn bản và nguyên lý chính của họ. Trong những cuộc tĩnh tâm này, các nhà lãnh đạo đã cầu khẩn các “thần” và “nữ thần” Ấn Độ giáo. Tôi cũng tải xuống một ứng dụng thiền phổ biến và tập yoga thông qua các bài học video trực tuyến, dành khoảng 15 phút đến nửa giờ mỗi ngày cho mỗi hoạt động.
Đến mùa thu năm 2021, khi cơ thể tôi bắt đầu tự di chuyển trong những buổi thiền định hàng ngày dưới tầng hầm, tôi nghĩ đó là một điều tốt. Trên thực tế, tôi coi đó là một dấu hiệu tốt lành và huyền bí rằng tôi đang đi đúng hướng. Tôi đã nghe nói về những hiện tượng như vậy nhưng cho rằng chúng chỉ dành riêng cho những tín hữu sùng mộ nhất của một số đạo sư ưu tú nhất định. Trên thực tế, thảm họa tâm linh được gọi là 'sự thức tỉnh Kundalini' đang gài bẫy tôi một cách chậm rãi và có hệ thống. Khi tôi đang thực hiện các bài tập hình dung và đọc Phúc âm ngụy thư của Thomas, tôi cảm thấy một áp lực tăng dần từ cột sống lên đến đỉnh đầu, chuyển động và áp lực liên tục, đồng thời các luân xa của tôi được mở ra.
Giai đoạn cấp tính của quá trình quỷ hóa là giai đoạn ngoạn mục nhất và bao gồm các chuyển động không tự nguyện – asana tự phát, hoặc các tư thế cơ thể, và mudras, hoặc cử chỉ tay tượng trưng – mà tôi chưa từng thấy cũng như chưa từng làm trước đây. Thông qua thử nghiệm, tôi nhanh chóng tiến tới khả năng viết tự động, những hình ảnh giả mạo và giao tiếp gần như liên tục với một sinh vật mà tôi nhầm với Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh nhưng lại được tôn vinh hoàn toàn từ một nguồn khác. Hóa ra những đoạn trong Tân Ước trong đó Chúa Giêsu đuổi quỷ là những lời cảnh cáo thực sự, chứ không phải là di tích ngụ ngôn của thời kỳ trước khi khoa học hiện đại có thể xác định chính xác bệnh tâm thần.
Vào mùa xuân năm 2022, mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng, nếu tôi chưa hoàn toàn ở đó, thì tôi gần như bị chiếm hữu hoàn toàn bởi một Đức Thánh Linh giả mạo đã đột nhiên bắt đầu tra tấn tôi. Tôi đã mất gần như tất cả – cuộc hôn nhân, nhiều bạn bè và hai sự nghiệp – bởi vì tôi đã nhiệt thành tìm kiếm Chúa qua những kênh sai lầm. Sự hiện diện áp đảo thường xuyên đồng hành cùng tôi, rất yêu thương và nhân từ trong những tháng đầu tiên, đột ngột trở nên phẫn nộ và buộc tội, tuyên bố rằng tôi sẽ sớm phải xuống Địa ngục vì tội lỗi suốt đời. Không phải vô cớ mà Satan bị gọi là Kẻ tố cáo!
Trong một chuỗi các giai đoạn căng thẳng, tôi bị bóp nghẹt và đốt cháy từ bên trong với những cảm giác nghẹt thở, ngột ngạt và đè nén dâng trào mỗi khi tôi cố gắng nghỉ ngơi. Ngay sau đó, cái gọi là “thần” của tôi đã tiết lộ danh tính thực sự của nó là một cặp quỷ, nếu không muốn nói là hơn thế, chúng đã chế nhạo và lăng mạ tôi. Mục tiêu của chúng luôn là thúc đẩy tôi tự hủy hoại bản thân bằng cách sử dụng những phương pháp rất cụ thể đối với tôi.
Bị quỷ ám là một trải nghiệm gây sốc và tàn khốc mà tôi đã phải vật lộn trong hơn hai năm để tìm từ ngữ, mặc dù đã trải qua gần 25 năm làm nhà giao tiếp, nhà văn và học giả chuyên nghiệp. Điều gây sốc nhất là sự hiểu biết rằng rất có thể tôi đã trở thành vật chứa cho cái ác trong khi lại nuôi dưỡng ý định hoàn toàn ngược lại. Lấy một ví dụ, tôi thường xuyên đọc Kinh Lạy Cha khi ngồi thiền.
Tôi đã vi phạm Điều Răn Thứ Nhất khi quay sang các truyền thống khác, dù chúng có vẻ đã được thiết lập hoặc bổ sung cho Kitô giáo như thế nào đi nữa. Tôi vẫn bị tấn công hàng đêm với cùng một áp lực động và rối loạn giấc ngủ, và đôi khi trong ngày, tôi cảm thấy điều mà một người bạn đáng tin cậy đã mô tả là chóng mặt toàn thân kết hợp với những cơn đau đớn sợ hãi mà tôi biết không phải của mình. Rất may, tôi đã được giúp đỡ rất nhiều qua các buổi trừ tà với một nhà trừ quỷ và nhóm cầu nguyện của ngài, những nỗ lực của họ đã nới lỏng sự trói buộc của ma quỷ trong tâm trí và cơ thể tôi và đang cho tôi thấy giá trị của tôi với tư cách là một đứa con của Chúa.
Như Kinh thánh đã chỉ ra, trong quá trình theo đuổi bối rối của mình, tôi đã bỏ lỡ một chi tiết quan trọng, dù gây tranh cãi: Không thể tiếp tục những thực hành và nghi lễ của các tôn giáo khác trong khi vẫn trung thành với Chúa Kitô.
Tấm thảm yoga của tôi là một tấm thảm cầu nguyện xấu xa. Ngay cả khi thực hiện các động tác yoga hoặc ngồi thiền để trau dồi chánh niệm cũng có thể gửi một thông điệp cụ thể, thậm chí là một lời mời, qua cơ thể. Khi làm như vậy, tôi đã nhiều lần vô tình tôn thờ các vị thần khác – những vị thần này hoàn toàn không phải là thần. Tôi đã học một bài học cay đắng.