1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay
THỨ BA 27/2/2024
Isaia 1:10, 16-20
Thánh Vịnh 49(50):8-9, 16-17, 21, 23
Mt 23:1-12
“Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” Mt 23:3
Thật khó chịu khi ai đó nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. “Đạo đức giả!” chúng ta nói. Thật là khó chịu đối với các Kitô Hữu, những người mà chúng ta hy vọng sẽ giống Chúa Giêsu hoàn toàn.
Chúng ta phải làm gì để đáp lại? Chúa Giêsu làm gì?
Đầu tiên, Ngài nêu vấn đề một cách rõ ràng, nhưng sau đó Chúa Giêsu mời gọi người nghe Ngài đừng quan tâm đến thói đạo đức giả của người khác mà là đến thói đạo đức giả của chính họ. Họ và chúng ta phải khiêm tốn. Chúa Giêsu đang ám chỉ rằng, trên thực tế, tất cả chúng ta đều là những kẻ đạo đức giả, ngay cả theo những cách ít được chú ý hơn.
Với tư cách là thành viên của Giáo hội - Thân thể Chúa Kitô, gia đình của Thiên Chúa - chúng ta đang cố gắng bằng những con đường chập chững để đạt được vận mệnh vĩnh cửu của mình. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều thất bại trên đường đi, cho dù đó là tâm trạng tồi tệ, những lời nhận xét gay gắt, những lời nói dối trắng trợn và đôi khi còn tệ hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, chúng ta còn tích cực mời thêm nhiều kẻ đạo đức giả tham gia cùng chúng ta trong cuộc hành trình này.
Chúng ta tạo nên một gia đình khá rối loạn chức năng! Tuy nhiên, có vẻ như đây hoàn toàn là kế hoạch bí ẩn của Chúa: rằng chúng ta sẽ phải kề vai sát cánh với những con người đáng yêu và những con người gai góc như một phần trong hành trình cứu rỗi của chúng ta. Và chính chúng ta cũng ở ngay đó, vừa đáng yêu vừa gai góc. Lạy Chúa, xin ban cho con lòng khiêm nhường để nhìn thấy và thú nhận tội lỗi của mình trước khi nhìn thấy tội lỗi của người khác, để cùng nhau chúng con có thể đạt đến sự sống đời đời với Chúa. Amen.
2. Đức Thánh Cha bị sốt nhẹ, nên các cuộc tiếp kiến bị hủy bỏ
Sáng 24 tháng Hai năm 2024, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô bị sốt nhẹ, nên các cuộc tiếp kiến của ngài bị hủy bỏ.
Trong những ngày qua, từ 18 đến 23 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã tĩnh tâm riêng, giống như các vị lãnh đạo khác trong giáo triều.
Sáng thứ Bảy, ngày 24 tháng Hai, lẽ ra Đức Thánh Cha sẽ tiếp các nhân vật khác nhau, đặc biệt có các phó tế của Giáo phận Roma, chuẩn bị thụ phong linh mục.
Huấn dụ cho các phó tế Roma
Tuy không tiếp bình thường, nhưng bài huấn dụ của Đức Thánh Cha vẫn được chuyển cho các thầy, trong đó ngài nhắn nhủ thầy hãy sống trọn lời tuyên thệ thi hành sứ vụ linh mục như “những cộng tác viên trung thành của hàng Giám mục, trong việc phục vụ dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.”
Theo thông lệ, lễ truyền chức cho các linh mục của Giáo phận Roma được cử hành vào Chúa nhật thứ IV sau Phục sinh, Chúa nhật Chúa Chiên Lành.
Trước hết, như những cộng tác viên trung thành: Đức Thánh Cha cảnh giác các linh mục tương lai đừng nghĩ rằng một khi trở thành mục tử trong dân Chúa là đến giờ mình nắm trong tay tình thế, đích thân thực hiện điều mình mong ước từ lâu nay, xếp đặt các tình trạng theo kiểu và ý tưởng của mình. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Trước tiên, Mẹ Giáo hội không yêu cầu trở thành người lãnh đạo, nhưng là những cộng tác viên, nghĩa là cùng cộng tác, vì Giáo hội là một mầu nhiệm hiệp thông. Và linh mục là chứng nhân về tình hiệp thông ấy. Điều này bao hàm tình huynh đệ, lòng trung thành và sự ngoan ngoãn. Tóm lại, linh mục là những người “đồng ca” chứ không phải ‘đơn ca’; là người anh em trong hàng linh mục, linh mục cho tất cả mọi người, chứ không cho nhóm của mình; thừa tác viên ở trong tình trạng huấn luyện trường kỳ, không bao giờ nghĩ rằng mình tự lập và tự túc”.
Khía cạnh thứ hai là phục vụ dân Chúa. Về điểm này, Đức Thánh Cha nhắc nhở các phó tế rằng: “Sứ mạng phục vụ, theo nguyên ngữ của từ Diaconato, không biến mất với chức linh mục; trái lại dựa trên căn bản đó: “Các thầy sẽ là linh mục để phục vụ, trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình” (Xc Mc 10,45).
Sau cùng là “dưới hướng dẫn của Chúa Thánh Linh”. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Nếu cuộc sống các thầy, như các tông đồ xưa kia, được hướng về Chúa và bởi Chúa, thì các thầy sẽ thực sự là “những người của Chúa”. Chẳng vậy, khi cậy dựa vào sức riêng của mình, ta có nguy cơ lâm vào tình trạng với một nắm ruồi trong tay. Cuộc sống dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh có nghĩa là như lúc xức dầu khi chịu chức, để đến một sự “xức dầu” hằng ngày. Chúa Giêsu đổ tràn trên chúng ta sự xức dầu của Chúa Thánh Linh, khi chúng ta ở trước sự hiện diện của Chúa, khi chúng ta thờ lạy, và thân mật với Lời Chúa. Ở với Chúa, ở lại với Chúa (Xc Ga 15), và chúng ta cũng được phép chuyển cầu với Chúa cho Dân Thánh của Thiên Chúa, cho nhân loại, cho những người ta gặp hằng ngày. Như thế, một con tim kín múc niềm vui từ Chúa và phong phú hóa bằng kinh nguyện những tương quan, sẽ không quên mất vẻ đẹp không phai tàn của đời linh mục”.
3. Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk xin mọi người “đừng quên Ukraine”
Nhân dịp kỷ niệm hai năm Nga xâm chiếm Ukraine, ngày 24 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, bày tỏ lòng biết ơn vì sự trợ giúp và liên đới, đồng thời kêu gọi “xin đừng quên chúng tôi! Vì tình liên đới cứu mạng sống”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói đến lòng khao khát hòa bình của nhân dân Ukraine, lòng khao khát kèm theo kinh nguyện hằng ngày, như những còi báo động hầu như hằng ngày và những vụ nổ tàn phá đất nước.
Đức Tổng Giám Mục nói: “Thật ra, trong hai năm qua có cuộc chiến tranh xâm lăng ở mức độ rộng lớn, nhưng trong thực tế, chiến tranh đã bắt đầu từ mười năm rồi, (năm 2014) và Giáo cộng đoàn tôi đã phát triển một nền mục vụ mà tôi có thể gọi là “mục vụ tang tóc”, vì chúng tôi phải đồng hành với những người khóc, những người đau khổ, dân chúng sống trong tang tóc vì mất những người thân, mất gia cư, môi trường sinh sống của họ. Đó là một thách đố vì làm mục vụ cho những người hạnh phúc thì thật là dễ, (..) nhưng trong bối cảnh chiến tranh, chúng tôi phải đương đầu với một thách đố hoàn toàn khác: hằng ngày chúng tôi sống thảm trạng tàn phá đất nước, thành thị chúng tôi, hằng ngày chúng tôi nhìn tận mắt chết chóc, và rất tiếc là chúng tôi chưa có viễn tượng đến bao giờ tình trạng này sẽ chấm dứt. Vì thế, chúng tôi phải đương đầu với một tình trạng đau khổ sâu đậm của nhân dân chúng tôi và nhiều khi, chúng tôi cảm thấy bất lực trước tất cả những điều đó.”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói thêm rằng: “Nhiều khi chúng tôi dành ưu tiên cho sự hiện diện, hơn là làm cái gì: hiện diện cạnh những người đang khóc, tìm cách giúp họ thấy rằng Thiên Chúa ở với chúng ta. Tìm ra những lời thích hợp cho bà mẹ đang khóc thương cái chết của con bà, tìm ra những lời để đến gần một người trẻ bị mất chân, mất tay, và không biết làm sao để sống, hoặc một đứa trẻ đã thấy cái chết của mẹ. Bạn có thể nói vì với một đứa trẻ không biết làm sao đương đầu không những với những tương quan với người khác, nhưng cả với chính mình. Thứ mục vụ tang tóc này là một thách đố, nhưng cũng là một hy vọng, vì chúng ta thấy rằng đức tin Kitô kêu gọi chúng ta hãy mang hy vọng phục sinh giữa tang tóc của con người. Đó là bối cảnh cuộc sống chúng tôi, của Giáo hội và việc loan báo Tin mừng trong thảm kịch chiến tranh tại Ukraine này”.
Vấn đề di cư và gia đình
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Giáo chủ Công Giáo Ukraine Đông phương, cũng nhắc đến hiện tượng di cư ồ ạt: người ta ước lượng có 14 triệu người Ukraine phải bỏ gia cư di tản, phần lớn trong nội địa, nhất là từ miền đông, nơi có chiến tranh và có những vùng bị Nga xâm lược, để di chuyển tới miền trung và miền tây của Ukraine. Rồi có gần sáu triệu người Ukraine di cư ra nước ngoài. Có một số đã trở về, nhưng những người khác tiếp tục đi tới các nước khác. Điều này có nghĩa là nhiều gia đình bị chia cách vì những người nam không thể rời khỏi Ukraine. Phần lớn, tức là 80% những người Ukraine tị nạn chiến tranh ở Âu châu là thiếu nữ và con cái họ. Đó là một đại thảm trạng chia cách.
Thống kê chính thức cho biết trong năm ngoái (2023) tại Ukraine chỉ có hơn 170.000 đôi hôn phối, một con số thấp nhất trong lịch sử đất nước từ khi được độc lập. Trước đây, trong một số năm có tới 600.000 đôi hôn nhân mới. Nhưng có thống kê khác làm cho chúng tôi lo sợ: không những số hôn nhân ít ỏi, nhưng cũng có tới 120.000 vụ ly dị. Đương đầu với tình trạng này, chính phủ Ukraine ngày nay đề nghị hôn phối có thể ghi danh trong một ngày, nghĩa là người ta có thể làm đơn trên mạng và trong một ngày có thể ghi danh hôn phối dân sự của họ với chính phủ. Điều này một đàng, dường như giúp cho việc ghi danh kết hôn dễ dàng, nhưng đàng khác, nó coi nhẹ chính ý niệm gia đình. Nếu người ta thể ghi danh kết hôn trong một ngày, thì có nghĩa là ngày hôm sau họ cũng có thể ly dị, và điều quan trọng bị coi nhẹ, không có sự dấn thân sâu xa, nghiêm chỉnh và trách nhiệm”.
4. Cộng đồng Công Giáo Ukraine ở Anh kỷ niệm 2 năm cuộc xâm lược của Putin
Đức Giám Mục Kenneth Nowakowski, lãnh đạo cộng đồng Công Giáo Ukraine ở Anh, nói với cộng đoàn rằng người Ukraine “không muốn từ bỏ hy vọng”, khi buổi lễ cầu nguyện đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm lược.
Người Ukraine rất kiên cường và bất kỳ ai đã đến Ukraine trong hai năm qua đều có thể chứng thực sự kiên cường của người dân Ukraine và tinh thần cao độ của họ.
Đề cập đến 528 thiên thần bằng giấy treo trên ban công của Nhà thờ Công Giáo Ukraine ở trung tâm Luân Đôn, Đức Giám Mục Nowakowski đã nói:
Những thiên thần giấy này là sự tưởng nhớ về những cuộc đời trẻ thơ và những gia đình đang đau buồn.
Mỗi thiên thần tượng trưng cho một đứa trẻ Ukraine thiệt mạng trong chiến tranh, theo số liệu do chính quyền Ukraine cung cấp.
Trong lời cầu nguyện khai mạc, Đức Giám Mục và cộng đoàn kêu gọi những người “bị khuất phục bởi tinh thần lừa dối và bạo lực” hãy “mở mắt ra”. Hai học sinh từ trường St Mary's Ukraine đã thắp hai ngọn nến, tượng trưng cho kỷ niệm hai năm xung đột, trong khi 10 học sinh đặt hoa kỷ niệm 10 năm kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.
5. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25/2/2024
Chúa Nhật 25 Tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tin Mừng của Chúa nhật thứ hai Mùa Chay này trình bày cho chúng ta đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu Biến Hình (x. Mc 9:2-10).
Sau khi loan báo cuộc Khổ nạn của Người cho các môn đệ, Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng lên một ngọn núi cao, và Người hiện ra ở đó dưới ánh sáng của Người. Bằng cách này, Người tiết lộ cho họ ý nghĩa của những gì họ đã cùng nhau trải qua cho đến thời điểm đó. Việc rao giảng về Nước Trời, việc tha tội, chữa lành và làm các dấu lạ thực sự là những tia sáng của một ánh sáng lớn lao hơn, tức là ánh sáng của Chúa Giêsu, ánh sáng mà Chúa Giêsu là. Và các môn đệ không bao giờ được rời mắt khỏi ánh sáng này, nhất là trong những lúc thử thách, như những lúc trong Cuộc Khổ Nạn gần đến thời điểm này.
Đây là thông điệp của ngày hôm nay: đừng bao giờ rời mắt khỏi ánh sáng của Chúa Giêsu. Điều này hơi giống với những gì người nông dân thường làm trước đây khi cày ruộng: họ tập trung ánh nhìn vào một điểm cụ thể phía trước và trong khi vẫn dán mắt vào điểm đó, họ vạch ra những luống cày thẳng.
Đây là điều mà chúng ta được mời gọi làm với tư cách là những Kitô hữu khi chúng ta hành trình trong cuộc sống: đó là luôn giữ khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu trước mắt chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cởi mở đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu! Ngài là tình yêu, Ngài là sự sống bất tận. Trên những con đường của cuộc sống, đôi khi có thể quanh co, chúng ta hãy tìm kiếm khuôn mặt của Ngài, Đấng đầy lòng thương xót, trung thành và hy vọng. Chính cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là xưng tội và Thánh Thể, giúp chúng ta làm được điều này. Tôi xin nhắc lại: Cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích giúp chúng ta luôn hướng mắt về Chúa Giêsu.
Và đây là một giải pháp tốt trong Mùa Chay: trau dồi một cái nhìn chào đón, trở thành “những người tìm kiếm ánh sáng”, những người tìm kiếm ánh sáng của Chúa Giêsu, cả trong cầu nguyện lẫn trong con người.
Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có luôn hướng mắt tới Chúa Kitô đồng hành với tôi không? Và để làm được như vậy, tôi có dành không gian cho sự thinh lặng, cầu nguyện và thờ phượng không? Cuối cùng, tôi có tìm kiếm từng tia sáng nhỏ bé của Chúa Giêsu, được phản chiếu nơi tôi và nơi mỗi anh chị em tôi gặp gỡ không? Và tôi có nhớ cảm ơn Ngài vì điều này không?
Xin Mẹ Maria, Đấng chiếu sáng bằng ánh sáng của Thiên Chúa, giúp chúng ta luôn chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu và nhìn nhau với lòng tin tưởng và yêu thương.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Thật đau buồn khi chúng ta nhớ đến lễ kỷ niệm đệ nhị chu niên ngày bắt đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Ukraine hôm qua, ngày 24 tháng Hai. Biết bao nạn nhân và người bị thương, biết bao sự tàn phá, thống khổ và nước mắt trong một thời kỳ đang trở nên dài khủng khiếp và chưa thể thấy được hồi kết của nó! Đó là một cuộc chiến không chỉ tàn phá khu vực Âu Châu mà còn gây ra làn sóng sợ hãi và hận thù toàn cầu. Trong khi đổi mới tình cảm chân thành của tôi đối với những người Ukraine đang bị dày vò, tôi không ngừng cầu nguyện cho mọi người, đặc biệt là cho vô số nạn nhân vô tội. Tôi tha thiết nài xin rằng nhân loại nhỏ bé cần phải tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao trong việc tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Và, xin anh chị em, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Palestine, cho Israel, và cho nhiều dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh, và giúp đỡ một cách cụ thể những người đang đau khổ! Chúng ta hãy nghĩ đến vô số khổ đau, chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ vô tội, bị thương.
Tôi lo ngại khi theo dõi tình trạng bạo lực gia tăng ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi tham gia lời kêu gọi của các giám mục để cầu nguyện cho hòa bình, hy vọng rằng các cuộc đụng độ có thể chấm dứt và có thể tìm được một cuộc đối thoại chân thành và mang tính xây dựng.
Tình trạng bắt cóc ngày càng thường xuyên ở Nigeria là điều vô cùng đáng lo ngại. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình trong lời cầu nguyện với người dân Nigeria, hy vọng rằng những nỗ lực sẽ được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của những sự việc này càng nhiều càng tốt.
Tôi cũng gần gũi với người dân Mông Cổ đang bị ảnh hưởng bởi đợt rét đậm đang gây hậu quả nghiêm trọng về mặt nhân đạo. Hiện tượng cực đoan này cũng là dấu hiệu của biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó. Cuộc khủng hoảng khí hậu là một vấn đề xã hội toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của nhiều anh chị em, đặc biệt là cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất: chúng ta hãy cầu nguyện để có thể đưa ra những lựa chọn khôn ngoan và can đảm để góp phần chăm sóc công trình sáng tạo.
Tôi chào anh chị em tín hữu ở Rôma và từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những người hành hương đến từ Jaén (Tây Ban Nha), giới trẻ Công Giáo Đông Phương đến từ Paris, các Cộng đồng Tân Dự tòng đến từ Ba Lan, Rumani và Ý.
Tôi cũng chào Chủng viện Giáo hoàng Liên vùng Posillipo, Ban Thư ký của Diễn đàn Quốc tế về Công Giáo Tiến hành, các Hướng đạo sinh Paliano, và các em vừa chịu phép Thêm sức từ Lastra Signa, Torre Maina và Gorzano.
Tôi cũng xin chào Liên đoàn Bệnh hiếm Ý, Nhóm Văn hóa “Reggio Ricama”, các thành viên của Phong trào Bất bạo động và các tình nguyện viên của Hiệp hội NOETAA. Và tôi chào các bạn trẻ của Immacolata.
Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.