John L. Allen Jr., trên Crux, ngày 28 tháng 1 năm 2024, nhận định rằng Thành thật mà nói, đôi khi những cuộc trò chuyện của các nhà báo chúng tôi về những tin tức nóng hổi có thể gần như là tự nhái lại. Chẳng hạn: thông thường, đó là vì chúng ta tập trung hơn vào cách đóng gói một điều gì đó hơn là ý nghĩa của điều thực sự xảy ra.



Thí dụ?

Một nhân vật của công chúng (thông thường, nhưng không chỉ riêng, một chính trị gia… có thể là một người nổi tiếng, một ngôi sao thể thao, bất cứ ai) nói điều gì đó được coi là chỉ trích người khác. Chúng ta sẽ tự hỏi, liệu chúng ta có nên chào hàng nó như một “vụ nổ” không? Một “sự khiển trách”? Một “đào bới”? Hoặc, một nhân vật của công chúng phớt lờ sự hiện diện của người khác tại một sự kiện nào đó. Chúng ta sẽ hội ý và tranh luận, đó có phải là một sự “làm mất mặt” không? Một “lạnh nhạt”? Một chút “xem khinh”? Hoặc, nếu chúng ta muốn nói thông tục, có lẽ chúng ta có thể gọi nó là “chỉ trích”?

Như người ta thường nói, trình bầy là một nửa trận chiến trong bất kỳ chiến dịch tán tỉnh hoặc rao bán hàng nào, và trong báo chí, nó na ná như 3/4.

Vì vậy, chúng ta đến với những nhận xét mới nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tài liệu Fiducia Supplicans gây nhiều tranh cãi của Vatican, và cuộc tranh luận tích cực mà chúng đã gây ra trong cộng đồng báo chí về cách mô tả tốt nhất những lời của Đức Giáo Hoàng.

Đây chỉ là một số khả thể mô tả đặc điểm những gì Đức Giáo Hoàng nói hôm thứ Sáu đã được đưa ra trong 48 giờ qua:

•"bước lui"
• “Làm rõ”
• “Kiềm chế”
•"Làm giảm"
• “Bác bỏ”
• “Xác nhận”
• “Giữ khoảng cách”
• “Sửa chữa”
• “Quay ngược”
•"Tỏ ra cương quyết hơn"

Có lẽ không cần phải nói, đây chỉ là một phần danh sách các công thức bằng lời nói. Trên thực tế, cho đến thời điểm này, ở ngoài kia, số khẩu hiệu cũng rất nhiều như số phóng viên, nhà bình luận và chuyên gia sử dụng chúng. (Những người tinh nghịch có thể nói rằng sự bối rối như vậy là có chủ ý dưới thời một vị giáo hoàng theo chủ nghĩa Peron, người mà đối với ngài, việc khiến mọi người phải đoán mò không phải lúc nào cũng là điều xấu và sự rõ ràng không phải lúc nào cũng là điều đáng mong đợi.)

Trước tiên, chúng ta hãy làm rõ những gì Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói, ở đoạn cuối cùng của bài diễn văn ngắn gọn gửi đến những người tham gia phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan của Vatican đã ban hành Fiducia Supplicans.

“Ý hướng của ‘các phép lành mục vụ và tự phát’ là chứng tỏ một cách cụ thể sự gần gũi của Chúa và của Giáo hội đối với tất cả những ai, khi thấy mình ở trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được giúp đỡ để tiến bước – đôi khi bằng cách bắt đầu – một con đường đức tin,” ngài nói thế. (Đức Phanxicô nói bằng tiếng Ý và đây là bản dịch tiếng Anh của tôi.)

Ngài nói, “Tôi muốn nhấn mạnh ngắn gọn hai điều: Thứ nhất là những phép lành này, bên ngoài bất cứ bối cảnh hay hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức để được lãnh nhận; thứ hai, khi một cặp tự phát tiến tới yêu cầu [những lời chúc phúc này], thì không phải sự kết hợp được ban phước mà chỉ đơn giản là những người cùng nhau đưa ra yêu cầu. Không phải sự kết hợp, mà là những con người, một cách tự nhiên, có tính đến bối cảnh, sự nhạy cảm và những nơi mà người ta sống cũng như cách thích hợp nhất thực hiện điều đó”.

Trước nhất, hậu quả trực tiếp nhất từ nhận xét của Đức Giáo Hoàng là nó thay đổi lối viết vắn tắt mà tất cả chúng ta vẫn sử dụng để mô tả Fiducia. Trong tháng trước, chúng ta quen gọi nó là tài liệu của Vatican về việc ban phước cho các cuộc kết hợp đồng tính; bây giờ, có lẽ, chúng ta phải gọi nó là tài liệu của Vatican về việc ban phước cho những người tham gia vào một cuộc kết hợp đồng tính.

Sắc thái đó làm thay đổi phương trình đến mức nào?

Chà, đối với các nhà hoạt động ủng hộ LGBTQ+ trong giới Công Giáo, những người đã ca ngợi Fiducia như một bước ngoặt khi nó xuất hiện cách đây một tháng, ở một mức độ nào đó, những nhận xét của Đức Giáo Hoàng có thể làm giảm bớt sự nhiệt tình của họ. Họ có thể cảm thấy bị coi nhẹ khi Đức Phanxicô dường như đã cố gắng xoa dịu những người chỉ trích, do đó có lẽ đã xua tan những cánh buồm hy vọng rằng Fiducia là người báo hiệu cho những thay đổi thậm chí còn táo bạo hơn sắp xảy ra.

Đối với những người ôn hòa có xu hướng dành Đức Giáo Hoàng Phanxicô điểm tích cực khi có hoài nghi (benefit of doubt), nhận xét hôm thứ Sáu có thể sẽ trở thành một điểm tham chiếu để đưa ra lập luận rằng Fiducia không gì khác hơn là lương tri mục vụ: Khi một cặp xin phép lành, bạn không cần thực hiện một cuộc kiểm tra lý lịch trước để đảm bảo họ qua được bài kiểm tra đạo đức. Bạn ban phước lành, biết rằng bạn không ủng hộ những cách trong đó cặp đôi này có thể thiếu sót trên hành trình đức tin, nhưng sự kiện là họ đang ở trên đó.

(Chẳng hạn, tôi xin lưu ý rằng sau khi Elise và tôi kết hôn cách đây bốn năm, chúng tôi đã đến Quảng trường Thánh Phêrô để dự cuộc gặp gỡ truyền thống của giáo hoàng với các cặp vợ chồng mới cưới vào cuối buổi tiếp kiến chung. Chúng tôi đã được tiếp nhận và nhận được phép lành của Đức Giáo Hoàng mà không cần phải qua bất cứ bài kiểm tra nào về đức hạnh… và, chỉ nói cho chính tôi chứ không phải cho vợ tôi, cảm ơn Chúa.)

Tuy nhiên, những người chỉ trích bảo thủ đối với Fiducia dường như khó có thể được xoa dịu vì một vài lý do.

Đầu tiên, Đức Phanxicô vẫn đề cập đến các cặp và những người “cùng nhau” xin phép lành, chứ không phải các cá nhân hay những người độc thân. Ngôn ngữ đó gợi ý rằng những người được ban phước là cặp, và quan điểm phê phán sẽ là: cho dù bạn có cố gắng máy mó nó như thế nào đi chăng nữa thì việc chúc phúc cho một cặp đồng tính vẫn hàm ý một sự chấp thuận nào đó, hoặc ít nhất là sự khoan dung, đối với mối quan hệ của họ - chắc chắn là trước tòa án của dư luận, nếu không phải là trong những thuật ngữ thần học chặt chẽ.

Đây là cách blog Công Giáo có ảnh hưởng của Ý Korazym đưa ra quan điểm.

Tác giả này viết, “Khi hai người sống với nhau như một cặp hiện diện cùng nhau và cùng nhau được chúc phúc, thì không thể cho rằng hai người như một cặp được chúc phúc chứ không phải sự kết hợp của họ, [nghĩa là] những người tội lỗi chứ không phải tội lỗi. Nói cách khác là một trò giễu cợt và thực sự là một trò chơi cua cá”.

Thứ hai, nó làm các nhà phê bình day dứt khi Đức Phanxicô không đề cập đến việc miễn trừ Fiducia mà chính ngài đã cho phép, đáng chú ý nhất là quyết định của các giám mục Châu Phi không ban phép lành cho các cặp đồng tính trên lục địa của họ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo của Cộng hòa Dân chủ Congo giải thích rằng tuyên bố của họ được thực hiện với sự cộng tác của Đức Hồng Y Fernández, đồng thời tham khảo ý kiến của Đức Giáo Hoàng trong quá trình thực hiện.

Ambongo nói với một blog Công Giáo Pháp: “Chúng tôi đã chuẩn bị tài liệu trong cuộc đối thoại và đồng ý với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đến nỗi bất cứ lúc nào chúng tôi cũng gọi điện cho ngài để hỏi ngài các câu hỏi, để xem ngài có đồng ý với công thức đó không, v.v.”.

Tóm lại: Trong khi những người vốn ủng hộ Đức Phanxicô có thể thấy yên tâm về tuyên bố của ngài vào thứ Sáu, thì các nhà hoạt động ở cả hai phía trong cuộc tranh luận về Fiducia Supplicans, rất có thể, sẽ còn bị kích động hơn nữa.

Tất cả những điều này đưa chúng ta đến với phương thức bản thân của tôi trong việc tìm ra cách tốt nhất để mô tả tác động của những nhận xét của Đức Giáo Hoàng. Tôi cho rằng công thức đúng là Đức Phanxicô đã “khuếch đại” cuộc chiến về Fiducia… có lẽ cung cấp cho tất cả các bên đạn dược mới, nhưng thực sự không phải là lý do để hạ vũ khí.