1. Tổng thống Zelenskiy mời Đức Thánh Cha sang thăm Ukraine
Xe của Volodymir Zelenskiy được hộ tống vào Vatican khoảng sau 4 giờ chiều giờ địa phương vào thứ Bảy, và Tổng thống Ukraine được chào đón vào Điện Tông tòa để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đặt tay lên ngực Tổng thống Zelenskiy nói “Thật vinh dự.” Trong khi Đức Thánh Cha cảm ơn ông về chuyến thăm.
Hai nhà lãnh đạo đã dành thời gian trò chuyện với sự hỗ trợ của phiên dịch viên, Cha Marko Gongalo, một linh mục người Ba Lan làm việc tại Phủ Quốc vụ khanh.
Cuộc họp kéo dài khoảng 40 phút, tập trung vào tình hình chính trị và nhân đạo ở Ukraine khi cuộc chiến đang tiếp tục diễn ra.
Đức Thánh Cha bảo đảm với Tổng thống về những lời cầu nguyện không ngừng của ngài, qua nhiều lời kêu gọi công khai và những nỗ lực xin Chúa ban cho hòa bình cho đất nước Ukraine.
Cả hai vị đã đồng ý về yêu cầu liên tục là tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân chúng, và đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của “những hành vi nhân ái” đối với những nạn nhân vô tội, mong manh nhất của cuộc xung đột.
Theo thông lệ, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quà tặng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao tặng Tổng thống Zelenskiy một tác phẩm điêu khắc bằng đồng - cành ô liu, biểu tượng của hòa bình. Ngài cũng tặng cho Tổng thống cuốn Tài liệu năm 2019 về Tình huynh đệ Nhân loại do Đức Giáo Hoàng và Đại Giáo trưởng Imam của Al-Ahzar, Ahmad Al-Tayyeb, chấp bút; một cuốn sách về “Địa Cầu” Statio Orbis đề ngày 27 tháng 3 năm 2020 và một tập có tựa đề “Thông điệp về Hòa bình ở Ukraine.”
Về phần mình, Tổng thống Ukraine dâng lên Đức Thánh Cha tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ tấm chống đạn và bức tranh mang tên “Mất mát” về việc trẻ em bị sát hại trong xung đột.
Gần 15 tháng kể từ cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào Kyiv, chuyến thăm buổi chiều tại Vatican diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du ngoại giao của nhà lãnh đạo Ukraine, người đã gặp Tổng thống Ý Sergio Mattarella vào sáng thứ Bảy và làm việc với Thủ tướng Giorgia Meloni trước bữa trưa.
Một thông cáo do Văn phòng Báo chí Tòa thánh công bố cho biết sau cuộc gặp với Đức Thánh Cha, trong đó Tổng thống Zelenskiy trân trọng mời ngài đến thăm Ukraine, Tổng thống Zelenskiy đã gặp Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.
“Trong cuộc nói chuyện thân mật với Đức Tổng Giám Mục Gallagher, trọng tâm trước hết là về cuộc chiến hiện tại ở Ukraine và những mối quan tâm cấp bách liên quan đến nó, đặc biệt là những mối quan tâm về bản chất nhân đạo, cũng như nhu cầu tiếp tục nỗ lực để đạt được hòa bình,” tuyên bố cho biết “Đây cũng là dịp thuận lợi để thảo luận về một số vấn đề song phương, đặc biệt là liên quan đến đời sống của Giáo Hội Công Giáo trong nước.”
Đây là cuộc gặp thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Ukraine, người đã đến Rôma một thời gian ngắn vào ngày 8 tháng 2 năm 2020 và được ĐứcThánh Cha tiếp đón tại Điện Tông tòa, trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Vào dịp đó, diễn ra chưa đầy một năm sau chiến thắng trong cuộc bầu cử của Zelenskiy, Đức Thánh Cha đã tặng Tổng thống một huy chương mô tả Thánh Martin de Tours và bày tỏ hy vọng rằng vị thánh có thể bảo vệ người dân Ukraine đang phải đương đầu với chiến tranh ở miền đông và các vùng của đất nước.
Zelenskiy cũng đã hội đàm với Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và với Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher.
Một tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa thánh vào dịp đó cho biết các cuộc thảo luận tập trung vào tình hình nhân đạo và tìm kiếm hòa bình trong bối cảnh xung đột ảnh hưởng đến Ukraine kể từ năm 2014.
Từ dịp đó, người ta đã hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ thể hiện sự nhạy cảm tối đa đối với nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng bởi bạo lực và một “cam kết theo đuổi đối thoại.”
Kể từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, một số cuộc điện đàm đã diễn ra giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Zelenskiy.
Cú điện thoại đầu tiên xảy ra vào ngày 26 tháng 2 năm 2022, hai ngày sau khi chiến tranh bắt đầu. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Tổng thống về “sự đau buồn sâu sắc của ngài đối với những sự kiện bi thảm đang diễn ra ở Ukraine.”
Các cuộc điện đàm khác giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Ukraine diễn ra vào tháng 3 và tháng 8 năm 2022, trong đó Đức Giáo Hoàng nhắc lại mối quan tâm và nỗi buồn của mình trước sự đau khổ của người dân và của cá nhân tổng thống Zelenskiy.
2. Tuyên bố của các Giám mục của các Cộng đồng Hoa Kỳ Dọc theo Biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ
Các giám mục của các cộng đồng ở Hoa Kỳ dọc theo biên giới phía tây nam đã đưa ra một tuyên bố để đáp ứng với tình hình ngày càng tăng của số lượng lớn người di cư tại biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ.
Các ngài viết như sau:
“Hàng ngày, chúng ta chứng kiến những hậu quả nhân bản đối với việc di cư, cả các lợi ích và những thách thức của nó. Với tư cách là mục tử của các cộng đồng biên giới, chúng tôi phục vụ người di cư cũng như người bản xứ. Các cộng đoàn của chúng tôi bao gồm những người xin tị nạn, viên chức thực thi pháp luật, chủ đất và các quan chức được bầu, những người đến với nhau, không phải với tư cách là người xa lạ hay đối phương mà là anh chị em, bình đẳng về phẩm giá và giá trị trước mặt Chúa.
“Kể từ khi lập quốc, người Công Giáo trên khắp đất nước này đã đi đầu trong nỗ lực chào đón những người mới đến thuộc mọi tín ngưỡng và quốc tịch. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ, những người thiếu thốn những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, và chúng ta đánh giá mình như một cộng đồng đức tin qua cách chúng ta đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta. Mỗi chúng ta đều bị ràng buộc bởi một lời kêu gọi chung là phục vụ lẫn nhau và bảo vệ sự thiêng liêng của cuộc sống con người dưới mọi hình thức.
“Vì vậy, chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ những nỗ lực đang diễn ra trong các giáo phận của chúng tôi và hơn thế nữa để thúc đẩy phẩm giá do Chúa ban cho mỗi người, kể cả những người mới đến cộng đồng của chúng tôi. Hơn nữa, với tư cách là một Giáo hội cam kết vì lợi ích chung, chúng tôi luôn hợp tác trong việc quản lý viện trợ nhân đạo với các quan chức địa phương, tiểu bang và liên bang, thường xuyên hợp tác với các cộng đồng tín ngưỡng và các tổ chức thế tục có cùng chí hướng.
“Cuối cùng, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, phó thác những công việc thương xót này cho Đức Mẹ Guadalupe như là nguồn hiệp nhất trên khắp Mỹ Châu. Xin cho mỗi người chúng ta được chúc lành với một trái tim nhân đạo biết đập nhịp đập của tình thương huynh đệ đối với những người đang cần giúp đỡ.”
Các giám mục tán thành tuyên bố này với tư cách là mục tử của các cộng đồng Hoa Kỳ dọc theo biên giới phía tây nam bao gồm:
Đức Hồng Y Robert W. McElroy của San Diego
Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller của San Antonio
Đức Cha Peter Baldacchino của Las Cruces
Đức Cha Daniel E. Flores của Brownsville*
Đức Cha Mark J. Seitz của El Paso*
Đức Cha Michael J. Sis của San Angelo
Đức Cha James A. Tamayo của Laredo
Đức Cha Edward J. Weisenburger của Tucson
*Đức Cha Flores hiện cũng là chủ tịch Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ; Đức Cha Seitz hiện cũng là chủ tịch Ủy ban Di cư của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ.
Source:USCCB
3. Đức Thánh Cha Phanxicô than thở về luật an tử mới ở Bồ Đào Nha trong ngày lễ Đức Mẹ Fatima
Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bảy đã bày tỏ sự đau buồn về việc hợp pháp hóa cái chết êm dịu ở Bồ Đào Nha.
“Hôm nay khi chúng ta cử hành ký ức về những cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria với các trẻ chăn cừu ở Fatima, tôi rất buồn, bởi vì ở đất nước nơi Đức Mẹ hiện ra, luật giết người đã được ban hành,” Đức Thánh Cha nói hôm 13 tháng 5 tại Vatican.
Ngài nói thêm: “Đây là một bước nữa trong danh sách dài các quốc gia thực hiện trợ tử”.
Quốc hội Bồ Đào Nha đã bỏ phiếu vào ngày 12 tháng 5 để cho phép tự tử được hỗ trợ về mặt y tế trong một số trường hợp hạn chế. Luật pháp quy định rằng một người yêu cầu cái chết được trợ giúp phải “đang ở trong tình trạng đau khổ tột cùng, với thương tật nghiêm trọng hoặc mắc bệnh nghiêm trọng và không thể chữa khỏi.”
Một bác sĩ cũng có thể gây ra cái chết cho bệnh nhân khi “việc tự tử được hỗ trợ về mặt y tế là không thể tiến hành được do bệnh nhân bị khuyết tật về thể chất”. Trợ tử là việc cung cấp thuốc gây chết người để bệnh nhân có thể tự kết liễu đời mình, trong khi an tử là việc bác sĩ trực tiếp giết bệnh nhân.
Luật mới của Bồ Đào Nha, được đa số mạnh mẽ thông qua hôm thứ Sáu, đảo ngược quyền phủ quyết trước đó của Tổng thống Công Giáo Marcelo Rebelo de Sousa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một bình luận ứng khẩu về luật pháp của Bồ Đào Nha trong một cuộc họp tại Hội trường Phaolô Đệ Lục của Vatican với những người tham gia đại hội đồng của Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công Giáo Thế giới.
Vào ngày 13 tháng 5, Giáo Hội Công Giáo cử hành lễ Đức Mẹ Fatima, tưởng nhớ biến cố Đức Mẹ đã hiện ra sáu lần với ba trẻ chăn cừu trên một cánh đồng ở Fatima, Bồ Đào Nha, vào năm 1917. Mẹ đã mang theo lời yêu cầu lần hạt Mân Côi, để hy sinh đền tạ thay cho những người tội lỗi, và tiết lộ một bí mật liên quan đến số phận của thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai thị nhân Fatima, Jacinta và Francisco Marto, vào năm 2017. Sơ Lucia dos Santos, người con cả chứng kiến các cuộc hiện ra ở Fatima, đang trên đường phong chân phước. Sơ mất năm 2005 ở tuổi 97.
Các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria tại Fatima là một trong những cuộc hiện ra nổi tiếng nhất của Đức Mẹ trên thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm đền thờ tại địa điểm các cuộc hiện ra vào năm 2017. Ngài dự kiến sẽ viếng thăm một lần nữa trong chuyến đi đến Lisbon, Bồ Đào Nha, vào đầu tháng 8 nhân Ngày Giới trẻ Thế giới 2023.
Source:Catholic News Agency