1. Một linh mục bị giám mục bản quyền tước năng quyền giải tội vì cổ võ việc tiết lộ ấn tín Bí tích Hòa giải
Một linh mục ở Mỹ bị giám mục bản quyền tước năng quyền giải tội, sau khi cổ võ việc tiết lộ bí mật tòa giải tội trong trường hợp những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong thông cáo công bố ngày 22 tháng Ba vừa qua, Đức Cha Jerome Listecki, Tổng giám mục Giáo phận Milwaukee, bang Wisconsin ở Mỹ, nói rằng: “Tôi đã thông báo cho cha James Connell, với hiệu lực tức khắc, rằng cha phải ngưng mọi thông tin sai lầm, xuyên tạc giáo huấn của Giáo hội về ấn tích tòa giải tội. Tôi cũng tước bỏ ngay tức khắc các năng quyền theo giáo luật của cha Connell, trong việc cử hành bí tích giải tội và ban phép xá giải tại Tổng giáo phận Milwaukee này và do đó, việc tước bỏ này cũng có hiệu lực trong toàn Giáo Hội Công Giáo”.
Cha Connell là một linh mục hồi hưu trong Tổng giáo phận Milwaukee và nguyên là Phó chưởng ấn. Tuyên bố hôm 13 tháng Ba vừa qua, với trang mạng delawareonline.com, cha ủng hộ dự luật của nghị viện bang Delaware, buộc các linh mục phải trình báo với nhà chức trách những vụ lạm dụng tính dục trẻ em mà các vị biết được trong khi giải tội. Cha viết: “Không có tổ chức nào trong xã hội chúng ta, kể cả một tôn giáo được nhìn nhận, có ưu thế hơn những quan tâm và trách nhiệm của chính quyền trong việc bảo vệ các trẻ em chống lại những thiệt hại do lạm dụng hoặc thiếu sót. Vì thế, không có lý lẽ hữu hiệu về tự do tôn giáo thực sự, - do sự vắng bóng sự thật-, có thể biện minh về luân lý cho việc che chở những kẻ phạm tội lạm dụng, hoặc thiếu sót trong việc bảo vệ trẻ em, để tránh cho những kẻ phạm tội ấy không bị trừng phạt, làm như thế là gây thiệt hại cho các nạn nhân”.
Đây không phải là lần đầu tiên linh mục Connell, một nhà giáo luật, công khai lên tiếng về vấn đề này. Hồi năm 2018, cha đã viết một bài trên mạng kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bãi bỏ ấn tích tòa giải tội liên quan đến mọi thông tin về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương. Cha viết: “Ấn tòa giải tội không phải là một luật Chúa”.
Giáo luật số 983 khẳng định rằng “Ấn tín tòa giải tội là điều bất khả vi phạm, vì thế tuyệt đối cấm vị giải tội phản bội một hối nhân bằng bất cứ cách nào, bằng lời nói hoặc bằng cách khác, và vì bất cứ lý do nào”.
Năm 2019, cha Connell đã đệ đơn kiện lên tòa án địa phương chống bang Wisconsin và chín bang khác ở Mỹ vì miễn chuẩn cho các giáo sĩ khỏi phải trình báo với nhà chức trách những vụ lạm dụng tính dục biết được trong tòa giải tội, và cho rằng những miễn chuẩn này là trái hiến pháp. Đơn kiện của cha Connell bị thẩm phán bác bỏ ngay hôm sau.
2. Công bố sáu sắc lệnh về án phong chân phước
Với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, sáng ngày 23 tháng Ba vừa qua, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã công bố các sắc lệnh liên quan sáu vị tôi tớ Chúa đã thực hiện các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng.
Các vị gồm năm phụ nữ: ba nữ tu và hai giáo dân, cùng với một linh mục thừa sai Dòng Don Bosco tại Ecuador.
Vị kỳ cựu nhất là nữ tôi tớ Chúa Têrêsa Enríquez de Alvaredo, sống vào thế kỷ XV và XVI. Ngay từ nhỏ, chị được giáo dục về đời sống đức tin. Khi còn là một người phụ giúp bà hoàng Isabella xứ Castilla, do ý muốn gia đình, Têrêsa kết hôn với một bộ trưởng trong triều đình và có bốn người con. Nhưng năm 1503, Têrêsa trở thành góa phụ. Niềm tin vững chắc và lòng kính mến Chúa Giêsu Thánh Thể khiến bà xa tránh sự sa hoa của triều đình Tây Ban Nha để sống đời cầu nguyện và hoạt động bác ái. Bà lui về Torrijos, gần thành phố Toledo, sống đời nhiệm nhặt trong những năm cuối đời.
Như một người mẹ, Têrêsa săn sóc và giáo dục các trẻ mồ côi, vì cha mẹ chúng chết vì dịch tễ và đói kém, giúp đỡ các thiếu nữ và phụ nữ đường phố, chăm sóc các bệnh nhân, dấn thân cổ võ lòng sùng kính Thánh Thể. Bà cũng quản lý khôn ngoan tài sản của gia đình, phần lớn để dùng để thực hiện các việc bác ái và xây dựng các nơi thờ phượng, góp phần thành lập nhiều hội đoàn, một đan viện và bốn tu viện.
Bà Têrêsa de Alvaredo qua đời năm 1529 và gần đây, tấm gương của bà được nhắc đến trong các Đại hội Thánh Thể.
Vị nam tôi tớ Chúa duy nhất được Giáo hội công nhận các nhân đức anh hùng, hôm 23 tháng Ba vừa qua là cha Carlo Crespi Croci, sinh năm 1891 ở thành Legnano, gần Milano bắc Ý. Sau khi được thụ phong linh mục trong Dòng Don Bosco, năm 1923, cha tới Cuenca bên Ecuador Nam Mỹ và thi hành công tác loan báo Tin mừng trong 59 năm trời, qua những sáng kiến thăng tiến con người và đời sống đức tin. Cuộc sống chứng tá và khả năng rao giảng, cũng như tiếng tăm là một nhà khoa học, nhất là trong lãnh vực thực vật học và khảo cổ học, đã giúp cha rất nhiều trong việc truyền giáo, đặc biệt cho giới trẻ,
Trong những năm cuối đời, cha Crespi Croci tận tụy thi hành sứ vụ giải tội, nhiều khi tới 17 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha qua đời lúc 90 tuổi.
Nữ tu tôi tớ Chúa Leonilde thánh Gioan Tẩy Giả, tục danh là Amelia Rossi, sinh tại tỉnh Trento, bắc Ý và gia nhập Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở Pola năm 1906. Chị có đời sống đức tin sâu xa, qua kinh nguyện và luôn chu toàn thánh ý Chúa.
Trong đời tu, chị Leonilde trải qua nhiều đau khổ thể lý nhưng luôn nuôi dưỡng lòng tín thác nơi Chúa và kiên nhẫn chịu đựng những thử thách, giữ niềm an bình nội tâm. Chị nổi bật về lòng quảng đại trong lãnh vực giáo dục và trở thành điểm tham chiếu cho các học sinh và gia đình các em cũng như những người nghèo và người gặp khó khăn về vật chất và tinh thần mà chị giúp đỡ. Trong thời Thế chiến thứ II, chị thường hy sinh cả những điều cần thiết của mình để giúp đỡ những người túng thiếu. Chị Leonilde qua đời năm 1945 khi được 55 tuổi đời.
3. Tân Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu
Ủy ban COMECE đang nhóm khóa họp mùa xuân tại Roma, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng Ba năm 2023, và trong ngày đầu tiên các tham dự viên đã bầu vị Chủ tịch mới là Đức Cha Mariano Crociata, Giám mục Giáo phận Latina ở Ý.
Đức Cha Crociata năm nay 70 tuổi. Ngài kế nhiệm Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Dòng Tên, Tổng giám mục Giáo phận Luxemburg, vừa mãn nhiệm kỳ 5 năm. Đức Cha đã từng là đại biểu trong 5 năm qua của Hội đồng Giám mục Ý tại COMECE và đã từng làm Phó Chủ tịch ủy ban này. Trước đó, Đức Cha là Khoa trưởng Thần học viện tại thành phố Palermo, trên đảo Sicilia, trước khi được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Noto, năm 2007. Đức Cha đã làm Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý từ năm 2008 đến 2013, là năm ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Latina, thuộc vùng Lazio.
Hôm 22 tháng Ba vừa qua, Ủy ban đã bầu bốn vị Phó Chủ tịch mới cho bốn miền địa lý của Liên hiệp Âu châu, cho đến năm 2028: gồm một vị người Pháp, một vị Bồ Đào Nha, một vị người Lituani, và một vị cho vùng Bắc Âu.
Tuyên bố sau khi được bầu chọn, Đức Cha Crociata nói rằng: “Đây là thời điểm quan trọng đối với Âu châu và Giáo hội. HIệp nhất và liên đới là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng phải hướng chúng ta qua nhiều biến chuyển mà xã hội chúng ta đang phải đương đầu.
“Tôi đặc biệt nói đến sự cần thiết phải có một sự phục vụ đúng đắn và lâu bền, sau những hậu quả của đại dịch Covid-19, làm sao để không ai bị thụt lùi đằng sau, cũng như canh tân ơn gọi của Âu châu là trở thành một nguồn phát triển và một lời hứa hòa bình cho đại lục chúng ta và cho thế giới”.
Sau khi bầu ban lãnh đạo Ủy ban COMECE, các thành viên đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và trao đổi về những khía cạnh nhân đạo, địa lý chính trị và hệ lụy xã hội của chiến tranh ở Ukraine, cũng như về cách thức Giáo Hội Công Giáo có thể khuyến khích mọi người góp phần vào vai trò của Liên hiệp Âu châu, như một tác nhân xây dựng hòa bình thế giới.