LM Nguyễn Trung Tây
Chuyện TU SĨ Chuyện EM: TRAI ĐẸP GIÊSU


TUỔI TRẺ BUỒN!
Em mến,
Người tuổi trẻ của Tin Mừng Matt 19:16-21 lên đường. May mắn cho chàng, trên con đường hành hương anh gặp Đức Giêsu. Chàng thanh niên hỏi Ngài,
— Thưa Thầy! Làm sao con có sự sống đời đời?
Đức Giêsu truyền giáo nâng người thanh niên lên một tầm nhìn mới. Lần này Ngài đề nghị,
— Anh hãy về nhà, bán tất cả gia sản, tặng số tiền đó tới người nghèo, sau cùng quay lại và đi theo ta.

ĐỨC GIÊSU TRUYỀN GIÁO
Lời Đức Giêsu nói ngắn, gọn, nhưng đầy thử thách. Trên tất cả, đích điểm của thử thách dẫn người nghe về một mối, đó là Đức Giêsu. Điều đặc biệt nhất, Đức Giêsu trong bối cảnh của bài Phúc Âm là một Đức Giêsu lấm lem chân đất tay bùn, một Đức Giêsu của môn phái Cái Bang. Lý do khiến Ngài lấm lem và cái bang cũng dễ hiểu, bởi Ngài là Đức Giêsu Truyền Giáo. Và đây mới là Đức Giêsu mà Ngài mời gọi người tuổi trẻ BANHET (bán hết) đi theo.

Tôi đã gặp Linh Mục địa phận nói tôi không phải Linh Mục truyền giáo. Giáo dân cũng thế, mọi người (một con số tuyệt đối) đều nói chúng tôi chỉ là giáo dân, không phải truyền giáo. Rồi họ khẳng định: “Sứ vụ truyền giáo được phụ trách bởi các Linh Mục các Sơ dòng truyền giáo.”

Tôi chia sẻ với họ: “Không đúng!” Giáo hội đã được Đức Giêsu truyền giáo thiết lập. Bởi thế Giáo hội là Giáo hội truyền giáo. Giáo hội mang căn tính truyền giáo. Mất đi căn tính truyền giáo, Giáo hội sẽ lúng túng với chính mình. Bởi thế Công Đồng Vatican II qua sắc lệnh Ad Gentes khẳng định: “Tự bản tính Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2).

Tái khẳng định điều Công đồng Vatican II xác tín, Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Evangelii Gaudium tuyên huấn: “Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của dân Chúa đã trở thành một môn đệ truyền giáo…và thật là thiếu sót khi nghĩ về chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là tiếp nhận thụ động” (EG 120).

Em! Mời em suy nghĩ về hai đoạn sắc lệnh và tông huấn vừa trích dẫn về Đức Giêsu truyền giáo, Giáo hội truyền giáo, em tu sĩ truyền giáo, mọi người tín hữu truyền giáo và riêng tôi, tôi cũng truyền giáo!

ĐỨC GIÊSU
Chàng tuổi trẻ bỏ đi, lên đường tìm kiếm nguồn suối hạnh phúc đích thực.

Và chàng gặp Cái Bang nguyên gốc phố nhỏ Nazareth. Từ luật lệ của Hội đường ngày Sabbath, Đức Giêsu đưa chàng lên một cái nhìn mới. Luật lệ hoặc Hội đường chỉ là phương tiện. Cả hai đều chỉ tới và hướng dẫn mọi người tới cứu cánh, đó là Đức Giêsu.

Tất cả mọi thứ trên đời kể cả Luật Lệ và Hội Đường đều thay đổi theo giòng thời gian, bởi cả hai chỉ là phương tiện. Chỉ có Đức Giêsu, Alpha và Omega, Ngài mới bất biến giữa dòng đời vạn biến. Đức Giêsu của ngày hôm qua, hôm nay và tương lai thủy chung, không đổi thay, bởi Ngài là CHÂN LÝ. Luật lệ và Hội đường chỉ là phương tiện dẫn mọi người tới Chân Lý.

BỞI ĐỨC GIÊSU?
Tôi nhớ, em hay than thở với tôi về những xung đột với chị em đồng tu.

Em! Em phải hỏi tại sao em đã bỏ tất cả để lên đường sống đời tận hiến. Em phải trả lời thành thật với chính em câu hỏi này. Em đã từ bỏ tất cả, lên đường bởi ai?
Bởi Đức Giêsu?
Bởi em?
Hay bởi những lý do gì đó chỉ có riêng em mới biết?

Em! Nếu em đã lên đường chỉ bởi em mê say Trai đẹp Giêsu, tất cả mọi vấn đề còn lại sẽ khác, khác lắm. Khi đó, em sẽ nhìn nhận và giải quyết mọi vấn đề dưới con mắt của Trai đẹp Giêsu.

RAO GIẢNG ĐỨC KITÔ
Giáo hội Tây phương và thế giới ngày hôm nay nhiều người không còn tham dự thánh lễ. Giáo đường nguy nga giờ trống vắng, cuối cùng biến thành viện bảo tàng. Cả một châu Âu giờ này nhà thờ tấp nập du khách viếng thăm (tưởng như) để tưởng niệm một thời!

Truyền Giáo học đã đặt vấn đề và hỏi tại sao? Tại sao vậy? Đặc biệt hơn nữa, khi được hỏi, những người không còn sinh hoạt với Giáo hội, họ vẫn khẳng định: “Không! Tôi vẫn là một Kitô hữu! Tôi tin vào Đức Giêsu.” Thật lạ kỳ! Không sinh hoạt với Giáo hội nữa, ngoại trừ tham dự thánh lễ Giáng Sinh và Phục Sinh hằng năm, nhưng những tín hữu CNE (Christmas and Easter) vẫn tin vào Đức Giêsu. Trước hiện tượng khá phổ biến này, thần học gia nghiên cứu, phân tích, cuối cùng giải thích:

Bắt đầu từ những giây phút chúng ta không còn đặt trọng tâm vào sứ vụ truyền giáo rao giảng về Đức Giêsu và Tin Mừng nữa, người Kitô hữu Tây phương và giới trẻ của ngày hôm nay bắt đầu chia tay từ giã chúng ta. Họ lên đường và tìm kiếm một nguồn suối khác, nơi đó họ gặp gỡ lại Đức Giêsu lấm lem bùn đen, một Đức Giêsu Truyền giáo không hề đóng khung trong tháp ngà và bốn bức tường.
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam, "Trai Đẹp Giêsu," 38-45)