1. Vatican sẽ không đưa Hồng Y Ouellet ra xét xử vì cáo buộc lạm dụng tình dục
Hôm thứ Năm, Vatican cho biết sẽ không tổ chức một phiên tòa xét xử Hồng Y Marc Ouellet vì cáo buộc tại Canada cho rằng ngài tấn công tình dục một phụ nữ.
Đức Hồng Y Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican, đã bị buộc tội tấn công tình dục trong một vụ kiện dân sự được đệ trình vào tuần này chống lại Tổng giáo phận Quebec.
Một phát ngôn viên của Vatican cho biết vào ngày 18 tháng 8 rằng kết luận của cuộc điều tra sơ bộ của Cha Jacques Servais, SJ, cho thấy “không có yếu tố nào để bắt đầu một phiên tòa chống lại Hồng Y Ouellet vì tội tấn công tình dục.”
AFP đưa tin một vụ kiện tập thể, được đệ trình ngày 16 tháng 8, bao gồm lời khai của 101 người nói rằng họ đã bị tấn công tình dục bởi các giáo sĩ hoặc nhân viên Giáo Hội từ năm 1940 đến nay. Tám mươi tám giáo sĩ phải đối mặt với những lời buộc tội trong vụ kiện.
Đức Hồng Y Ouellet bị cáo buộc bởi một những phụ nữ, là người nói rằng ngài đã tấn công cô nhiều lần khi cô làm thực tập sinh mục vụ cho tổng giáo phận Quebec từ năm 2008 đến năm 2010, trong khi ngài là Tổng giám mục của Quebec. Cô mô tả ngài hôn cô và để tay xuống mông cô.
Tuyên bố của Vatican bao gồm một trích dẫn bằng tiếng Pháp của Cha Servais, điều tra viên của Vatican. Cha Servais nói rằng “không có căn cứ để mở một cuộc điều tra về vụ tấn công tình dục người phụ nữ gọi là F bởi Đức Hồng Y Ouellet. Cả trong bản báo cáo bằng văn bản của Đức Hồng Y gửi cho Đức Thánh Cha cũng như trong lời khai qua Zoom mà tôi có mặt cùng với một thành viên của Ủy ban Điều Tra của tổng giáo phận, người phụ nữ F này đã không đưa ra được những lời buộc tội có thể cung cấp cơ sở cho một cuộc điều tra như vậy”.
Phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni nói thêm rằng “sau các cuộc tham vấn thích hợp hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng không có đủ yếu tố để mở một cuộc điều tra giáo luật đối với điều được gọi là hành vi tấn công tình dục của Hồng Y Ouellet đối với người phụ nữ F.”
Những lời tố cáo của cô F rất khó chứng minh, và cũng rất khó để phủ nhận. Công tâm mà nói, bất cứ giáo sĩ nào cũng đều có thể bị cáo buộc tương tự. Các phương tiện truyền thông bài Công Giáo, như CBC, cố ý làm tăng tính chất thuyết phục của những cáo buộc này khi cho rằng các sự việc bị cáo buộc liên quan đến Đức Hồng Y Ouellet xảy ra tại các sự kiện công cộng. Mặc dù, CBC chẳng đưa ra được một nhân chứng nào.
Đơn kiện nói rằng nạn nhân bị cáo buộc đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Đức Hồng Y Ouellet vào tháng Giêng năm 2021, và cô ấy nhận được một email vào ngày 23 tháng 2 năm 2021 đã chỉ định Cha Jacques Servais điều tra vị Hồng Y. Lần liên lạc cuối cùng của cô với Cha Servais là vào tháng Ba, và cho đến nay “chưa có kết luận nào liên quan đến các khiếu nại chống lại Đức Hồng Y Marc Ouellet”.
Đức Hồng Y Ouellet, 78 tuổi, được thụ phong linh mục cho Giáo phận Amos năm 1968, ở tuổi 23.
Ngài từng là Tổng Giám mục của Quebec từ năm 2002 đến năm 2010, khi được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh.
Vụ kiện này gây kinh ngạc. Trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng năm 2013, Đức Hồng Y Ouellet là một trong 12 Papabile, tức là những vị có khả năng được bầu làm Giáo Hoàng. Hơn thế nữa, Đức Hồng Y Ouellet là một tiếng nói mạnh mẽ chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và nhấn mạnh đến nhu cầu đào tạo các linh mục một cách chặt chẽ.
Tại cuộc họp năm 2018 của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu, ngài nói rằng “Chúng ta cần sự tham gia của nhiều phụ nữ hơn trong việc đào tạo các linh mục” để ngăn chặn lạm dụng.
Ngài nhắc lại quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với Donne Chiesa Mondo, và nói rằng, “đối với linh mục, học cách liên hệ với phụ nữ trong bối cảnh đào tạo là một yếu tố nhân bản thúc đẩy sự cân bằng giữa nhân cách và tình cảm của người nam.”
Đức Hồng Y cho biết ngài nghĩ Giáo hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự hiện diện ngày càng nhiều của phụ nữ trong các đội ngũ đào tạo chủng viện, với tư cách là những giáo viên thần học, triết học và tâm linh, và “đặc biệt là trong việc biện phân ơn gọi”.
Source:Catholic News Agency
2. Các giám mục Tây Ban Nha đoàn kết với Giáo hội ở Nicaragua, bị chính quyền Ortega đàn áp
Ít nhất hai tổng giáo phận Tây Ban Nha đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Giáo hội ở Nicaragua, nơi đang bị đàn áp bởi nhà độc tài Daniel Ortega, với những thông điệp về tình đoàn kết trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với Giám mục của Matagalpa, Rolando José Álvarez.
Tổng giáo phận Toledo của Tây Ban Nha, cho biết trên Twitter “Chúng tôi giao phó toàn bộ Giáo phận Matagalpa trong tay Chúa trong những thời khắc quan trọng này và cầu xin Chúa ban cho ân sủng của lòng dũng cảm cho các mục tử và giáo dân của họ.”
Thông điệp được gửi sau một bài bình luận trên một tweet trước đó từ chính Đức Cha Álvarez: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15: 12-27)
Đức Tổng Giám Mục Phó vừa được bổ nhiệm gần đây của Granada, Tây Ban Nha, và Giám Quản Tông Tòa của Ávila, José María Gil Tamayo, bày tỏ “tình đoàn kết của mình đối với Giáo hội ở Nicaragua, sự tự do của Giáo hội đang bị bao vây bởi chế độ độc tài cai trị đất nước.”
Cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đã gia tăng trong nhiều năm qua. Các giám mục đã cảnh báo chính xác về sự bách hại của chế độ độc tài của chính phủ Ortega ngay từ năm 2014. Các giám mục cũng đã chỉ trích chế độ sử dụng vũ lực bừa bãi để trấn áp phe đối lập, bắt đầu vào năm 2018 khi nó đàn áp dã man những người biểu tình đòi thay đổi.
Giáo Hội Công Giáo ủng hộ hoạt động của những người biểu tình, cho nên bọn cầm quyền đã tăng cường áp lực và bách hại đối với các giám mục, linh mục, tín hữu tôn giáo và giáo dân.
Ví dụ rõ ràng nhất là cựu Giám Mục Phụ Tá của Managua, Đức Cha Silvio Baez, đang phải sống lưu vong tại Hoa Kỳ sau khi biết rằng chính phủ của Ortega rất có thể đã ra lệnh ám sát ngài.
Sứ thần Tòa thánh tại Nicaragua, Tổng giám mục Waldemar Stanislaw Sommertag, cũng bị trục xuất khỏi đất nước vào tháng 3 năm nay. Tòa thánh đã bày tỏ sự “ngạc nhiên và đau đớn” trước diễn biến này.
“Thật không thể hiểu nổi, trong suốt sứ mệnh của mình, Đức Tổng Giám Mục Sommertag đã làm việc không mệt mỏi vì lợi ích của Giáo hội và người dân Nicaragua, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, luôn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa thánh và chính quyền Nicaragua,” Vatican cho biết như trên trong một tuyên bố.
Vào tháng Bảy, 18 nữ tu Thừa sai Bác ái, do Thánh Têrêsa Calcutta thành lập, cũng bị trục xuất.
Giám mục của Matagalpa, Rolando Álvarez, đã bị quản thúc tại Tòa Giám Mục cùng với năm linh mục, hai chủng sinh và ba giáo dân kể từ ngày 4 tháng 8 và không có thức ăn cũng như thuốc men dưới sự giám sát trên không của máy bay không người lái.
Vài ngày trước đó, chế độ Sandinista đã đóng cửa các đài phát thanh do giáo phận Matagalpa điều hành.
Trong một thông cáo báo chí được công bố ngày 5 tháng 8, cảnh sát quốc gia Nicaragua cáo buộc các nhà chức trách cấp cao của Giáo Hội Công Giáo ở Matagalpa - và đặc biệt là Đức Cha Álvarez - đã “sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội” để cố gắng “tổ chức các nhóm bạo lực, kích động họ thực hiện các hành vi thù địch với quần chúng nhân dân, tạo không khí lo âu, mất trật tự, làm ảnh hưởng đến sự bình yên, hòa thuận của cộng đồng dân cư “.
Những hành động như vậy có “mục đích gây bất ổn cho Nhà nước Nicaragua và tấn công các cơ quan hiến pháp,” thông cáo báo chí nói.
Lực lượng cảnh sát của chế độ Ortega thông báo họ đã bắt đầu một cuộc điều tra “để xác định trách nhiệm hình sự của những người có liên quan.”
Tuyên bố nói thêm rằng “những người bị điều tra sẽ phải ở trong nhà của họ.”
Ortega, người đã nắm quyền 15 năm, đã công khai thù địch với Giáo Hội Công Giáo trong nước. Ông ta cáo buộc các giám mục là một phần của cuộc đảo chính cố gắng trục xuất ông ta khỏi chức vụ vào năm 2018 vì các ngài ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ mà chế độ của ông đã đàn áp dã man. Tổng thống Nicaragua đã gọi các giám mục là “những kẻ khủng bố” và “những con quỷ trong áo chùng thâm.”
Theo một báo cáo có tiêu đề “Nicaragua: Một Giáo hội bị bức hại? (2018–2022), “được biên soạn bởi luật sư Martha Patricia Molina Montenegro, một thành viên của Đài quan sát Bảo vệ Minh bạch và Chống Tham nhũng, trong vòng chưa đầy bốn năm, Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đã trở thành mục tiêu của 190 cuộc tấn công và xúc phạm, bao gồm một vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Managua cũng như sự quấy rối của cảnh sát và bắt bớ các giám mục và linh mục.
Vào ngày 6 tháng 8, những kẻ phá hoại không rõ danh tính đã đánh cắp công tắc chính của hệ thống điều khiển điện của nhà thờ, khiến nhà thờ và các khu đất xung quanh không có điện. Công tắc bị trộm đã được thay thế, khôi phục lại dòng điện.
Source:National Catholic Register