1. Người đàn ông 113 tuổi là nam giới lớn tuổi nhất thế giới, ông lần chuỗi Mân côi hai lần mỗi ngày

Ông Vicente Pérez, một nông dân, dù 112 tuổi vẫn còn sống ở nhà của ông ở San Jose de Bolivar, tiểu bang Tachira, nước Venezuela. Ông đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness Thế giới là người đàn ông sống lâu nhất sau cái chết của một người Tây Ban Nha giữ danh hiệu này trước đây.

Ông Juan Vicente Pérez Mora, người Venezuela, sống đạo rất sốt sắng, ông lần hạt Mân côi hai lần mỗi ngày. Ông Mora sinh ngày 27 tháng 5 năm 1909 và năm nay ông đã tròn 113 tuổi.

Trong một bài báo đăng ngày 17/5 trên trang web của sách Kỷ lục Guinness Thế giới, ông Mora cho biết bí quyết sống lâu của ông là “làm việc chăm chỉ, nghỉ ngơi vào ngày nghỉ, đi ngủ sớm, uống một ly aguardiente, là một loại rượu mạnh làm từ mía, hàng ngày, ông cảm tạ Chúa, và luôn kết hợp với Chúa.”

Ông chia sẻ gia đình và bạn bè là những người đồng hành tuyệt vời nhất trong cuộc sống và bí quyết lớn lao nhất ông học được trong cuộc đời là “tình yêu Thiên Chúa, tình yêu gia đình và chúng ta nên dậy sớm để làm việc”.

Theo sách Kỷ lục Guinness Thế giới, ông Mora chính thức được công nhận là người đàn ông sống lâu nhất trên thế giới vào ngày 4 tháng 2 năm 2022. Ông Mora là người con thứ 9 trong một gia đình 10 người con được sinh ra bởi ông bà Eutiquio del Rosario Pérez Mora và Edelmira Mora.

Năm 1914, gia đình di chuyển đến Los Pajuiles, một ngôi làng ở San José de Bolivar, lúc đó Mora 5 tuổi, em bắt đầu cùng cha mẹ và các anh chị canh tác nông nghiệp, đặc biệt trồng cà phê và mía.

Năm 10 tuổi, bé bắt đầu đi học, nhưng chỉ học được năm tháng, thì cô giáo bị bệnh nặng. Tuy nhiên, Mora có thể học đọc và viết nhờ một cuốn sách mà cô giáo đã cho em trước khi tình hình sức khỏe của cô bị giảm sút.

Ông Mora đã từng là cảnh sát trưởng ở Caricuena từ năm 1948 đến năm 1958.

Ông kết hôn với cô Ediofina del Rosario García được 60 năm. Bà qua đời năm 1997. Hai vợ chồng có sáu con trai và năm con gái. Gia đình hiện có 41 cháu, 18 chắt và 12 chút. Là một gia đình đạo hạnh và sống niềm tin. Họ luôn tin tưởng vào Chúa, và cùng nhau lần hạt Mân Côi hai lần mỗi ngày.

Người cháu của ông Mora là Freddy Abreu nói với cơ quan ACI Prensa, CNA bằng tiếngTây Ban Nha rằng: “Chú Vicente của tôi luôn loan tỏa sự hòa bình, thanh thoát và vui tươi, chú ấy là một người có rất nhiều thứ để trao tặng và cống hiến cho đời. Chú ấy thích sống giản dị và luôn biết cảm tạ Thiên Chúa”.

Người cao tuổi nhất trên thế giới hiện nay là một người phụ nữ, vị nữ tu người Pháp sơ Andre Randon, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1904. Sơ đã tròn 118 tuổi. Sơ trở thành người lớn tuổi nhất thế giới vào năm nay khi bà Kane Tanaka, sinh ngày 2 tháng 1 năm 1903, qua đời vào ngày 19 tháng 4 năm 2022.
Source:Cathnews

2. Các giám mục Colorado: không cho các nhà lập pháp ủng hộ phá thai được rước lễ

Hành động ủng hộ phá thai là tội lỗi nghiêm trọng và đặt nhà lập pháp ra ngoài sự hiệp thông của Giáo hội.

Các giám mục Công Giáo Colorado cho biết: Bỏ phiếu cho đạo luật tạo điều kiện cho việc giết những đứa trẻ chưa sinh là một “hành động tội lỗi nghiêm trọng,” và bất kỳ nhà lập pháp Công Giáo nào làm như vậy đã tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông của Giáo hội.

Các giám mục đã ban hành một bức thư ngỏ cho các nhà lập pháp tiểu bang trong tuần này, gọi HB22-1279, Đạo luật Công bằng Sức khỏe Sinh sản, gọi tắt là RHEA, “một trong những dự luật phá thai tàn bạo nhất Hoa Kỳ.”

Các giám mục cho biết RHEA cho phép phá thai từ khi thụ thai cho đến khi sinh và vì bất kỳ lý do gì, bao gồm chủng tộc, giới tính hoặc khuyết tật của đứa trẻ.

Các ngài nói: “Theo một số nhà lập pháp ủng hộ RHEA, luật mới này được thiết kế để biến tiểu bang của chúng ta trở thành điểm đến phá thai và là 'nơi trú ẩn an toàn' cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai. Họ mong đợi các bà mẹ mang thai sẽ tràn đến từ các bang xung quanh để phá thai nếu phán quyết Roe chống Wade bị lật ngược. Điều khiến chúng tôi vô cùng buồn bã và đau khổ khi biết rằng một số nhà lập pháp Công Giáo đã bỏ phiếu cho điều này”.

“Trong cuộc bỏ phiếu về Đạo luật Công bằng Sức khỏe Sinh sản, qua các cuộc bỏ phiếu công khai của họ đã cho thấy rõ rằng một số nhà lập pháp Công Giáo ủng hộ việc chấm dứt cuộc sống của những đứa trẻ chưa sinh và tuyên bố rằng một 'trứng, phôi hoặc bào thai đã thụ tinh' không có 'quyền độc lập và quyền sống' ở Colorado. Những đứa trẻ sơ sinh này có giá trị thấp hơn những đứa trẻ đã được chào đời, theo logic phá sản về mặt đạo đức này. Đồng thời, chúng tôi muốn công khai cảm ơn các Thượng nghị sĩ Barbara Kirkmeyer, Kevin Priola và Jim Smallwood và Đại diện Andres Pico, các nhà lập pháp Công Giáo, những người đã bỏ phiếu để bảo vệ những đứa trẻ chưa chào đời và chống lại việc cho phép tiểu bang của chúng ta tước bỏ quyền sống mà Chúa ban cho họ.”

Các ngài nói rằng bỏ phiếu cho RHEA là tham gia vào một hành động tội lỗi nghiêm trọng vì nó tạo điều kiện cho việc giết chết những đứa trẻ chưa sinh vô tội, và những chính trị gia Công Giáo đã làm như vậy rất có thể đã tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông của Giáo hội.

Các giám mục đã trích dẫn tuyên bố năm ngoái của các Giám mục Hoa Kỳ, “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội”: “Rước Mình và Máu Chúa Kitô trong tình trạng tội trọng thể hiện một sự mâu thuẫn. Người nào, bằng hành động của mình, đã phá vỡ sự hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo hội của Người nhưng lại lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì hành động không mạch lạc, vì đồng thời họ tuyên bố không hiệp thông với Hội Thánh. Do đó, nó là một dấu hiệu phản đối, một lời nói dối - nó thể hiện một sự hiệp thông mà trên thực tế đã bị phá vỡ.”

Bức thư có chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila của Denver; Giám Mục Phụ Tá Jorge H. Rodriguez của Denver; Giám mục Stephen J. Berg của Pueblo, và Giám mục James R. Golka của Colorado Springs, đã kết luận bằng cách yêu cầu rằng trừ khi các nhà lập pháp Công Giáo như vậy công khai hối cải và nhận được ơn xá giải trong Bí tích Giải tội, nếu không họ nên tự nguyện đừng lên rước lễ.

Brittany Vessely, giám đốc điều hành của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Colorado, cho biết trong một email rằng sự hối cải của các nhà lập pháp phải được công khai vì vụ bê bối công khai mà lá phiếu của họ đã gây ra. Cô nhấn mạnh rằng:

Cuối cùng, khi những người Công Giáo khác nhìn thấy những nhân vật công cộng tiếp nhận Chúa Giêsu trong tình trạng như vậy, quyết tâm trung thành với Phúc âm của họ có thể bị suy yếu. Một chính trị gia Công Giáo hoặc nhân vật của công chúng lãnh đạo hoặc khuyến khích người khác làm điều ác là hành vi không tôn trọng linh hồn của người khác và được Giáo hội định nghĩa là “tai tiếng”.

Vessely nói: “Chiều hướng của tai tiếng liên quan đến hành động này làm cho nó trở thành một tội lỗi công khai, khiến người khác phạm tội (xem Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2284-2287). “Sự hối cải cần có về mặt logic tương xứng với hành vi phạm tội đó. Nó bao gồm một sự ăn năn được biết đến với những người khác, ít nhất là đối với những người có thể đã bị lầm đường lạc lối. Nó đòi hỏi công chúng phải được thông báo từ phía các chính trị gia rằng họ đã sai khi ủng hộ và thúc đẩy một đạo luật dân sự, vốn khuyến khích việc giết người vô tội, và rằng họ có ý định không tái phạm.”

Bức thư nói rằng không nên phụ thuộc vào một linh mục hoặc một thừa tác viên khác trong việc cấm rước lễ đối với những nhà lập pháp vi phạm. Bức thư nói: “Gánh nặng từ quyết định của các nhà lập pháp không đặt lên vai các linh mục, phó tế hay giáo dân Thừa tác viên Thánh Thể. Nó dựa trên lương tâm và linh hồn của những chính trị gia đã chọn ủng hộ luật độc ác và bất công này.”
Source:Aleteia

3. Thượng hội đồng trong Giáo hội ở Tây Ban Nha

Quá trình tham vấn cộng đồng ở Tây Ban Nha, hiện đang kết thúc, đã tiếp cận với những thực tế rất đa dạng bằng cách lôi kéo, trong số những người khác, các tù nhân, người vô gia cư, người già trong viện dưỡng lão, các nhóm LGBT, tù nhân, chính trị gia và thậm chí cả các nghệ sĩ.

“Tôi rất vui vì Đức Giáo Hoàng đã nhớ đến chúng tôi. Không ai tư vấn cho chúng tôi trong tù”, một tù nhân ở Seville nói. Theo một cách thức đầy sắc thái và đôi khi mang tính chỉ trích, các hội thảo khác nhau đã cho phép giới thiệu những suy nghĩ của xã hội về Giáo hội, theo tờ Alfa & Omega hàng tuần của Công Giáo. Ví dụ, ở Barcelona, những người tham gia đã có những ý kiến tích cực về sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng, công việc được thực hiện bởi Caritas, “điều mà Nhà nước không làm” và giáo xứ như một người tạo ra bản sắc.

Mặt khác, họ chỉ trích nhiều hơn đối với hàng giáo phẩm, sự thiếu chặt chẽ và thiếu chú trọng vào phụ nữ. Ở Madrid, các đại diện LGBT đã được lắng nghe nhưng vẫn cảm thấy khó chịu đối với các giám mục. Nhà văn nổi tiếng Rafael Tarradas Bultó, người rất thích cuộc đối thoại của ông với Hồng Y Carlos Osoro Sierra, tin rằng Giáo hội có “nhiều điều tốt”, chẳng hạn như các giá trị, nhưng Giáo Hội “thiếu nhịp điệu” và có nguy cơ không phát triển đủ nhanh để giữ vị trí của mình trong xã hội. Nhiều người không đồng ý với Rafael Tarradas Bultó vì anh ta cho rằng tín lý Công Giáo phải thay đổi cho phù hợp với thời đại.


Source:Aleteia