1. Giáo phận Nigeria yêu cầu thả linh mục bị buộc tội giết người, và thúc giục điều tra kỹ lưỡng
Giáo phận Công Giáo Abakaliki ở Nigeria đã lên tiếng chỉ trích điều mà họ coi là vụ bắt giữ sai trái đối với một thành viên trong hàng giáo sĩ của mình, là người đã bị buộc tội giết người, và hàng loạt các hành vi bạo lực khác ở quốc gia Tây Phi này.
Trong một tuyên bố được chia sẻ với ACI Phi Châu vào Chúa Nhật, ngày 24 tháng 4, vị Chưởng Ấn của Giáo phận Abakaliki nói rằng Cha Timothy Ngwuta đã bị bắt vào tháng 12 năm ngoái tại Ebonyi, nơi ngài đến giúp bạn mình, Jude Ariom, lấy một chiếc xe đang đậu ở đó.
Kể từ đó, Cha Timothy đã phải ra vào tòa án nhiều lần và hiện đang phải đối mặt với cáo buộc về những gì đã “biến hóa” thành bắt cóc và giết người cũng như tấn công và giết các sĩ quan cảnh sát. Cha Matthew Uzoma Opoke, Chưởng Ấn của giáo phận, nói trong tuyên bố dài hai trang của mình ngày 24 tháng 4.
Cha Timothy cũng bị buộc tội hỗ trợ trốn thoát, đốt phá, thúc đẩy chiến tranh giữa các cộng đồng và nhiều tội danh khác.
Chưởng Ấn của Giáo phận Abakaliki kêu gọi các cơ quan an ninh ở Nigeria tiến hành “một cuộc điều tra kỹ lưỡng” về tình trạng bạo lực ở quốc gia này, và trả tự do cho vị linh mục đã bị buộc tội oan.
Source:ACIAfrica
2. Hội đồng Giám mục Trung Á nhóm đại hội đầu tiên
Hội đồng Giám mục miền Trung Á sẽ nhóm khóa họp đầu tiên, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Tư này, tại Nur-Sultan thủ đô Kazakhstan để thảo luận và đề ra những ưu tiên mục vụ cho các Giáo hội địa phương.
Tham dự khóa họp, có các giám mục và các vị bản quyền Công Giáo của bảy nước, là: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Afghanistan, và Mông Cổ. Ngoài ra có các vị Sứ thần Tòa Thánh tại các nước liên hệ và chức sắc của Tòa Thánh.
Trong dịp này, Hội đồng Giám mục tân lập cũng chào mừng các vị lãnh đạo Thượng viện, Bộ Thông tin và phát triển xã hội của Kazactan trong buổi khai mạc.
Trong khóa họp, Hội đồng Giám mục Trung Á sẽ chuẩn bị một thủ tục để tiến hành các khóa họp toàn thể của Hội đồng cũng như công việc của Ban thường vụ và Văn phòng tổng thư ký. Ngoài ra, các tham dự viên cũng thảo luận về Đại hội thế giới kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới tại Nur-Sultan, vào tháng Chín năm nay và cuộc viếng thăm chính thức của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nước này.
Hôm 12 tháng Tư vừa qua, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni xác nhận Đức Thánh Cha Phanxicô có ý muốn viếng thăm Kazakhstan, nhân dịp hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, tiến hành tại thủ đô Nur-Sultan trong hai ngày 14 và 15 tháng Chín năm nay, về chủ đề: “Vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống trong sự phát triển tình nhân loại về mặt xã hội tinh thần trong thời hậu đại dịch”.
Ngoài trường hợp Mông Cổ, sáu nước còn lại trong vùng Trung Á đều có đại đa số dân theo Hồi giáo Sunnit, được ước lượng vào khoảng 72 triệu người. Hệ phái Kitô có đông tín hữu ở miền này là Chính thống Nga. Trong số các nước Trung Á, Kazakhstan là quốc gia lớn nhất, với gần 15 triệu dân và số tín hữu Công Giáo vào khoảng 250.000 người.
Trong dịp nhóm họp, các tham dự viên sẽ viếng thăm những địa điểm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo tại Karaganda và Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Hòa Bình ở Ozarnoye. Tại đây, các vị Bản quyền sẽ cử hành nghi thức thánh hiến miền Trung Á cho Đức Mẹ Maria.
Hội đồng Giám mục miền Trung Á được thành lập với sắc lệnh của Bộ Truyền giáo ngày 08 tháng Chín năm ngoái, 2021, với mục đích giúp các tín hữu Công Giáo tại miền này chu toàn các công tác mục vụ, cụ thể là giúp các vị chủ chăn cùng nhau đáp ứng những thách đố chung và hỗ trợ nhau trong việc đối phó với các vấn đề.
3. Đặc sứ Vatican ca ngợi Timor-Leste về cuộc bầu cử hòa bình
Đặc phái viên của Vatican tại Timor-Leste đã chúc mừng quốc gia có đa số dân theo Công Giáo vì đã tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống hòa bình và dân chủ, đồng thời hy vọng nước này sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp với Tòa thánh.
Đức Ông Marco Sprizzi, phụ tá sứ thần Tòa thánh, cho biết ngài “rất vui mừng” với cuộc bầu cử ngày 19 tháng 4, vì “cuộc bầu cử được thực hiện một cách rất dân chủ và hòa bình.”
“Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai và những tháng tiếp theo, đời sống chính trị và các thể chế công cộng ở Timor-Leste sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả để phục vụ người dân,” ngài nói với các phóng viên tại Dili vào ngày 25 tháng 4 sau khi tham dự cuộc gặp với Fidelis Manuel Leite Magalhaes, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Vòng thứ hai và cuối cùng của cuộc bầu cử đã thuộc về người đoạt giải Nobel Jose Ramos-Horta với 62,1% phiếu bầu, đánh bại Tổng thống đương nhiệm Francisco “Lu-Olo” Guterres, người được 37,9% phiếu bầu.
Cùng với các nhà lãnh đạo của các đảng chính trị ủng hộ ông, Guterres đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 22 tháng 4 chấp nhận thất bại của mình, được nhiều người hoan nghênh như một cử chỉ dân chủ.
Sprizzi nói rằng, cũng như thái độ của các giám mục Timor-Leste, Tòa thánh không bao giờ ưu ái một ứng cử viên cụ thể nào trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ năm kể từ khi quốc gia trẻ nhất Á Châu giành được độc lập.
Hãng thông tấn nhà nước Tatoli dẫn lời Đức Ông Sprizzi cho biết: “Cả hai ứng cử viên đều là người Công Giáo và chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với cả hai người”.
Đức Ông cũng nhấn mạnh rằng Timor-Leste và Tòa thánh đã có quan hệ ngoại giao mạnh mẽ và Vatican sẽ tiếp tục cam kết duy trì các mối quan hệ này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục vun đắp những mối quan hệ này trên tinh thần như vậy, và Tòa thánh luôn ở đó để hỗ trợ chính phủ Timor-Leste phát triển tốt hơn,” Đức Ông Sprizzi nói “Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là vì lợi ích chung của người dân.”
Vatican từ lâu đã được coi là một trong những người bạn ngoại giao thân thiết nhất của đất nước. Mối quan hệ của hai bên đã được củng cố bằng việc ký kết một hiệp định vào năm 2015 khi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đến thăm đất nước.
Thỏa thuận xác định các lĩnh vực cụ thể mà Giáo hội có thể phục vụ người dân trong nước một cách tự do và cởi mở, bao gồm hỗ trợ tinh thần trong các nhà tù, bệnh viện, phòng khám và trại trẻ mồ côi, làm công việc từ thiện và thành lập trường học ở mọi cấp độ.
Ramos-Horta sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 trùng với lễ kỷ niệm 20 năm đất nước khôi phục độc lập.
Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Salêdiêng Dom Virgilio do Carmo da Silva của Dili hy vọng “tổng thống mới sẽ làm việc chăm chỉ để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.”
Trong một tuyên bố sau bầu cử, Đức Tổng Giám Mục yêu cầu tổng thống mới hoạt động trên các lợi ích được ưu tiên và hành động “như một nhà lãnh đạo toàn cầu.”
Source:UCANews