□ LM Nguyễn Trung Tây
Máu Đỏ Thánh Giá


Mới đây, một phái đoàn y tế của Impact Life ghé vào trường Đại Học xin hiến tặng máu cho bệnh nhân trong vùng. Ban giảng huấn và sinh viên, nhiều người ghi tên hiến tặng. Tác giả cũng tham gia ngày hiến tặng máu đỏ. Khi nhân viên y tế hỏi lý do tại sao muốn tặng máu, tác giả chỉ nói đơn giản, “Xin được tặng ban cho những ai đang cần.”

Chuyện hiến tặng máu nhắc nhở tới lần mất máu ở đất thánh. Lần đó, tác giả bị bệnh bao tử. Bởi bao tử bị loét, máu chảy xuống ruột. Bị hơn một ngày rồi, nhưng tác giả chỉ có cảm giác chóng mặt. Sáng hôm đó, mặt mày tự nhiên xây xẩm, thở không được nữa. Tác giả đứng không vững trên mặt đất nữa. Mang vào bệnh viện trên đồi Cây Dầu, bác sĩ nhanh chóng chuyền mấy bịch máu đỏ. Nhờ những hạt máu đỏ, tác giả dần dần hồi phục, mặt thôi tái xanh, hơi thở dần dần trở lại nhịp thở bình thường.

Hồi đó trên con đường thiên lý, trong đất sỏi sa mạc, mệt mỏi với hành trình bốn mươi năm hoang địa, với manna, với nước, và với chim cút, dân hành hương Do Thái than van oán trách Thiên Chúa tại sao lại mang họ ra khỏi vùng đất nô lệ về miền đất hứa. Trong khi người dân du mục đang than thở, nhớ thương củ hành củ tỏi của đất Ai Cập, rắn độc bỗng dưng xuất hiện ngập tràn sa mạc. Thế là máu đỏ của dân Do Thái trong sa mạc không còn đỏ nữa, nhưng chuyển đổi sang mầu đen bởi nọc rắn độc. Trong cơn nguy khốn, dân riêng du mục quay trở về lại với Thiên Chúa. Bởi lòng thống hối của họ, Thiên Chúa sai ngôn sứ Môisen làm một con rắn bằng đồng dựng cao trên cột trụ. Những ai đang bị nọc độc của rắn tung hoành trong người, nếu nhìn lên con rắn đồng, nọc độc máu đen trong huyết mạch sẽ biến mất, nhường chỗ cho dòng máu đỏ nguyên thủy luân lưu (Dân Số 21:4-9).

Về sau, trong khi đàm đạo với Nicôđêmô, Đức Giêsu đã so sánh hình ảnh của con rắn đồng treo trên cột trụ trong sa mạc năm xưa với hình ảnh của thân xác Ngài bị đóng đinh trên cây gỗ hình chữ thập (Gioan 3:14). Theo như thánh sử Gioan, khi bị đóng đinh trên cây thánh giá, Đức Giêsu không nhắm mắt lại chết đi như một tội nhân, nhưng Ngài đã trở thành nguồn suối nước hằng sống tẩy rửa tất cả những nọc độc tội lỗi của nhân loại (Gioan 4:13-14, 8:28, 19:34). Đặc biệt, bởi máu đỏ của Đức Giêsu đã chảy ra hết, nhuộm hồng đất đen, máu đen rắn độc trên quả địa cầu đã được chuyền dòng máu mới. Bởi thế, khi Đức Giêsu bị treo trên cây thập giá, giây phút của ơn cứu độ đã khởi đầu.

SUY NIỆM
Đức Khổng Tử tin rằng, “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người nguyên thủy mang trong người tính thiện. Tương tự như người Trung Hoa, người Do Thái cũng tin rằng, bởi được sinh ra trong hình dạng của Giavê Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:26, 27), con người nguyên thủy là con người tốt, con người của tính thiện. Nhưng, rất tiếc, bởi Adong và Evà cãi lại lời của Giavê Thiên Chúa, nọc độc tội lỗi đã có dịp nứt vỏ, nẩy mầm, lan tràn trong tâm hồn của con người. Thật vậy, từ khi ông bà nguyên tổ nghe lời của con rắn trên cành cây, nọc độc của rắn độc và của tội lỗi đã có cơ hội phun vào thịt da, ngấm sâu vào trong mạch máu của nhân loại.

Bởi thế, máu đen của ác tính có dịp len lỏi vào dòng máu đỏ của thiện tính. Nhưng, bởi Đức Giêsu bị treo trên cây gỗ hình chữ thập (Gioan 8:28), đã chảy hết máu đỏ của Ngài ra trên cây thánh giá (Gioan 19:34), nọc độc của rắn độc và của tội lỗi trong chúng ta đã bị chế ngự. Hơn thế nữa, bởi dòng máu đỏ của Đức Giêsu đã nhỏ ra tới giọt cuối cùng (Gioan 19:34), máu đen rắn độc năm xưa đã được thay thế bằng dòng máu đỏ thánh giá của Con Thiên Chúa trên núi Sọ. Khi Đức Giêsu nhắm mắt lại chết đi trên đỉnh núi, thánh giá và thân xác của Ngài đã trở thành một biểu tượng của một Thiên Chúa giầu lòng vị tha. Ai tin, nhìn lên cây thánh giá, biểu tượng của ơn cứu rỗi, dòng máu đen rắn độc sẽ được biến đổi, hóa thành dòng máu đỏ thánh giá.

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh, xin cho con biết quay đầu hướng về Núi Sọ, nhìn lên thánh giá máu đỏ của Chúa, để máu đen rắn độc của tội lỗi không còn luân lưu trong thân thể của con.
□ Nguyễn Trung Tây