Cha José Antonio Fortea, nhà thần học Tây Ban Nha đã cảnh báo về điều mà ngài gọi là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với Giáo Hội Công Giáo do đường lối thượng hội đồng ở Đức gây ra.
Trong một bài đăng trên blog có tiêu đề “Giáo hội Đức đang đi về đâu”, vị linh mục nói rằng “nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của Giáo hội, chúng ta sẽ thấy rằng con đường đồng nghị là điều mà Thiên Chúa muốn, nhưng kết quả của các công nghị không phải lúc nào cũng là các hoa trái đúng đắn”.
“Ngày nay, chúng ta có từ conciliabules để chỉ các công nghị bất hợp pháp là những nghị hội đã 'đi chệch hướng', nhưng vào thời của họ, những người tham dự những nghị hội này coi đó là những công nghị thực sự như những công nghị đã đưa ra những định nghĩa được đưa vào giáo huấn của Giáo hội.”
Nhà thần học cảnh báo rằng “một thượng hội đồng, một công đồng, hay bất kỳ cuộc họp nào trong giáo hội, đều có thể diễn ra theo chiều hướng quá đáng và bất hợp pháp, và có thể bị thao túng bởi các áp lực.”
“Và chúng ta phải nói thêm rằng công đồng khu vực hoặc công đồng cấp quốc gia không nhất thiết phải là một biểu hiện đức tin của Giáo hội”.
Tiến Trình Công Nghị ở Đức là một quá trình trong đó các giám mục và giáo dân tại quốc gia này tham gia để giải quyết các vấn đề như thực thi quyền lực, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.
Quá trình này bắt đầu vào ngày 1 tháng 12 năm 2019 và dự kiến kết thúc vào năm 2023.
Vào tháng 10, phiên họp toàn thể của nó đã đột ngột kết thúc sau khi bỏ phiếu ủng hộ một văn bản tán thành việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và thảo luận về việc liệu chức tư tế có cần thiết hay không. Hơn một nửa các tham dự viên đã bỏ về khi thấy Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức yêu cầu thảo luận xem chức tư tế có cần thiết hay không. Chức tư tế là do chính Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc Ly.
Nhiều người Công Giáo đã bày tỏ quan ngại về hướng đi mà đường lối Thượng hội đồng Đức đã đi theo và đã cảnh báo về nguy cơ ly giáo với Giáo hội Hoàn Vũ.
Cha Fortea đã lưu ý trong bài báo của mình rằng “một thượng hội đồng khu vực được bảo đảm về sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, nhưng không bảo đảm rằng kết quả cuối cùng sẽ là một biểu hiện không thể nghi ngờ về đức tin của Giáo hội.”
“Ví dụ, trong một mật nghị, sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần được bảo đảm, nhưng điều đó không có nghĩa là các Hồng Y sẽ lắng nghe tiếng nói của Chúa. Vì thế, việc bầu một giáo hoàng không nhất thiết là sự thể hiện những gì Chúa muốn”.
Đối với các linh mục, điều này cho thấy rằng “việc lắng nghe Thánh Linh là hoàn toàn cần thiết. Kết quả có phải là biểu hiện của Ý Chúa hay không sẽ phụ thuộc vào sự lắng nghe đó”.
“Tôi rất tiếc vì đã phá vỡ một tầm nhìn nhất định về các thượng hội đồng như một cái gì đó tuyệt đối, nhưng lịch sử của Giáo hội rất rõ ràng: chỉ các hội đồng phổ quát hợp nhất với Đức Giáo Hoàng Rôma mới được bảo đảm là không thể sai lầm. Đó là truyền thống không đổi của Giáo hội.”
Do đó, ngài nhấn mạnh rằng, “những người tham gia Thượng hội đồng Đức phải nhận thức được khả năng sai sót của chính họ, cả cá nhân và tập thể.”
“ Họ không thể tách mình ra khỏi cấu trúc của chân lý mà chúng ta có thể gọi là 'đại hội đồng toàn cầu.'“
Cha Fortea nói rằng “trước nguy cơ chúng ta sẽ không đồng ý về những gì có hoặc không có trong đức tin, ít nhất chúng ta phải chấp nhận cấu trúc giáo hội để bảo vệ đức tin được thiết lập trong Giáo hội là bởi chính Chúa Giêsu Kitô khi Ngài còn ở dương thế.”
“Nếu trật tự giáo hội phổ quát đó không được chấp nhận, thì thượng hội đồng sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận từ một điểm xuất phát sai lầm. Điều sẽ được thảo luận không phải là câu hỏi này hay vấn đề đạo đức kia hay Kinh thánh, mà là chính bản thể của Giáo hội, chính khả năng của Giáo hội trong việc bảo vệ đức tin mà Chúa đã ban cho chúng ta.”
Cha Fortea nói rằng “thần học phải phát triển trong một quá trình tiến hóa đồng nhất của tín lý.”
Ngài cảnh báo rằng chủ nghĩa cấp tiến ở Đức liên quan đến cách mạng, nghĩa là, việc phá bỏ các trụ cột hỗ trợ mối liên hệ của chúng ta với một chân lý không thể thay đổi từ quá khứ.
Vị linh mục chỉ ra rằng “Tôi là người Tây Ban Nha, và chân lý là giống nhau ở Đức và ở Tây Ban Nha. Thượng hội đồng Đức không thể xác định đâu là chân lý đối với người Tây Ban Nha. Và, rõ ràng, chân lý không phải là một chuyện ở Bắc Âu và một điều hoàn toàn khác ở phía Nam. Cũng thế, không thể nào có chuyện chân lý đã được Giáo Hội xác lập là đúng ở thế kỷ thứ bảy lại không còn đúng nữa ở thế kỷ thứ mười tám”.
Cha Fortea chỉ ra rằng “tất cả các thành viên của Thượng hội đồng phải chấp nhận rằng họ là một phần của một gia đình và một số phiếu nhất định không thể buộc Giáo hội trên năm châu lục phải tin vào một điều gì đó hay không; bởi vì những câu hỏi được tranh luận trong cuộc họp ở Đức đó ảnh hưởng trực tiếp đến chân lý trong Giáo hội khi họ nói Giáo hội đã phạm sai lầm trong việc phổ biến giáo huấn về điều này hay điều kia.”
Source:Catholic News Agency