1. Đức Tổng Giám Mục Edmundo Valenzuela gây chưng hửng cho giáo dân trong thông điệp Giáng sinh
Đức Tổng Giám Mục Edmundo Valenzuela, 77 tuổi, của tổng giáo phận Asunción, Venezuela đã gây chưng hửng cho anh chị em giáo dân khi bất ngờ cho biết thông điệp Giáng sinh 2021 là thông điệp Giáng sinh cuối cùng ngài viết cho họ.
Khi đến tuổi 75, theo luật định, Đức Cha Valenzuela đã nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha đã yêu cầu ngài lãnh đạo tổng giáo phận thêm 2 năm nữa. Thời hạn 2 năm này đến nay là chấm dứt.
Đức Cha Valenzuela, đã có đôi lời từ biệt trong thông điệp nhân dịp Giáng sinh. Ngài viết: “Tôi biết ơn về những năm phục vụ này trong Tổng Giáo phận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tôi luôn muốn trở thành một người phục vụ, với phương châm Qua Chúa Kitô, đến với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Khi tôi chào tạm biệt anh chị em, hãy biết rằng tôi đã đánh giá cao và tìm kiếm trong tất cả sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa.”
Đức Cha Valenzuela cho biết ngài đã đệ đơn từ chức vào năm 2019 ở tuổi 75, theo quy định của Giáo luật. Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu ngài tiếp tục trong 2 năm nữa, và thời hạn đó đã chấm dứt vào tháng 11 vừa qua.
Một trong những vị có nhiều khả năng thay thế ngài là Đức Cha Adalberto Martínez. Ngài là người Venezuela nhưng làm mục vụ tại Paraguay và hiện là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Paraguay (CEP) và là giám mục của giáo phận Villarrica. Ngoài ra, một ứng cử viên khác sẽ là Đức Cha Francisco Javier Pistilli, giám mục của Encarnación, Venezuela.
Source:rdn.com.py
2. Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của giám mục Chí Lợi, người đã kêu gọi bất tuân dân sự chống lại lockdown
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Bernardo Bastres Giám mục giáo phận Punta Arenas với công thức nunc pro tunc. Trong Giáo Hội Công Giáo, công thức nunc pro tunc có nghĩa là việc từ chức sẽ có hiệu lực ngay lập tức, nhưng đương sự vẫn ở nguyên vị trí vì Đức Thánh Cha cần thời gian để bổ nhiệm người kế vị.
Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã ban hành một tuyên bố chi tiết cho biết việc từ chức đã được thông báo vào trưa Thứ Tư tuần này tại Rôma (8 giờ sáng theo giờ Chí Lợi).
Đức Cha Bastres đã ra một tuyên bố trong đó ngài cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì đã tin tưởng, thông cảm và chấp nhận yêu cầu từ chức đã được đệ trình. Đức Cha giải thích rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức giám mục của tôi với tư cách là giám mục của giáo phận, theo thể thức ‘Nunc pro tunc’, nói một cách đơn giản có nghĩa là trong khi chờ vị giám mục mới đến, tôi vẫn tiếp tục lãnh đạo Giáo phận. Vì lý do này, tôi biết ơn sự tin tưởng mà Đức Thánh Cha đã dành cho tôi”.
“Cách đây một thời gian, tôi đã suy tư, đánh giá và cầu nguyện trước Thiên Chúa, công việc của tôi với tư cách là mục tử của Giáo phận thân yêu này, và với sự tin tưởng của một người con, tôi đã trình bày với Đức Thánh Cha, đơn từ chức của tôi khỏi công việc mục vụ của Giáo phận, vì lý do cá nhân thuần tuý. Vì điều này, tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng, vì sự hiểu biết và thông cảm của ngài”.
Vị linh mục chỉ rõ rằng trong số những lý do mà ông có thể chia sẻ “là tất cả những sự kiện mà chúng tôi đã trải qua trong những năm này và chúng không chỉ ảnh hưởng đến Giáo hội của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cá nhân tôi như thế nào. Tôi đã phải lên tiếng vì chúng xứng đáng được đối mặt và làm rõ”.
Vào tháng 3 năm nay, một đoạn video ghi lại một nghi lễ tôn giáo đã được phổ biến trong đó Đức Cha Bastres kêu gọi “bất tuân luật” dân sự trước lệnh cấm tụ tập đông người để quản lý đại dịch coronavirus. Vị linh mục sau đó đã xin lỗi “những người đã bị xúc phạm” bởi lời nói của mình.
Trong một diễn biến không mấy lạc quan, Gabriel Boric, 35 tuổi, một chính trị gia cánh tả, là người đã nổi lên như một nhân vật cầm đầu hàng loạt các cuộc biểu tình của sinh viên, đã được bầu làm tổng thống mới của Chí Lợi vào hôm Chúa Nhật, đánh bại đối thủ Công Giáo Jose Antonio Kast với hơn 10% số phiếu bầu.
Dưới sự hô hào của Gabriel Boric, hàng loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra, trong đó nhiều nhà thờ Công Giáo đã bị đốt phá, nhiều tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh bị lôi ra khỏi các nhà thờ, đập tan tành trên các đường phố. Trong nhiều lần và nhiều dịp khác nhau Gabriel Boric tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo là một một định chế cần phải bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Chí Lợi.
Source:latercera.com
3. Giáo Hội tại Indonesia được bình an trong Mùa Giáng Sinh năm nay
Gần 180,000 cảnh sát Indonesia đã canh gác các nhà thờ và các địa điểm công cộng trên khắp đất nước trong lễ Giáng Sinh năm nay để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.
Tất cả các nhà thờ được mở cửa trong thời gian Giáng Sinh để cho phép các Kitô Hữu tham dự các thánh lễ và các nghi lễ tôn giáo khác bất chấp mối đe dọa do biến thể omicron rất dễ lây lan của coronavirus và các cuộc tấn công có thể xảy ra bởi những kẻ cực đoan, ucanews.com đưa tin.
Theo Bộ Tôn giáo nước này, Indonesia có hơn 11,000 nhà thờ Tin lành và Công Giáo.
Hàng chục thành viên bị tình nghi của Jemaah Islamiyah, một nhóm Hồi giáo, đã bị cảnh sát bắt giữ trên khắp đất nước trong những tuần trước lễ Giáng Sinh.
Các nhà chức trách cho biết họ không muốn thấy lặp lại các vụ tấn công khủng bố, trong đó hàng chục nhà thờ ở Sumatra, Java và Tây Nusa Tenggara bị nhóm khủng bố tấn công vào đêm Giáng Sinh năm 2000, khiến 18 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Cảnh sát dày đặc đã có mặt tại các nhà thờ đã bị tấn công trước đó, bao gồm Nhà thờ Công Giáo Santa Maria và hai nhà thờ Tin lành ở Surabaya, Đông Java, là mục tiêu của những kẻ đánh bom tự sát giết chết 19 người vào tháng 5 năm 2018.
Cảnh sát cũng đã bảo vệ chặt chẽ 31 nhà thờ, trong đó có Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Makassar thuộc tỉnh Nam Sulawesi, nơi bị tấn công vào Chủ nhật Lễ Lá năm nay.
“Chúng tôi sẽ triển khai 177,212 cảnh sát trong dịp Giáng Sinh năm nay,” Imam Sugianto, trợ lý giám đốc phụ trách các hoạt động của Cảnh sát Quốc gia Indonesia, cho biết hôm 21 tháng 12.
Sugianto cho biết các nhân viên cảnh sát sẽ canh gác các nhà thờ, trung tâm mua sắm và các địa điểm du lịch.
Ông nói: “Các nhà thờ Công Giáo và Tin lành trên khắp Indonesia sẽ được bảo vệ bởi ít nhất 43,000 viên chức an ninh”.
Cảnh sát sẽ được quân đội giúp đỡ trong chiến dịch kéo dài từ ngày 24 tháng 12 đến ngày 2 tháng 1, ông nói thêm.
Cha Antonius Suyadi, chủ tịch Ủy ban các vấn đề liên tôn và đại kết của Tổng giáo phận Jakarta, cho biết các viên chức Giáo Hội đang phối hợp với cảnh sát Jakarta về các vấn đề an ninh.
Cha Suyadi nói với ucanews.com: “Chúng tôi đã yêu cầu những người Công Giáo trong giáo xứ hợp tác với cảnh sát, các nhóm liên tôn và chính quyền địa phương trong dịp lễ Giáng Sinh.
Ngài bày tỏ hy vọng người Công Giáo sẽ làm theo hướng dẫn của các linh mục, các quan chức an ninh địa phương và cảnh sát để mọi người có thể đón Giáng Sinh an toàn.
Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Jakarta và một số nhà thờ khác ở thủ đô Indonesia nằm trong số các nhà thờ bị nhắm mục tiêu vào năm 2000.
Source:Crux