1. Chính quyền Singapore quyết tâm bảo tồn các tòa nhà do Dòng Tiểu Muội Người Nghèo thành lập
Trong khi các tu viện tại Việt Nam bị tịch thu hoặc lăm le bị tịch thu, một nghĩa cử cao đẹp của chính quyền Singapore rất đáng suy nghĩ.
Các nhà chức trách ở Singapore đã quyết định cấp cho tổng giáo phận Singapore kinh phí giúp nâng cấp và bảo tồn tất cả các tòa nhà thuộc sở hữu của Công Giáo vì ý nghĩa lịch sử, kiến trúc và xã hội của chúng, cũng như để tỏ lòng biết ơn những đóng góp quan trọng của Giáo Hội, đặc biệt là của các nữ tu.
Tờ Straits Times đưa tin: Vào giữa tháng 10, Cơ quan Tái phát triển Đô thị đã công bố một đề xuất bảo tồn sáu tòa nhà và một cổng vòm vào tại Nhà của Thánh Têrêxa, được xây dựng bởi Dòng Tiểu Muội Người Nghèo.
Các cấu trúc lịch sử bao gồm một nhà nguyện, các ký túc xá và một tòa nhà hành chính.
Cơ quan quản lý phát triển cho biết động thái này công nhận “ý nghĩa lịch sử, kiến trúc và xã hội” của các tòa nhà và sự đóng góp của chúng đối với “ý thức về bản sắc và đặc trưng” của khu vực.
Họ cho biết đề xuất bảo tồn của họ được sự ủng hộ của Tổng giáo phận Singapore, nơi có kế hoạch “tái sử dụng một cách thích ứng các tòa nhà đã được đề xuất để bảo tồn như một phần của kế hoạch tái phát triển địa điểm.”
Tổng giáo phận có kế hoạch xây dựng một trung tâm di sản, kho lưu trữ Giáo Hội, văn phòng và nhà nghỉ hưu cho các linh mục trong các tòa nhà được bảo tồn, biến nó thành một trung tâm Công Giáo. Cơ quan quản lý phát triển cho biết: “Điều này cho phép địa điểm phục vụ các nhu cầu hiện đại trong khi vẫn bảo vệ được di sản phong phú của nó”.
Công việc tái phát triển dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2022 và sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Theo các ghi chép lịch sử, ngôi nhà cổ là sản phẩm trí tuệ của Dòng Tiểu Muội Người Nghèo, một hội đoàn quốc tế gồm các nữ tu Công Giáo, những người đã quyên góp tiền từ các nhà hảo tâm vào những năm 1930 để xây dựng ngôi nhà. Ngôi nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Singapore Hà Quảng Diệu (Ho Kwong Yew, 何广耀). Dòng Tiểu Muội Người Nghèo do Thánh Jeanne Jugan thành lập tại Pháp vào năm 1839, nổi tiếng vì đã phục vụ người già, người nghèo và những người cơ cực trên toàn thế giới.
Trong những ngày đầu của ngôi nhà, khi Singapore bị quân Nhật chiếm đóng giữa Thế chiến thứ hai, các nữ tu đã cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 300 gia đình, mặc dù cơ sở vật chất không đủ cho rất nhiều cư dân.
Dòng Tiểu Muội Người Nghèo chuyển ra khỏi Singapore vào ngày 1 tháng 7 năm 2003, và Dịch vụ Phúc lợi Công Giáo, bộ phận dịch vụ xã hội của Tổng giáo phận Singapore, tiếp quản việc quản lý Nhà của Thánh Têrêxa.
Source:Crux
2. Đức Giáo Hoàng và tổng thống Mỹ: Biden là tổng thống thứ 14 của Hoa Kỳ đến thăm Vatican
Đã gần 60 năm trôi qua kể từ khi vị tổng thống Công Giáo Hoa Kỳ đầu tiên đến triều yết một vị giáo hoàng tại Vatican.
Khi Tổng thống John F. Kennedy đang chuẩn bị cho cuộc triều yết với tân Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục vào tháng 7 năm 1963, mọi người đã tự hỏi liệu ông có hôn chiếc nhẫn của Đức Giáo Hoàng hay không. Đó là một dấu hiệu truyền thống nói lên lòng kính trọng, nhưng một dấu hiệu có thể là vấn đề đối với một tổng thống đã đối phó với những câu hỏi về việc Giáo Hội hay đất nước của ông, điều nào là ưu tiên hơn.
Đức Giáo Hoàng dường như không ngại bắt tay ông.
Các giao thức cũng như các giáo hoàng đã thay đổi. Ngày nay, Đức Thánh Cha Phanxicô thích khách đừng hôn chiếc nhẫn của mình.
Tổng thống Joe Biden đã là tổng thống Hoa Kỳ thứ 14 - và là tổng thống Công Giáo thứ hai - gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican.
Không giống như Kennedy, là người mà những câu hỏi về đức tin của ông đến từ những người không phải là người Công Giáo. Vấn đề của Biden chủ yếu đến từ ngay trong cộng đồng Công Giáo, vì ông ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón Biden đến Vatican vào trưa ngày 29 tháng 10, ngay sau khi ông ta đến Ý để tham gia Hội nghị thượng đỉnh G-20. Hội nghị này sẽ tập trung vào đại dịch COVID-19 và sức khỏe toàn cầu, kinh tế toàn cầu và những thay đổi về khí hậu.
Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Vatican là Woodrow Wilson, người đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 vào năm 1919 trong chuyến công du Âu Châu sau Thế chiến thứ nhất. 40 năm sau, tổng thống Eisenhower gặp Đức Giáo Hoàng Gioan 23 vào năm 1959.
Kể từ đó, mỗi tổng thống Mỹ đều có chuyến công du tới Vatican. Vị tổng thống Mỹ cuối cùng đến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô là tổng thống Donald Trump.
Sau khi phá thai trở thành hợp pháp trên toàn nước Mỹ qua phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Roe kiện Wade vào năm 1973. Ngoài việc luôn nhắc nhở Hoa Kỳ về trách nhiệm thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, các bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước các tổng thống Hoa Kỳ luôn kêu gọi sự tôn trọng cuộc sống của con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên.
Một bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng có nội dung như thế không được mong đợi trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Jen Psaki, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, cho biết hai người “thảo luận cùng nhau về những nỗ lực dựa trên cơ sở tôn trọng phẩm giá cơ bản của con người, bao gồm chấm dứt đại dịch COVID-19, giải quyết khủng hoảng khí hậu và chăm sóc người nghèo.”
Biden biết rõ Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ gì về việc phá thai; đến nay vẫn chưa rõ hai người có nói về điều đó một cách cụ thể hay không.
Source:Crux
3. Đức Hồng Y Charles Bo kêu gọi dân chúng Miến Điện lên tiếng về tình hình đất nước
Nhân ngày Chúa nhật Truyền giáo, Đức Hồng Y Charles Bo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, đã kêu gọi các tín hữu hãy cùng gióng lên tiếng nói báo động trước thời điểm thử thách của đất nước! Còn Giáo hội thì phải luôn thắp lên hy vọng giữa màn đêm u tối.
Đức Hồng Y Charles Bo của Giáo phận Yangon đã kêu gọi mọi người Công Giáo Miến Điện hãy lên tiếng chống lại cái ác đang tàn phá đất nước, “không dùng hận thù mà dùng tình yêu”. Đức Hồng Y đưa ra lập trường trên trong bài giảng lễ Chúa nhật Truyền giáo ngày 24 tháng 10.
Suy ngẫm về chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra cho năm nay “Chúng ta không thể không nói hết về những gì chúng ta đã thấy và đã nghe” (Công vụ 4:20), Đức Hồng Y Bo nhận xét rằng đây là “thời điểm thử thách để nói” về đất nước Miến Điện, nơi mà sự đàn áp tàn bạo của quân đội không ngừng leo thang trong suốt chín tháng qua, sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng Hai năm 2020.
Im lặng là tội phạm
Trước tình trạng bạo lực tàn nhẫn nhắm vào Giáo hội, vào các nhà thờ, Đức Hồng Y kêu gọi các tín hữu hãy “lên tiếng phản đối những quyền lực mù quáng trước những nơi thiêng liêng”, như các thánh Tông đồ và các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai đã chống lại Đế quốc La Mã. Đức Hồng Y khẳng định rằng “im lặng là tội ác, vì thời điểm này cái ác đang được trọng vọng”.
Đức Hồng Y nhắc đến cách Chúa Giêsu lên tiếng chống lại kẻ quyền thế, như lời ngài trả lời lúc bị một tên lính La Mã vả vào mặt Ngài, Chúa đã hỏi: ‘Nếu tôi nói sự thật, tại sao anh lại đánh tôi?’.
Nghe tiếng kêu của dân chúng
Chúa nhật Truyền giáo năm nay Giáo hội muốn lắng nghe, nhìn nhận và bước đi như một Giáo hội hòa đồng với dân chúng, Đức Hồng Y Yangon nhắc lại “con đường của Thập tự” mà người dân Miến Điện đang gánh chịu từ cuộc đảo chính quân sự. Đức Hồng Y nói: “Chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu cầu thống thiết của những người dân vô tội như Chúa Giêsu mang 5 vết thương, Covid, xung đột và di cư, sự sụp đổ của nền kinh tế, thảm họa khí hậu và từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác đang đè bẹp trên dân chúng Miến Điện”.
Đức Hồng Y Bo nhắc nhở rằng việc loan báo Tin Mừng Tình yêu của Chúa trên một đất nước đã chứng kiến “nhiều cái đau khổ bất nhân nhất” dành cho những người vô tội, như xưa Chúa đã gánh chịu và các môn đệ của Chúa cũng trải nghiệm trong khi thực thi và rao giảng tình yêu của Thầy mình. Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Nếu chúng ta quay sang căm thù thì chúng ta có gì khác lạ với người thế!”
Nhưng không, các môn đệ của Chúa, cũng như các Kitô hữu đầu tiên sống đức tin giữa mọi nghịch cảnh và khó khăn. Chúng ta những người dân Miến Điện cũng đang trải nghiệm trước nhiều bạo lực tàn bạo, chết chóc và nỗi khổ đang rình rập dân tộc; đặc biệt là giới trẻ!”
Đây cũng là lý do tại sao thông điệp năm nay cho Ngày Chúa nhật Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo hội hãy nhóm lên niềm hy vọng: “Giáo hội thắp lên ánh sáng hy vọng giữa bóng tối. Đó là truyền giáo”.
Tiếp cận với kẻ thù của chúng ta
Vì vậy Đức Hồng Y nhấn mạnh với “niềm hy vọng đó” chúng ta, đặc biệt những người dân Miến Điện hôm nay phải thắp lên cho nhau và cho cả kẻ thù! “Giáo hội Miến Điện cần phải tung cánh trên các con đường cao tốc, vào những khu rừng nơi những người di cư đang ẩn nấp, đến những ngôi làng xa xôi của những người nghèo đang lo lắng ẩn náu để bảo vệ con cái của họ khỏi cái chết tất tưởi. Và đến với cả những người đã chọn con đường tội ác! Đức Thánh Cha nói chúng ta ‘không được loại trừ ai’ bạn hữu cũng như kẻ thù”.
Ngừng bán vũ khí cho Miến Điện
Đức Hồng Y Bo kết thúc bài giảng của mình bằng mạnh mẽ kêu gọi các cường quốc trên thế giới hãy ngừng bán vũ khí cho Miến Điện: “Hãy tìm kiếm sức mạnh yêu thương phục vụ; lòng nhân ái”. Đức Hồng Y nói: “Tất cả chúng ta, những người Miến Điện, hãy cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện, cho đất nước có thể nhìn thấy ngày hòa bình. Chúng ta hãy nuôi hy vọng Miến Điện sẽ trỗi dậy trở về trạng thái yêu thương nhân ái, trong Karuna, lòng trắc ẩn, và Metta, lòng nhân từ. Hãy cho chúng tôi niềm hy vọng về một quốc gia hòa bình, đó là thông điệp của chúng tôi nhân Ngày Truyền giáo tại đất nước này!”
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về quyền làm người ở Miến Điện
Trong báo cáo hôm 22 tháng 10, Liên Hiệp Quốc đã quan ngại về tình hình nhân quyền ở Miến Điện càng ngày càng tệ đi, khi có hàng nghìn binh sĩ di chuyển về phía bắc và tây bắc của đất nước, nơi mà các cuộc đụng độ với dân quân sắc tộc đang xảy ra. Chính quyền quân sự bác bỏ mọi lời đề nghị của Liên Hiệp Quốc và không ngừng “khuấy lên nhiều bạo lực” trong nước.
Source:Vatican News