1. Thánh kinh của đạo Sikh cũng được di tản khỏi Kabul
Ngoài các tín hữu, ba cuốn sách thiêng liêng có giá trị tinh thần lớn đã được sơ tán khỏi Afghanistan theo một nghi lễ long trọng.
Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, một cảnh bi hùng vừa diễn ra trên các đường băng của sân bay quốc tế Kabul. Giữa những cảnh người dân chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi nó rơi vào tay Taliban, giữa những tiếng súng nổ đinh tai nhức óc, nổi bật nhất là cảnh 3 người theo đạo Sikh Ấn Độ đi chân trần trên đường băng của sân bay Kabul với 3 chiếc vali trên đầu chứa nhiều bản sao của Kinh Granth Sahib, mà đối với người theo đạo Sikh là linh thiêng nhất. Đó là thánh kinh của đạo này.
Những cuốn sách quý đã được cất cánh hôm qua trên một chiếc máy bay của Không quân Ấn Độ cùng với những người Afghanistan theo Ấn Giáo và theo đạo Sikh. Máy bay đã hạ cánh xuống New Delhi, và được một bộ trưởng chính phủ chào đón long trọng.
Guru Granth Sahib là một bộ sưu tập các bài thánh ca được viết bởi mười đạo sư của đạo Sikh; Nó gồm khoảng 1,430 trang được chia thành 31 chương, gọi là ragas. Theo niềm tin của người Sikh, mỗi bản sao của cuốn sách thánh này đều chứa một vị thần sống động.
Vì lý do này, kinh thánh của người Sikh được tôn kính trong các ngôi đền và được cất đi trong các thùng chứa đặc biệt vào buổi tối. Việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác phải tuân theo một nghi thức nhất định: Kinh phải được đội trên đầu và người khiêng phải đi chân trần.
Kinh Granth Sahib ra đời vào năm 1708, và thường được sao chép bằng tay, cho đến khi việc in ấn được giới thiệu dưới thời thuộc địa của Anh.
Các bản sao cũ nát phải được đưa đến Goindwal Sahib, một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất ở Punjab, nơi chúng được hỏa táng. Vì lý do này, người ta đặc biệt chú ý đến khía cạnh này khi di tản người Sikh khỏi Afghanistan.
Afghanistan từng là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người theo đạo Sikh, nhưng cộng đồng của họ đã bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh Afghanistan. Chỉ một vài trăm người được cho là vẫn còn trong nước.
Cho đến gần đây, Afghanistan đã có 12 bản sao của Kinh Granth Sahib, sáu cuốn đã được chuyển đến Ấn Độ trong những tuần gần đây, ba cuốn đến vào ngày hôm qua và ba cuốn còn lại sẽ đến trong một chuyến bay nhân đạo sắp tới.
Số phận của các văn bản thiêng liêng của đạo Sikh phản ánh thảm kịch mới nhất của Afghanistan, làm dấy lên lo ngại về di sản văn hóa và tôn giáo của đất nước, hiện nằm trong tay Taliban.
Lần cuối cùng nắm quyền, Taliban đã phá hủy những bức tượng khổng lồ của Đức Phật ở Bamiyan, vào ngày 12 tháng 3 năm 2001.
Source:Asia News
2. Công Giáo Indonesia vui mừng sau khi quân đội hủy bỏ luật kiểm tra trinh tiết đầy nhục nhã đối với phụ nữ
Quân đội Indonesia sẽ không tiến hành kiểm tra trinh tiết đối với các nữ tân binh nữa. Tướng Andika Perkasa, người đứng đầu quân đội Indonesia, cho biết luật kiểm tra được giới thiệu vào năm 1965 đã bị bãi bỏ trong các quân binh chủng Indonesia. Từ nay, nam giới và phụ nữ sẽ trải qua quá trình tuyển chọn giống nhau.
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết ở Indonesia, phụ nữ muốn gia nhập quân đội phải trải qua “bài kiểm tra bằng hai ngón tay”, đó là cách các bác sĩ kiểm tra màng trinh còn nguyên vẹn hay không. Theo quân đội Indonesia, nó được sử dụng để xác định đạo đức của các tân binh, và được các chính quyền liên tiếp bảo vệ như một kỳ thi để đánh giá sức khỏe thể chất của phụ nữ.
Trên thực tế, đó là một hình thức bạo lực nhục nhã và đau thương mà các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Human Rights Watch đã tố cáo trong nhiều thập kỷ qua. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã nhắc lại rằng loại kỳ thi này không có giá trị khoa học để xác định trinh tiết của một người. Cảnh sát Indonesia đã bãi bỏ cuộc kiểm tra này vào năm 2015.
Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Công Giáo Indonesia, Justina Rostiawati, bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này với AsiaNews, “Trong nhiều năm, chúng tôi đã phản đối thực hành bạo lực này đối với phụ nữ”. Rostiawati là cựu ủy viên nhân quyền phụ nữ và hiện là chủ tịch hiệp hội Công Giáo lâu đời nhất ở Indonesia. “Khi thông lệ này có hiệu lực, những tân binh không thể phản đối nó. Chúng ta cần ngăn chặn tình trạng lạm dụng phụ nữ ở tất cả các nơi làm việc”.
Source:Asia News
3. Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell là sự nhục nhã cho tư pháp Úc Đại Lợi
Linh mục Dòng Tên Frank Brennan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Newman thuộc Đại học Melbourne, Úc nhận định rằng hệ thống trị an và tư pháp hình sự của Victoria đã sai lầm nghiêm trọng khi cáo gian Đức Hồng Y George Pell đến mức nó cho thấy rằng chưa nói đến những người bị vu cáo như Đức Hồng Y Pell, ngay cả những nạn nhân của tội lỗi lạm dụng, và những người khiếu nại thành thực cũng không thể dựa vào họ.
Cha Frank Brennan là giáo sư luật và là hiệu trưởng của Cao đẳng Newman thuộc Đại học Melbourne đã tham dự các phần quan trọng của các phiên tòa và kháng cáo của Đức Hồng Y Pell và có quyền truy cập vào các bản ghi âm những lời đối thoại của tòa án.
Ngài tin chắc rằng vị Hồng Y vô tội đối với những cáo buộc lạm dụng tình dục lịch sử chống lại ngài và lẽ ra ngài không bao giờ phải đối mặt với chúng.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Catholic Weekly, tờ báo của Tổng giáo phận Sydney, Cha Brennan đã rất gay gắt khi đánh giá về công việc cảnh sát được tiến hành dưới thời cựu Ủy viên Cảnh sát Victoria Graham Ashton và những thất bại sau đó khiến Đức Hồng Y Pell bị giam 13 tháng cho đến khi được trả tự do thông qua quyết định nhất trí của Tòa án Tối cao Australia vào tháng 4 năm 2020.
Cuốn sách mới nhất của Cha Brennan có tựa đề “Observations on the Pell Proceedings”, nghĩa là “Những quan sát trên trình tự tố tụng Đức Hồng Y Pell”, đã được xuất bản vào tháng Tư. Bài phân tích tám trang độc quyền của ngài về toàn bộ vụ án sẽ xuất hiện trong ấn bản ngày 5 tháng 9 của tờ The Catholic Weekly.
Cha Brennan cho biết ngài “không thể tha thứ” cho các hành động của Cảnh sát Victoria và giám đốc công tố Victoria trong vụ truy tố Đức Hồng Y và tin rằng các hành động này là kết quả của một hành động chính trị chống lại Đức Hồng Y.
Những điều này đã gây ra cho Đức Hồng Y nhiều tháng đau khổ không cần thiết và gây ra hậu quả cho những người khiếu nại thực sự và nạn nhân của sự lạm dụng.
“Tất cả chúng ta, bao gồm cả những người trong Giáo Hội, cũng như những nạn nhân và những người khiếu nại chân chính, cần được bảo đảm rằng hệ thống pháp luật đang thực hiện công việc của nó”, vị linh mục nói.
Cha Brennan, một giáo sư luật tại Trường Luật Thomas More tại Australian Catholic University, cho biết Ủy ban Hoàng gia về cách thức các thể chế đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục đã làm công việc cần thiết của họ khi làm sáng tỏ những “thiếu sót” trong cơ chế quản lý của Giáo Hội khiến trẻ em có nguy cơ. Nhưng họ đã sai lầm khi thúc đẩy một cuộc điều tra riêng biệt của quốc hội Victoria, nhằm dẫn đến một tình huống trong đó Đức Hồng Y trở thành vật tế thần.
Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Melbourne vào năm 1996, Đức Hồng Y Pell đã thành lập Melbourne Response với sự tham vấn của Cảnh sát Victoria và các cơ quan pháp luật của bang Victoria. Bất kể điều này, người ta vẫn cố đưa ra ý kiến cho rằng ngài đã không thực hiện những thay đổi cần thiết vì quyền lợi của trẻ em trong Giáo Hội.
“Vào thời điểm xét xử Đức Hồng Y, không nghi ngờ gì rằng rất nhiều người ở Úc, đặc biệt là trên một số phương tiện truyền thông, và cách riêng là Cảnh sát Victoria, đang tìm kiếm cả vật tế thần và nạn nhân”, Cha Brennan nói.
“Đáng buồn thay, hai thẩm phán cao cấp nhất của Victoria, chánh án và chủ tịch của Tòa phúc thẩm, tôi nghĩ đã bị nhiễm cùng một loại tâm lý mà các bồi thẩm đoàn đã có khi họ xét xử vụ án này”.
“Họ không đủ can đảm để xem xét các bằng chứng và nói rằng không có cách nào để một bồi thẩm đoàn có thể bị thuyết phục về điều này”.
Linh mục Brennan đã được Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc ủy nhiệm để quan sát các thủ tục của tòa án và báo cáo về các phiên tòa sau khi lệnh buộc im lặng của tòa án được dỡ bỏ.
Source:The Tablet