Các nhạc đoàn Công Giáo Việt Nam

4. NHẠC ĐOÀN SAO MAI VÀ NHẠC SƯ NGÔ DUY LINH




Ở đây chỉ nói đến những hoạt động về chủ trương đưa dân ca vào thánh ca của ông mà thôi.

1. Tinh thần dân tộc - Trong những thập niên 1940-1950-1960, ảnh hưởng dân ca của các nhạc sĩ Văn Cao, Lê Thương, Đỗ Nhuận, nhất là Phạm Duy đã tác động những tâm hồn thơ nhạc rất mãnh liệt. Dân ca đây phải hiểu cả đến khung cảnh, thời tiết và hương vị của người dân đi với tâm tình và âm điệu. Những bài : Bài thơ bên suối của Văn Cao, nhớ chiến khu của Đỗ Nhuận, Có một đàn chim của Bùi Bạt Tụy, Con thuyền không bến của Lê Thương, Tiếng hát Sông Lô, Nhớ người thương binh, Ngày về, Tình ca của Phạm Duy chẳng những được ngâm nga khắp chốn thị thành cũng như đồng quê, mà còn xâm nhập cả những chốn tu trì. Bị kích thích bởi dân ca, các thành viên trong nhạc đoàn Sao Mai cùng ước hẹn đi vào hướng dân tộc. Hải Linh và Ngô Duy Linh được may mắn xuất ngoại, để nghiên cứu âm nhạc ngũ cung, đường đi vào âm nhạc dân tộc. Những nhạc sĩ ở nhà cũng không thiếu cơ hội để đi sâu vào lòng dân tộc.

Riêng Ngô Duy Linh, ngay từ đầu đã đi vào nhạc ngũ cung của Bình ca (chant grégorien). Sau này ông đi vào chuyên môn, nghiên cứu âm nhạc dân tộc (Ethno-musicologie) và đặc biệt là âm nhạc Việt Nam qua luận án Tiến sĩ Âm Nhạc La variation mélodique dans la musique vietnamienne (những âm điệu đắp đổi trong âm nhạc Việt Nam). Tuy luận án này bị bỏ dở vì thời cuộc, nhưng ông đã sẵn có một đường hướng khai thác và trân trọng nhạc Việt. Để cụ thể hoá những nét độc đáo của dân ca Việt Nam, ông lại chuyên môn về đàn tranh (tức đàn thập lục). Bây giờ thì ông không thể ly khai với tình tự dân tộc và những nét nhạc Việt Nam.

Không ai có thể tưởng tượng được một Ngô Duy Linh với thân xác "khá đẫy đà" mà giờ đây lại có những điệu nhẹ nhàng thanh thoát như âm điệu bài Hò Non Nước với những cung đàn tranh nắn nót du dương và siêu thoát tuyệt vời. Tuy nhiên, bên cạnh một Hải Linh lão luyện về âm điệu, tinh vi về truyền cảm, Ngô Duy Linh muốn nhường đàn anh, lại trẽ sang một con đường khó đi hơn và mắc mớ hơn, đó là viết hoà âm (harmonization) cho hợp ca và hợp tấu khúc (orchestration) cho nhạc cụ. Đây là một công việc ít ai làm được.

Năm 1982, tại Hội Nghị Nhạc Gia Mục Vụ Hoa Kỳ tại Dallas, ông dược mời đại diện Việt Nam, trình bày những nét thánh ca Việt Nam. Với chiếc đàn tranh già đời, với những điệu hát điệu hò và thánh ca Việt Nam độc đáo, ông đã lôi kéo được khán thính giả khó tính của Hoa Kỳ. Người ta tôn vinh ông, đồng thời cũng tôn vinh Quê hương ông với bao nghìn năm văn hiến đã kết dệt nên dòng văn hoá truyền thống sâu rộng và lôi cuốn như thế.

Năm 1984, trong đại hội Liên Đoàn CGVN kỳ III, ông đã điều khiển một ban Hợp Ca tổng hợp gồm 300 ca viên, trình diễn thánh ca trong buổi lễ đại trào và đêm văn nghệ của Đại Hội. Ông đã gây được tiếng vang lớn đối với nhạc giới Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Điểm đặc sắc của đại hội này là kỹ thuật điều khiển hợp ca cũng như dàn nhạc, với những bài thánh ca chọn lọc, mang màu sắc dân tộc rất đặm đà và lưu luyến. Hoà âm và phối khúc cũng khơi động sắc thái Việt Nam rất linh động. Hơn nữa ông đã có công tập luyện cho một nhóm trẻ em hát dân ca và chơi đàn Việt Nam. Một cụ già ngồi bên cạnh cảm xúc đến trào nước mắt. Cụ phát biểu ý kiến : "Chôi cha ! Ở Mỹ chứ có phải ở Việt Nam đâu, mà sao mấy Cha còn tập cho các em chơi đàn Việt Nam và hát dân ca được vậy. Già này xin bái phục trăm lạy".

Năm 1986, cũng hội nghị Nhạc gia Mục Vụ như trên tại New Orleans, Louisiana, nhạc sư làm trưởng ban chuyên môn thuyết trình về phía Việt Nam. Lần này có mặt Hải Linh, nên ông đã dàn cảnh để giới thiệu Hải Linh với ca nhạc sĩ và nhạc công Hoa kỳ, trên dưới 700 người. Hải Linh đã thành công hoàn toàn. Linh mục Virgil Funk, trưởng ban tổ chức đã minh xác qua câu nói thâm phục : "Lần tổ chức này dành cho Việt Nam, tôi vẫn kỳ vọng một cái gì, quả thật lúc đầu tôi hơi thất vọng, vì đại biểu Việt Nam tham dự quá ít ỏi, vỏn vẹn có 30 người; nhưng cuối cùng, ban Hợp Ca Việt Nam với 80 ca viên dưới quyền điều khiển của Hải Linh, qua ba bài thánh ca Việt Nam, thật là ngoạn mục và đắc thính quan. Xét về lượng, đại biểu Việt Nam quá yếu kém, nhưng về Phẩm thì tuyệt vời ".

Điều đáng nói ở đây là Lm Ngô Duy Linh đã chọn lựa ba bài ấy và soạn nhạc hoà tấu cho cả ba bài. Ba bài thánh ca tuyệt kỹ về nhạc và lời đã vậy, mà phần hoà âm tấu khúc lại càng đặc sắc, khiến cho các nhạc sĩ và nhạc công Mỹ "ngửi" và "nếm" được mùi vị của nhạc Việt, khiến họ thích thú và cảm phục khôn nguôi.

Năm 1987, ông được Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ trao trách nhiệm đặc trách về Thánh Ca tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cùng với linh mục Vũ Hân, ông nắm giữ quyền điều hành và tổ chức, còn kỹ thuật trình diễn vẫn ký thác cho Hải Linh. Nhưng sau khi Hải Linh đột ngột từ trần trên đường thi hành nhệm vụ, ông lại một phen ra tay tiếp nối. Ban Hợp Ca tôn vinh các Thánh Tử Đạo VN gồm 100 ca viên sẽ hát thánh ca trong đại Lễ Phong Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại giáo đô Rôma. Công việc nặng nề và đòi hỏi nhiều chuyên môn là viết hoà âm và hoà tấu khúc cho các bài thánh ca và cho nhạc công Tây phương trình tấu. Ông lên đường qua Âu Châu vào cuối tháng 4, để tuyển lựa nhạc công, viết hoà tấu khúc và luyện tập cho họ, trước khi hoà tấu với ban Hợp Ca Việt Nam. Nhạc giới Việt Nam hân hạnh và hãnh diện có một nhạc sư với tầm vóc quốc tế như Linh mục Ngô Duy Linh.

Năm 1988, sau Lễ Phong Thánh, có đại hội Liên Đoàn CGVN tại Orange, CA, lại một lần nữa Ngô Duy Linh đã chứng tỏ tài năng vô địch của ông. Một ban hợp ca đông đảo 300 ca viên với 85 nhạc công Mỹ được triệu tập do ca trưởng Đoàn Thanh Lâm, dưới quyền điều khiển của ông. Ông đã viết hoà âm cho 12 bản thánh ca Việt Nam cũng như hoà tấu khúc cho 85 nhạc ông Mỹ. Ca viên hát lên cũng thích thú vô ngần, mà các nhạc công Mỹ cũng tận hứng trước âm thanh huyền ảo và thanh thoát của nhạc Việt. Họ đề cao ông như một bậc Thầy lỗi lạc, và lấy làm vinh dự, vì được hoà tấu trong đại hội này. Nhân dịp đó, bà con mới thật được chứng kiến kỳ tài của ông.

Hiện nay ông xin hưu trí, để có thì giờ làm trọn những gì ông muốn hoàn thành cho dân ca và thánh nhạc của ông. Đồng thời ông cũng còn nhiệt huyết đào tạo một số thiếu nhi đi vào nghệ thuật dân ca và dân nhạc.