Các nhạc đoàn Công Giáo Việt Nam

4. NHẠC ĐOÀN SAO MAI


1. Xuất xứ Trong khi tại thủ đô Hà Nội có nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, thì tại miền duyên hải Nam Dịnh, tức địa phân Bùi Chu, NHẠC ĐOÀN SAO MAI cũng ra đời, như một tiếng vọng đối đáp. Từ năm 1935, khi Đức Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn trọng nhậm giáo phận Bùi Chu, mọi cuộc canh tân được bắt đầu. Ngài chỉnh đốn mọi tổ chức và hoạt động văn hoá, giáo dục và tôn giáo. Ngài cũng là một thi sĩ và nhạc sĩ, nên rất chú trọng đến thánh ca Việt Nam. Ngài thân hành tập bài Nữ Vương khỏi tội do chính Ngài sáng tác, cho tiểu chủng viện và đại chủng viện.

Bên cạnh toà Giám Mục có trường Thầy Giảng, nơi đây có Hải Linh là giáo viên dạy ca nhạc. Ngài khuyến khích Hải Linh chú tâm về sáng tác thánh ca theo thể bình ca và ngũ cung Việt Nam. Năm 1943, Hải Linh sáng tác tác bài đầu tiên dưới đầu đề Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam. Dần dần sáng tác thêm mấy bài hát vắn về Đức Mẹ và Thánh Giuse, có thêm Vũ Minh Trân phụ hoạ. Năm 1945 Hải Linh sáng tác hai bài lớn, một bài hát nhan đề Hang Belem, một bài hoà tấu nhan đề Au Paradis. Cả hai bài được ban Hợp ca trường Thầy Giảng trình diễn đầu tiên, được Đức Giám Mục và thính giả hoan nghênh nhiệt liệt. Sau bước thành công đầu tiên ấy, Hải Linh và Vũ Minh Trân sáng lập NHẠC ĐOÀN SAO MAI, với tập sách hát đầu tiên ra đời, nhan đề Ca Vịnh. Đặc biệt trong tập này, có sự đóng góp của chính Đức Giám Mục, với bài Nữ Vương khỏi tội.

2. Giai đoạn phát triển - Từ trường Thầy Giảng, nhạc đoàn Sao Mai nhờ Thăng Ca (Ngô Duy Linh) và Võ Thanh (Vũ Đình Trác) giới thiệu, được đại chủng viện Quần Phương đáp ứng. Một số sinh viên đại chủng viện gia nhập nhạc đoàn với những đoàn viên mới đầy năng lực và căn bản về thơ nhạc. Người ta thấy một loạt các tên tuổi mới : Thăng Ca (Ngô Duy Linh), Hồ Chương (Nguyễn Quang Lãm) Thiên Hương (Lê Thế Kha), Võ Thanh (Vũ Đình Trác), Võ Thanh Hương (Võ Thanh và Thanh Hương), Đinh Vương Tịnh, Hồ Khanh (Trần Thái Hiệp), Đinh Vương Trung, Đỗ Văn Quý, Phạm Liên Hùng. Sau này có thêm Hương Trinh (Thiện Cẩm) v.v.

Nhóm SAO MAI tại đại chủng viện mở rộng phạm vi hoạt động : phát triển thánh ca và ca khúc giáo dục, cung ứng tài liệu ca hát cho Hướng Đạo và các đoàn thể thanh niên, thiếu nhi tại nhà thờ và học đường. Các sách in ra thuộc ba loại : Thánh ca, Học sinh ca và Thanh niên ca.

Năm 1950 Hải Linh du học tại Roma, Ý; năm 1953 Ngô Duy Linh du hoc tại Pháp; Vũ Minh Trân ra Hà Nội học tại Chu Văn An. Còn lại Võ Thanh và Thanh Hương tiếp tục duy trì Nhạc Đoàn cho đến ngày lìa đất Bắc vào miền Nam.

3. Tại miền Nam - Năm 1954, cùng với cuộc di cư vĩ đại của dân tộc, nhạc đoàn Sao Mai vào miền Nam hoạt động trở lại. Trong hoàn cảnh mới, các cây viết xưa phần lớn làm linh mục; một số ra đời, bận bịu làm ăn, nên công việc sáng tác dần dần thưa thớt. Lúc ấy Võ Thanh nắm giữ nhạc đoàn Sao Mai. Việc đầu tiên là in lại toàn bộ thánh ca của nhạc đoàn, dưới nhan đề Ca Vịnh hợp tuyển; trong khi đó nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh cũng in lại Cung Thánh hợp tuyển.

Chờ đến thế hệ 1960-1970 mới xuất hiện vài tên tuổi như Kim Long, Hoàng Khánh. Kim Long là một tài năng mới rất sung sức, ông cùng với Hoàng Khánh sáng tác và in một hơi từ Ca lên đi I tới Ca lên đi VI. Sẽ nói về Kim Long sau.

NHẠC SƯ HẢI LINH

Chính tên là Trần Văn Linh, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại Ứng Luật, Ninh Bình, là con thứ hai trong số bảy anh chị em. Người em thứ tư là linh mục Trần Đức Hoan, ở trong nhóm Hương Nam. Năm 11 tuổi Linh đi tu, đổi tên là Trần Đức Trị. Năm 1932 được nhận vào Trường Thử Trung Linh, ham mê âm nhạc ngay từ đó. Năm 1935 nhập tiểu chủng viện Ninh Cường. Năm 1937 nghỉ học, đi làm việc tại giáo xứ An Bài. Năm 1940 được bổ nhiệm Giáo viên trường Thầy Giảng Bùi Chu, dạy âm nhạc và đàn ca. Năm 1944, viết bài ca vắn đầu tiên Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam và nhạc khúc Au Paradis. Năm 1945, cùng với Vũ Minh Trân sáng tác một số bài về Dức Mẹ, các bài vãn Dâng Hoa. Riêng Hải Linh sáng tác bài ca Giáng Sinh Hang Belem. Hai bài Au Paradis và Hang Belem được trình diễn khắp nơi, gây được tiếng vang lớn. Hải Linh lại sáng tác hai bài hát đời : Chiến sĩ Phúc âm và Tiếng nhạc oai hùng,kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Để đóng góp với nhạc dân tộc, Hải Linh cũng viết các bài : Hương quê, Bao chiến sĩ anh hùng, Thanh niên ca, Xuân Bính Tuất. Những bài này được phổ biến sâu rộng và được mọi giới ưa chuộng trong suốt thập niên 1945-1955.

Năm 1950, Dức Giám Mục Phạm Ngọc Chi trọng nhiệm giáo phận Bùi Chu. Biết tài Hải Linh và vốn có cảm tình với ông, Ngài gửi ông du học tại Roma, chuyên về ngành thánh ca. Tốt nghiệp Bình Ca (Chant grégorien), ông qua Paris học sáng tác và ca trưởng. Tốt nghiệp ưu hạng tại nhạc vIện Cesar Franc với luận án La couleur Vietnamienne dans le Chant Gregorien (Màu sắc Việt Nam trong Bình ca). Tại đây ông sáng tác bản Ave Maria (thơ Hàn Mặc Tử) và Cóc quân (Lời Đông Anh), Nhạc Việt được mọi giới tán thưởng.

Về Việt Nam năm 1956, ông cùng Lm Vũ Đình Trác hoạch định đường lối mới cho NĐ SAO MAI. Có ba công việc được dự định chính thức : một là sáng tác những đề tài mới theo hướng tôn giáo và dân tộc; hai là thành lập một ca đoàn, để trình diễn hợp ca; ba là gây ảnh hưởng sâu rộng bằng cách dạy âm nhạc trong các trường đại học và đại chủng viện. Tất cả các công việc này hướng về chủ đề : TÔN VINH THIÊN CHÚA VÀ TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG.

Trong giai đoạn này, nhờ sự hợp tác của Võ Thanh, ông đã sáng tác hai loại, một là ca khúc tôn giáo với những bài Nữ Vương Hoà Bình (lời Võ Thanh), Ra đời (thơ Hàn Mặc Tử), Ave Maria (thơ Hàn Mặc Tử), Kinh Magnificat (lời tán tụng của Đức Maria); hai là ca khúc dân tộc với những bài : Đà lạt trăng mờ (Thơ Hàn Mặc Tử), Duyên kỳ ngộ (thơ Hàn Mặc Tử), Hò Non Nước (thơ Võ Thanh), Chinh phụ ngâm khúc (8 câu đầu Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm), Cung đàn bạc mệnh (thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du), Lòng Mẹ (lời Y Vân), Tiếng Thu (thơ Lưu Trọng Lư). Những bài này được ban Hợp Ca HỒN NƯỚC thực hiện sau hai luyện tập.

Năm 1958, Ban Hợp Ca HỒN NƯỚC ra mắt bà con thủ đô Saigon một cách long trọng với ban Nhạc Hoà Tấu New York của nhạc trưởng Sherman, do chính Hải Linh điều khiển, tại thảo cầm viên Saigon. Năm 1959, Ban Hợp Ca Hồn Nước lại chủ động trong đai hội Thánh Mẫu toàn quốc, do Công Giáo Tiến Hành trung ương tổ chức. Khắp nơi nhiệt liệt hoan nghênh ban hợp ca Hồn Nước như một công trình nghệ thuật Hợp Ca, đóng góp cho nhạc giới của dân tộc. Đặc biệt là những bài trường ca theo ngũ cung đầy màu sắc dân ca.

Năm 1961, nhạc sư Hải Linh đi Hoa Kỳ khảo cứu về âm nhạc giáo dục. Tại đây ông có dịp ra mắt nhạc giới Hoa Kỳ với nghệ thuật điều khiển hợp ca độc đáo và tinh luyện, được các nhạc trưởng nhạc công và thính giả Hoa Kỳ hết sức hoan nghênh và ca tụng hết lời.

Năm 1970, ông trở lại Việt Nam, tiếp tục công việc đã bỏ dở. Được Hội Đồng Giám Mục mời vào ủy ban Thánh Nhạc toàn quốc, ông mở các lớp Ca Trưởng (Chef de Choeur) tại Saigon và Đà Lạt, trước sau 40 lớp. Dạy âm nhạc tại đại học Đà Lạt, ông lại xúc tiến luyện tập ca đoàn Hồn Nước tới một nghệ thuật tinh vi. Ông sáng tác thêm những bài Thắng Bờm, Cung đàn bạc mệnh II, III, Chuỗi cười và các bài thánh ca Ngài là Thiên Chúa (Bản dịch kinh Te Deum của Anh Minh), đồng thời thực hiện cuốn băng Audio MỘT GIỜ HỢP CA I và II.

Năm 1972, trong dịp đại hội Thánh Nhạc toàn quốc, tổ chức do Lm Tiến Dũng và Lm Nguyễn Văn Minh, ban hợp ca Hồn Nước cũng sáng chói trong đại hội. Trong dịp này, lớp ca trưởng đầu tiên tốt nghiệp cũng được trình diện cách long trọng với chương trình hợp xướng vô cùng hấp dẫn. Sau đó ông vẫn tiếp tục đào tạo các ca trưởng và xây dựng thánh nhạc và dân ca cho đến ngày miền Nam mất về tay cộng sản.

Từ năm 1975, Hải Linh bước vào bóng tối, không đóng góp gì cho xã hội chủ nghĩa, vì theo lời ông, khi nghe đổi tên Saigon ra thành phố Hồ Chí Minh, ông đã rợn tóc gáy lên và coi như đã "rồi đời". Sau một thời gian ẩn khuất chịu đựng, âm thầm sống với âm thanh, ông lại tìm đến với các bạn hữu và học trò, để tìm đường hoạt động, dĩ nhiên là "chui lén". Đúng một năm "rờ rẫm thời cuộc ", ông bắt đầu dạy riêng một số ca trưởng, lần lần trở thành một thứ "thầy dạo", mỗi tuần ông đi từ nhà thờ này đến nhà thờ kia, để dạy nhạc và tập hát, để tìm vui trong cung đàn giọng hát. Cho đến năm 1977, ông nhờ các bạn hữu đã gây được một ban hợp ca siêu hạng, gồm 50 ca trưởng và một ít ca viên chọn lọc, tập dượt tại nhiều nơi. Cho đến 1979, nhờ sự giúp đỡ của Lm Dương Hoàng Thanh, ông tổ chức một đêm Thánh Ca Giáng Sinh rất đặc sắc, thính giả tham dự được mời khá rộng rãi, tất nhiên cũng có một số cán bộ và văn công nhà nước. Được hoan hô còn hơn cả bác Hồ, ông được các bạn khuyến khích, chuẩn bị để "tung chưởng" ngoạn mục cho năm sau. Nhưng chỉ sau ít tháng, nhà nước ra lệnh đình chỉ hoạt động các ban hợp ca tại các nhà thờ; tất nhiên "đất dụng võ" của ông là nhà thờ Huyện Sỹ cũng bị công an nhòm ngó. Đầu tháng 12, 1980, chỉ trước ngày trình diễn một tuần, Lm Dương Hoàng Thanh bị bắt, mọi sinh hoạt thánh nhạc của ông bị đình chỉ trọn vẹn. Có chăng thì chỉ còn là những sinh hoạt lẻ tẻ giữa các bạn thân và cựu học sinh.

Trong giai đoạn này, vì có nhiều thời giờ, ông đã sáng tác thêm khá nhiều bài : Hồng ân Thiên Chúa, Khúc ca Mặt Trời (bản dịch của Vũ Đình Trác), Vinh danh Thiên Chúa, Yêu con đời đời, Chúa khởi thắng, Chuông hoà bình, Chúc tụng Thánh Giuse, Bến Thiên Đàng, Trường ca các tạo vật, Bộ Lễ Nữ Vương Hoà Bình; đồng thời nhuận sắc cho hai bài Tán tụng Hồng Ân và Tình Chúa yêu tôi của Lm Vũ Đình Trác. Về nhạc đời, ông viết thêm Con bướm trắng, Tình non nước, Đồng tiền Vạn Lịch, Hoan ca mùa Trường Xuân; viết lại bài Hương Quê và Au Paradis.

Năm 1986 được hai con, một gái một trai tại Hoa Kỳ bảo lãnh, ông đoàn tụ với hai con. Nhưng vì các con đã lớn, làm việc tại Sacramento, California, ông về Louisiana ở với linh mục Ngô Duy Linh, là anh em linh tông.

Ngày 1 tháng 7 năm 1986, trong Hội nghị Ca nhac sĩ Mục Vụ Hoa Kỳ tại New Orleans, LA, có các nhạc sĩ Việt Nam tham dự, trước 700 nhạc sĩ sáng tác, nhạc công dương cầm và các ca trưởng, Hải Linh đã điều khiển ban hợp ca Việt Nam, gồm 80 ca viên. Các nhạc sĩ nhạc công Mỹ đã chứng kiến tận mắt kỹ thuật điều khiển hợp ca của ông, vừa độc đáo vừ tinh vi, đã đề cao ông như một thiên tài hiếm có tại đây.

Nhờ sự bảo trợ của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông vẫn tiếp tục mở các lớp Ca Trưởng tại các miền : New Orleans, LA, Dallas, Fort Worth, TX, Tu viện Đồng Công, MO, Orange County, CA, Los Angeles, CA và Portland, OR.

Ông nhận trách nhiệm với Liên Đoàn CGVN tuyển ca viên và luyện tập, chuẩn bị hát trong dịp lễ Phong Thánh tại Roma ngày 19 tháng 6, 1988. Nhân dịp này ông sáng tác hai bài Mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Bài ca khải hoàn.

Trên đường thi hành nhiệm vụ nói trên, đến Los Angeles và dừng chân tại Orange County, bị đau tim bất ngờ, nhạc sư Hải Linh đã ra đi đột ngột tại bệnh viện Fountain Valley, CA, trước sự hiện diện của Lm Vũ Đình Trác và nhà văn Quyên Di, lúc 5 giờ chiều ngày 5 tháng 1 năm 1988. Ngày 14 tháng 1, linh cữu cố nhạc sư được chuyển về Avondale, Louisiana, trụ sở của Lm Ngô Duy Linh và được an táng tại nghĩa trang Avondale.

Một thiên tài dã khuất, nhưng sự nghiệp của cố nhạc sư còn tồn tại mãi nơi công trình sáng tác đồ sộ của ông, và còn sống động mạnh mẽ nơi những chuyên viên của 46 khoá Ca Trưởng và hàng ngàn môn sinh của ông, rải rác khắp năm châu bốn bể.

Khi Hải Linh tốt nghiệp tại nhạc viện Cesar Franck, Pháp, giáo sư Guy de Lioncourt, Viện Trưởng đã nói : "Trong suốt cuộc đời dạy học của tôi, tôi chỉ gặp được hai thiên tài, đó là Francois Hải Linh và một người khác là trưởng Ban Nhạc đài phát thanh Nhật Bản".

Tại hội nghị Nhạc sĩ Mục Vụ Hoa Kỳ năm 1986 tại New Orleans, LA, thấy tài điều khiển điêu kuyện và hấp dẫn của Hải Linh, các nhạc sĩ nhạc công Mỹ đã hoàn toàn phục tài ông. Chính Lm Chủ Tịch của Hội Ca Nhạc sĩ Mục Vụ Hoa Kỳ, Cha Virgil C. Funk đã nói với Hải Linh : "Nếu ông có thể, chúng tôi sẽ giúp ông để ông đem ca đoàn Việt Nam đi trình diễn thánh ca Việt Nam trên nước Mỹ, để người Mỹ thưởng thức âm điệu thánh ca Việt Nam và nghệ thuật điều khiển điêu luyện của Ông".

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng tiễn đưa Hải Linh bằng những lời tín mộ nhất : "Hai đại thi phẩm của dân tộc như 'Chinh phụ ngâm khúc' và 'Kim Vân Kiều' đã được anh phổ nhạc thành những bản hợp ca vĩ đại... và biết bao công trình khác của anh, như 'Cóc quân đả phá Thiên Đình, Thằng Bờm có cái quạt mo, Ra đời, Ra khơi, Hương Quê'.. ..đã trở thành những viên ngọc quý giá nhất của gia tài âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20 này".

Nhận xét và phê bình nghệ thuật ca trưởng của cố nhạc sư, Phạm Duy nói tiếp : "Ngoài tài sáng tạo ra, anh còn là người đã đào tạo rất nhiều ca trưởng (chef de Choeur) bởi chính anh là một ca trưởng tài tình nhất, có kinh nghiệm nhiều nhất... sau khi đã tạo dựng và điều khiển một ban hợp ca hay nhất Việt Nam là ban HỒN NƯỚC... Nhưng việc làm của anh mà tôi kính phục nhất là trong 11 năm bị kẹt lại ở hoả ngục cộng sản, anh đã âm thầm đào tạo được 500 người điều khiển các ban hợp ca, và giờ đây những người này đang từ Huế vào đến Cà Mau, kín đáo mở những lớp dạy nhạc, để duy trì những bài ca tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng Quê Hương, mà anh và các đồng nghiệp trong gia đình công giáo đã đem tâm trí ra để phục vụ suốt đời".