1. Đức Tổng Giám Mục Tokyo yêu cầu các vận động viên Olympic đừng đến thăm các nhà thờ Công Giáo trong thời gian diễn ra các trận đấu
Đức Tổng Giám Mục Tokyo đã yêu cầu các vận động viên và huấn luyện viên Olympic đừng đến thăm các nhà thờ Công Giáo trong thời gian diễn ra các trận đấu địa phương để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi cho biết hôm 12 tháng 7 rằng tổng giáo phận Tokyo đã đưa ra “cam kết rằng chúng tôi không muốn bị lây nhiễm cũng như không muốn những người khác bị lây nhiễm”.
Là một phần của cam kết này, Đức Tổng Giám Mục đã yêu cầu tất cả những người đến khu vực thủ đô Tokyo trong Thế vận hội Olympic và Thế vận hội dành cho người khuyết tật, thường được gọi là Paralympic, trong mùa hè này “đừng đến thăm các nhà thờ”.
Đức Cha Kikuchi nói: “Tổng giáo phận Tokyo ban đầu đã xem xét việc chuẩn bị để mỗi giáo xứ có thể đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhiều người sẽ đến Nhật Bản cho sự kiện quốc tế này”.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định hủy bỏ tất cả các kế hoạch và do đó, sẽ không tham gia bất kỳ sự kiện đặc biệt nào trong Thế vận hội và Paralympic”.
Thành phố Tokyo đã ban hành tình trạng khẩn cấp hai tuần trước Thế vận hội Olympic, dự kiến bắt đầu vào ngày 23 tháng 7.
Khán giả cũng đã bị cấm tham gia các sự kiện thể thao Olympic để hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Trong tình trạng khẩn cấp lần thứ tư của thành phố kể từ khi đại dịch bùng phát, tổng giáo phận Tokyo đang hạn chế số lượng người có thể vào trong nhà thờ cùng một lúc trong khi vẫn giữ khoảng cách xã hội và yêu cầu người Công Giáo chỉ được đến các giáo xứ địa phương của họ.
Theo các biện pháp được đăng trên trang web của tổng giáo phận: “ Giáo xứ sẽ lưu hồ sơ về những người đã tham gia Thánh lễ để đáp ứng yêu cầu của bộ y tế công cộng trong trường hợp có ai đó dương tính với COVID-19 được xác nhận”.
Tổng giáo phận Tokyo, nơi phục vụ khoảng 100,000 người Công Giáo trên tổng số gần 20 triệu người, vẫn còn áp dụng biện pháp miễn trừ nghĩa vụ tham dự các Thánh lễ Chúa Nhật.
Tính đến ngày 13 tháng 7, chính quyền địa phương báo cáo rằng có 1,986 người nhập viện vì COVID-19 tại khu vực thủ đô Tokyo, nơi có dân số hơn 36 triệu người.
Theo chính quyền thủ đô Tokyo, trong số những người nhập viện, 58 người có các triệu chứng nghiêm trọng. Tổng cộng 2,258 người đã chết ở Tokyo vì COVID-19 kể từ đợt bùng phát đầu tiên của loại coronavirus mới ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào năm 2019.
Ước tính có khoảng 28% dân số Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin COVID-19 tính đến ngày 13/7.
“ Tất cả chúng ta đều biết rằng chương trình tiêm chủng đang tiến triển”, Đức Cha Kikuchi nói.
“Bản thân tôi cũng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã được tiêm phòng. Nhưng về cơ bản chúng ta phải tự quyết định về vấn đề này. Ngoài ra, chúng tôi không lấy điều đó làm tiêu chí, nghĩa là dù tiêm chủng hay không cũng đều có thể tham dự Thánh lễ”.
Hướng dẫn về các chuyến thăm nhà thờ cho du khách tham dự Thế vận hội Paralympic, dự kiến diễn ra tại khu vực thủ đô Tokyo từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 5 tháng 9, vẫn chưa có gì thay đổi.
“Chúng ta hãy ghi nhớ rằng nhiệm vụ quan trọng đối với chúng ta là bảo vệ không chỉ cuộc sống của chính mình mà còn bảo vệ tất cả những người đã nhận được món quà sự sống của Chúa”, Đức Tổng Giám Mục nói.
“Trên hết, khi chúng ta thực hiện các biện pháp thích hợp để chống lại sự lây nhiễm COVID-19, chúng ta hãy cố gắng hết sức đáp ứng những mối quan tâm của những người có nhu cầu. Trong hoàn cảnh khó khăn này, xin bàn tay nhân từ của Chúa chúng ta qua những bàn tay dang rộng của chúng ta có thể mở rộng ra cho nhiều người đang gặp khủng hoảng trong cuộc sống của họ”.
Source:Catholic News Agency
2. Bất kể hơn 220,000 ở Đức bỏ đạo trong năm 2020. Giám Mục Bätzing vẫn kiên trì tiếp tục Tiến Trình Công Nghị
Theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Tư 14 tháng 7, hơn 220,000 người đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo ở Đức trong năm 2020.
Thống kê do Hội đồng Giám mục Đức công bố ngày 14 tháng 7 cho thấy có 221,390 người đã tuyên bố rời khỏi Giáo Hội Công Giáo trong năm ngoái.
Trong một tuyên bố ngày 14 tháng 7, Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, nói rằng Giáo hội đã nỗ lực hết sức trong suốt đại dịch coronavirus cho nên kết quả này là “một cú sốc sâu sắc”.
Ngài nói: “Điều được phản ánh trong số liệu thống kê về những người rời bỏ Giáo Hội khiến tôi thấy đau đớn cho cộng đồng của chúng ta. Nhiều người đã mất niềm tin và muốn gửi tín hiệu bằng cách rời khỏi Giáo Hội”.
“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và phải đối mặt với tình huống này một cách công khai, trung thực và đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra cho chúng tôi”.
“Điều này bao gồm, trước hết và quan trọng nhất, kiểm tra kỹ lưỡng các trường hợp lạm dụng tình dục. Và điều này bao gồm câu hỏi về quyền lực và sự phân chia quyền lực trong Giáo hội. Tôi rất hy vọng rằng Phương thức Tiến Trình Công Nghị có thể đóng góp vào việc xây dựng niềm tin mới”.
Nhiều quan sát viên chỉ ra rằng Giám Mục Bätzing và các Giám Mục Đức khác cố bưng tai bịt mắt trước một thực tế đơn giản là tất cả những điều họ chủ trương như phong chức linh mục cho phụ nữ, chấp nhận cái gọi là hôn nhân đồng tính, bãi bỏ luật độc thân linh mục…Tất cả những điều này anh em Tin lành đã làm rồi không sót một điều nào. Tuy nhiên, số người Tin lành lũ lượt bỏ đạo là hơn 240,000 người dù dân số Tin lành ít hơn dân số Công Giáo.
Các vị Giám Mục ở Đức hô hào Tiến Trình Công Nghị thường viện dẫn tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến của họ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Thực ra, tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu. Chẳng hạn, tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo?
Phương thức Tiến Trình Công Nghị là một quá trình kéo dài nhiều năm, tập hợp các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.
Các giám mục Đức ban đầu cho biết rằng quá trình này sẽ kết thúc với một loạt các “ràng buộc”. Điều này tạo ra mối quan tâm tại Vatican rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội.
Các giám mục và nhà thần học đã bày tỏ sự báo động về quá trình này, nhưng Bätzing và các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức khác đã mạnh mẽ bảo vệ nó.
Thống kê mới cho thấy có 104,610 người rửa tội vào năm 2020, so với 159,043 người vào năm 2019.
Có 139,752 trẻ em và người lớn Rước Lễ Lần, ít hơn đáng kể so với con số 166,481 của năm trước.
Đã có 75,387 người được chịu phép Thêm Sức, giảm đáng kể so với 123,253 vào năm 2019.
Chỉ có hơn 11,000 đám cưới Công Giáo diễn ra vào năm 2020, giảm đáng kể so với con số 38,537 được ghi nhận vào năm trước.
Nhưng số lễ an táng theo nghi thức Công Giáo đã tăng từ 233,937 vào năm 2019 lên 236,546 vào năm 2020.
Nếu một cá nhân ghi danh là người Công Giáo ở Đức, 8 đến 9% thuế thu nhập của họ sẽ được chuyển cho Giáo Hội. Cách duy nhất để họ có thể ngừng nộp thuế là tuyên bố chính thức từ bỏ Giáo Hội. Họ không còn được phép nhận các bí tích hoặc chôn cất theo nghi thức Công Giáo.
Chỉ 5.9% người Công Giáo Đức tham dự Thánh lễ vào năm ngoái, so với 9.1% vào năm 2019.
Số linh mục đã giảm mất 418 vị xuống còn 12,565 người. Năm 2019, có 12,983 linh mục làm mục vụ tại Đức.
Số giáo xứ cũng càng ngày càng giảm. Năm 2018, có 10,045 giáo xứ. Năm 2019, có 9,936. Vào năm 2020, con số này là 9.858, tức là ít hơn 78 giáo xứ so với năm trước đó.
Các số liệu cho thấy có 22,193,347 người Công Giáo ở Đức, chiếm 26.7% trong tổng số 83 triệu dân. Năm 2019, tỷ lệ này là 27.2%
Chỉ có 1,578 người chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào năm 2020, trong đó có 1,390 người trước đây theo đạo Tin lành. Số người gia nhập lại Giáo hội sau khi chính thức bỏ đạo là 4,358 người, ít hơn so với con số 5,339 người trong năm 2019.
Giám Mục Bätzing, người kế nhiệm Hồng Y Reinhard Marx làm chủ tịch hội đồng giám mục Đức vào tháng 3 năm 2020, cho biết: “ Bất chấp những con số đáng buồn trong số liệu thống kê này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người cam kết và sống đức tin của họ trong giáo hội và xã hội, đặc biệt là những người làm việc toàn thời gian trong việc chăm sóc mục vụ: Linh mục, phó tế, phụ tá mục vụ và giáo xứ”.
“Tôi cũng muốn nhấn mạnh điều này khi xem các số liệu thống kê: Tôi rất biết ơn những người đã đặt mình phục vụ Giáo hội trong những thời điểm hỗn loạn này. Ngay cả với số lượng nhỏ, các tân linh mục và những người làm công tác mục vụ sẽ cung cấp một sứ mệnh không thể thiếu trong một thế giới không ngừng thay đổi”.
Source:Catholic News Agency