1. Bác sĩ Công Giáo có tấm lòng vàng tha nợ cho 200 gia đình để bớt gánh nặng tài chính cho họ
Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường”, đã tường thuật một câu chuyện cảm động nhan đề “Hành động hào phóng của Bác sĩ Omar Atiq làm giảm bớt gánh nặng tài chính cho 200 gia đình”.
Đại dịch đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Nhiều người không chỉ cảm thấy khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn, họ còn phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ chưa thể trả được. Rất may, một bác sĩ rất tốt bụng ở Arkansas, Hoa Kỳ đã quyết định tha khoản nợ lên đến 650,000 đô la mà bệnh nhân của ông phải trả.
Bác sĩ ung thư, Tiến sĩ Omar Atiq, đã đóng cửa phòng khám của mình ở Pine Bluff sau 30 năm cung cấp cho các bệnh nhân các dịch vụ như hóa trị, xạ trị và quét CAT. Trong khi sắp xếp công việc của mình, với sự giúp đỡ của một công ty đòi nợ, ông nhận ra rằng các bệnh nhân của mình đang thực sự chật vật để trả nợ vì đại dịch. Vị bác sĩ giải thích với chương trình Good Morning America của ABC rằng ông sớm nhận ra rằng mọi người không có khả năng thanh toán hóa đơn của họ.
“Vì vậy, vợ chồng tôi, với tư cách là một gia đình, chúng tôi đã nghĩ về điều đó và tìm cách tha thứ cho tất cả các món nợ. Chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể làm điều đó và do đó chúng tôi đã làm như thế”.
Lý do đằng sau quyết định này xuất phát từ lòng bác ái của ông đối với những người mà ông thấy đã phải chịu đựng quá nhiều vì bệnh tật của họ:
“Kể từ khi tôi bắt đầu hành nghề, tôi luôn cảm thấy đau khổ khi gặp gỡ những bệnh nhân không chỉ phải lo lắng về sức khỏe và phẩm chất cuộc sống, tuổi thọ của bản thân và gia đình, công việc làm ăn, mà còn rất chật vật về tiền bạc. Điều đó luôn khiến tôi mủi lòng. Thêm vào đó là sự tàn phá kinh hoàng mà đại dịch đã gây ra trong thời gian qua. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải cảm ơn Chúa vì chúng tôi vẫn còn khá thoải mái và đây là điều tối thiểu mà chúng tôi có thể làm để giúp đỡ cộng đồng”.
Vợ của bác sĩ Atiq, là bà Mehreen, chia sẻ bản tính quan tâm, thương người của chồng đã ủng hộ chồng trong quyết định này.
Vì vậy, vào thời điểm hoàn hảo nhất trong năm để nhận được một tin tốt lành như vậy, ông đã gửi bức thư sau đây vào dịp Giáng sinh năm ngoái cho khoảng 200 bệnh nhân cũ của mình: “Tôi hy vọng bức thư này giúp bạn khỏe mạnh. Phòng khám Ung thư Arkansas tự hào được phục vụ bạn như một bệnh nhân. Mặc dù các bảo hiểm sức khỏe khác nhau thanh toán hầu hết các hóa đơn cho đa số bệnh nhân, nhưng các khoản chênh lệch và những phần không được thanh toán cũng có thể là một gánh rất nặng. Thật không may, đó là cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta hiện đang hoạt động. Vì thế, phòng khám của chúng tôi đã quyết định xóa hết nợ nần mà bạn phải trả. Chúc Giáng Sinh vui vẻ”.
Nhiều bệnh nhân được xóa nợ không tin vào mắt mình đã quay điện thoại hỏi lại vị bác sĩ nhân lành. “Tại sao bác sĩ tha hết nợ cho tôi?” – Vị bác sĩ trả lời: “Tôi là người Công Giáo mà”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
“Tôi là người Công Giáo mà”. Câu nói đơn giản nhưng thật là một chứng tá đức tin mãnh liệt. “Tôi là người Công Giáo mà”. Ước gì ngày nào đó chúng ta cũng có thể thốt lên như thế.
Bác sĩ Atiq có 4 đứa con, cũng là các bác sĩ hoặc sắp trở thành bác sĩ, dường như luôn đặt bệnh nhân của mình lên hàng đầu: “Chúng tôi chưa bao giờ từ chối gặp bệnh nhân, dù họ không có bảo hiểm y tế hoặc trợ cấp hoặc vì bất kỳ lý do nào khác. Tôi luôn coi việc trở thành bác sĩ của một ai đó là một vinh dự và là một đặc ân cao cả - quan trọng hơn bất cứ điều gì khác”, ông chia sẻ với Arkansas Democrat Gazette.
Bác sĩ Atiq hiện là giáo sư tại Đại học Arkansas ở Little Rock. Ông hy vọng rằng các sinh viên của ông sẽ tiếp bước các giáo sư của họ và có tấm lòng nhân ái trong việc giúp đỡ những người khác trong giờ phút họ cần.
Source:Aleteia
2. Nhà thờ Thánh Augustinô ở Vancouver bị vẽ bậy với những từ ‘kẻ giết người’ và ‘hãy công bố hồ sơ’
Giáo xứ Công Giáo Thánh Augustinô ở Vancouver đã bị tấn công bởi những kẻ phá hoại vào đêm thứ Bảy.
Ai đó đã viết những chữ nguệch ngoạc như 'hãy công bố hồ sơ' và 'kẻ giết người' trên cửa trước của nhà thờ.
Nhiều người đã gọi việc phát hiện gần đây các ngôi mộ vô danh tại Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops là một biến cố được tính toán nhằm phá hoại tiến trình hòa giải.
Họ đang nhắm đến các hành động bạo lực và các cuộc biểu tình khổng lồ như đã từng xảy ra tại Hoa Kỳ trong tháng Năm và tháng Sáu năm ngoái.
“Thật là buồn, thật sự rất buồn. Chúng tôi không liên quan gì đến những gì đã xảy ra với những đứa trẻ tội nghiệp đó”, Maria Bastone, giáo dân của Thánh Augustinô nói với Global News.
Cuối tháng năm vừa qua, sử dụng radar xuyên đất, người ta phát hiện ra 215 ngôi mộ vô danh tại một trường nội trú cũ ở Kamloops, British Columbia. Các phương tiện truyền thông mô tả điều này là một chứng tích cụ thể nói lên điều họ gọi là “tội ác” của Giáo Hội Công Giáo và đang làm ầm ĩ lên để buộc Đức Thánh Cha Phanxicô phải sang tận Canada xin lỗi.
Source:Catholic News Agency
3. Một người đàn ông ở Port Charlotte bị bắt vì phá hoại trường Công Giáo địa phương
Một người đàn ông ở Port Charlotte đã bị bắt vì phá hoại một trường Công Giáo Quận Charlotte.
Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Charlotte đã tìm được nghi phạm gây ra thiệt hại 3,500 Mỹ Kim tại một trường Công Giáo. Các nhân viên cảnh sát đã xác định và bắt giữ Clayton Lynch vì tội phá phách tài sản hợp pháp của công dân và các thể chế.
Clayton Lynch nói với cảnh sát rằng anh ta hành động như thế để trả thù cho các trẻ em ở Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops.
Trước các diễn biến rất bất lợi cho Giáo Hội sau vụ Kamloops. Chúng tôi xin lưu ý với quý vị và anh chị em như sau.
Những điều người Công Giáo nên biết về vụ Kamloops.
Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.
Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.
Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.
Thứ tư: 215 ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.
Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.
Source:NBC
4. Giáo Hội tại Canada đang gặp nhiều khó khăn: Các nhà lãnh đạo da đỏ yêu cầu người Công Giáo Canada bỏ Thánh lễ Chúa Nhật
Leo thang các tấn kích nhắm vào Giáo Hội Công Giáo tại Canada, các nhà lãnh đạo da đỏ vừa đưa ra một lời kêu gọi người Công Giáo Canada bỏ lễ ngày Chúa Nhật để phản đối điều mà họ gọi là “các vụ lạm dụng trong quá khứ” tại các trường học dành cho trẻ em bản địa do người Công Giáo quản lý.
“Điều mà mọi người và mọi Kitô hữu có thể làm để thể hiện tình đoàn kết với chúng tôi là đừng đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật này”, Felix Thomas, người đứng đầu Kinistin Saulteaux Nation, nói với truyền thông Canada vào hôm thứ Sáu, ngày 11 tháng 6. Kinistin Saulteaux nằm về phía đông bắc của Saskatoon, thành phố lớn nhất ở tỉnh Saskatchewan của Canada.
Thomas đã ám chỉ đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã không đưa ra lời xin lỗi chính thức về vai trò của Giáo hội đối với các trường nội trú của Canada. Hài cốt của 215 trẻ em bản địa gần đây đã được phát hiện trong những ngôi mộ vô danh tại địa điểm của một trường nội trú trước đây do Công Giáo điều hành ở Kamloops, British Columbia.
Hệ thống trường học dân cư của Canada hoạt động từ những năm 1870 cho đến khi trường học cuối cùng đóng cửa vào năm 1996. Trẻ em da đỏ, cụ thể là của các bộ lạc Inuit và Métis bị tách khỏi gia đình và gửi đến các trường học do chính phủ liên bang thành lập. Mục đích của chính sách này là đồng hóa và tước bỏ mối quan hệ gia đình và văn hóa của cácem.
Chính phủ sau đó giao lại cho các phái bộ truyền giáo Công Giáo và các giáo phái Tin lành điều hành. Các phái bộ truyền giáo, hay các dòng tu Công Giáo, đã điều hành hơn 2 phần 3 số trường này.
Source:Catholic News Agency