3.LUẬN LÝ ẢO VÀ CÁC BÍ TÍCH KITÔ GIÁO
Những gì chúng ta đã thảo luận cho đến nay về thể xác như một môi trường có tính liên hệ là điều quan yếu để hiểu ơn cứu chuộc do Chúa Kitô mang đến. Và điều này là do Chúa Kitô đã mặc lấy luận lý thông hiệp thể xác mà chúng ta đã mô tả. Thân xác của Người là một thể xác có tính liên hệ, khiến Người trở thành một người trong chúng ta, bước vào dòng dõi các thế hệ mà qua Đức Maria, lên tới Ađam và Evà. Vì vậy, Con Thiên Chúa không những sống trong một lịch sử giống lịch sử của chúng ta mà còn chính lịch sử của chúng ta nữa, lịch sử chung của con người. Nói cách khác, khi mang xác thịt, Con Thiên Chúa đã tiếp nhận cùng một môi trường sống của con người chúng ta, đó là lý do tại sao có thể nói rằng Người “sống giữa chúng ta”. Do đó, “các giác quan môi trường” có tính yếu tính đối với việc Nhập Thể: nghĩa là Người có khả năng đụng chạm, chia sẻ thức ăn của chúng ta, hít vào và thở ra không khí của chúng ta. Nếu lịch sử loài người được kết hợp từ xác thịt này vào xác thịt khác, thì Chúa Kitô, nhờ biến đổi xác thịt Người mang lấy từ Đức Maria, đã biến đổi tận cốt lõi môi trường trong đó con người đang sống. Nhờ cách này, những gì Người đã hoàn thành trong xương thịt Người không ở lại mãi trong Người mà ảnh hưởng đến mọi con người. Nói cụ thể hơn, tất cả những ai bước vào môi trường mới do Người khai mở đều có thể tiếp cận được lối sống của Chúa Kitô. Nhờ bước vào môi trường của thể xác Người, chúng ta có thể nhận được Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự xuống trên Người và hoạt động trong Người. Đây là chỗ các bí tích xuất hiện. Thật vậy, các bí tích kéo dài môi trường thể xác của Chúa Kitô để chúng ta được tháp nhập vào Người. Tham dự các bí tích, chúng ta dự phần vào môi trường mà Chúa Giêsu đã khai mở trong thể xác của Người, nơi có thể sống như Người đã sống. Trung tâm của môi trường này là Bí tích Thánh Thể, “bí tích của các bí tích” (6) mà quanh đó, các bí tích còn lại xoay vần và trong đó chất thể bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, Mình và Máu Thánh mà chúng ta ăn và uống. Vì lý do này, “các giác quan môi trường” cũng có tính yếu tính đối với các bí tích.
Chúng ta hãy suy gẫm cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường Emmau: chìa khóa để nhận ra Người không phải là thị giác hay thính giác của họ, mà là việc bẻ bánh và ngọn lửa trong trái tim, đã ban cho họ một thị giác mới và một thính giác mới. Chính nhờ quan điểm của Bí tích Thánh Thể, nơi thân thể Chúa Kitô được làm cho hiện diện, chúng ta mới hiểu được sự cần thiết của việc tiếp xúc vật chất nơi các bí tích khác. Nhiệm vụ của mỗi bí tích là làm trung gian cho sự tiếp xúc của chúng ta với xác thịt của Chúa Giêsu. Nhờ cách này, trong bí tích, Chúa Kitô đụng chạm vào thân thể chúng ta, vốn là môi trường và nơi ở đầu tiên của chúng ta, và biến đổi nó thành một môi trường có tính liên hệ mới. Nhờ vật thể của bí tích, hành động của Chúa Kitô không ở mãi bên ngoài chúng ta như một tấm gương đơn thuần để chúng ta bắt chước, mà đúng hơn, biến đổi bản sắc chúng ta và giúp các loại hành động mới xuất phát từ sự hiệp nhất của chúng ta với Người. Trong mỗi bí tích, vật thể tác động đến những cách tháp nhập khác nhau vào thân thể Chúa Kitô, tùy theo các ý nghĩa dị biệt hóa của thân thể Người. Như vậy, phép rửa chẳng hạn hệ ở việc được sinh ra vào thân thể của Chúa Kitô; phép thêm sức hệ ở việc tham gia vào việc xây dựng thân thể Người; phép hôn phối hệ ở việc liên kết ngôn ngữ nguyên thủy của thể xác chứa đựng trong sự kết hiệp phu thê của người đàn ông và người đàn bà vào thân thể của Chúa Kitô, v.v. Đúng là có thể nhận được ơn thánh cả khi bí tích không được cử hành, như châm ngôn thời trung cổ từng nói: “Thiên Chúa không cột chặt quyền năng của Người vào các bí tích” (7).
Nhưng điều này chỉ đúng khi có một trở ngại ngăn cản việc chúng ta tiến gần bí tích. Hơn nữa, ngay trong trường hợp này, việc trao ban ơn thánh chỉ được thực hiện nếu có ý định tham dự bí tích bất cứ khi nào có thể thực hiện được. Vì lý do này, việc quy chiếu về vật thể bí tích vẫn là điều cần thiết. Theo thần học cổ điển, các bí tích cần thiết như những phương thế chứ không chỉ là các giới luật. Nghĩa là, các bí tích cần thiết không những vì Thiên Chúa đã truyền lệnh như vậy, nhưng còn là vì chính các bí tích này đã đặt chúng ta vào việc tiếp xúc với Thiên Chúa và biến đổi chúng ta thành sự hiệp thông trọn vẹn với Người. Chỉ từ sự tiếp xúc trực tiếp này với Chúa Kitô trong các bí tích, toàn diện đời sống Kitô hữu mới có thể trở thành sự thờ phượng Thiên Chúa. Có thể nói, Thiên Chúa đã không trói buộc ơn thánh của Người vào việc cử hành các bí tích, nhưng Người đã trói buộc ơn thánh của Người vào một luận lý học bí tích vì Người đã trói buộc nó vào xác thịt Chúa Kitô. Tất cả những điều này giúp chúng ta đưa ra phán định liên quan đến việc cử hành các bí tích thời đại dịch. Một mặt, chúng ta phải khẳng định rằng có thể có những lý do khôn ngoan để không khuyến khích việc tham dự các bí tích. Nếu ai đó không thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm nguy cơ nhiễm trùng chết người, thì họ không thể biện minh lập trường này theo quan điểm niềm tin của họ vào quyền thần thiêng của bí tích, quyền năng được cho là có thể bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm. Ngược lại, thái độ này không kể đến phẩm giá của bí tích, vì bí tích chứa đựng trong nó ngôn ngữ thể xác của sáng thế và phải bảo tồn ý nghĩa của ngôn ngữ này. Vì lý do này, phải tránh bao nhiêu có thể việc sử dụng bánh bị ô nhiễm hoặc nước gây nhiễm bệnh, chính vì chúng không tượng trưng tốt cho ơn cứu rỗi do Thiên Chúa mang đến trong bí tích, vốn cũng là ơn cứu rỗi xác thịt. Nếu không thể tham dự vào việc cử hành, thì có thể, bằng một cách nào đó, tự mình tham gia bí tích và lãnh nhận ơn thánh của nó.
Đây là nơi mà việc thông hiệp ảo có ý nghĩa: vì sự kiện nó giúp chúng ta tiếp cận Bí tích. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải ghi nhớ rằng ơn thánh chỉ được tiếp nhận khi người đó hướng tới việc tham dự bí tích đích thực và chuẩn bị sẵn để lãnh nhận nó tới mức độ lớn nhất có thể. Vì chính trong Bí tích, chúng ta mới tiếp xúc với thân thể Chúa Kitô, từ đó ơn thánh đến với chúng ta. Hơn nữa, chúng ta hãy nhớ rằng mọi ơn thánh bí tích đến với tín hữu qua ấn tích không thể xóa nhòa được mà họ đã tiếp nhận trong phép rửa, một ấn tích làm họ trở thành chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô. Không phải kênh trực tuyến làm trung gian cho ơn thánh, giúp ơn thánh đến được với các tín hữu đang “tham dự” qua việc phát trực tiếp, mà đúng hơn, việc tháp nhập lúc rửa tội vào Thánh Thể, một việc tháp nhập qua đó, ơn thánh thánh thể được trải dài toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Tất cả điều này có nghĩa: ngoài việc tránh nguy cơ lây lan trong lúc cử hành, phải tránh một nguy cơ khác: làm mất giá trị tính trung tâm của các bí tích trong đời sống các tín hữu. Bởi vì, nếu điều này xảy ra, cảm thức cứu rỗi Kitô giáo, vốn cũng là sự cứu rỗi thể xác, sẽ trở nên loãng nghĩa. Cuối cùng, điều luôn có tính quyết định là nhớ rằng Bí tích không được cử hành để sống, nhưng chúng ta sống để cử hành Bí tích. Điều tối thiết là không có gì được ưu tiên hơn việc phụng sự Thiên Chúa: “nihil operi Dei praeponatur” (8). Theo quan điểm này, cuộc khủng hoảng bí tích thời đại dịch có liên quan đến cuộc tranh luận bí tích mà Giáo hội đã trải nghiệm trong vài năm qua. Cuộc tranh luận này được điển hình hóa trong nhiều cách giải thích khác nhau về tông huấn Amoris laetitia, theo đó, việc tiếp cận với bí tích không còn phụ thuộc vào tình trạng thể xác người ta, nghĩa là, vào cách người ta sống các mối liên hệ thể xác căn bản của họ, chẳng hạn như hôn nhân.
Do đó, một sự tách biệt được thực hiện giữa bí tích và thân thể sống của tín hữu, điều này song song với sự tách biệt xảy ra trong “bí tích” ảo. Vì lý do này, bất cứ ai chủ trương việc tách biệt giữa đời sống hôn nhân và đời sống thánh thể, một điều khá chung trong các cách giải thích này về Amoris laetitia, sẽ không thể giải thích được sự cần thiết của việc cử hành Bí tích bằng thể xác, và do đó tại sao cử hành ảo là điều bất cập. Những cách giải thích này đã định nghĩa bí tích hầu như bằng cách tách biệt nó khỏi lối sống cụ thể của tín hữu trong thể xác, khiến cho việc lãnh nhận bí tích chỉ phụ thuộc vào ý thức chủ quan của họ. Sự phân biệt giữa cử hành trực tiếp và cử hành ảo chỉ có thể có được nếu mối liên kết của bí tích với thân thể được chấp nhận, làm cho việc lãnh nhận bí tích cố kết với cách sống các ý nghĩa của thể xác. Đại dịch và việc cấm cửa cho thấy, mặc dù cách gián tiếp, khái niệm trống rỗng về bí tích mà nhiều người đã giả định, một bí tích không đạt đến hoặc biến đổi đời sống tín hữu trong thân xác, do đó mất nối kết nó với việc Nhập Thể.
4. SAU ĐẠI DỊCH: HƯỚNG TỚI VIỆC PHỤC HỒI BÍ TÍCH?
Từ những gì chúng ta đã nói cho đến nay, chúng ta có thể kết luận rằng thời đại dịch đã khiến chúng ta cảm thấy sự vắng bóng bí tích. Đó là một sự vắng bóng mà chúng ta đã vô tình sống, đó là lý do tại sao đòi phải cố gắng rất nhiều chúng ta mới tri nhận được sự khác biệt giữa thực tại ảo và thực tại có người [in-person reality]. Nếu chúng ta chấp nhận luận lý ảo đối với việc cấm cửa [lockdown], thì đại dịch sẽ đẩy nhanh phong trào phản bí ích của thời hiện đại, mà theo Bernanos, có thể được mô tả như một kỷ nguyên của phi nhập thể [disincarnation] tiệm tiến (9). Tuy nhiên, cùng một đại dịch này cũng có thể là cơ hội để con người nhận ra rằng một cuộc sống bị tù túng không phải là một cuộc sống đích thực, và do đó, một lần nữa khao khát một bí tích hiện hữu trong thế giới. Khi bị cấm cửa, điều nó định bác bỏ thể xác như một môi trường có tính tương quan được biểu lộ một cách đau đớn. Do đó, việc cấm cửa được dùng như một lời kêu gọi tiến tới tự do để chúng ta có thể khôi phục lại ngôn ngữ nguyên thủy của thân xác và cùng với nó, là ngôn ngữ bí tích. Hơn nữa, thời đại dịch, chúng ta tri nhận sự vắng bóng bí tích, không phải một cách lý thuyết mà là qua sự đau khổ cụ thể là bệnh tật và chia ly. Ở đây, ta thấy lý do để hy vọng. Vì đau khổ của đại dịch không phải là đau khổ ảo, và vì lý do này, nó có thể buộc chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của thực tại ảo, khiến chúng ta khao khát Bí tích một lần nữa. Trong thời gian đại dịch, quả thật, chúng ta cảm thấy sự vắng bóng bí tích, nhưng chúng ta cảm thấy nó một cách bí tích. Để thấy nỗi đau của đại dịch là nỗi đau bí tích, chúng ta cần thêm một điểm vào những gì chúng ta đã đề cập về các bí tích. Vì các bí tích không những nói lên sự sung mãn mà Thiên Chúa ban cho con người, mà còn là con đường để tạo vật, bị tổn thương bởi tội lỗi, trở lại với sự sung mãn của nó. Thánh Bonaventura đã nhìn nhận rằng trong số các bí tích được thiết lập trong bản chất con người, sám hối được hiểu là khả năng ăn năn tội lỗi (10). Và, quả thật, con đường đó cũng là con đường được vượt qua bằng đau khổ. Chỉ có đau khổ mới giúp chúng ta phục hồi ý nghĩa bí tích của cuộc sống một khi ý nghĩa đó đã bị mất đi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đau khổ khai quang con đường bí tích vì nó giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng của một thế giới phản bí tích, phi nhập thể. Vì đau khổ khiến chúng ta ý thức một lần nữa mối liên hệ của chúng ta với thể xác, cửa mở của thể xác ra thế giới và những người khác. Nhờ cách này, đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng thể xác chúng ta không phải là các công cụ đơn thuần để tự phát biểu mình và thống trị thế giới, mà trên hết là nơi phụ thuộc nguyên thủy, cửa mở ra để chúng ta liên hệ với thế giới, với người khác, với Thiên Chúa. Do đó, trong thể xác đau khổ, một cuộc gặp gỡ đầy mạc khải có thể diễn ra, cũng như một mối liên hệ giải thoát chúng ta khỏi sự tách biệt ngay bên trong mình và giúp chúng ta phục hồi chỗ đứng nhập thể của chúng ta trong thế giới. Vì lý do này, Chúa Kitô đã bước vào thế giới đau khổ: để phục hồi thể xác như cứ điểm liên hệ với Chúa Cha và những con người khác, do đó, khôi phục cho thể xác ý nghĩa tạo vật của nó. Nếu các bí tích do Chúa Kitô thiết lập mang trọn vẹn ý nghĩa của thân xác, thì chúng thực hiện việc này chính là nhờ đau khổ. Bằng cách chứa đựng trong chính chúng sự thống khổ và cái chết, các bí tích có thể phá vỡ sự cô lập của chúng ta và mở cửa để chúng ta bước vào ơn thánh được liên hệ với Thiên Chúa và những người khác.
Tương tự như các loại đau khổ khác, đại dịch có thể được coi là sự đánh tan ảo tưởng của con người phi nhập thể. Sự phân mảnh này có thể giúp họ nhớ đến xác thịt họ, một xác thịt họ được trao ban để dẫn họ vào thế giới và các mối liên hệ với những người khác, trong đó, mầu nhiệm tối hậu của sự sống, tức là, Đấng Tạo Hóa – Chúa Cha, được hiển thị. Theo quan điểm của viễn kiến đau khổ này, chúng ta có thể trả lời cho những người phàn nàn trong thời gian khó khăn bằng cách nói: “Bạn còn cứng lòng hơn bao nhiêu nữa, mà không để những thời điểm khó khăn này thay đổi bạn!” (11). Chẳng hạn, thời đại dịch này dạy chúng ta rằng sức khỏe không phải là thứ được bảo toàn hoặc phục hồi chỉ nhờ các phương tiện kỹ thuật mà thôi, như một cỗ máy được bảo trì hoặc sửa chữa. Thật vậy, việc cấm cửa liên quan đến đại dịch có thể chứng minh rằng việc giữ gìn sức khỏe của chúng ta mà làm hại các mối liên hệ vốn được thể xác đưa chúng ta vào kết cục sẽ có hại cho chính sức khỏe của chúng ta. Theo cách này, đại dịch có thể là một lời mời gọi phục hồi viễn kiến coi sức khỏe như sự hòa điệu nguyên thủy của con người với thế giới của họ và với những người khác, một sự hòa điệu mà con người nhận được trước tiên, một sự hòa điệu mà họ có thể phát huy chỉ bằng cách tiếp nhận nó. Chúng ta hãy xem xét, theo hướng này, việc tìm kiếm vắc-xin, mà hiệu quả của chúng tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch.
Ở đây ý nghĩa của y học được biểu lộ: nhiệm vụ của nó là bổ sung cho tác nhân chữa bệnh duy nhất, là chính cơ thể. Viễn kiến về sức khỏe này là một viễn kiến có tính bí tích vì nó được đặt nền trong thể xác như cứ điểm nguyên thủy của sự sống, trong sự hòa hợp với môi trường và với những con người khác. Sự kiện đại dịch đã trở thành một biến cố hoàn cầu cũng có nghĩa là sự đau khổ này, sự đau khổ vốn mở mắt để con người biết rõ thân phận thực sự của họ, không những ảnh hưởng đến mỗi người mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Tất cả xã hội bị khổ sở trong thời gian đại dịch, trong các mối liên hệ của nó và trong các cách nó sống thực ích chung. Vì lý do này, đau khổ do đại dịch gây ra không phải là lời kêu gọi đối với cá nhân mà thôi, mà đòi hỏi một sự thay đổi xã hội nhằm bỏ lại phía sau viễn kiến phi bí tích vốn là đặc điểm của thời hiện đại. Liệu xã hội có thể học lại để biết rằng sự đoàn kết của chúng ta bắt nguồn từ một hồng phúc trước đây mà tất cả chúng ta đã nhận được cách chung không? Và, do đó, lợi ích của xã hội không nằm ở việc thể hiện sở thích độc lập của mỗi người, mà nằm ở việc tiếp sinh lực cho cuộc sống chung hiện có của chúng ta? Nếu đúng như vậy, có lẽ chúng ta nên hiểu rằng xã hội chỉ tồn tại nếu nó mở cửa đưa ta vào một mầu nhiệm : mầu nhiệm của Đấng Tạo Hóa. Dưới góc độ cuộc thảo luận của chúng ta, chúng ta cần nêu ra một câu hỏi cuối cùng: liệu cuộc khủng hoảng đại dịch có giúp chúng ta phó thác (surrender) và nhờ đó khôi phục một luận lý học bí tích trong xã hội và trong Giáo hội không? Tín lý Kitô giáo về ơn quan phòng cho chúng ta biết: có những biến cố mà chúng ta không biết nguyên do. Thật vậy, bất cứ điều gì xảy ra trên thế giới đều không được giải thích chỉ bằng những nguyên nhân đệ nhị đẳng, vì có những sự việc ngẫu nhiên mà nguyên nhân của chúng nằm ở một mình Thiên Chúa mà thôi, đến nỗi Thiên thần hoặc con người không thể hiểu được (12). Đây là lý do tại sao, theo quan điểm trần gian, rất khó để phân định điều “tại sao” của đại dịch và Thiên Chúa theo đuổi mục đích nào với nó. Muốn dò thấu điều “tại sao” này, có lẽ chúng ta cần hồng phúc tiên tri. Rất may, như sách Khải Huyền từng nói, đối với các Kitô hữu, “chứng từ của Chúa Giêsu là tinh thần của lời tiên tri”, vì toàn bộ tương lai của chúng ta vốn được chứa đựng trong sự Phục sinh từ cõi chết của Người. Điều này có nghĩa: đức tin vào Chúa Kitô giúp chúng ta biết chỗ nào ơn quan phòng hướng dẫn mọi sự: sống phù hợp với Thập giá và sự Phục sinh của Chúa. Tuy vậy, sự dâng hiến của Chúa Kitô trên Thập giá là sự dâng hiến tự do nhân bản dâng hiến thân mình cho Chúa Cha vì lợi ích của chúng ta. Điều này có nghĩa: kế hoạch quan phòng bao gồm trong nó lời đáp ứng tự do của chúng ta. Chính các bí tích, vì chúng mở không gian cho sự chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, nên chúng tạo thành nơi chốn trong đó chúng ta được tự do. Đối diện với đại dịch, chúng ta được kêu gọi đặt mình vào không gian mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta, tức là, thể xác của chính Người, một thể xác lấy lại ý nghĩa tương ứng với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa. Loại bỏ hoặc trì hoãn các bí tích sẽ không cứu được sự sống của chúng ta, vì nó loại bỏ hoặc trì hoãn nơi chốn thích đáng cho hành động con người, nơi chốn chúng ta được tự do và xây dựng một cuộc sống cao quí và tươi đẹp. Trong một bài giảng lễ nổi tiếng, Thánh Augustinô tập hợp những lời phàn nàn của những người lặp đi lặp lại “thời kỳ tồi tệ, thời kỳ khó khăn”. Thánh nhân trả lời họ: “Chúng ta hãy sống tốt, thì thời gian sẽ tốt. Chúng ta là thời đại; chúng ta thế nào, thời đại là thế ấy” (13). “Chúng ta hãy sống tốt”: muốn thời đại tốt thì “sống còn” mà thôi không đủ. Đúng hơn, mệnh lệnh là phải “sống tốt”. Và một cuộc sống tốt đẹp như thế, một cuộc sống có tính hoàn toàn nhân bản như thế chỉ có thể có được trong không gian được các bí tích mở ra. Nói tóm lại, sống tốt là sống bằng các bí tích, như người ta sống bằng cơm bánh, để thời gian trở thành thời gian thánh thể, nghĩa là, thời gian phát triển, qua đại dịch, đến mức viên mãn của nó.
______________________________________________________________________________
Ghi chú
1. Trừ khi có ghi chú khác, tất cả các trích dẫn lấy từ Revised Standard Version, Phiên bản Công Giáo.
2. Joseph Ratzinger, “Nền tảng Bí tích của Cuộc Sống Kitô hữu” (The Sacramental Foundation of Christian Existence) trong Tác phẩm được sưu tập, tập 11: Thần học Phụng vụ, 153–168, ở 155.
3. Karl-Heinz Menke, Sacramentalidad. Esencia y llaga del catolicismo, 115. Nguyên thủy xuất bản với tên Sakramentalität: Wesen und Wunde des Katholizismus.
4. Về câu hỏi này, xem Hans Jonas, “The Nobility of Sight”, Philosophy and Phenomenological Research 14: 507–19.
5. Xem Thánh Augustinô, De Genesi ad litteram 3.4.
6. Thánh Tôma Aquinô, In IV Sententiarum d. 25, q. 3, a. 2, qncula. 1 arg 4.
7. Xem Peter Lombard, Sentences IV, dist. 1, ch. 5, par. 1.
8. Thánh Bênêđíctô thành Nursia, Rule 43.3
9. Xem Georges Bernanos, Esssais et écrits de combat (Tiểu luận và Trước tác chiến đấu), 673: “Nỗi bất hạnh và sỉ nhục của thế giới hiện đại, một thế giới tự khẳng định một cách duy vật kỳ cục, là nó phi nhập thể mọi sự, nó khởi đầu lại bằng cách đi ngược chiều với mầu nhiệm nhập thể”.
10. Xem Thánh Bonaventura, In IV Sententiae d. 23, a. 1, q. 2, co.; d. 22, a. 2, q. 1, conc., in S. Bonaventurae Opera Omnia, vol. 4, 579
11. Thánh Augustinô, Bài Giảng 114B, 14
12. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa contra Gentiles III, q. 94.
13. Xem Thánh Augustinô, Bài Giảng 80.