CN 11 TN C - LỄ CHÚA BA NGÔI
Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 16,12-15

(12) “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. (13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (15) Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng của thánh Gio-an hôm nay trích từ bài diễn từ giã biệt, trong đó, Đức Giê-su trăn trối tất cả những chân lý mặc khải cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Như một ông Thầy hiểu biết mức độ lãnh hội giới hạn của các môn đệ, Đức Giê-su đã hứa ban Thần Khí Sự Thật đến để soi sáng cho các ông và dẫn đưa các ông đến sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật đó chính là Chúa Thánh Thần.

3. CHÚ THÍCH:

-C 12-13: + Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi: Chân lý đức tin đã được Đức Giê-su mặc khải, nhưng các môn đệ lại chưa có khả năng lãnh hội được, vì các ông chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm về một Đấng Thiên Sai trần tục của dân Do thái thời bấy giờ. + Khi nào Thần Khí Sự Thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Vào lễ Ngũ Tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động nên các ông đã hiểu biết toàn vẹn các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn, soi lòng mở trí các môn đệ nhận biết sự thật. + Tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói những gì khác với Đức Giê-su. Do đó, tất cả những điều người ta nghĩ về Thiên Chúa mà khác với lời dạy của Đức Giê-su như các Tông đồ rao giảng, thì đều sai lầm. ư Tin mừng của Gio-an có đọan viết như sau: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có... Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,14.17-18).
-C 14-15: + Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy: Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, thể hiện nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. + Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em: Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục soi lòng các Đức Giáo hoàng kế vị Tông đồ Phê-rô và các Giám mục kế vị các Tông đồ khác khi họp Công Đồng Chung. Do đó, giáo huấn của các ngài về đức tin và luân lý đều được Thánh Thần soi dẫn hợp với Lời dạy của Chúa Giê-su, nên tuyệt đối không sai lầm được.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao các môn đệ lại không thể hiểu hết những Lời Đức Giê-su rao giảng trong thời gian Người giảng đạo ?
2) Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt đối với các môn đệ của Đức Giê-su ?
3) Giáo huấn của các Đức Giáo Hòang và của các Công Đồng chung về đức tin và luân lý có thể sai lầm không ? Tại sao ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CON NGƯỜI KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA:

VÔN-TE là người đã công khai bỏ đạo và hoàn toàn không tin vào Thiên Chúa và còn luôn chế diễu niềm tin của các Kitô hữu. Một hôm ông đi bách bộ với một người bạn thân có đức tin sâu sắc, trên một đường quê ở ven rừng. Giữa giao lộ có một cây Thánh giá phủ đầy tuyết trắng xóa. Bấy giờ VÔN-TE chỉ vào cây Thánh giá phủ đầy tuyết và nói với anh bạn: “Đây là hình ảnh của tôn giáo ngày nay. Thiên Chúa của các anh đã bị văn minh khoa học phủ kín mặt mày và niềm tin tôn giáo đã bị sự lạnh lùng băng giá của con người hôm nay che lấp. Vì vậy, Thiên Chúa của các anh không còn lý do tồn tại nữa”. Chợt lúc đó, một cơn gió mạnh thổi đến hất tung chiếc mũ trên đầu VÔN-TE xuống đất, đồng thời cơn gió cũng làm tan chảy lớp tuyết bao phủ cây Thánh giá khiến gương mặt Chúa Giêsu trên cây Thánh giá từ từ hiện ra rõ nét. Người bạn của VÔN-TE lúc đó mới nói: ”Này anh bạn, đây mới là hình ảnh đích thực của niềm tin tôn giáo hôm nay. Cho dù con người vẫn lạnh lùng và chai cứng như lớp tuyết trắng che kín Thánh giá, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn dư sức hất tung sự kiêu ngạo của con người và làm tan chảy sự lạnh lùng nơi con tim sỏi đá của con người. Ngài luôn hiện hữu cho dù con người có ra sức loại trừ Ngài”.

2) NÀO AI HIỂU ĐƯỢC MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

Thánh AU-GUS-TI-NÔ là vị đại thánh Tiến sĩ của Hội thánh, một hôm vừa đi bách bộ trên bãi biển vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi. Chúa đã sai một thiên thần nhỏ đến với ngài. Thiên thần dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng đào trên bãi cát. Thấy em làm công việc vô ích kia cách thích thú, ngài lên tiếng hỏi em bé:
- Em đang làm gì thế?
Em trả lời:
- Cháu muốn tát cạn nước biển khơi bằng việc múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng này.
- Không được đâu em, nước biển bao la mà lỗ dã tràng lại nhỏ bé, làm sao em có thể tát cạn được nước biển khơi kia ?
Thiên thần nhỏ trả lời:
- Cháu làm việc này tuy khó, nhưng vẫn còn dễ hơn việc ngài đang làm là muốn hiểu biết mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi bằng trí óc nông cạn của ngài.
Quả thật: "Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vượt qua tầm hiểu biết nông cạn của loài người, và người ta chỉ hiểu thấu sau khi được lên trời chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa".

3) CHÍNH TÔI ĐÃ GẶP THẤY NGƯỜi.

Hồi ấy AN-RÊ PHỐT-SA (André Foissard) là một sinh viên thuộc một gia đình vô tín ngưỡng. Thân phụ ông là người vô thần, cố tình để trên bàn học của con các sách báo có nội dung bài bác đạo Công giáo để con đi theo sự vô tín của mình. Nhưng dù sống trong môi trường vô tín như thế, Phốt-sa vẫn đạt tới đức tin nhờ Chúa Thánh Thần. Một hôm, anh đi vào nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri để tìm một người bạn. Cặp mắt của anh tình cờ nhìn thấy tượng Chúa Giê su đang chịu đóng đanh trên cây thập giá. Lập tức anh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Anh đến đứng dưới chân thập giá ấy một hồi lâu và những giọt nứơc mắt tự nhiên lăn dài trên má. Bấy giờ anh cảm thấy mình giống như một đứa con đã đi lạc trong một thời gian dài, nay vừa tìm thấy người cha thân yêu của mình. Sau này anh đã thuật lại biến cố ấy trong một tác phẩm thời danh là “Quả thật có Thiên Chúa. Chính tôi đã gặp Ngài”.

4) TÌNH YÊU TỰ NGUYỆN CHẾT THAY CHO MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT:

Cha thánh MA-XI-MI-LIÊN KÔN-BÊ (Maximilien Kolbe) được thụ phong linh mục vào năm 1918. Cha bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Ô-sơ-vích (Auschwitz). Đây là một nhà tù hãi hùng nhất bao gồm nhiều hình phạt độc ác nhất dành cho tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên riêng và được gọi bằng một con số. Cha Kôn-bê mang số tù binh là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức khắc nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân đã trở thành nạn nhân của thứ luật rừng này, trong đó có cha Ma-xi-mi-lien Kôn-bê.

Vào một đêm trong tháng 8 năm 1941, một tù nhân đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định phải chết thay. Trong số mười người được nêu tên hôm đó có một người tên Ga-giô-ních-giéc (Gajowniczek). Anh ta đã kêu khóc thảm thiết khi vừa nghe cán bộ trại giam đọc tên, vì anh còn mẹ già, vợ con đang chờ ngày anh về. Trước thảm cảnh đó, vì lòng mến Chúa yêu người, Cha Kôn-bê đã đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù đã anh dũng bước vào phòng hơi ngạt số 14. Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác chết ra ngoài, nhưng thấy cha Kôn-bê vẫn còn thoi thóp thở, họ liền chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha đã tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Trong lễ phong hiển thánh cho chân phước Ma-xi-mi-lien Kôn-bê, có một cụ già được xếp đứng trong đoàn người lên dâng lễ vật. Ông đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI chủ tế ôm hôn. Đây chính là người tử tù được cha thánh Kôn-bê tình nguyện chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn đã sốt sắng hát bài thánh ca: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu”. Đây là một chứng tích tình yêu cao vời khiến mọi người hiện diện đều rất xúc động và rơi nước mắt. Tình yêu hiến thân chịu chết thay cho tha nhân đã diễn tả chính tình yêu tột đỉnh của Chúa Ba Ngôi như lời Chúa Giê-su: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

5) TÌNH THƯƠNG THA THỨ TẤT CẢ, TIN TƯỞNG TẤT CẢ, CHỊU ĐỰNG TẤT CẢ:

Trong phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố Hồ chí Minh sáng ngày 16-8-1996, ngay ở hàng ghế đầu, suốt những giờ xét xử của Hội đồng xử án, một người đàn bà với đôi mắt ướt đẫm nước mắt, cứ nhìn đăm đăm vào chiếc lưng của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là chiếc lưng của đứa con đầu lòng của bà trong chiếc áo tù, và có in ký hiệu "AB". Cho đến khi công tố viên đọc xong lời buộc tội và đề nghị mức án "hai mươi năm tù vì tội giết người" bà bỗng nấc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Bà ngất xỉu có lẽ vì bà chịu đựng không nổi mức án dành cho con bà: 20 năm tù vì cái tội giết người; mà người nó định giết không ai khác hơn là chính bà. Bà là mẹ của bị cáo và cũng chính là người bị hại !

Hơn một năm trước đây, vào ngày 16 tháng 7, 1995, chính nó đã cầm một thanh gỗ tròn dài nửa mét đánh vào đầu bà, rồi cầm một con dao đâm vào ngực bà. Người đầm đìa máu bà ngã xuống ngất xỉu - vì con. Hôm nay bà lại ngã xuống, ngất xỉu... cũng vì con. Thằng con bà - Lương Quốc Tuấn, sinh năm 1976, ở quận 11, làm thợ cửa sắt. Từ khi lên 5 tuổi, cha của Tuấn đã bỏ mẹ con Tuấn đi sống với người khác. Mẹ của Tuấn lặn lội nuôi hai đứa con thơ lớn lên. Thế mà... Sáng hôm đó, Chúa Nhật, Tuấn dậy trễ. Tuấn hỏi xin mẹ mấy ngàn ăn hủ tiếu. Mẹ Tuấn không cho, bảo lấy mì ăn liền nấu ăn. Tuấn khai trước toà: "Mẹ nói từ ngày quen con nhỏ đó thân ốm nhom ốm nhách, không tiền không bạc... mẹ đã không cho tiền lại còn nói nọ nói kia..." Thế là Tuấn đã làm cái điều mà có lẽ nghe đến, ai cũng phải thấy rợn cả người: đánh, giết mẹ! Với 10 vết thương, chỉ có hai vết ở tay, còn lại toàn ở đầu và ngực nhưng khi từ bệnh viện sau sáu ngày điều trị trở về, bà lại ráng sức để xách đồ ăn vào thăm con đang bị giam trong tù ! Sợ con bị đưa ra toà, bà đã viết giấy bãi nại xin xóa tội cho con. Và trước toà, bà cứ vừa khóc vừa nói: "Từ nhỏ đến khi lớn nó ngoan lắm. Nó không uống rượu, không hút thuốc, xin toà giảm tội!" Rồi bà như ray rứt, ân hận, và trách mình: "Tôi không nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó phải đi làm sớm, lúc học xong lớp 8." Hoàn toàn bà không hề nhắc gì đến cái tội tày trời mà đứa con của bà đã phạm phải.

Bên trong phòng xử án, khi bà tỉnh lại, phóng viên đến xin hỏi chuyện bà, bà lại khóc nói: "Tôi không nói được gì đâu, đau đớn quá." Khi có các phóng viên đến chụp ảnh con bà đang bị một tay còng vào ghế, bà van nài: "Xin đừng chụp ảnh con tôi..." Khi những người công an còng hai tay con bà giải đi, bà đã lao người với theo, bà ngã trong vòng tay của người quen. Lúc ấy phóng viên nhìn thấy rất rõ một vết thẹo trên trán của bà. Vết thẹo do chính tay con bà đã cầm một thanh gỗ đập vào để lại... (Tuổi Trẻ 17-8-1996).

3. THẢO LUẬN:

1) Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Vậy mỗi tín hữu phải có bổn phận thế nào đối với Chúa Ba Ngôi?
2) “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vậy bạn cần sống tinh thần hiệp thông, chia sẻ yêu thương nơi gia đình, đoàn thể và trong xứ đạo của bạn thế nào để nên giống như tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa?

4. SUY NIỆM:

1) Nhận biết một Thiên Chúa duy nhất: Với trí khôn suy luận theo nguyên lý nhân quả, người ta có thể biết có Đấng Tạo Hóa. Nhờ Mô-sê trong Cựu Ước, dân Do thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tự hữu và duy nhất (x. Xh 20,2-3). Đến thời Tân Ước, nhờ Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa làm người, mà loài người còn biết Thiên Chúa không những là Một mà còn có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha yêu Chúa Con từ trước muôn đời và đã sai Chúa Con xuống trần gian làm Đấng Thiên Sai. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con và là Đấng được Chúa Cha cử xuống để giúp Hội Thánh tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Giê-su để góp phần cứu độ trần gian.
2) Nhờ Chúa Giê-su mặc khải mà Hội Thánh nhận biết Thiên Chúa có Ba Ngôi:
+ Trong cuộc Thần hiện tại sông Gio-đan: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khi Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).
+ Khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô: Đức Giê-su đã mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những Lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào Con thì được sống đời đời” (Ga 3,34-36a).
+ Khi trao sứ vụ cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
+ Vào lễ Ngũ Tuần: sau khi được Chúa Thánh Thần hiện Xuống Phê-rô đã nói về Ba Ngôi Thiên Chúa: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).
+ Thánh Phao-lô cầu chúc cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Trong thư Ga-lát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em... Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, làm ngôi nhà Thiên Chúa” (Ep 2,18.22).

3) Sống yêu thương hiệp thông và chia sẻ noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi:

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu hiệp thông trọn vẹn: Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi tuy khác nhau nhưng hiệp nhất trong một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau như Đức Giê-su đã khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30) ; “Để tất cả nên một, như lạy Cha: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Chúa Cha và Chúa Con luôn nên một trong tư tưởng và trong hành động, nên Đức Giê-su đã luôn vâng lời Cha và làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giê-su như Người đã phán trong Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người (Chúa Thánh Thần) sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi trọn vẹn đến nỗi một Ngôi biểu hiện cho cả Ba Ngôi, như Chúa Giê-su cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ngày nay Hội Thánh tôn thờ Chúa Cha qua hình ảnh Con Thiên Chúa nhập thể làm người là Chúa Giê-su, Đấng đã đi giảng đạo và sau cùng đã chịu nạn chịu chết trên cây thập giá để chuộc tội cho loài người, đã được an táng trong mồ, rồi ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại vinh quang.
+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu chia sẻ dâng hiến: Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con chính mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha: Dâng bản thân, ý muốn, và cả mạng sống của mình. Khi hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su tuy cũng sợ chết nhưng Người sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa Cha qua lời cầu nguyện: “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu dâng hiến không giữ lại điều gì cho mình, mà sẵn sàng cho đi tất cả.
+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu tác sinh để ngày một thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm sức mạnh để cho đi. Tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tràn trề sung mãn tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc đời đời. Hôm nay chúng ta hãy sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi: Sống yêu thương hiệp nhất với nhau. Luôn dâng hiến bản thân bằng cách chia sẻ, cho đi với tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng để hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

4) Thực hành cụ thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi giữa đời thường:

+ Năng làm dấu thánh giá: Mỗi ngày, khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Làm dấu Thánh giá là ta ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể và trên mọi hoạt động của ta. Do đó ta cần phải làm mọi việc cách nghiêm túc đẹp lòng Thiên Chúa.
+ Kết hiệp mật thiết với Chúa Ba Ngôi: chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi nơi chúng ta để được kết hiệp mật thiết với Ngài, bằng việc tuân giữ giới răn yêu thương như Đức Giê-su dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
+ Lắng nghe tiếng lương tâm: Ngày nay, Thiên Chúa siêu việt vẫn luôn ở với chúng ta để nhắc nhở chúng ta làm lành lánh dữ qua tiếng lương tâm. Hãy giữ sự thinh lặng nội tâm để có thể nghe được tiếng Người. Hãy biết quảng đại chia sẻ tình thương của Người với tha nhân, nhất là giúp đỡ phục vụ Chúa hiện thân qua người nghèo hèn, yếu đuối, bất hạnh và bị bỏ rơi.
+ Thống nhất trong đa dạng: Như “Thiên Chúa vừa là Một theo Bản Tính, vừa là Ba theo Ngôi Vị”, Hội thánh cũng phải vừa thống nhất vừa đa dạng. Hội thánh có mười hai Tông đồ, bốn sách Tin mừng, hai kinh Lạy Cha... Tuy nhiên, để sự thống nhất mà không trở nên khép kín nghèo nàn, để sự đa dạng đừng biến thành cớ gây chia rẽ, thì cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa mọi thành phần trong Hội thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của loài người. Hãy thống nhất trong những điều chính yếu, nhưng sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng phong phú trong những điều tùy phụ.

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Chúa là mẫu mực của một tình yêu tinh tuyền. Xin cho các tín hữu chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Xin dạy chúng con biết yêu người như Chúa đã yêu con, biết sống với và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Lạy Ba Ngôi chí thánh. Xin cho chúng con luôn vững tin vào sự hiện diện quyền năng của Chúa trong con và trong những người nghèo hèn đau khổ đang cần sự trợ giúp của chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON