Sự bùng phát liên tục của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và những hành vi bạo lực khủng khiếp nhân danh tôn giáo đã tạo ra thêm các luận cứ chống lại đức tin cho những nhà phê bình tôn giáo hiện đại. Họ không ngần ngại đồng hóa tôn giáo với các khía cạnh tiêu cực.
Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay là một vấn đề thuộc linh. Nó liên quan đến cách mà chúng ta nhận thức mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với chính chúng ta, đối với những người đồng loại của chúng ta và với thiên nhiên như một tổng thể. Tôn giáo có thể tạo ra nguồn cảm hứng tinh thần và đưa ra các định hướng rất cần thiết cho thời đại chúng ta. Thực tế là tôn giáo có thể nhân bản hóa con người và có thể hỗ trợ cho cuộc đấu tranh cho tự do, hòa bình và công lý.
Tuy nhiên, chẳng may là tôn giáo cũng có thể bị lạm dụng để xô đẩy con người đến chỗ cuồng tín và vô nhân đạo khi người ta nuôi dưỡng những thái độ cực đoan, bất bao dung và hiếu chiến. Do đó, tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nhân loại hiện nay không phải là “có tôn giáo hay không có tôn giáo”, mà là: “loại tôn giáo nào.” Tôn giáo chân thật phải đóng góp vào việc bảo vệ tự do của con người, đối thoại - hướng dẫn mọi người thay đổi tâm trí và cuộc sống - và đưa con người đến chiều sâu Chân lý.
Sai lầm lớn nhất của chúng ta không phải là chúng ta mong đợi quá nhiều từ tôn giáo trước các vấn đề liên quan đến hòa bình, tình liên đới, ý nghĩa của cuộc sống và đích điểm vĩnh cửu của con người và tạo vật, mà đúng hơn là chúng ta đã ngưng không mong đợi gì từ sức mạnh tâm linh vĩ đại này - vốn có nguồn gốc sâu xa trong tâm hồn con người.