Giáo xứ Cồn Dầu, Đông Yên và hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục được Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ quan tâm trước đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt.

Vào ngày 15 và 16 tháng 5 năm 2017, một phái đoàn đa tôn giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã họp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, bàn tròn đa tôn giáo của Hoa Kỳ, phái đoàn nghị sĩ quốc tế, và một số dân biểu Hoa Kỳ. Mục đích của các cuộc tiếp xúc này là nhằm vận động cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đồng thời, cuộc vận động này nhằm cung cấp thêm thông tin cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền cách trầm trọng tại Việt Nam trước khi có cuộc đối thoại về nhân quyền Mỹ-Việt tại Hà Nội và cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Donald Trump tại Hoa Kỳ. Phái đoàn bao gồm:

1. Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc kiêm chủ tịch tổ chức BPSOS.

2. Hòa thượng Thích Viên Lý và hai Thầy phụ tá, đại diện Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

3. Ông Dương Xuân Lương, đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài.

4. Mục sưmục sư Y Hin Nie và mục sư Vàng Chí Mình, và 4 tín đồ khác, đại diện một số giáo phái Tin Lành thuộc dân tộc thiểu số.

5. Chị Trúc Nương và chị Huỳnh Hạnh, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo.

6. Ông Trần Thanh Tùng, đại diện hiệp hội giáo dân Cồn Dầu.

7. Anh Nguyễn Văn Thống, đại diện “chiến dịch cứu Đông Yên.”

Ngày thứ nhất: Làm việc với văn phòng dân biểu Alan Lowenthal, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ.

10 giờ sáng: Phái đoàn đã có buổi làm việc với phụ tá của dân biểu Lowenthal tại văn phòng của ông trong khuôn viên quốc hội Hoa Kỳ. Tất cả các đại diện các tôn giáo đã trình bày các trường hợp cụ thể về tôn giáo của mình và nộp hồ sơ cho dân biểu Lowenthal.

2 giờ chiều: Phái đoàn gặp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Đây là cao điểm của ngày làm việc. Tiếp đón phái đoàn có Ông Daniel Nadel, Giám đốc Văn phòng phụ trách Tự do tôn giáo Quốc tế, Ông Daniel Wright, phó Giám Đốc và là người sẽ tham gia buổi đối thoại nhân quyền, và Cô Victoria Thoman, chuyên viên về Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lắng nghe và thu thập tất cả hồ sơ và hứa sẽ cung cấp thông tin chobuổi đối thoại về nhân quyền tại Hà Nội và đề đạt khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp tổng thống Donald Trumptại Hoa Kỳ dự kiến vào cuối tháng 5 này.

4 giờ chiều: Phái đoàn gặp Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ. Tiếp đón phái đoàn tại trụ sở của Ủy hội có linh mục Thomas Reese, chủ tịch. Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ là tổ chức độc lập cố vấn cho bộ ngoại giao và quốc hộị liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo.

Liên quan đến xứ đạo Côn Dầu thuộc giáo phận Đà Nẵng, ông Trần Thanh Tùng cập nhật cho Bộ Ngoại Giao và Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo về những khó khăn mà giáo xứ Cồn Dầu phải chịu trong suốt 7 qua, kể từ lệnh cưỡng chế xứ đạo này từ năm 2010.“Thời gian vừa qua nhà cầm quyền thông báo trên báo chí của báo công an Đà Nẵng cho phép 100 hộ được tái định cư xung quanh nhà thờ. Nhưng khi gọi dân họp thì nhà cầm quyền lật lọng,” Ông Tùng nói thêm.

Liên quan đến giáo xứ Đông Yên tại Giáo Phận Vinh, anh Nguyễn Văn Thống trình bày: “Được thành lập vào năm 1930, giáo xứ Đông Yên phát triển một nền văn hóa đặc thù thích ứng với đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Người dân Đông Yên có nghề truyền thống làm biển từ bao đời nay. Vào năm 2012, nhà cầm quyền bắt di dời toàn bộ giáo xứ Đông Yên lên một vùng miền núi. Khoảng 4000 giáo dân đã miễn cưỡng phải di dời, riêng 158 hộ gia đình với khoảng 800 người quyết tâm ở lại bảo vệ cho sự trường tồn của xứ đạo trước nguy cơ xóa sổ. Vào năm 2015, nhà cầm quyền huy động lực lượng công an đến lấy đất, phá vỡ nhiều cở sở của giáo xứ bao gồm trường học giáo lý và nhà xứ. Khoảng 2 năm từ 2015-2016, 158 học sinh không được đến trường vì gia đình của các em từ chối việc di dời.”

Liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra và trường hợp hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đang gặp những khó khăn với nhà cầm quyền, anh Thống trình bày: “Vào tháng 4 năm 2016, công ty Formosa đã xả một lượng lớn chất thải độc hại vào biển trải dài khoảng 200 Km đường bờ biển. Nhiều tấn cá chết trôi dạt vào bờ. Thảm họa môi trường ảnh hướng đến đời sống người dân 4 tỉnh Miền Trung, trong đó có giáo xứ Song Ngọc và Phú Yên, nơi linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đang phục vụ. Hai linh mục đã giúp giáo dân trong việc yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại nhưng nhiều lần đến tòa án để nôp đơn đều bị từ chối và bị sách nhiễu. Hiện nay, nhà cầm quyền đang dùng các phương tiện truyền thông của nhà nước và tổ chức các cuộc biểu tình nhằm lăng mạ, đe dọa hai linh mục. Một cuộc biểu tình ngày mùng 6 tháng 5 năm 2017 được nhà nước tổ chức với mục đích kêu gọi tử hình hoặc bỏ tù nhiều năm đối với linh mục Đặng Hữu Nam.”

Trường hợp của Hoàng Đức Bình, một thanh niên đã giúp dân đòi công lý đối với Formosa, mới đây bị bắt cũng được anh Thống nêu lên.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Ủy Hội Tự Do Quốc Tế Hoa Kỳ đã thu thập hồ sơ của Đông Yên và hai linh mục Đặng Hữu Nam và Lm Nguyễn Đình Thục và hứa sẽ làm những gì tốt nhất để bảo vệ Đông Yên và hai linh mục, cũng như nêu vấn đề anh Bình bị bắt chỉ vì bảo vệ công lý cho người dân.

Ngày thứ hai: Phái đoàn họp chung với Bàn Tròn Đa Tôn Giáo của Hoa Kỳ và gặp dân biểu Chris Smith.

10 giờ sáng: Phái đoàn đa tôn giáo đã có buổi họp chung với phái đoàn đa tôn giáo của Hoa Kỳ, với sự hiện diện của phái đoàn các nghị sỹ đến từ nhiều quốc gia. Trong buổi gặp gỡ này, anh Thống đã trao hồ sơ của giáo xứ Đông Yên và hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục cho bà Brones, thượng nghị sỹ đến từ Vương Quốc Anh và bà Virginia, đại diện Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Đón tiếp phái đoàn là dân biểu Chris Smith và hai phụ tá của ông là tiến sỹ Scott Flipse và ông Mark Kearney. Dân biểu Smith và các cộng sự ân cần lắng nghe về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Liên quan đến tình trạng giáo xứ Đông Yên và hai linh mục tại giáo phận Vinh, ông hứa sẽ liên lạc với Tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội để theo dõi và tìm cách bảo vệ.

Trong buổi gặp gỡ, dân biểu Christ Smith nhắc đến những kỷ niệm khi gặp Đức Tổng Giuse Ngô Quanh Kiệt tại Hà Nội. Ông đưa cho phái đoàn xem những tấm hình gặp gỡ Đức Tổng Kiệt và cha Phan Văn Lợi trong dịp thăm Việt Nam trước đây. Anh Thống cũng cập nhật cho ngài Smith biết là Đức Tổng Kiệt hiện đang sống trong đan viện Châu Sơn tại Nho Quan, Ninh Bình.

Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, dân biểu Christ Smith đã cùng với phái đoàn dâng lời cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam.

Tường trình từ Washington DC,

Joseph Nguyễn Văn Thống