KINH KÍNH MỪNG TRONG CHUỖI MAI KHÔI

Hôm nay, mồng 7 tháng 10, Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mai Khôi, và dành trọn tháng 10 để kính Đức Mẹ. Xin được chia sẻ với anh chị em đôi hàng về Kinh Mai Khôi (*).

Từ xa xưa người Ấn Độ đã dùng tràng chuỗi để tay vừa lần hạt, miệng hay trí vừa lập đi lập lại một lời kinh theo kiểu “mantra”, và lòng, trí, tim, hồn thì suy niệm về những thực tại thiêng liêng, siêu nhiên, v.v.

Phương thức cầu nguyện, suy niệm này của vùng Nam Á được truyền lan sang Trung Đông, Âu Châu và Trung Quốc, và đã được nhiều tín hữu các tôn giáo khác xử dụng.

Anh chị em Phật Giáo dùng xâu chuỗi “Bồ Đề”. Một số anh chị em Hồi Giáo cũng lần hạt. Và dĩ nhiên, người Công Giáo chúng ta mến mộ tràng hạt Mai Khôi.

Thoạt đầu chúng ta chỉ có 33 hạt hồng, kính nhớ 33 năm của Chúa Giê-su sống trên trần gian, 33 hoa hồng dâng lên Thiên Chúa, 33 hoa hồng tỏa ngát mùi hương giữa trần thế, 33 năm chịu đau khổ để cứu độ, mà theo văn hóa của các dân tộc vùng Nam Á, được tượng trưng bằng hoa hồng (Rose, Rosa, từ đấy nẩy sinh từ ngữ Rosario, Rosary - mà người Việt mình chuyển dịch thành Mai Khôi, Mân Côi).

Đến thời Trung Cổ, khi Kinh Nhật Tụng (ngày nay gọi là Các Giờ Kinh Phụng Vụ) ảnh hưởng mạnh trên cách đọc Tràng Chuỗi “Hoa Hồng”, thì con số 30 biến thành 50, nhưng 3 hạt hồng còn lại vẫn được lưu giữ trong các tràng chuỗi cho đến ngày nay.

Con số 30 biến thành 50, và không những 50 mà là 150, vì mỗi tuần các tu sĩ phải đọc cho hết 150 thánh vịnh. (Vì thế có khi người ta còn gọi “Rosary” là “Marian Psalter” - Kinh Mai Khôi là Tập Thánh Vịnh Ma-ri-a).

Trong khi các tu sĩ có sách Thánh Vịnh chép tay, vì thời ấy chưa có sách in, để đọc Kinh Nhật Tụng, thì phần đông dân chúng chỉ biết đọc thuộc lòng một số kinh mà thôi, vả lại rất ít người biết đọc biết viết.

Thời ấy, mỗi ngày các tu sĩ đọc trong giờ kinh sáng - Kinh Ngợi (Laudes) 5 thánh vịnh, trong giờ kinh chiều (Vespers) 5 thánh vịnh, và trong giờ kinh sách - Kinh Rạng (Matines) 5 thánh vịnh. (Sau Vatican II, Giáo Hội giảm xuống còn 3 thánh vịnh mỗi giờ kinh, có lẽ vì tu sĩ thế kỷ XX không cầm trí lâu được!!!)

Dân chúng, thay vì đọc 5 thánh vịnh, sẽ thay bằng 50 hạt. Tu sĩ đọc 3 lần, mỗi lần 5 thánh vịnh, thì dân chúng cũng lần hạt 3 lần, mỗi lần 50 hạt. Trước mỗi thánh vịnh, tu sĩ đọc điệp ca, mang tư tưởng chính gợi ý suy niệm cho thánh vịnh sắp đọc, thì dân chúng cũng đọc một câu kinh gợi ý suy niệm một mầu nhiệm quan trọng của đời Chúa Giê-su trước mỗi chục hạt. Sau mỗi thánh vịnh, tu sĩ đọc kinh Sáng Danh, thì dân chúng cũng đọc kinh Sáng Danh sau mười hạt.

Có lẽ vì sự ướt át của lòng dân chúng mến mộ Đức Mẹ, nên các tu sĩ thời ấy đã dạy cho dân chúng thay vì vừa lần 10 hạt vừa đọc 10 Kinh Lạy Cha, lại chỉ đọc 1 Kinh Lạy Cha và 10 Kinh Kính Mừng, vừa suy niệm những mầu nhiệm chính trong Đạo. Kể từ đó, Tràng Hạt “Hoa Hồng” Mai Khôi trở thành lối suy niệm bình dân, lối ôn học những mầu nhiệm chính của Đạo một cách bình dân để chống lại các lạc giáo, và là phương thức bình dân hóa Kinh Nhật Tụng.

Tràng Hạt Mai Khôi giúp ta suy niệm hầu hết những mầu nhiệm chính của Đạo, những chuyện chính yếu trong lịch sử cứu độ của Chúa Giê-su, nhưng vì đọc nhiều Kinh Kính Mừng nên Tràng Hạt Hoa Hồng đã dần dần trở nên một phương thức mến mộ tôn sùng Đức Mẹ một cách đặc biệt.

Ngày nay, với nghệ thuật in ấn, với việc chuyển dịch Kinh Thánh, Thánh Vịnh, với khả năng biết đọc biết viết của dân chúng, Giáo Hội kêu mời giáo dân đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ như các tu sĩ, vì Các Giờ Kinh Phụng Vụ là kinh của toàn Giáo Hội, chứ không riêng gì của tu sĩ, giáo sĩ.

Cũng may mà Tràng Hạt Mai Khôi đã trở thành phương thức mến mộ Đức Mẹ, nên giáo dân công giáo chúng ta ngày nay đã không bỏ, và cầu mong không nên bao giờ bỏ, “lần hạt Mai Khôi”, tuy dầu đã đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ như Giáo Hội kêu mời.

Tu sĩ lắng nghe Lời Chúa trong “Lectio Divina”, và mượn Lời Chúa qua các thánh vịnh để đáp trả. Phương thức này rất rõ nét trong Thánh Lễ. Sau Bài Đọc 1, chúng ta dùng Thánh Vịnh để đáp trả trong phần Đáp Ca. Kinh Mai Khôi cũng theo mô thức ấy.

Kinh Kính Mừng, tuy không phải hoàn toàn rút ra từ Kinh Thánh như các Thánh Vịnh, nhưng hầu hết đều do Lời Kinh Thánh kết thành.

- Kính mừng Ma-ri-a, đầy ơn phước

“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng’” (Lu-ca 1:28)

“Ma-ri-a” là chuyển dịch từ “Myriam”, tên Do Thái của Đức Mẹ. “Myriam” có thể hiểu là kẻ “được Thiên Chúa yêu”.

- Đức Chúa Trời ở cùng Bà (Lu-ca 1:28)

Đức Mẹ là hình ảnh rõ nét nhất của mầu nhiệm Em-ma-nu-en “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mát-thêu 1: 23)

-Bà có phước lạ hơn mọi người nữ

-Và Giê-su con lòng Bà gồm phước lạ

-Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời

“Được đầy tràn Thần Khí, bà Ê-li-sa-bét nói rằng : Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy” (Lu-ca 1:41-43).

-Cầu cho chúng con là kẻ có tội

Hình ảnh của người thu thuế khiêm nhu, quỳ cuối đền thờ kêu xin : “Xin thương xót con là kẻ có tội”

(Lu-ca 18:13).

-Khi này và trong giờ lâm tử.

Duy chỉ có đoạn này là không được trích dẫn từ Kinh Thánh.

Chiêm ngưỡng Thiên Chúa Cứu Độ, và hoa quả đầu tiên của ơn Cứu Độ là Đức Mẹ, chúng ta mượn Lời Kinh Thánh, và tràng hạt Mân Côi để đáp trả, cùng van nài:

Xin Mẹ dìu chúng con đến cùng Chúa Giê-su, là Con Đường duy nhất dẫn chúng con càng ngày càng vào trong sâu thẳm của mầu nhiệm Thiên Chúa.

- Cầu nguyện

- Quyết tâm

- Dấn thân

(*) Theo linh mục học giả Trần Văn Kiệm, chữ Rosary được dịch là Mai Khôi thì đúng nhất, vì chữ Mai có nghĩa hoa hồng và chữ Khôi có nghĩa ngọc đẹp. Những chữ Mân Côi và Văn Côi không được xác thực. (Chú thích của NTH)