Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro - Năm A

Mới đây xuất hiện trên mạng hình ảnh những chị em phụ nữ Trung Quốc rủ nhau xuống mồ nằm. Khi mới nhìn thấy những hình ảnh này, chắc hẳn ai nấy đều thắc mắc là không hiểu vì sao họ lại làm như vậy?

Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là một phương pháp để giảm bớt căng thẳng của chị em phụ nữ Trung Quốc sau hôn nhân đổ vỡ. Theo người sáng tạo phương pháp này (bà Liu Taijie) chia sẻ, khi nằm xuống huyệt, họ sẽ cảm nhận như mình đã chết. Khi đó, họ mới hiểu rằng còn nhiều thứ trên đời mà họ còn chưa làm được. Từ đó, những người tham gia sẽ bỏ qua quá khứ buồn đau, bắt đầu cuộc sống mới cho riêng mình. (Nguồn: Internet).

Bắt đầu Mùa Chay, Giáo Hội cũng đưa ra nhiều phương pháp để giúp chúng ta chữa trị tâm hồn: Đó là sám hối, cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí. Với lễ nghi xức tro hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta: “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi, một mai rồi sẽ trở về bụi tro.”(St 3,19). Thật vậy, tro chỉ sự chóng qua mau tàn: Đó chính là thân phận bèo bọt của con người, như lời thánh vịnh 102 diễn tả:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

(Tv 102, 15-16)

Tro chỉ sự khiêm nhường: Khi chấp nhận được xức tro trên đầu là chấp nhận sự thấp kém, chấp nhận sự chóng qua mau tàn của mình. Chính ông Abraham đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa nhận mình là thân tro bụi (x. St 18,27). Tro cũng chỉ sự sám hối: Việc rắc tro trên đầu cũng là lễ nghi và là dấu chỉ lòng ăn năn sám hối của con người với Thiên Chúa (x. 2Sm 13,19; Mac 3,47 ; Eth 4,1; Mt 11,21). Khi xức tro, thừa tác viên cũng có thể dùng lời Kinh thánh sau đây để mời gọi các kitô hữu sám hối: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”(Mc 1,15). Tiên tri Giô-en mời gọi chúng ta hãy sám hối thực lòng: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Ge 2,12). Sám hối thực lòng là “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo” (Ge 2,13). Đó là hành động dũ bỏ những tội lỗi trong con người chúng ta. Thánh Phaolô nói rằng cần phải phá bỏ trong chúng ta con người cũ để mang lấy con người mới (x. Col 3,1-11). Con người cũ đó là: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam…giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Dũ bỏ con người cũ nhưng phải thay thế vào đó bằng những việc lành phúc đức. Mùa chay mời gọi chúng ta thay thế bằng cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bố thí.

Việc cầu nguyện: Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa. Cầu nguyện đối với người kitô hữu như cá cần nước để sống. Khi cầu nguyện chúng ta bắt chước gương Đức Giêsu: Ngài cầu nguyện khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước những vấn đề hệ trọng. Khi cầu nguyện chúng ta thi hành bổn phận Đức Giêsu dạy: Ngài dạy chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện để xua trừ ma quỷ, vì có những thứ quỷ chỉ có trừ được bằng cầu nguyện, như có lần Ngài nói: “Giống quỷ ấy chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”(Mc 9,29). Khi cầu nguyện nhắc nhở chúng ta sống tín thác vào Chúa. Đức Giêsu nói: “Không có Thầy các con không thể làm được việc gì?”(x. Ga 15,5). Vậy, chúng ta hãy xét mình lại về tinh thần cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Cầu nguyện riêng? Cầu nguyện chung? Cầu nguyện trong gia đình, ở nhà thờ ? Cầu nguyện khi thành công? Cầu nguyện khi thất bại?...

Việc ăn chay: Nhằm giúp chúng ta làm chủ các ham muốn của xác thịt, tâm hồn gia tăng cách tự do để hướng tới sự chiêm niệm về các điều thiện hảo và đặc biệt là để đền bù các tội lỗi của mình, Giáo Hội mời gọi chúng ta ăn chay. Ăn chay theo luật bao gồm việc nhịn ăn và kiêng ăn. Việc nhịn ăn: Trong ngày ăn chay không được ăn vặt, chọn một bữa ăn no, còn hai bữa kia chỉ được ăn vừa hoặc ăn ít. Việc kiêng ăn: Kiêng ăn thịt loài máu nóng như thịt heo, gà, bò, vịt…Ngày hôm nay, Giáo Hội chỉ buộc ăn chay trong hai ngày: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngoài ra, Giáo Hội khuyến khích người kitô hữu ăn chay theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Đặc biệt, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình ăn chay theo nhiều cách thế khác nhau. Chẳng hạn: giảm bớt tiêu xài; kiêng ăn uống say sưa; không nói xấu nói hành; không xem những bộ phim xấu, những tranh ảnh khiêu dâm…Tiên tri Isaia còn cho chúng ta biết về cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích nhất, đó là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành”(Is 58,4-8).

Việc bố thí: Một trong những ý nghĩa của việc ăn chay là bớt phần ăn của mình để làm phúc bố thí cho người nghèo. Vì vậy, việc ăn chay và bố thí luôn đi đôi với nhau. Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô.” Trong Tin mừng theo Thánh Mathêu, Đức Giêsu cũng cho chúng ta biết, khi làm phúc bố thí cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa, và đó cũng là điều kiện để được hạnh phúc Nước Trời. Vị Thẩm Phán mời gọi kẻ lành vào hưởng hạnh phúc nước trời bằng những lời thân thương sau đây: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”(Mt 25,35-36).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết vận dụng những phương pháp mà Giáo Hội đưa ra trong Mùa Chay thánh này, đó là sám hối, ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí để chữa trị tâm hồn chúng con, giúp chúng con có sức chiến đấu với sự dữ và ma quỷ. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành