Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các Giám mục Mễ Tây Cơ buồn vì kế hoạch xây tường biên giới của ông Trump

Hôm 27 tháng Giêng, Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ đã ra một tuyên bố công khai chỉ trích sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về an ninh biên giới.

“Điều đầu tiên làm chúng tôi đau lòng là nhiều người sống mối quan hệ gia đình, đức tin, làm việc, hay tình bạn sẽ bị ngăn chặn hơn nữa bởi sự can thiệp vô nhân đạo này”.

Theo các Giám Mục Mễ Tây Cơ, cần phải suy tư về cách thế thúc đẩy an ninh và việc làm mà không cần xây dựng một bức tường biên giới.

Tuyên bố khẳng định:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các anh chị em của chúng tôi đến từ Trung và Nam Mỹ và những người đang quá cảnh qua Mễ Tây Cơ để sang Mỹ”.

2. Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh đình chỉ nhận người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày

Hôm thứ Sáu 27 tháng Giêng, tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh đình chỉ việc nhận tất cả những người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày. Trong thời gian đó, một hệ thống mới sẽ được nghiên cứu nhằm thắt chặt việc rà soát đối với những người từ các nước Hồi giáo và ưu tiên cho các tôn giáo thiểu số. Tổng thống nói rằng mục tiêu là để lọc ra “những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan” và ưu tiên cho các Kitô hữu.

Đề cập đến những người có nguy cơ gây ra những vụ khủng bố tại Mỹ, ông Trump nói: “Chúng tôi không muốn họ đến đây. Chúng tôi chỉ muốn đón nhận vào đất nước này những người sẽ hỗ trợ quốc gia chúng tôi và yêu mến sâu sắc người dân của chúng tôi.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Christian Broadcasting Network vào buổi sáng thứ Sáu, khi được hỏi liệu ông sẽ ưu tiên cho các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông được tị nạn tại Hoa Kỳ, ông nói ngay: “Yes.”

Giải thích thêm, ông nói: “Họ đã bị đối xử tồi tệ. Bạn có biết, trước đây nếu bạn là một Kitô hữu ở Syria thì không thể, hay ít nhất là rất khó khăn, để được nhận vào Hoa Kỳ không? Nếu bạn là một người Hồi giáo, bạn có thể được nhận vào, nhưng nếu bạn là một Kitô hữu thì gần như là vô phương. Và như thế là không công bằng – công tâm mà nói tất cả mọi người đã bị bách hại, ai cũng có thể bị chặt đầu nhưng các Kitô hữu bị nhiều hơn. Và tôi nghĩ rằng như thế là rất, rất không công bằng.”

“Vì vậy, chúng ta sẽ giúp họ.”

Trong năm tài chính 2016, 38,901 người Hồi Giáo được nhận vào Hoa Kỳ theo diện tị nạn. Trong số đó có 12,587 người đến từ Syria. 99% những người Syria được cấp quy chế tị nạn này là người Hồi Giáo. Chỉ có 1% trong số đó là các Kitô hữu.

Theo một cuộc thăm dò của tờ Washington Post vào năm 2015, 78 phần trăm người Mỹ ủng hộ việc xem xét bình đẳng đối với những người tị nạn, không phân biệt tôn giáo.

Sắc lệnh của ông Trump cũng ngăn chặn việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria cho đến khi có lệnh mới, và cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày tới những người đến từ bảy quốc gia Hồi giáo có liên quan nhiều đến những lo ngại về khủng bố. Những nước này là Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen.

3. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và cơn lốc các sắc lệnh của tổng thống Mỹ trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhậm chức

Từ “January” (Tháng Giêng), lấy từ tên của một vị thần trong thần thoại La Mã là thần Janus. Đây là vị thần về những gì là khởi đầu, chuyển tiếp, bản lề, và kết thúc. Ông thường được mô tả như một vị thần có hai mặt, nhìn vào hai hướng đối nghịch nhau là quá khứ và tương lai.

Hình ảnh của thần Janus có thể dùng để phản ảnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các Giám Mục Hoa Kỳ đang phải đối diện. Các vị vừa phấn khởi trước sắc lệnh khôi phục lại chính sách “Mexico City” của tân tổng thống Donald Trump, vừa chán nản bởi những hành động đầu tiên của ông về xuất nhập cảnh.

Ngày 23 tháng Giêng - ba ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và trong tuần đầu tiên của công việc tại Tòa Bạch Ốc – ông Trump đã ký một sắc lệnh khôi phục lại chính sách Mexico City, đảo ngược một trong những hành động đầu tiên mà Obama đã thực hiện trong cùng văn phòng này vào cùng một ngày 23 tháng Giêng tám năm về trước.

Hành động này đã được các Giám Mục Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt. Đức Hồng Y Timothy Dolan Tổng Giám Mục New York, và đồng thời là Chủ Tịch Ủy Ban các hoạt động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói:

“Chúng tôi hoan nghênh hành động ngày hôm nay của Tổng thống Trump nhằm khôi phục lại chính sách Mexico City, trong đó chặn đứng việc lấy tiền đóng thuế của dân trao cho các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài nhằm thúc đẩy hoặc thực hiện các ca nạo phá thai ở hải ngoại, là những hành động thường xuyên vi phạm luật pháp của nước sở tại”

Ngài nói thêm:

“Đây là một bước chào đón sự khôi phục và thực thi các chính sách liên bang quan trọng trong việc tôn trọng quyền căn bản nhất của con người – là quyền được sống – cũng như sự đồng thuận lưỡng đảng chống lại việc buộc người Mỹ tham gia vào các hành động bạo lực của hành vi phá thai.”

Nhưng hai ngày sau đó, ông Trump đã ký hai sắc lệnh về xuất nhập cảnh. Sắc lệnh thứ nhất liên quan đến một bức tường được xây dựng dọc theo biên giới với Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ để hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp. Đây là điều ông đã hứa nhiều lần trong chiến dịch tranh cử của mình. Cho nên, các Giám Mục không ngạc nhiên trước một việc các ngài tin rằng sớm muộn gì cũng sẽ đến. Tuy thế, Đức Cha Joe Vasquez của giáo phận Austin, Texas, chủ tịch Ủy ban Di cư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng ra một thông báo cho biết, “Tôi chán nản rằng tổng thống đã ưu tiên xây dựng một bức tường trên biên giới của chúng ta với Mễ Tây Cơ. Hành động này sẽ đặt sinh mạng những người nhập cư vào một hoàn cảnh nguy hiểm không cần thiết. Xây dựng một bức tường như vậy sẽ chỉ làm cho người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn người và buôn lậu.”

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ghi nhận rằng biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ dài khoảng 2,000 dặm đã có 700 dặm được rào bằng các hàng rào và các chướng ngại vật.

Theo Đức Cha Vasquez, việc xây dựng một bức tường như thế làm “mất sự ổn định của nhiều cộng đồng đang có những liên kết sống động và đẹp đẽ với nhau trong cuộc sống yên bình dọc theo biên giới. Thay vì xây dựng bức tường, vào thời điểm này, các giám mục anh em của tôi và tôi sẽ tiếp tục làm theo gương của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi sẽ xem xét việc xây dựng các cầu nối giữa con người, những cây cầu cho phép chúng ta phá vỡ các bức tường của loại trừ và khai thác”.

Cũng trong ngày 25 tháng Giêng, ông Trump đã ký một sắc lệnh tăng cường các hành động cưỡng chế và trục xuất đối với những người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là những người phạm tội.”

Ông Trump nói: “Nhiều người nước ngoài vào Mỹ bất hợp pháp và nhiều người cư trú quá hạn hoặc vi phạm các điều khoản của visa hiện đang là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia và an toàn công cộng.”

Hầu chắc trong những ngày tới chính phủ Mỹ sẽ hạn chế việc tài trợ cho những tổ chức đang cung cấp nơi cư trú cho những người nhập cư không có giấy tờ.

Đức Cha Vasquez lo ngại rằng những tuyên bố tăng cường các hành động cưỡng chế và trục xuất của ông Trump sẽ châm ngòi cho sự sợ hãi và hoảng loạn trong cộng đồng.

4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ sắc lệnh của tổng thống Trump về người tị nạn

Chủ tịch Ủy ban Di cư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ phản đối sắc lệnh của tổng thống Donald Trump về người tị nạn.

Sắc lệnh này, theo Đức Cha Joe Vásquez, “hầu như dập tắt hoàn toàn chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 120 ngày, làm giảm số lượng người tị nạn được nhận vào Hoa Kỳ trong năm nay từ 110,000 chỉ còn 50,000 cá nhân, và đình chỉ vô thời hạn việc tái định cư người tị nạn Syria.”

“Chúng tôi không đồng ý với sắc lệnh ngăn chặn người tị nạn này của tổng thống”, Đức Cha Joe Vásquez của giáo phận Austin, Texas nói. “Chúng tôi tin rằng bây giờ hơn bao giờ hết, việc chào đón những người mới và những người tị nạn là một hành động của tình yêu và hy vọng.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia cùng chính quyền mới, như chúng tôi đã làm với các chính quyền trong suốt thời gian của chương trình tị nạn hiện tại, tức là đến nay đã gần 40 năm. Chúng tôi sẽ làm việc mạnh mẽ để bảo đảm rằng những người tị nạn được hoan nghênh một cách nhân đạo với sự hợp tác với các tổ chức bác ái Công Giáo mà không làm mất đi an ninh của đất nước chúng ta hoặc các giá trị cốt lõi của người Mỹ chúng ta, và để đảm bảo rằng các gia đình có thể được đoàn tụ với những người thân yêu của họ.”

Đức Giám Mục Vásquez cũng đã đặt vấn đề với chính quyền của Tổng thống Trump về việc tiếp nhận người tị nạn Syria và đãi ngộ các tôn giáo thiểu số bị đàn áp tôn giáo.

“Hoa Kỳ từ lâu đã đi đầu trong việc tái định cư người tị nạn. Chúng tôi tin tưởng nơi việc hỗ trợ tất cả những người dễ bị tổn thương và đang phải chạy trốn những cuộc đàn áp, không phân biệt tôn giáo của họ. Điều này bao gồm các Kitô hữu, cũng như người Yazidi và người Hồi giáo Shiite /ʃɪ: - aɪ/ từ Syria, Rohingya từ Miến Điện, và các nhóm tôn giáo thiểu số khác. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bảo vệ tất cả các anh chị em của tất cả các tôn giáo, bao gồm cả những người Hồi giáo, những người đã bị mất gia đình, người thân và đất nước của họ. Họ là con cái Thiên Chúa và có quyền được đối xử với phẩm giá con người. Chúng tôi tin rằng bằng cách giúp đỡ việc tái định cư cho những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta đang làm sống động đức tin Kitô giáo của chúng ta như Chúa Giêsu đã thách thức chúng ta thực hiện.”

5. Giám mục Ý bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề tra tấn

Đáp lại một tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẽ không phản đối việc sử dụng tra tấn, thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý nói rằng tra tấn luôn luôn là vô đạo đức.

“Tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố có thể được khắc phục bằng một hình thức khủng bố khác thể hiện qua các hành vi tra tấn”. Đức Cha Nunzio Galantino nói. “Chắc chắn là vấn đề không thể được giải quyết bằng cách tra tấn”.

Đức Cha Galantino đã bị lôi kéo vào các cuộc thảo luận về tra tấn sau những câu hỏi từ các phóng viên. Trước đó, tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ không chống lại việc sử dụng tra tấn đối với các nghi phạm khủng bố.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là tổng thống Trump cũng cho biết ông sẽ làm theo lời khuyên của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, là người luôn phản đối các hình thức tra tấn.

Ông nói: “Nếu họ không muốn làm điều đó, thì tôi thấy cũng được, không sao.”

6. Tòa Thánh tiến đến gần một thỏa thuận với Huynh Đoàn Thánh Piô X

Vatican đã gần đạt được một thỏa thuận nhằm hợp thức hoá tình trạng của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký của ủy ban Ecclesia Dei, nghĩa là Giáo Hội Chúa, đã tiến hành các cuộc đàm phán với nhóm truyền thống này. Ngài xác nhận rằng các cuộc đàm phán đang hướng tới việc tạo ra một giáo hạt tòng nhân cho Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Đức Giám Mục Bernard Fellay, là nhà lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô X, trước đó cũng đã cho biết một thỏa thuận đã gần đạt được. Đức Cha Fellay nói rằng Huynh Đoàn Thánh Piô X sẽ không chờ đợi một tình trạng “hoàn toàn thỏa đáng” trong Giáo Hội trước khi chấp nhận một thỏa thuận nhằm hợp pháp hóa tình trạng của nhóm này.

Đức Giám Mục Fellay nói rằng Đức Thánh Phanxicô đã thể hiện một mối quan tâm đến việc hòa giải với Huynh Đoàn Thánh Piô X, phù hợp với các lời kêu gọi thường xuyên của ngài là Giáo Hội cần vươn tới những người đang bị thiệt thòi. Nhà lãnh đạo nhóm truyền thống này cũng nhắc đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành bí tích Hòa Giải trong Năm Thánh, và sau đó mở rộng việc cho phép này vô thời hạn.

7. Các giám mục Đức đề nghị Công Giáo tham gia với Tin lành trong việc giảng dạy môn tôn giáo ở các trường công lập

Các giám mục Công Giáo Đức đang kêu gọi một sự hợp tác với các nhóm Tin Lành trong việc giảng dạy môn tôn giáo trong các trường công lập tại Đức. Hiện nay, các lớp về Công Giáo được tách riêng không học chung với các lớp liên quan đến Tin Lành.

Giáo dục tôn giáo là một môn tự chọn cho học sinh các trường công lập của Đức, nhưng số lượng học sinh chọn môn này ngày càng ít, vì gia đình chúng ít tích cực với các hoạt động tôn giáo và ngày càng ít người trẻ được rửa tội.

Để chống lại sự sa sút này, một nhóm làm việc của các giám mục Đức đã đề nghị tham gia cùng với anh chị em Tin lành để bảo đảm rằng các trường sẽ có đủ số lượng học sinh trong một môn gộp chung Công Giáo và Tin Lành gọi là môn Kitô học.

“Hợp tác là rất quan trọng cho tương lai các lớp học tôn giáo”, Đức Tổng Giám mục Hans-Josef Becker Paderbon, người đứng đầu nhóm công tác này cho biết.

Một số người Công Giáo Đức còn đưa vấn đề đến một bước xa hơn. Họ nói các Kitô hữu nên tham gia với tín đồ các tôn giáo khác, trong việc hình thành một môn tôn giáo học trong đó cung cấp các chỉ dẫn tổng quát về tôn giáo, nghĩa là các lớp ấy không chuyên biệt về một tôn giáo nào.

Một nhóm 163 học giả Đức tham gia trong một tuyên bố nói rằng “Một xã hội đa nguyên cần có những người có thể đánh giá các tôn giáo một cách hợp lý và sẵn sàng cho các cuộc đối thoại.”

8. Chuyện lạ bốn phương: Vô địch cử tạ thế giới hạng 250kg /552 pounds là một linh mục

Thông tấn xã Reuters trong bản tin hôm 29 tháng Giêng cho biết nhà cử tạ Viktor Kochmar vừa hạ gục hơn 300 lực sĩ đoạt một lúc hai huy chương vàng tại Krivoy Rog và giành được danh hiệu vô địch Ukraine.

Điều đặc biệt là nhà cử tạ 40 tuổi này là một linh mục. Ngài là cha sở nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại làng Chervonoarmeyskoye, vùng Odessa.

Đây không phải là lần đầu tiên cha Viktor Kochmar chiến thắng vang dội như thế. Tháng 11 năm 2015, cha Viktor đoạt giải vô địch thế giới môn cử tạ 250kg hay 552 pounds trong cuộc thi đấu ở Bồ Đào Nha. Năm 2012 là năm đầu iên ngài đoạt giải vô địch thế giới môn cử tạ.

Cha Kochmar đã giành được tổng cộng 64 huy chương vàng trong các cuộc thi đấu.