VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG PARIS CỬ HÀNH LỄ

TẠ ƠN 17 CHÂN PHƯỚC LÀO TỬ ĐẠO TỪ 1954 ĐẾN 1970

18 giờ 30 Chúa Nhật 05/02/2017 - ĐHY André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, đã cử hành trọng thể Thánh lễ Tạ Ơn sau khi 17 vị Tử đạo Lào được Hội Thánh phong chân phước. 25 vị giám mục trên khắp nước Pháp, linh mục Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris, linh mục bề trên Hội Thừa sai Tận hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) và nhiều linh mục đã đồng tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại Chúa Nhật 11/12/2016, ĐHY Orlando Quevedo người Phi Luật Tân đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo nước Lào tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm (Vạn Tượng).

Trong Thánh lễ phong chân phước kéo dài 3 tiếng đồng hồ, các thanh niên Lào đã diễn lại hành trình đức tin của các vị tử đạo. Án phong chân phước được mở ra năm 2004, đến tháng 6/2015 được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Lào. Vì thánh đường chỉ có 400 chỗ nên giáo dân đứng chật nhiều đường phố chung quanh. Giáo Hội Công Giáo Lào gồm có người Lào, Kmhmu, Hmong và người Việt.

4 vị giám quản tông tòa Vạn Tượng, Luang Prabang, Paksé, Savannakhet, 11 vị giám mục đến từ Việt Nam, Kampuchia, Thái Lan, linh mục Tổng quyền Hội Thừa sai Paris (MEP) và Hội Thừa sai Tận hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) đã cùng cử hành thánh lễ.

Nhà thờ Chánh tòa Thánh Tâm (Vạn Tượng)

Mùa xuân 1953, du kích Lào cộng (Pathet Lao) chiếm tỉnh Sầm Nứa. Các vị thừa sai phải di tản đi nơi khác. Cha Giuse Thảo Tiên, thụ phong linh mục năm 1949, quyết định ở lại với các tín hữu. Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho đức tin. Cha Tiên bị cộng quân giam giữ tại trại Talang. Ngày 02/06/1954, ngài bị xứ bắn. Trước đó, ngài từ chối không hồi tục lấy vợ theo sự dụ dỗ của Pathet Lào.

Ngoài ra, cha Gioan Baotixita Malo từng truyền giáo ở bên Tầu bị bắt cùng 4 vị khác. Ngài bị đưa sang một thung lũng ở miền Trung nước Việt, chết vì bị tra tấn dã man. Năm 1960, một thầy giảng người Hmong và cha Mario Borzaga cũng tử đạo. Năm 1961, các linh mục Louis Leroy, Michel Coquelet et Vincent L’Hénoret bị cộng quân bạo hành đến chết. Tại miền Nam nước Lào, cha Noël Tenaud, cha Marcek Denis và thầy giảng Outhay cùng chung số phận. Sau đó đến lượt thầy Gioan Wauthier, tông đồ người nghèo bị xử bắn. Trong di bút, một vị tử đạo Lào đã viết như sau: ‘‘Chúng tôi là các nhà truyền giáo, cam chịu kham khổ, sẵn sàng hy sinh tính mạng. Trong thời kỳ cộng quan bách hại đạo Công Giáo, chúng tôi đều muốn được phúc tử đạo. Khi còn sống, chúng tôi hết lòng giúp đỡ người nghèo, lặn lội vào hang cùng ngõ hẻm, trong các thôn làng hẻo lánh, săn sóc các bệnh nhân và loan báo Tin Mừng’’.

Trong lễ Tạ ơn ngày 05/02, ĐHY Vingt-Trois đã tán dương công đức của các vị tân chân phước. Các ngài là nhân chứng dũng cảm của Chúa Kitô trong thế kỷ XX, rao giảng hòa bình và công lý. ĐHY Tổng giám mục Paris kết luận: 17 anh hùng tử đạo, người Lào hay người Pháp, làm chứng cho Tin Mừng. Họ là các viên đá vững chắc xây dựng Giáo Hội non trẻ ở Lào. 17 tân chân phước còn là tấm gương sáng cho giới trẻ noi theo.

Việc các tu sĩ và tín đồ Công Giáo bị bức tử là bản cáo trạng, phản ảnh trung thực về thực trạng tôn giáo tại hai nước cộng sản Lào, Việt.

Giáo Xứ Paris, ngày 05/02/2017

Lê Đình Thông