Chúa Giêsu có uy quyền vì Người phục vụ người ta, Người gần gũi người ta và Người nhất quán, trái ngược với các luật sĩ tự coi mình như các ông hoàng.

Ba đặc điểm trong uy quyền của Chúa Giêsu đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm nổi bật trong bài giảng của ngài tại Thánh Lễ ban sáng ở Nhà Santa Marta. Mặt khác, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh rằng các luật sĩ giảng dạy bằng thứ uy quyền giáo sĩ trị: Họ xa cách người dân, và không sống những gì họ rao giảng.

Các uy quyền tương ứng của Chúa Giêsu và của người Pharisêu là hai thái cực quanh đó bài giảng của Đức Thánh Cha đã được triển khai. Một cực là uy quyền thực sự, còn cực kia là uy quyền hình thức. Tin Mừng hôm nay nói tới sự ngạc nhiên của người ta vì Chúa Giêsu dạy "Như một người có uy quyền" chứ không giống các ký lục: Họ là các nhà cầm quyền của người dân, Đức Giáo Hoàng nói thế, nhưng những gì họ giảng dạy đã không nhập vào trái tim người ta, trong khi Đức Giêsu có uy quyền thực sự: Người không phải là một người "quyến rũ", Người dạy Lề Luật "cho tới điểm cuối cùng", Người dạy sự thật, nhưng một cách có uy quyền.

Chúa Giêsu phục vụ người dân trong khi các luật sĩ tự coi mình như các ông hoàng

Đức Giáo Hoàng, sau đó, đi vào chi tiết, chú tâm vào ba đặc điểm vốn phân biệt uy quyền của Chúa Giêsu với uy quyền của các luật sĩ. Trong khi Chúa Giêsu "Dạy với sự khiêm nhường", và nói với các môn đệ của Người, "Người lớn nhất phải như người phục vụ: họ phải tự làm cho mình nhỏ bé”, thì người Pharisêu tự coi mình như các ông hoàng:

“Chúa Giêsu phục vụ người ta, Người giải thích các điều để người ta hiểu rõ: Người phục vụ người ta. Người có thái độ của một người tôi tớ, và điều này mang lại uy quyền. Ngược lại, các luật sĩ mà người ta… đúng, họ có nghe, họ có kính trọng nhưng họ không cảm thấy các người này có uy quyền trên họ; những người này có tâm lý của các ông hoàng: ‘chúng tôi là những bậc thầy, là các ông hoàng, và chúng tôi dạy dỗ các anh. Không phục vụ gì hết: chúng tôi ra lệnh, các anh phải nghe’. Còn Chúa Giêsu không bao giờ tự coi Người như một ông hoàng: Người luôn luôn là tôi tớ của mọi người, và đây là điều đem lại uy quyền cho Người”.

Đặc điểm thứ hai trong uy quyền của Chúa Giêsu là sự gần gũi

Chính việc sống gần gũi với người ta thực sự đã đem lại uy quyền. Sự gần gũi, do đó, là đặc tính thứ hai phân biệt uy quyền của Chúa Giêsu với uy quyền của người Pharisêu. Đức Giáo Hoàng giải thích: "Chúa Giêsu không dị ứng đối với người ta: việc đụng chạm vào người phong cùi, người bệnh, đã không làm Người rùng mình"; trong khi ấy, những người Biệt Phái khinh bỉ "người nghèo, người dốt nát", họ thích đi bộ quanh các công trường, trong quần áo đẹp đẽ:

“Họ tách xa người ta, họ không gần gũi [người ta]; Chúa Giêsu rất gần gũi với mọi người, và điều này đem lại uy quyền. Những người sống xa cách này, các luật sĩ này, có tâm lý giáo sĩ trị: Họ giảng dạy với một uy quyền giáo sĩ trị - đó là thái độ giáo sĩ trị. Quả rất dễ chịu khi tôi được đọc sự gần gũi với người ta mà Đức Phaolô VI vốn có; trong số 48 của tông huấn Evangelii nuntiandi, ta thấy tấm lòng của một mục tử gần gũi [người ta]: chính đó là nơi anh chị em tìm thấy uy quyền của Vị Giáo Hoàng, sự gần gũi. Thứ nhất, một người đầy tớ, tinh thần phục vụ, tinh thần khiêm tốn: người đứng đầu là người phục vụ, người biến mọi sự lộn ngược, giống như một tảng băng trôi. Người ta chỉ nhìn thấy chỏm của tảng băng trôi; Chúa Giêsu, ngược lại, đã lộn ngược nó và người ta ở trên đầu còn người ra lệnh thì ở bên dưới, và ra lệnh từ bên dưới. Thứ hai, sự gần gũi".

Chúa Giêsu nhất quán; thái độ giáo sĩ trị đạo đức giả

Nhưng còn điểm thứ ba để phân biệt uy quyền của các ký lục với uy quyền của Chúa Giêsu đó là "sự nhất quán". Chúa Giêsu "sống những gì Người rao giảng". "Có một điều gì đó giống như một sự thống nhất, một sự hài hòa giữa những gì Người nghĩ, Người cảm nhận, và Người làm". Trong khi đó, người tự coi mình là ông hoàng có một "thái độ giáo sĩ trị"- nghĩa là, đạo đức giả - nói một điều và làm một điều khác:

“Thực vậy, người này không nhất quán và nhân cách của họ bị phân chia đến độ Chúa Giêsu phải khuyên các môn đệ của Người rằng: ‘Nhưng, các con hãy làm những gì họ nói với các con, chứ không làm những gì họ làm’: Họ nói một điều nhưng làm một điều khác. Bất nhất. Họ bất nhất. Và thái độ mà Chúa Giêsu sử dụng để chỉ về họ thường là đạo đức giả. Và ai cũng hiểu người nào tự coi mình như ông hoàng, có thái độ giáo sĩ trị, người ấy là một kẻ đạo đức giả, không có uy quyền! Họ nói sự thật, nhưng không có uy quyền. Chúa Giêsu, ngược lại, vì là người khiêm tốn, là người phục vụ người khác, là người gần gũi, không xem thường người ta, và là người nhất quán, nên có uy quyền. Và đây là uy quyền được dân Chúa cảm nhận".

Sự ngạc nhiên của người chủ quán trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu

Nhằm làm cho điều trên được hiểu rõ hơn, trong phần kết luận, Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Thấy người đàn ông gần chết bị các tên cướp bỏ lại dọc đường, các linh mục đã lướt qua, và tiếp tục bước, có lẽ vì thấy máu và ông ta nghĩ nếu chạm vào họ ông ta sẽ trở thành ô uế chăng. Thầy Lêvi bước qua, và Đức Giáo Hoàng nói, "Tôi tin ông này nghĩ" nếu pha mình vào vụ này, ông có thể phải ra tòa làm chứng, mà ông thì có nhiều việc phải làm. Và do đó, ông cũng cứ thế tiếp tục bước.

Và cuối cùng, người Samaritanô bước tới, và là một người có tội, nhưng ông này, trái lại, có lòng thương xót. Nhưng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định, còn một người khác trong dụ ngôn: người chủ quán trọ, người tỏ ra ngạc nhiên, không phải vì cuộc tấn công của bọn cướp, vì điều này là điều xảy ra ở dọc đường; không phải vì tác phong của vị linh mục và của thầy Lê-vi, vì ông biết họ; nhưng vì tác phong của người Samaritanô. Sự ngạc nhiên của người chủ quán đối với người Samaritanô: "Nhưng người này thật điên ... Anh ta đâu phải Người Do Thái, anh ta là một kẻ tội lỗi" ông ta dám nghĩ như thế. Rồi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nối kết sự ngạc nhiên này với sự ngạc nhiên của những người trong bài Tin Mừng hôm nay khi đối diện với uy quyền của Chúa Giêsu: "một uy quyền khiêm tốn, phục vụ ... một uy quyền gần gũi với mọi người" và “nhất quán”.