LỄ KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Ngày 03/12

(Lời Chúa: 1 Cr 9, 16-19. 22-23; Mc 16, 15-20)

Đức Giêsu là nhà truyền giáo tiên khởi. Ngài nhận sứ mạng này từ Thiên Chúa Cha. Chính Ngài đã xác nhận: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (x. Lc 4,18). Để chu toàn sứ mạng đó, Tin mừng cho chúng ta biết, Ngài đã đi khắp nơi, gặp gỡ mọi hạng người, đi kèm với lời rao giảng là các phép lạ Ngài làm. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để hoàn thành sứ mạng của mình theo thánh ý Thiên Chúa Cha. Đặc biệt, Ngài đã chọn các Tông đồ, lập Giáo Hội và trước khi về trời, Ngài đã truyền lệnh rằng: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (x. Mc 16,15).

Nhận lệnh từ Đức Giêsu, Giáo Hội qua mọi thời đại cách này hay cách khác đã cố gắng chu toàn bổn phận của mình.

1. Các Tông đồ

Sau khi Đức Giêsu phục sinh, các Tông đồ bắt đầu thực hành lời Đức Giêsu, bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô đã có khoảng ba ngàn người xin được trở lại đạo (x. Cv 2,41). Tiếp đó, các Ngài đi rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi, số các tín hữu ngày càng gia tăng. Dầu gặp sự chống đối, bắt bớ, tù tội nhưng các Ngài vẫn không sờn lòng nản chí, tiếp tục rao giảng Tin mừng. Khi bị cấm rao giảng danh Đức Giêsu, Thánh Phêrô khẳng khái nói: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”(x. Cv 5,29). Cuối cùng, các Ngài đã lấy máu mình ra để làm chứng cho Đức Giêsu.

Thánh Phaolô được xem là vị Tông đồ dân ngoại. Sau khi gặp Đức Giêsu trên đường Đa-mát (x. Cv 9,3-9), Ngài đã dồn hết khả năng, sức lực và thời gian để loan báo Tin mừng. Sách Công vụ Tông đồ cho biết, từ năm 45 đến năm 60, Thánh Phaolô đã thực hiện bốn cuộc hành trình truyền giáo. Trong các cuộc hành trình đó, Ngài đã phải hy sinh rất nhiều, Ngài nói: “Tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (x. 2Tm 2,9). Ngài còn kể lại những gian nan gặp phải trong thư Corintô rằng: “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (x. 2Cr 11, 24-27). Nhờ đâu Ngài đã vượt qua được những thử thách đó? Đó chính là nhờ sự xác tín của Ngài vào Đức Giêsu và trách nhiệm phải loan báo Tin mừng, Ngài nói: “Loan báo Tin mừng là việc bắt buộc Ngài phải làm.” Ngài còn nói mạnh mẽ hơn: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (x. 1Cr 9,16).

2. Các vị thừa sai

Sau các Tông đồ, biết bao nhiêu người bằng cách này hay cách khác đã tiếp tục thực thi mệnh lệnh của Đức Giêsu. Thư mục vụ năm 2003, Hội đồng Giám Mục Việt Nam diễn tả: “Đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô, từ nhiều thế kỷ nay biết bao thế hệ môn đồ của Chúa đã hăng hái lên đường. Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa biển rộng sóng lớn. Biết bao người bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối tiếp nhau ra đi đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới.” (Số 6).

Hôm nay, chúng ta mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo. Ngài sinh năm 1506 tại Tây Ban Nha. Chịu chức linh mục năm 1537 tại Rôma. Năm 1541, Ngài bắt đầu đi truyền giáo theo lệnh truyền của Đức Giáo Hoàng Phaolô III. Trong vòng 12 năm truyền giáo (1540 – 1552), Ngài đi hàng trăm ngàn cây số ở Ấn Độ, Nhật Bản và rửa tội được khoảng 100 ngàn người. Ngài qua đời năm 1552, tại đảo Xanxian, cửa ngỏ vào Trung Quốc. Năm 1622, Đức Thánh Cha Grêgôriô XV đã phong Ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1904, được Đức Giáo Hoàng Piô X đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Nhờ Thánh Phanxicô Xaviê, nhờ các nhà thừa sai tràn đầy nhiệt huyết, chúng ta mới được đón nhận Tin Mừng. Nhờ đời sống đức tin anh dũng của các các bậc tiền nhân, đức tin đã không ngừng phát triển, để truyền lại cho chúng ta ngày nay một gia sản quý giá (x. Thư mục vụ 2003 HĐGMVN, số 6)

3. Chúng ta phải làm gì?

Chúng ta thường nói nhiều về truyền giáo: có nhiều khóa hội thảo và học hỏi về truyền giáo; có những văn bản về truyền giáo; giảng dạy về truyền giáo; viết các đề tài về truyền giáo…Nhưng cụ thể hóa những cuộc hội thảo, văn bản, đề tài trên thì chưa được bào nhiêu. Cho nên, từ lý thuyết đến thực hành vẫn đang còn một khoảng cách xa vời. Ước mong rằng, những gì trên lý thuyết được triển khai một cách cụ thể vào trong đời sống của Giáo Hội. Xin mạo muội đề nghị một số vấn đề cụ thể sau đây:

Thứ nhất, gây ý thức truyền giáo nơi mọi môi trường sống của các tín hữu: tại nhà thờ, nơi gia đình, nơi các lớp giáo lý, trong các sinh hoạt của các hội đoàn và mọi môi trường sống.

Thứ hai, tùy theo khả năng và hoàn cảnh để giúp mọi người hiểu về áp dụng phù hợp những cách thức truyền giáo: Có người truyền giáo bằng đời sống cầu nguyện; có người truyền giáo bằng việc giảng dạy; có người truyền giáo bằng việc bác ái…

Thứ ba, cần có những “dự án truyền giáo” và triển khai đồng bộ từ các Giáo phận, tới các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ, giáo điểm, hội đoàn, gia đình và từng người giáo dân.

Thứ tư, “ra đi truyền giáo,” tức là mạnh dạn làm một cuộc “xuất hành” để đến với những người lương dân như thánh Phaolô, thánh Phanxicô ngày xưa đã làm: “Hãy mạnh dạn đến với những môi trường mới. Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo. Đó là những môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật... Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của Tin Mừng” (Thư Mv 2003, số 8). Để thực hiện tốt điều này, cần tuyển chọn những người nhiệt tâm truyền giáo, đào tạo để giúp họ có đủ hành trang lên đường.

Thứ năm, cần dạy giáo lý một cách chu đáo cho các lớp dự tòng, tổ chức ban Bí tích rửa tội cho người lớn một cách trọng thể, cần có những cuộc gặp gỡ, huấn luyện, bồi dưỡng cho những người tân tòng, giúp họ sống đạo, giữ đạo và có thể truyền đạo sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Tóm lại, loan báo Tin Mừng là căn tính của Hội Thánh lữ hành, nên mọi thành phần trong Giáo Hội phải không ngừng nỗ lực vào việc truyền giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại này (x. Thư mục vụ 2003 HĐGMVN, số 5).

Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời Chúa đã ra lệnh cho chúng con phải ra đi truyền giáo. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho mỗi người chúng con luôn biết cố gắng chu toàn bổn phận đó. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành