Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ

Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và cầu chúc tân chính phủ do ông lãnh đạo “thực sự hiệu quả”, và thúc giục ông nỗ lực hoạt động cho hòa bình thế giới.

Nói chuyện với các nhà báo tại lễ khai mạc năm học mới của một trường đại học ở Rôma, Đức Hồng Y cho biết về nội dung điện văn của ngài gởi cho ông Trump: “Chúng tôi đảm bảo với ông những lời cầu nguyện xin Chúa soi sáng và ủng hộ ông trong việc phục vụ đất nước của mình, và tất nhiên, cả trong việc phục vụ hạnh phúc và hòa bình của thế giới.”

“Tôi tin rằng ngày nay có một nhu cầu là tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động để thay đổi tình hình thế giới, vì đang có những xâu xé, và xung đột lớn.”

Trước các câu hỏi của các ký giả, Đức Hồng Y nhắc nhở mọi người cần tôn trọng “ý chí của người dân Mỹ trong việc thực thi dân chủ”, và nói thêm rằng ngài được biết đã có đông đảo các cử tri đi bầu.

Khi được hỏi về nhận xét trước đây Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến kế hoạch của ông Trump xây dựng một bức tường ở biên giới giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, mà Đức Thánh Cha đã mô tả là “không Kitô giáo”, câu trả lời của Đức Hồng Y Parolin rất cẩn thận.

“Chúng ta hãy xem vị tân tổng thống hành động thế nào”. Ngài nói thêm rằng trách nhiệm của tổng thống rất khác so với một ứng cử viên trong các chiến dịch tranh cử.

“Về các vấn đề cụ thể chúng ta nên xem xét các lựa chọn của ông ấy và trên cơ sở của những lựa chọn này chúng ta mới có thể đưa ra những nhận định. Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để đưa ra những nhận xét”.

Đức Hồng Y Parolin không phải là nhà lãnh đạo tôn giáo duy nhất phản ứng nhanh chóng trước tin tức về cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.

Justin Welby, Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Canterbury, hứa “cầu nguyện liên tục để Hoa Kỳ có thể tìm thấy sự hòa giải sau khi chiến dịch tranh cử cay đắng”

Trong những lời cầu nguyện của ngài, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby đã chia sẻ trên một bài đăng Twitter, rằng ngài cầu nguyện cho tân tổng thống “ơn khôn ngoan, hiểu biết và các ân sủng khác” khi ông phải đối diện với các nhiệm vụ trước mắt.

“Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho tất cả người dân Hoa Kỳ,” ngài kết luận.

2. Đức Thượng Phụ Kirill chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga đã gởi lời chúc mừng tới Tổng thống tân cử Donald Trump của Hoa Kỳ.

“Xin nhận nơi đây lời chúc mừng chân thành của tôi về việc ngài đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ,” Đức Thượng Phụ của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa cho biết như trên trong một thông báo gởi đến ông Donald Trump.

“Sự lựa chọn của nhân dân Mỹ là một dấu hiệu của sự tin tưởng tuyệt vời họ dành cho ngài và cũng là hy vọng họ dành cho ngài liên quan đến sự phát triển đất nước và sự thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại.”

“Trải qua nhiều năm làm việc cật lực, ngài đã đạt được nhiều kinh nghiệm giúp ngài đối phó với các vấn đề liên quan đến đời sống của quốc gia và xã hội, cũng như sự hợp tác với các nước khác.”

Thượng phụ Kirill nói thêm:

“Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ngày hôm nay, và Hoa Kỳ có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng những vấn đề đó. Thông qua các nỗ lực của tất cả mọi người, chúng ta mới có thể chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố và bảo vệ các giá trị cơ bản của những lý tưởng luân lý cao cả là nền tảng cho nhân quyền và phẩm giá con người”.

“Tôi hy vọng rằng các mối quan hệ lâu dài giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được phát triển vì lợi ích của hai dân tộc trên cơ sở một lịch sử chung và các giá trị Kitô giáo. Cầu chúc ngài sức mạnh, sự phù trợ của Thiên Chúa và mọi thành công trong sứ vụ cao cả và quan trọng trong tương lai của ngài.”

3. Tiểu bang North Dakota và Đại Học Đức Maria nộp đơn kiện chính quyền Obama các quy định về chuyển giới

Tiểu bang North Dakota, các nữ tu dòng Mercy, Đại học Đức Maria, và hệ thống y tế SMP, là một hệ thống bệnh viện phi lợi nhuận được thành lập bởi các nữ tu ở North Dakota, đã nộp đơn kiện chống lại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ về một quy định liên quan đến những người muốn chuyển giới hay tự nhận mình là người chuyển giới.

Theo quy định này, các chuyên viên y tế hay các công ty bảo hiểm tư nhân nào quyết định không cung cấp các thủ tục chuyển giới thì bị xem là vi phạm nhân quyền theo luật của liên bang về chống phân biệt đối xử dựa trên giới tính.

“Các quy định này bắt buộc các bác sĩ phải lờ đi các chứng lý khoa học và phán đoán y khoa của họ mà cắm đầu thực hiện các thủ tục chuyển đổi giới tính đối với trẻ em, ngay cả khi các bác sĩ tin rằng việc điều trị có thể gây hại cho chúng,” Quỹ Becket cho Tự Do Tôn Giáo nói.

Một mạng lưới bệnh viện Công Giáo, năm tiểu bang, và các hiệp hội y tế và nha khoa Kitô Giáo đã đệ đơn kiện tương tự vào tháng Tám.

4. Đức Hồng Y Raymond Burke nhận định về kết quả bầu cử: Ý thức hệ cực đoan của Obama xa lạ với quần chúng

Ý thức hệ cực đoan của Obama về phá thai và chuyển đổi giới tính được các phương tiện truyền thông liberal của Mỹ tung hô như là “Obama legacy” chỉ một sớm một chiều đã bị sụp đổ trong cuộc bầu cử vừa qua. Kết quả bầu cử cho thấy các chính trị gia Dân Chủ và các phương tiện truyền thông liberal không nắm bắt được suy nghĩ của quần chúng.

Trong một cuộc phỏng vấn với National Catholic Register, Đức Hồng Y Raymond Burke nói rằng việc dân chúng Mỹ chọn ông Donald Trump làm tổng thống Hoa Kỳ cho thấy ngày nay các chính trị gia cần phải quay trở lại với những nguyên tắc chính trị cơ bản. Đức Hồng Y cho biết:

“Việc một ứng cử viên như Donald Trump – là người hoàn toàn xa lạ với hệ thống chính trị bình thường - có thể được bầu là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta cần phải lắng nghe kỹ lưỡng hơn ý kiến của người dân, và theo nhận định của tôi, họ phải trở về với những nguyên tắc cơ bản là bảo vệ thiện ích chung như đã được minh định rõ ràng nơi bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp khi quốc gia chúng ta được hình thành.”

Đức Hồng Y Burke - một vị giáo sĩ Mỹ hiện đang lãnh đạo Hội Hiệp sĩ của Malta nói rằng ngài hy vọng ông Donald Trump sẽ có thể hàn gắn những chia rẽ giữa người Mỹ. Ngài nhận xét rằng ứng viên đảng Cộng hòa xứng đáng được chọn là tổng thống vì lập trường bênh vực quyền sống của ông.

5. Bề trên dòng Phanxicô tại Trung Đông than thở: Kitô hữu ở Aleppo bị bỏ rơi

Bề trên dòng Phanxicô tại Trung Đông nhận xét rằng các Kitô hữu ở Aleppo, Syria, đang cảm thấy bị bỏ rơi và tin rằng các Kitô hữu khác trên thế giới không quan tâm gì tới hoàn cảnh của họ.

Cha David Patton, bề trên tỉnh dòng Phanxicô tại Thánh Địa và toàn vùng Trung Đông được giao phó việc chăm sóc mục vụ của khách hành hương tại Thánh Địa, đã cho biết như trên trong một bài đăng trên tờ Catholic Herald hôm 7 tháng 11.

Cha cho biết:

“Họ cảm thấy thường xuyên bị bỏ rơi bởi các Kitô hữu khác. Họ cảm thấy rằng nhiều Kitô hữu trên thế giới không quan tâm chút nào đến những đau khổ của họ hoặc những gì họ đang làm để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo ở đó. Nhiều người trong số họ đã bị mất tất cả mọi thứ. Điều duy nhất họ đã không bị mất là đức tin.”

Cha Patton nói rằng dân Kitô giáo Aleppo đã giảm từ 250,000 - 300,000 hồi trước chiến tranh xuống còn có 30,000 – 40,000 trong năm năm qua. Tuy nhiên, “có rất nhiều, rất nhiều dấu hiệu của hy vọng, nhưng chúng ta cần phải chú ý mới nhìn thấy những dấu chỉ của hy vọng.”

6. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Một ngày sau cuộc tổng tuyển cử, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz của Louisville, Kentucky, đã ra tuyên bố sau đây liên quan đến việc bầu Ông Donald Trump làm tổng thống.

“Nhân dân Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định của họ liên quan đến vị tổng thống kế tiếp của Hiệp Chúng Quốc, các thành viên Quốc Hội cũng như các viên chức tiểu bang và địa phương. Tôi xin chúc mừng Ông Trump và mọi người được bầu hôm qua. Nay là lúc hướng vế phía trách nhiệm cai trị vì ích chung của mọi công dân. Chúng ta đừng nhìn nhau dưới ánh sáng chia rẽ Dân Chủ hay Cộng Hòa hay bất cứ chính đảng nào khác, mà đúng hơn, chúng ta hãy nhìn thấy gương mặt của Chúa Kitô nơi người lân cận của chúng ta, nhất là những người đau khổ hay những người chúng ta rất có thể bất đồng.

Là công dân hay đại diện dân cử, chúng ta nên nhớ lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đọc diễn văn tại Quốc Hội Hiệp Chúng Quốc vào năm ngoái: “mọi sinh hoạt chính trị phải phục vụ và phát huy thiện ích của con người nhân bản và phải đặt căn bản trên việc tôn trọng phẩm giá của họ”. Hôm qua, hàng triệu người Hoa Kỳ đang lao đao tìm kiếm cơ hội kinh tế cho gia đình đã bỏ phiếu để tiếng nói của họ được nghe thấy. Lời đáp lại của chúng ta chỉ nên đơn giản như thế này: chúng tôi đã nghe qúy vị nói. Trách nhiệm phải giúp củng cố các gia đình là trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm:

Hội Đồng Giám Mục mong mỏi được làm việc với tổng thống đắc cử Trump để bảo vệ sự sống con người từ lúc khởi đầu dễ bị thương tổn của nó tới lúc nó kết thúc tự nhiên. Chúng ta sẽ bênh vực các chính sách tạo cơ hội cho mọi người, mọi tín ngưỡng, mọi lối sống. Chúng ta vững vàng trong quyết tâm này: các anh chị em di dân và tỵ nạn của chúng ta sẽ được tiếp đón nhân đạo mà không hy sinh sự an ninh của ta. Chúng ta sẽ kêu gọi mọi người lưu tâm tới việc bách hại đầy bạo lực đang đe dọa các đồng Kitô hữu của chúng ta và người của các tín ngưỡng khác khắp thế giới, nhất là ở Trung Đông. Và chúng ta sẽ trông đợi cam kết của tân chính phủ đối với tự do tôn giáo ở trong nước, bảo đảm để mọi người có tín ngưỡng được tự do tuyên xưng và lên khuôn đời sống chúng ta theo sự thật về con người nam nữ, và dây hôn phối độc nhất họ có thể hình thành.

Mọi cuộc tuyển cử đều đem đến một khởi đầu mới. Một số người thắc mắc liệu đất nước có thể hoà giải, làm việc với nhau và chu toàn lời hứa sẽ đoàn kết hoàn hào hơn không. Nhờ niềm hy vọng do Chúa Kitô đem đến, tôi tin Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để hàn gắn và đoàn kết.

Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà lãnh đạo sinh hoạt công để họ có thể ứng phó các trách nhiệm được ủy thác cho họ một cách uyển chuyển và đầy can đảm. Và xin cho mọi người Công Giáo chúng ta giúp đỡ nhau thành các nhân chứng trung thành và hân hoan của tình yêu chữa lành của Chúa Giêsu.

7. Thủ tướng Ý hứa giúp xây dựng Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia

Thủ tướng Ý, Matteo Renzi đã hứa hỗ trợ phục hồi lại Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia, đã gần như bị san bằng thành bình địa bởi các trận động đất gần đây.

“Sửa nhà thờ Thánh Biển Đức tại Norcia là một cách để đưa châu Âu trở lại với nhau”, ông Renzi nói. Ông giải thích rằng tại một thời điểm bất hòa, sự phục hồi của một biểu tượng tôn giáo yêu quý sẽ là một cách để đoàn kết mọi người.

Theo một gợi ý từ thủ tướng Renzi, Hội Đồng Giám Mục Ý đã cung cấp cho chính phủ một danh sách các nhà thờ cần phải sửa chữa lại cấu trúc vì thiệt hại của các trận động đất.

Dịp này, Hội Đồng Giám Mục khẳng định rằng các nhà thờ “là di sản căn tính của người dân và là tài sản của dân chúng, là nơi họ tụ họp, tuyên xưng, và cử hành, là những nơi thậm chí còn có ý nghĩa sâu xa hơn trong lòng những người bị thảm kịch này tước đoạt hàng ngàn mái ấm gia đình.”

Các tu sĩ Biển Đức ở Norcia cho biết

“Tất cả các nhà thờ ở Norcia bị san thành bình địa. Tất cả, không sót một ngôi nhà thờ nào. Mái nhà sụp xuống nền nhà thờ. Nhưng thật là một phép lạ vì không trường hợp tử vong nào.”

8. Gần 21 triệu người bước qua các cửa Năm Thánh tại 4 đại đền thờ ở Rôma

Ngày Chúa Nhật 13 tháng 11, lễ nghi đóng cửa Năm Thánh được diễn ra tại 3 trong 4 đại Đền Thờ tại Rôma là Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, và Đền Thờ Đức Bà Cả. Các cửa thánh tại các giáo phận trên toàn thế giới cũng được đóng lại.

Trong bối cảnh của các cuộc khủng bố kinh hoàng tại Âu Châu, Năm Thánh Lòng Thương Xót đã diễn ra trong thanh thản, an bình và thành công tại Rôma. Theo Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá, tính cho đến ngày 8 tháng 11, đã có 20,414,437 tín hữu hành hương bước qua các cửa thánh tại 4 đại đền thờ tại Rôma.

Nếu tính đến ngày 20 tháng 11 là ngày cuối cùng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài trong 349 ngày từ 8 tháng 12 năm ngoái 2015 đến 20 tháng 11 năm nay 2016, có lẽ con số tín hữu hành hương bước qua các cửa thánh tại 4 đại đền thờ tại Rôma sẽ lên đến 21 triệu.

Bằng cách đi qua cửa thánh, các tín hữu có thể được ân xá nếu họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, Đức Thánh Cha cho biết:

“Cửa Thánh là Cửa của Lòng Thương Xót mà bất cứ ai bước vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ, và khơi lên niềm hy vọng.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

“Việc hành hương có một vị trí đặc biệt trong Năm Thánh, vì nó thể hiện cuộc hành trình mỗi chúng ta thực hiện trong cuộc sống này. Cuộc sống tự nó là một cuộc hành hương, và nhân loại là những người lữ hành, những khách hành hương đang tiến bước hướng về đích điểm mong muốn. Tương tự như vậy, để đến được các cửa Thánh tại Rôma hay tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, tất cả mọi người, tùy theo khả năng của mình, sẽ phải thực hiện một cuộc hành hương. Đây sẽ là một dấu chỉ cho thấy lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần vươn tới và đòi hỏi sự dâng hiến và hy sinh. Cầu xin cho việc hành hương là một động lực cho hoán cải: bằng cách vượt qua ngưỡng cửa của Cửa Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và hiến mình cho lòng thương xót tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.”

9. Tòa Thánh bác bỏ nhận định của một thần học gia cho rằng động đất là hình phạt của Thiên Chúa.

Toà Thánh đã mạnh mẽ bác bỏ nhận định của một thần học gia người Ý cho rằng động đất là “sự trừng phạt của Thiên Chúa” vì Italia đã thông qua luật cho phép kết hôn đồng tính.

Cha Giovanni Cavalcoli, 75 tuổi, tu sĩ dòng Ða Minh phụ trách chương trình thần học mỗi tháng một lần trên mạng lưới phát thanh Mẹ Maria. Trong bài nói chuyện hôm Chúa Nhật 30 tháng 10, là ngày xảy ra một trận động đất dữ dội làm rung chuyển khu vực Umbria ở miền Trung Italia, cha Cavalcoli cho rằng “động đất là sự trừng phạt của Thiên Chúa vì người ta đã xúc phạm đến gia đình và phẩm giá của hôn nhân”.

Cuối tháng Bảy năm nay, Italia đã thông qua luật cho phép các cặp đồng tính được hôn nhân dân sự.

Trả lời hãng tin Ansa của Italia, Ðức Tổng giám mục Angelo Becciu, phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tòa Thánh đã quyết liệt bác bỏ ý tưởng cho rằng động đất có thể là một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Theo ngài, những lời của cha Cavalcoli đã “xúc phạm đến các tín hữu và gây ra tiếng xấu đối với những người không tin”.

Đức Cha Becciun nhận xét rằng quan niệm này đã có từ thời “tiền Kitô giáo” và không tương hợp với nền thần học của Giáo Hội: “Ðức Kitô đã mặc khải cho chúng ta dung mạo của một Thiên Chúa yêu thương, chứ không phải một Thiên Chúa thất thường và thích báo thù”.

Ðức Tổng giám mục Becciu đã xin lỗi các nạn nhân của trận động đất vì những lời phát biểu của cha Cavalcoli và ngài nói rằng Ðức Thánh Cha Phanxicô luôn gần gũi và nâng đỡ họ.

Ðức Tổng giám mục Becciu nhấn mạnh: “Ai nói đến sự trừng phạt của Thiên Chúa trên Radio Maria là xúc phạm đến danh của Ðức Maria - là người mẹ đầy lòng thương xót của các tín hữu”.

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Becciu đã không làm cha Cavalcoli nao núng và ngài vẫn nhắc lại rằng trận động đất chắc chắn là do “tội lỗi của con người”. Kết quả là Radio Maria đành thông báo đình chỉ chương trình nói chuyện hằng tháng của ngài.

10. Đức Giám Mục Amarillo, Texas công bố cuộc điều tra về cha Frank Pavone

Đức Giám Mục Patrick Zurek của Amarillo, Texas, đã công bố một cuộc điều tra về một vụ việc, trong đó cha Frank Pavone đăng một đoạn video trong đó ngài đặt cơ thể của một thai nhi bị phá thai trên bàn thờ trong khi thực hiện lời kêu gọi các cử tri Công Giáo ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Đức Cha Patrick Zurek nói rằng việc trưng bày một bào thai bị phá thai như thế trên bàn thờ là “chống lại phẩm giá con người và là một sự mạo phạm bàn thờ.”

“Giáo Phận Amarillo bày tỏ sự hối tiếc sâu xa trước hành vi phạm tội gây phẫn nộ này”. Đức Cha nói thêm rằng việc trình chiếu video như thế là “không phù hợp với niềm tin của Giáo Hội Công Giáo.”

Mặc dù thường xuyên làm việc tại New York trong tư cách là nhà lãnh đạo phong trào “Các linh mục vì sự sống” tại Mỹ, cha Pavone chính thức là một linh mục của giáo phận Amarillo, Texas. Vị linh mục hoạt động phò sự sống này đã đụng độ trong quá khứ với các nhà lãnh đạo giáo phận Amarillo và cả New York.

Tưởng cũng nên nhắc lại Cha Frank Pavone đã làm dấy lên một sự tranh cãi sôi nổi trong và ngoài Công Giáo khi ngài đăng một đoạn video trên Facebook, trong đó ngài đặt cơ thể của một thai nhi đã chết trên bàn thờ trong khi thu hình một lời hiệu triệu vào phút chót với các cử tri Công Giáo Mỹ nhằm khuyên họ nên dồn phiếu cho ông Donald Trump. Đoạn video này được rất đông người xem và nhiều người ủng hộ ngài trong khi cũng có những người gay gắt lên án ngài.

Ken Mechmann, giám đốc chính sách công cộng cho tổng giáo phận New York, viết trên web site của tổng giáo phận: “Một con người đã chết và bàn thờ của Thiên Chúa đã bị xúc phạm, tất cả cho chính trị”. Trong khi khẳng định người Công Giáo phải hết lòng ủng hộ chính nghĩa phò sinh, ông Ken mô tả video này là “kinh khủng quá”.

Trong một đoạn video tiếp theo nhằm giải thích video trước, cha Pavone đã xin lỗi những người cảm thấy “bị xúc phạm”, nhưng lập luận rằng hình ảnh gây sốc này là cần thiết vì tính cấp bách của việc phải đánh bại cho được Hillary Clinton, phải ngăn chặn bằng mọi cách bà ta đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Cha Pavone giải thích thêm rằng tổ chức của ngài đôi khi nhận được cơ thể của các thai nhi bị phá thai, để mang đi chôn cất tử tế; và trong trường hợp này, ngài đã dâng một Thánh Lễ an táng cho đứa bé sau khi quay video.

Cha Pavone bác bỏ lời chỉ trích rằng việc khai thác của một cơ thể thai nhi là không phù hợp. “Tôi không muốn ai dạy đời tôi, dù người ấy là người trong Giáo Hội, hoặc bên ngoài Giáo Hội, về việc làm thế nào để tôn trọng các thai nhi. Tôi tự biết mình phải làm gì.” Ngài không bình luận về các cáo buộc cho rằng ngài đã xúc phạm bàn thờ.

11. Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào sự là hiệp nhất.

70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

- Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”

12. Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo nhân dịp Năm Thánh

Sáng 11 tháng 11, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 3,500 người nghèo đến từ 23 quốc gia, về Roma hành hương nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican còn có hơn 500 người đồng hành, nhiều người thuộc Hiệp Hội Fratello, nghĩa là “những người anh em”, được thành lập tại Pháp và chuyên săn sóc giúp đỡ những người vô gia cư và những người bị xã hội loại bỏ. Họ được sự nâng đỡ và khích lệ của Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon bên Pháp.

Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến, các tham dự viên đã sinh hoạt, ca hát, cầu nguyện và nghe các chứng từ.

Trong lời chào Đức Thánh Cha khi ngài tiến vào Thính đường Phaolô 6 lúc 11 giờ 15, Đức Hồng Y Philipphê Barbarin nói: “Ngày hôm nay, những người đón tiếp Đức Thánh Cha sung sướng vì cảm thấy mình ở giữa con của Giáo Hội, gần vị Giáo Hoàng của những người nghèo. Nói đúng ra, họ không cần được tiếp đón, họ biết rõ mình ở nơi đây như ở nhà của họ, trong tình huynh đệ bao la của Giáo Hội, họ là “kho tàng”, là sự phong phú của chúng ta!

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Lyon cũng kể lại những kinh nghiệm của ngài với những người nghèo, người vô gia cư mà Hiệp hội Fratello giúp đỡ và có những nhà trong giáo phận của ngài.

Tiếp lời Đức Hồng Y, Ông Etienne Villeman, Chủ tịch Hội Fratello, đã trình bày với Đức Thánh Cha về những người hiện diện tại buổi tiếp kiến: nhiều người đã từng sống trên các đường phố như người vô gia cư, và nhiều người hiện vẫn ở trong tình trạng ấy.

“Cách đây hơn 10 năm, ở Paris, có 3 người trẻ năng nổ, sống bụi đời trên đường phố. Họ quyết định sống chung với nhau. Ngày nay chúng con có hơn 300 người tại Pháp sống trong các căn hộ được chia sẻ với nhau. Nhiều nhà khác dần dần được thành lập tại Âu Châu theo kiểu mẫu ấy.

“Ban sáng trước khi đi làm, chúng con đọc kinh Ngợi Khen, và dành một ít thời giờ để Chầu Mình Thánh. Những người bụi đời cũng có thể đến dự trong thời gian cầu nguyện ấy nếu họ muốn. Cùng nhau chúng con sống cuộc sống thường nhật hoàn toàn bình thường, nhưng đồng thời cũng ngoại thường với những cuộc gặp gỡ huynh đệ và đời sống cầu nguyện rất đơn sơ.. Trong tất cả những năm ấy, con đã khám phá thấy cuộc sống với người nghèo đã làm cho con sống Tin Mừng theo chiều sâu. Cùng với họ, con sống và hít thở Tin Mừng.. Chúng con học yêu thương, tha thứ, cám ơn, học trở nên bạn hữu anh em, vì chúng con khám phá thấy chúng con là những người nghèo và dễ bị tổn thương”.

Trong lời kết, Ông Étienne Villeman đã bày tỏ ước muốn: xin Đức Thánh Cha tổ chức những ngày thế giới cho người nghèo!”

Trong bài huấn dụ ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha đã đi từ các chứng từ được trình bày trước đó, để nói lên những nhận xét và những lời khích lệ. Ngài cũng đặc biệt xin lỗi những người nghèo, nhân danh các tín hữu Công Giáo đã không đọc Tin Mừng và họ ngoảnh mặt sang bên kia đường khi họ thấy những người nghèo hoặc những tình cảnh nghèo. Ngài nói: “Sự tha thứ mà anh chị em dành cho chúng tôi, đối với những người của Giáo Hội và con người nói chung, cũng giống như nước phép thanh tẩy chúng tôi và giúp chúng tôi tái tin rằng nơi trọng tâm của Tin Mừng chính là sự thanh bần”.

Và Đức Thánh Cha lập lại lời kêu gọi ngài đã đưa ra từ đầu triều đại Giáo Hoàng, đó là: “Các tín hữu Công Giáo hãy kiến tạo một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Và theo ngài tất cả các tôn giáo đều cần đặt người nghèo trong sứ điệp của Thiên Chúa”. Ngài nhận xét rằng “Cái nghèo lớn nhất chính là chiến tranh! Đó là cái nghèo tàn phá! Và nghe điều này từ miệng một người đã chịu đau khổ vật chất, nghèo về y tế, đó là một lời kêu gọi làm việc cho hòa bình”.

Sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha là phần cầu nguyện với những lời nguyện cho Đức Thánh Cha và tất cả mọi người, rồi ngài đích thân chào thăm 80 người đại diện cho các nước khác nhau.