Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trước khi bắt đầu chương trình hôm nay, Trúc Ly và Hà Thu xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi một đoạn video ngắn đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng lưới toàn cầu:

Đây là đất đai của tôi, Đây là quê hương của tôi.

Các quân nhân này đã chiến thắng, quay về cố hương sau hơn 2 năm bị buộc phải biệt xứ.

Họ quyết định đánh dấu ngày trở về của mình với một biểu tượng thiêng liêng trong lòng họ, đó là cây thánh giá.

Tôi sẽ đặt cây thánh giá này trên nóc nhà thờ.

Anh em hãy nhìn biểu tượng này. Tôi sẽ đặt cây thánh giá này trên nóc nhà thờ.

Nhiều binh sĩ đã không cầm được nước mắt.

Các tín hữu Kitô tại Mosul và vùng phụ cận đã phải bị quân khủng bố Hồi Giáo IS buộc phải biệt xứ. Nhiều người đã bị giết.

Những chiến binh này đã gia nhập vào quân đội vào tháng Giêng năm 2015 để giải phóng Mosul, vùng đất Kitô hữu chiếm đa số.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Từ xưa đến nay chúng tôi sống hài hòa trong khu vực này, những kẻ cực đoan đã gây ra thảm cảnh và nhiều dân lành vô tội đã phải chết. Tôi muốn gởi một thông điệp đến đồng bào tôi là quê hương chúng ta đã được giải phóng.

Hãy nhìn xem cảnh tượng trong nhà thờ này thật kinh hoàng. Không ai có niềm tin tôn giáo lại có thể làm như thế. Không tôn giáo nào có thể biện minh cho hành động này. Chúng là những kẻ vô thần. Đây là nhà của Chúa không phải một toà nhà bình thường.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Diễn biến quan trọng trong tuần qua là chiến dịch giải phóng Mosul. Chiến dịch này thu hút sự chú ý rất lớn của thế giới, đặc biệt là thế giới Kitô Giáo. Mosul là trung tâm Kitô Giáo lớn nhất và cổ kính nhất trong vùng Trung Đông, đã được thành lập từ thời các thánh Tông Đồ. Mất Mosul là một thiệt hại không thể chấp nhận được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần tuyên bố rằng chúng ta không thể cam chịu một vùng Trung Đông không còn bóng dáng các tín hữu Kitô.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Sau khi Mosul thất thủ hồi tháng 6 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Fernando Filoni là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc làm đặc sứ của ngài sang Iraq hai lần để hội kiến với các nhà lãnh đạo nước này và thăm anh chị em giáo dân đang tị nạn tại Erbil. Nhiều vị Hồng Y trên thế giới như Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Đức Hồng Y Vincent Nichols, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh, Đức Hồng Y Philippe Barbarin của Pháp và rất đông các Giám Mục trên thế giới.. đã sang thăm Iraq và vùng tự trị của người Kurd Iraq tại Erbil.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhiều lần than thở rằng thế giới phương Tây ngoảnh mặt làm ngơ đến độ đồng loã trong tội ác tận diệt các tín hữu Kitô tại Iraq và Syria. Chính vì thế, hôm thứ Hai, khi liên quân Iraq và Kurd mở chiến dịch giải phóng Mosul, một niềm hy vọng và hân hoan lan nhanh không chỉ trong cộng đồng người Iraq mà có thể nói là trong toàn thế giới Kitô Giáo.

Trong chương trình hôm nay Trúc Ly và Hà Thu xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những diễn biến chính trong chiến dịch này.

Mosul ở đâu?

Thưa quý vị và anh chị em, Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq bị rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào ngày 10 tháng Sáu năm 2014.

Mosul cách thủ đô Baghdad 419 km về phía bắc, gần biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mosul gần với một số mỏ dầu quan trọng nhất của Iraq và là nơi có một đường ống dẫn dầu chạy vào nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính vì thế, Mosul là một vùng huyết mạch chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh bọn khủng bố Hồi Giáo IS hoạt động không chỉ tại Iraq nhưng còn tại Syria.

Điều gì đã xảy ra tại Mosul?

Hơn hai năm trước đây, cụ thể là vào ngày 10 tháng 6 năm 2014, quân đội Iraq tháo chạy khỏi vùng này. Đó là một vết ô nhục trong quân sử của Iraq. 30,000 quân Iraq đã tháo chạy tán loạn trước một bọn khủng bố chưa tới 1,000 quân, tức là chỉ bằng 1/30 quân số của họ.

Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê bàng hoàng nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ:

“Giao tranh bắt đầu vào Thứ Năm mùng 5 Tháng 6, 2014. Tuy nhiên, chiến cuộc chỉ giới hạn ở một số quận ở phía tây thành phố. Quân đội bắt đầu dội bom vào các khu vực đó, nhưng sau đó các lực lượng vũ trang và cảnh sát đột ngột biến mất khỏi Mosul trong đêm thứ Hai mùng 9 tháng 6 rạng sáng thứ Ba, mùng 10, bỏ rơi thành phố trong tay giặc. Hơn một nửa dân cư và ngay lập tức toàn bộ cộng đồng Kitô hữu chạy trốn đến vùng bình nguyên Nineveh. Vào khoảng 5:00 sáng thứ Ba, chúng tôi đưa các gia đình vào trốn trong các trường học, các phòng dạy giáo lý bỏ lại tất cả nhà cửa, rồi lập tức lên đường. Cho đến giờ phút này, tại sao quân đội và cảnh sát đột ngột bỏ chạy để lại toàn bộ xe cộ, quân trang và các khí tài chiến tranh quan trọng cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.”

Sau khi chiếm được thành phố dầu mỏ này, vào tháng Tám năm 2014, Abu Bakr al-Baghdadi, là tên lãnh đạo bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố thành lập Caliphate, tức là nhà nước Hồi giáo.

Chiến dịch giải phóng Mosul.

Chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã chính thức bắt đầu vào sáng sớm ngày thứ Hai 17 tháng 10.

Quân Kurd tiến từ phía Đông vào thành phố Mosul. Trong khi đó 42,000 quân Iraq và các đơn vị quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite tiến từ phía Nam.

Trong thông báo dành cho giới báo chí, quân Kurd cho biết trong 24 giờ đầu tiên họ đã giải phóng được 9 làng trên một diện tích 220 km2.

Quân Kurd tiến như vũ bão áp sát thị trấn Qaraqosh. Làn sóng vui mừng và hy vọng tràn ngập cộng đồng tị nạn tại khu tự trị của người Kurd. Tối thứ Ba 18 tháng 10, hàng ngàn Kitô hữu tị nạn tại Erbil, thủ phủ của người Kurd đã tập trung tại nhà thờ Mar Shimon để ca hát và cầu nguyện cho chiến dịch giải phóng Mosul được thành công.

Giới trẻ tập trung trước các màn hình lớn reo hò vui mừng trước hình ảnh quân Iraq tấn công vào thị trấn Qaraqosh, cách Mosul 15km về phía Đông Nam.

Qaraqosh là thị trấn Kitô Giáo lớn nhất Iraq. Trước tháng 6 năm 2014, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào Mosul, thị trấn này có 50,000 dân, tuyệt đại đa số là các tín hữu Kitô. Hầu hết cư dân trong vùng đã di tản đến Erbil để tránh rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sáng ngày thứ Ba 18 tháng 10, tin tức từ mặt trận đưa về Erbil nói thị trấn Qaraqosh đã hoàn toàn được giải phóng. Tuy nhiên, tướng Amr Shamoun của Lữ Đoàn Kitô Giáo nói lữ đoàn của ông cùng với quân Kurd và quân Iraq chỉ mới chiếm được một phần của thị trấn. Quân khủng bố Hồi Giáo IS đang tử thủ bên trong thị trấn và chống trả hết sức quyết liệt mặc dù chịu nhiều thiệt hại nặng vì máy bay liên quân oanh kích dữ dội.

Hazem Djedjou Cardomi, một nhà báo Iraq nói:

“Hôm nay là một khoảnh khắc hạnh phúc. Không nghi ngờ gì vùng đất của chúng tôi sẽ được giải phóng và chúng tôi cảm ơn Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ Maria. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều đau khổ và hôm nay chúng tôi rất mong được quay trở lại cố hương càng sớm càng tốt”.

Cha George Djahola một linh mục Công Giáo nghi thức Syriac nói với AFP:

“Người dân đã có ý tưởng tụ tập kỷ niệm tại đây khi sáng nay chúng tôi nghe nói về việc giải phóng hoặc ít nhất là quân đội đang tiến vào Qaraqosh, thị trấn Kitô giáo đầu tiên ở vùng đồng bằng Nineveh. Trong hai năm qua, người dân vẫn sống tuy bình yên nhưng niềm vui của họ không được hoàn. Họ muốn trở về nhà, về quê cha đất tổ của họ - ngay cả khi nhà cửa của họ đã bị phá hủy – và mong được sống yên bình tại quê hương mình”

Thị trấn Kitô Giáo lớn nhất Iraq hoàn toàn được giải phóng

Chúa Nhật thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm đã được cử hành tưng bừng như lễ Phục sinh tại Baghdad và Erbil. Hình ảnh truyền đi nhanh chóng trên Internet cho thấy trong các nhà thờ các linh mục và anh chị em giáo dân cười tươi như hoa cùng hát bài Mawtini, nghĩa là Quê Hương, là bài quốc ca của Iraq.

Trưa ngày thứ Bẩy 22 tháng 10, thị trấn Qaraqosh, quê hương của 50,000 Kitô hữu Iraq được hoàn toàn giải phóng. Đây là thị trấn có số tín hữu Kitô lớn nhất Iraq nằm cách Mosul 20km về phía Đông Nam.

Trước đó, vào sáng ngày 18 tháng 10, tin tức từ mặt trận đưa về cho biết liên quân Iraq và Kurd đã bao vây thị trấn Qaraqosh khiến hàng ngàn người tị nạn Iraq đổ ra đường phố Erbil ca hát nhảy mừng và tập trung tại các nhà thờ để cầu nguyện cho mau đến ngày trở về cố hương.

Cuộc chiến giành giật từng căn nhà đã diễn ra vất vả và cam go nhưng cuối cùng, sau 4 ngày, Qaraqosh cũng đã được hoàn toàn giải phóng.

Cuộc tấn công vào Mosul dự kiến sẽ trở thành trận chiến lớn nhất tại Iraq kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu vào năm 2003 và có thể cần phải có một hoạt động cứu trợ nhân đạo rất lớn.

Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1.5 triệu cư dân đang bị kẹt lại trong thành phố và trường hợp xấu nhất có thể là một triệu người phải di dời khỏi vùng xảy ra chiến cuộc. Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ hôm thứ Sáu cho biết khoảng 550 gia đình ở vùng ngoại ô thành phố Mosul đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt buộc dọn vào trong thành phố để làm bia đỡ đạn cho chúng.

Quân đội Iraq đang cố gắng tiến từ phía Nam và phía Đông trong khi các chiến binh người Kurd tiến từ phía Đông và phía Bắc. Đơn vị tiền tiêu của người Kurd chỉ còn cách Mosul có 5km. Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền người Kurd, là ông Karim Sinjar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy ở Erbil, rằng tin tức tình báo cho biết dân chúng trong thành phố Mosul đã bắt đầu có những hoạt động nổi loạn chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại trước tin tức từ trong thành phố Mosul cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã xử tử 284 người đàn ông, kể cả một số trẻ nhỏ.

Trước hành động dã man này của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2016, với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:

Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, Hồi giáo cũng như Kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau.

Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Sau một chút thinh lặng Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này.

Trên mặt trận phía Nam, gần 1,000 thường dân đã được điều trị các vấn đề về đường hô hấp sau khi hít phải khói độc từ một nhà máy lưu huỳnh mà quân khủng bố Hồi Giáo IS đã đốt cháy vào hôm thứ Năm nhằm cản đường tiến quân của đối phương.

Bệnh viện dã chiến Qayyara báo cáo rằng không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận.

Hôm thứ Sáu, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bất ngờ tấn công vào thành phố dầu hỏa Kirkuk để phân tán lực lượng liên quân. Thành phố này đã nằm trong vòng kiểm soát của người Kurd sau khi quân Iraq bỏ chạy trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS hồi tháng 6 năm 2014.

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ ước tính 80 tên khủng bố Hồi Giáo IS đã tham gia cuộc tấn công Kirkuk, và gần như tất cả trong số họ đã bị giết hoặc bị bắt sống. Những tên khủng bố này chủ yếu là các chiến binh thánh chiến nước ngoài được sự giúp đỡ của các thành phần nằm vùng bên trong thành phố.

Nhà chức trách ở Kirkuk giành lại quyền kiểm soát thành phố vào ngày thứ Bảy và dỡ bỏ lệnh giới nghiêm. Ít nhất 50 người đã thiệt mạng và 80 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Kirkuk. Bốn người Iran thực hiện công việc bảo trì tại một nhà máy điện nằm trong số những người chết.

Cùng với cộng đoàn Kitô Giáo Iraq, chúng ta hãy hiệp ý với Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cuộc chiến tại Mosul mau kết thúc và anh chị em chúng ta sớm được trở về cố hương.