Nguyên văn bài chia sẻ của Đức Giám Mục Phaolo Maria Cao Đình Thuyên

Đại Hội Giới Trẻ Hạt Vạn Lộc ngày 09-10-2016.

Chào mừng chúng con, Giới trẻ hạt Vạn Lộc thân mến..

Hôm nay cha hết sức vui mừng vì có mặt với chúng con trong ngày cao điểm của giới trẻ giáo hạt Vạn Lộc. Nhìn chúng con cha liên tưởng ngay đến cuộc gặp gỡ của hơn một triệu bạn trẻ tại thủ đô Paris nước Pháp, quanh vị cha chung là Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II. Nhiều người đã thắc mắc: động lực nào đã thúc đẩy hàng triệu bạn trẻ đến với một ông cụ già gần 80 tuổi đau yếu bệnh tật. Hấp lực gì đã lôi kéo được giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ các nước Tây Âu, nơi sặc mùi “tục hóa” đến Paris để đón chờ sứ điệp của một vị lãnh đạo tôn giáo.

Xem Hình

1. Động lực nào và hấp lực gì?

Và rồi người ta phải giật mình khi nhận ra và thấy rõ được rằng: các dấu ấn khắc ghi nơi tâm hồn con người là “Niềm Tin và khát vọng Sự Thật”. không thể có một yếu tố nào bên ngoài, bất cứ nơi chốn nào, vào bất cứ một thời đại nào có thể tẩy xóa được Niềm Tin, và cao độ là niềm tin tôn giáo là động lực lôi kéo con người hướng về Chân – Thiện – Mỹ và đó cũng là yếu tố chính của cuộc sống của con người trẻ hôm nay cũng như các thế hệ cha ông chúng ta đi trước. Cách đây hơn 20 thế kỷ đức Khổng Phu Tử đã từng nói:”Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”. (Luận ngữ II,22). Con người không tin thì không thể làm được điều gì? Và khi Tử Cống đồ đệ hỏi về việc trị nước, ngài trả lời: “Túc Binh, túc thực, túc tín”. cần đủ binh lực, đủ lương thực, đủ lòng tin của dân. Tử Cống hỏi tiếp: nếu bất đắc dĩ phải giảm một trong ba điều thì phải giảm điều nào trước? Ngài đáp ngay là phải giảm binh lực, Tử Cống hỏi dồn thêm: nếu phải giảm một trong hai điều còn lại thì sao? Ngài trả lời giảm lương thực. Còn niềm tin thì không thể giảm được, vì dân mất niềm tin thì nước không còn: “Khử Binh, khử thực, tín bất khả khứ” (Luận ngữ 12, 7). Vào thời tiếp theo có lần người ta hỏi về việc cứu đời, Mạnh Tử đáp: “ Cứu người chết đuối dưới sông thì đưa sào cho người ta níu, nhưng cứu cả thiên hạ cho khỏi loạn thì lại dùng đến đạo. Bởi khi không có niềm tin nơi Thiên Chúa là tạo hóa, là Cha thì chẳng còn sợ hãi ai, chẳng chừa một thủ đoạn tàn ác độc địa nào. Khi không còn niềm tin mọi người là anh em với nhau, là con một Cha, thì chỉ áp dụng cá lớn nuốt cá bé, người bóc lột người. Khi phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 05/10/1995 Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Quý vị muốn viết một trang sử tốt đẹp cho nhân loại. thì Quý vị hãy sử dụng văn phạm mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, đó là Lương Tâm của chúng ta. Bởi niềm tin tôn giáo sẽ thúc đẩy con người dân thân cách đại độ, để giúp anh em đồng loại của mình hoàn thành nghĩa vụ chính yếu là yêu thương.

2. Nhưng để niềm tin trở thành động lực, thành ánh sáng cho cuộc đời ta, ta phải làm gì? Thưa: phải ôm ấp lấy Thánh Giá: “O Crux ave spesunica”. Kính chào Thánh Giá là niềm hy vọng độc nhất của chúng con”. Thánh Giá không phải là biện pháp áp đặt lên Thiên Chúa cũng không phải là giải pháp cuối cùng khi mọi kế hoạch khác đã bị thất bại – Thánh Giá là chương trình định sẵn của Thiên Chúa, Thánh Giá là nơi duy nhất trên quả đất này đã mặc khải cho thấy rõ tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Quả thực, Thánh Giá đem lại hy vọng vì Chúa đã chịu đóng đinh vào đó để cứu rỗi nhân loại, rồi sống lại để đem nhân loại vào thiên cung.

Các bạn trẻ có nghe không?

Thánh Giá đang nhắc đến các bạn qua thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong sứ điệp “Tuổi trẻ là chứng nhân của hy vọng”. Bởi đó, thái độ cần có trước Thập Giá là phải can đảm kiên cường đi theo Chúa. Cuộc sống không phải luôn luôn chỉ là màu hồng – Con người không hẳn luôn luôn là người bạn tốt – Hy sinh không phải luôn luôn là dễ dàng. Nhưng chính những trắc trở của đời sống đó lại trở thành lời mời gọi giúp chúng ta ý thức về sứ mạng và con người của Chúa Giêsu và cũng ý thức về sứ mạng vác thập giá theo Chúa và chia sẻ thân phận của Người trong đời sống mình, Cụ Phan Bội Châu đã nói: “Ví phóng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Còn Chúa Giêsu cũng nói: “Ai liều mạng sống vì Thầy, thì sẽ được mạng sống ấy". – Bởi đây không phải chỉ là một cuộc sống bị đóng đinh mà còn là một đời sống trở nên hy tế. Sau cùng chúng ta cũng được mời gọi để trở nên chứng tá cho tình yêu Chúa bằng đời sống thập giá đi theo Chúa. Thập giá là yêu thương và cứu độ. Chúa đã chết trên thập giá để cứu độ và yêu thương. Điều đó cần phải được nhân lên trong chính cuộc sống của các môn đệ, của các bạn.

Đời sống chứng nhân của các bạn gồm có 4 điểm khởi đầu bằng 4 chữ P. Đó là chương trình hành động cho các bạn hôm nay. thực hiện đúng sẽ thành công.

1- Chữ P thứ nhất là Phục Vụ.

Theo Công Đồng, Hội Thánh hôm nay phải là một Hội Thánh phục vụ. Phục vụ khiêm tốn và giúp ích cho trần gian như men trong bột, như muối dưới biển, như ánh sáng rất thầm lặng. Tuy không được ai chú ý, nhưng không thể thiếu cho sự sống. Chắc các bạn thấy rõ chính nhờ âm thầm nhỏ bé ấy mới làm nên cuộc sống, các bạn hiểu rằng không có những hy sinh âm thầm, kín đáo ngày qua ngày của người mẹ trong xó bếp thì đừng mong xã hội ngày nay còn tồn tại và đứng vững, không có những bàn tay làm công việc độc điệu mỗi ngày trong các văn phòng thì đừng mong đất nước được phát triển và tồn tại, không có những người lính vô danh hy sinh ngoài mặt trận, thì đừng mong đất nước được chiến thắng. Cuộc sống Đức Tin cũng tùy thuộc vào những cái nhỏ bé âm thầm ấy. Sức sống của Giáo Hội cũng tùy thuộc vào những tiếng cầu kinh âm thầm liên lỉ của những bà mẹ nhà quê, những tiếng ngân ngan mộc vàg lên từ những giáo đường nhỏ bé, và nhất là chứng tá bình lặng của các tín hữu trong cuộc sống thường ngày. Các bạn hẳn còn nhớ hình ảnh hạt cải nhỏ bé, hay chút men trong đấu bột, được dùng để nói về thực tại nước trời, Chúa Giêsu đã nói: “ Tôi đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ”. Và Người nói tiếp như để giải thích: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Nghĩa là phải phục vụ lẫn nhau. Bởi vậy nhiệm vụ thường xuyên của người tín hữu, thành phần của Giáo Hội là phải liên kết chặt chẽ với nhau: Liên kết mọi sự sống, liên kết mọi sức mạnh tiềm tàng nơi mỗi người, mỗi công đoàn lớn nhỏ với nhau để tạo thành một sức sống chung, một sức mạnh tổng hợp, chính hành động này tạo nên khả năng tồn tại và phát triển của Giáo Hội vượt lên trên mọi thử thách, mọi hoàn cảnh. Sức mạnh căn bản của công đoàn là hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông giữa mọi thành viên với nhau. Trong tinh thần này, người ta sẽ chứng kiến được thái độ tôn trọng và quý yêu đối với từng con người trong Giáo Hội, không phân biệt, không loại trừ ai. Sự gắn bó sâu xa giữa giáo sỹ và giáo dân, giữa giáo dân với tu sỹ, giữa người nam với người nữ, giữa giới trẻ với người già, ai ai cũng có giá trị và được quý yêu được có một vai trò trong cộng đoàn Giáo Hội, sự liên kết chặt chẽ này không cho phép coi thường một ai trong cộng đoàn, và mọi chức vụ chỉ nhằm mục tiêu là phục vụ: giáo sỹ phục vụ giáo dân, giáo dân phục vụ cộng đoàn, công đoàn phục vụ xã hội. Trong hoàn cảnh thế giới hôm nay, Giáo Hội và cộng đoàn đang trở thành những nhóm người nhỏ bé lẫn lộn giữa những đám đông thờ ơ lãnh đạm đối với tôn giáo. Chính vì thế mà chúng ta cần ý thức rõ ràng hơn sự sống và sức mạnh bên trong mình và tin tưởng mạnh dạn sống cuộc sống kitô hữu với xác tín Nước Trời vẫn luôn luôn lớn mạnh và sẽ đạt tới mức viên mãn theo kế hoạch ngàn đời của Thiên Chúa.

2- Chữ P thứ 2 là Phát Triển.

Chúa Giêsu đã bảo: “Họ không phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn”. (Mt. 14,16). Chúa Giêsu Kitô là con Thiên Chúa nhưng mang thân xác làm người, nên cũng nhắc nhở chúng ta biết giá trị cao cả của thân xác ta, để yêu thương giúp đỡ nhau, “Hãy cho họ ăn”, lo của ăn thân xác và cả tinh thần bằng nỗ lực đóng góp vào cuộc sống kinh tế, phát triển khoa học để phục vụ con người, đào sâu giá trị văn hóa, bằng việc dấn thân đấu tranh cho công lý hòa bình để nước Chúa là tình huynh đệ mỗi ngày một rõ nét hơn. Hội Thánh luôn phục vụ con người bằng cách phát triển con người toàn bộ, tức lo cho con người no ấm và hơn nữa biết sống xứng đáng là người con của của Thiên Chúa, là giới trẻ của thế kỷ mới, của thiên niên kỷ mới, chúng ta cần đào sâu để cảm nghiệm thật hết sức về Mầu Nhiệm tình thương để giúp ta xây dựng một nền văn minh tình thương cho xã hội loài người, bởi vì Đức Thánh Cha nói: Hơn bao giờ hết những tiến bộ khoa học kỹ thuật vĩ đại của thời đại chúng ta cần phải được quay hướng một cách khôn ngoan dưới ánh sáng của đạo đức học và việc phục vụ tiện ích cho con người toàn diện và cho mọi người. Tính cách nghiêm trọng, cấp bách và phức tạp của những vấn đề và những thách đố hiện tại đòi hỏi các thế hệ trẻ phải có khả năng chuyên môn trong nhiều lãnh vực khác nhau nhưng bên trên những lợi ích và cái nhìn cục bộ cần phải đặt lợi ích toàn diện của con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi đến một vận mệnh vĩnh cửu.Như thế phát triển không có nghĩa là về kinh tế mà thôi, mà là toàn diện: thể lý, trí thức, tâm linh, ở đây cần phải dẹp bỏ cái lối suy nghĩ hẹp hòi là Giáo Hội chỉ lo phần rỗi thôi, không lo phần xác.

3- Chữ P thứ 3 là Phúc Âm.

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. (Mt. 28, 20), Giáo Hội lo phục vụ bằng cách phúc âm hóa chính mình để phúc âm hóa xã hội. Không phải để lôi kéo kẻ khác vào đạo nhưng là để giá trị phúc âm được thấm nhập vào mọi nơi, mọi người và chúng ta sống đẹp hơn. Văn hào Pascal đã nói: “Khi tôi hiểu biết Thiên Chúa, thì tôi cũng hiểu biết chính mình hơn”. Phúc Âm là Lời đem đến ân phúc, là Lời từ Thiên Chúa, là chính Chúa Kitô, Lời đó vâng ý Chúa Cha đến để yêu thương và yêu thương đến độ hy sinh cả mạng sống mình. Kitô hữu chúng ta, giới trẻ chúng ta không có con đường nào khác để chọn, nguồn sinh lực nào khác để múc lấy, mẫu mực nào khác để bắt chước, mục tiêu nào khác để nhắm tới, ngoài Chúa Kitô mà Phúc Âm trao cho chúng ta. Bởi vậy mà Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Á đã ngỏ lời với giới trẻ: “Giới trẻ là tương lai của Châu Á và của Giáo Hội – Trong nhiều Giáo Hội địa phương các bạn trẻ đã chứng tỏ có nhiều khả năng trong công cuộc Phúc Âm hóa và chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho Giáo Hội và cho xã hội, họ mang trong mình một tiềm năng bao la về sự thiện và sức sáng tạo. Do đó một sự thật hiển nhiên là giới trẻ hôm nay thế nào thì đất nước và Giáo Hội ngày mai sẽ thế ấy. Chúng tôi tha thiết nài xin các bạn trẻ hãy ý thức và can đảm nhận lãnh vai trò của mình để xây dựng ngôi nhà chung tương lai của nhân loại, tức là trước hết hãy xây dựng bản lĩnh của chính mình hầu đạt tới mức trưởng thành, nhờ đó, thực thi nghĩa vụ và quyền lợi trong tinh thần tự do chân chính và có trách nhiệm cao độ”. Tóm lại, rao truyền Phúc Âm là nghĩa vụ thiết yếu của kitô hữu và của Giáo Hội, nhất là của giới trẻ.

4- Chữ P thứ 4 là Phận Sự.

Mỗi chúng ta là một người con Thiên Chúa trong Chúa Kitô, phẩm giá cao quý và độc đáo đó đi kèm với nghĩa vụ phải hoàn thành, ơn gọi phải đáp trả. Hội Thánh phục vụ bằng các phần vụ trần thế, đây là một linh đạo mới mà chúng ta tất cả phải nắm vững để có quan niệm đúng: Nên thánh là chu toàn phận sự của mình: Làm thầy dạy, làm thợ, đi cày, học sinh, làm bếp, bác sĩ, làm văn.... tất cả hãy cố gắng làm thật tốt, làm vì mến Chúa. Vũ trụ là một sân khấu vĩ đại trong đó mọi loài, mọi vật đều là một diễn viên, đều có một vai diễn Thiên Chúa đã xếp định, tất cả đều phải cố gắng làm xuất sắc vai diễn của mình để cuốn phim vĩ đại thiên nhiên được thành công. Nói thế tức cũng nói là mọi loài, mọi vật nhất là con người phải giữ vai trò nhất định Chúa phân công và phải hoàn thành xuất sắc theo ý định của Ngài, như thế, thế giới sẽ khá lên, đất nước sẽ đổi mới vì tâm hồn đổi mới, gia đình đã đổi mới, thế giới cũng sẽ đổi mới.

Để chu toàn 4 chữ P đó, giới trẻ chúng ta cần khẳng định:

A. Ta là người Việt Nam: Tôi tiếp nhận máu huyết của cha mẹ, ông bà, tôi thừa hưởng gia sản văn hóa, giá trị đạo đức ngàn đời của tổ tiên Việt Nam tôi, là người Việt Nam tôi có một tổ quốc với một non sông gấm vóc, lịch sử vẻ vang, đồng bào cần mẫn, hào hùng mà tôi phải yêu thương, đùm bọc, phải hãnh diện sống xứng danh. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta: “Các bạn hãy hãnh diện là người Việt Nam”. Các bạn trẻ, các bạn phải xác tín mình là cái vốn đầu tư của đất nước, bởi thế, nếu không thành công trong tư cách đạo đức, trí thức, thì chính chúng ta đã làm thiệt hại cho đất nước. Là người Việt Nam, tôi phải dấn thân phục vụ đồng bào, phải trung thành bảo vệ xây dựng quê hương bằng tim óc, bằng xương máu, tôi còn phải là niềm hãnh diện và hy vọng cho dân tộc Việt Nam thân yêu của tôi.

B. Là người trẻ Việt Nam tôi còn là người trẻ Công Giáo, tôi đã chịu Phép Rửa, Chúa Thánh Thần qua Giáo Hội đã đưa tôi vào sự sống của Thiên Chúa là Cha chung của mọi người nhờ Mầu Nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, bởi đó, tôi không thể là người Công Giáo bằng tên mà là bằng cả cuộc sống, cuộc sống như cuộc sống Chúa Kitô. Các bạn đừng để ai xây dựng thế giới này mỗi ngày mà các bạn không hay biết, không khám phá, không thao thức, không góp tay vào. Chúa đã cứu chuộc các bạn và đã đặt các bạn vào thế gian trong thế kỷ này, trong thập niên này, trong môi trường này. Các bạn đừng là những người Công Giáo bù nhìn. Đức Hồng Y Phanxicô nói: “sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta. Là người Việt Nam, chúng ta không thể bằng lòng vói một khuôn khổ khép kín, tự tách rời mà phải hội nhập với mọi người, tuy vẫn giữ được căn tính của mình, để tiến bước, chứ không phải để dẫm chân tại chỗ, để luôn phát triển, cập nhật hiện tại mà hướng dẫn thế giới đi về tương lai, bởi như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong sứ điệp ngày quốc tế giới trẻ XII: “Các bạn có thể gặp Chúa Kitô dọc theo những nẻo đường của cuộc sống mỗi ngày”.

C. Các bạn trẻ thân mến, nhiệm các bạn là xây dựng: Xây dựng bản thân, xây dựng gia đình, xây dựng tổ quốc, xây dựng Giáo Hội, muốn thế hãy yêu mến Thánh Giá như Thánh Anrê: “ Ôi Thánh Giá là nơi Chúa chịu chết chuộc tội loài người, tôi đã yêu mến Ngươi từ lâu, Ngươi hãy giúp tôi đến gặp Chúa Giêsu, Thầy chí thánh của tôi”. Amen