Chúa Nhật XXII Thường niên , năm C
Hc 3, 17-18.20.28-29 Hr 12, 18-19.22-24a Lc 14, 1.7- 14

Bài học khiêm tốn

Khiêm tốn vẫn là điều xem ra dễ nhưng lại khó khi thực hành trong cuộc sống. Quả vậy, ai cũng thích tự khoe, tự cao, tự mãn. Ai cũng muốn được người khác tâng bốc và cảm thấy thích thú. Đó là lẽ bình thường của con người. Tuy nhiên, Chúa lại dạy chúng ta phải khiêm nhường, tự hạ. Chúa đã nói với các môn đệ và nói với mỗi người chúng ta rằng : “ Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ “ và Ngài còn nói :” Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên “ ( Lc 14, 14 ).

Thật vậy, Lời Chúa trong trích đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay đề ra một nét rất đặc thù của Kitô giáo là đi ngược với thái độ khoe khoang, hám danh, ham địa vị của con người, và cũng là bài học cho mọi người trong mọi thời :” Hãy khiêm nhường “. Chúa Giêsu đã có lần nói với các môn đệ:” Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường “. Hiền lành và khiêm nhường là nét đặc thù của người môn đệ Chúa. Thầy là Chúa mà còn hiền từ, khiêm nhường thì những môn đệ của Chúa sẽ không thể đi ngoài hướng của Thầy đã đi…Bài học Chúa đưa ra hôm nay thật ấn tượng, bởi vì thời Chúa Giêsu sống, Ngài đã chứng kiến biết bao sự việc, biết bao biến cố vv…Mỗi sự việc, mỗi biến cố là một bài học Ngài dùng, đưa ra để giáo huấn, dạy dỗ nhân loại, giáo dục con người. Hôm nay, Chúa dùng bữa tại nhà một người đầu mục nhóm Biệt phái, có rất nhiều người được mời. Chúa quan sát, thấy có rất nhiều thực khách hăm hở chọn chỗ nhất để ngồi. Chớp cơ hội này, Chúa Giêsu liền dạy họ một bài học là khi đi đám hãy chọn chỗ dưới, chỗ cuối vì sợ rằng sẽ có khách quan trọng hơn và lúc đó, ông chủ sẽ mời xuống chỗ dưới, lúc đó người được mời sẽ xấu hổ…Nếu xét bề ngoài, đây chỉ là một vấn đề tế nhị, lịch sự mà thôi bởi vì xếp đặt chỗ ngồi là do gia chủ, còn nếu khách giả bộ kiếm chỗ cuối ngồi để rồi ông chủ sẽ mời lên chỗ trên thì đó lại là giả hình cần phải tránh.

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu còn nhắm thấy ý nghĩa sâu xa hơn : đó là tiệc Nước Trời . Chúng ta đã chẳng đọc thấy có nơi Chúa đã nói về tiệc Nước Trời :”thực khách được mời và dự tiệc rất đông, nhưng có một người dự tiệc mà không mặc áo cưới, nên đã bị đuổi ra khỏi bữa tiệc cưới này”. Ở đây, tiệc cưới đối với Chúa Giêsu là tiệc Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên và ngược lại. Trái với sự suy nghĩ, tầm nhìn của con người, lời nói của Chúa Giêsu có một ý nghĩa sâu và cao vời : “ đưa con người xuống chiều sâu của sự khiêm nhường và đưa con người đi lên chiều cao là Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là ân huệ, là dành cho những kẻ bé mọn, những kẻ khiêm hạ trước mặt Chúa, mới được Chúa tặng ban. Kẻ kiêu căng Chúa đuổi về không, do đó, những kẻ tự mãn, tự cao, tự đại, hống hách sẽ không thể nào vào được Nước Thiên Chúa. Vâng, gương Mẹ Maria luôn phải là bài học cho mỗi người chúng ta…Trẻ nhỏ mà Chúa Giêsu đặt trước mặt các môn đệ là bằng chứng cụ thể Chúa dạy mỗi người chúng ta. Bởi vì, là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã tự hủy mình, mặc lấy thân phận hèn yếu của con người ngoại trừ tội lỗi. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cúi mình, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã cúi mình xuống để nâng cao con người lên.

Khiêm nhường như Chúa Giêsu không phải là sợ sệt, hèn nhát, nhưng chỉ những ai can đảm, mạnh mẽ, quảng đại, mới dám tự hạ phục vụ anh em. Khiêm nhường như Chúa Giêsu không phải là nô lệ, tôi đòi nhưng phục vụ như Ngài là một cử chỉ yêu thương, cử chỉ, hành động cao quí. Phục vụ như Chúa Giêsu là yêu thương hết mình như Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn biết phục vụ và yêu thương như Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Bữa tiệc ở đây do ai khoản đãi ?
2.Biệt phái là ai ?
3.Khiêm nhường là gì ?
4.Muốn dự tiệc Nước Trời chúng ta phải làm gì ?