Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Người hành hương đại hội giới trẻ thế giới sẽ nhận được một áp dụng điện tử mới về học thuyết xã hội Công Giáo

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nổi tiếng là vị giáo hoàng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội nhiều nhất xưa nay. Ngoài việc tạo kỷ lục với Instagram và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng Google Hangouts, ngài sẽ còn cho khách hành hương đại hội giới trẻ thế giới một áp dụng điện tử mới.

Từ các nhà sáng chế ra “YouCat”, tức sách giáo lý cho tuổi trẻ, một kiểu sách mới, gọi là “Docat”, đã được khai triển nhằm trình bầy học thuyết xã hội của Giáo Hội một cách sáng tạo, lôi cuốn và trọn vẹn đối với tuổi trẻ. Cuốn sách này sẽ được phát động trong chính đại hội giới trẻ thế giới tại Krakow dưới hình thức một áp dụng điện tử.

“YouCat” được phân phối lần đầu tiên tại đại hội giới trẻ thế giới tại Madrid năm 2011 như một cách mở rộng cảm nghiệm và nhận thức đức tin nơi tuổi trẻ. Nhưng tại sao còn cần một kiểu sách mới về học thuyết xã hội?

Christian Lermer, Viên Chức Chấp Hành của Qũy YouCat, cho hay Qũy muốn tạo ra một điều giúp “làm cho học thuyết của Giáo Hội dễ đọc và lôi cuốn, mà không thay đổi nội dung”.

Bernhard Meuser, người sáng lập ra Qũy YouCat, nói rằng tiếp theo việc phát hành YouCat, Qũy nhận được một số điện thư của tuổi trẻ Mỹ cho hay: “giờ đây chúng tôi biết đức tin của chúng tôi có nghĩa gì. Chúng tôi phải làm gì? Xin qúy vị hãy thực hiện một Docat!”

Ý tưởng phát hành một cuốn sách mới nói về việc phải đem đức tin ra thực hành một cách thực tiễn như thế nào, nguyên lai đã khởi đầu qua các điện thư đó và ý tưởng này cũng được các viên chức của Tòa Thánh ủng hộ.

Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, đã gợi ý rằng nếu cơ quan YouCat muốn tạo một cuốn sách mới cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thì cuốn sách đó nên nói một là về Thánh Kinh hai là nói về học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Chính Đức Giáo Hoàng Phanxiô viết lời nói đầu cho cuốn sách và cuốn sách này sẽ được phát động tại Krakow vào ngày 23 tháng này, 3 ngày trước cuộc gặp gỡ của giới trẻ thế giới (26-31 tháng Bẩy).

Thay vì tổ chức một thứ họp báo để phát hành cuốn sách, Qũy YouCat sẽ tổ chức một biến cố với 200 người trẻ khắp thế giới học hỏi DoCat và hướng dẫn một cuộc thảo luận về học thuyết xã hội.

Các giám mục và diễn giả từ khắp thế giới “sẽ kích thích tâm hồn họ bùng cháy đối với học thuyết xã hội như là hoa trái của Tin Mừng”. Biến cố này sẽ được Đức Hồng Y Christoph Schonborn của Vienna hướng dẫn, và cũng sẽ bao gồm một buổi tập huấn chuẩn bị, một chương trình nối vòng tay, và các địa điểm dữ liệu để dạy giáo lý.

Theo Meuser, trong khi lời nói đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho YouCat cung cấp một sứ điệp mạnh mẽ về việc làm, lời nói đầu của ngài cho DoCat nhấn mạnh nhiều hơn tới giấc mơ của ngài về “một thế hệ mới”. Giấc mơ này mong muốn giới trẻ “biết mọi điều về công lý và hòa bình, Tin Mừng và tình yêu của Thiên Chúa, và lòng thương xót”.

Meuser cho hay: “chúng ta phải là các chuyên viên bén rễ sâu xa (vào thuyết xã hội)” và Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ chia sẻ “sứ điệp mạnh mẽ” này với giới trẻ thế giới qua một cuốn video đặc biệt về cuốn sách và áp dụng DoCat.

Cả Meuser lẫn Lermer đều đã được gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican ngày 17 tháng Sáu vừa qua để trình bầy với ngài về DoCat và quay cuốn video sẽ được trình chiếu tạ đại hội giới trẻ thế giới.

Lermer cho biết: diễn trình tạo ra DoCat là một diễm phúc đối với Qũy, vì trước đó, họ vốn không biết Đức Giáo Hoàng muốn viết lời nói đầu và chịu quay video về nó.

“Có nhiều điều chắc chắn sẽ ra rất khác, nên chúng tôi rất biết ơn… có thể nói mọi sự đều do ơn trên sắp xếp”.

Các tham dự viên đại hội giới trẻ thế giới sẽ được xem cuốn video của Đức Giáo Hoàng và sẽ nhận được những cuốn sách nhỏ mô tả áp dụng mới và khuyến khích họ tải xuống.

Theo Lermer, áp dụng mới không những sẽ có nội dung của cuốn sách, mà nó còn có “các dụng cụ khuyến khích rất hợp thị hiếu để nghiên cứu nó”.

Cho tới nay, trong khi cuốn sách in chỉ có hai thứ tiếng, thì áp dụng mới có nhiều thứ tiếng hơn nhiều: tiếng Anh, tiếng Croat, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Ba Lan, tiếng Slovak và tiếng Đức.

Meuser giải thích rằng một trong các mong ước chính ngay từ đầu của Qũy là sự tham dự trực tiếp của người trẻ vào dự án. Chia thành 12 chương về đủ mọi vấn đề từ gia đình và việc làm, sự sống tới việc bảo vệ môi sinh và cổ vũ hòa bình, cuốn sách được thiết kế với sự giúp đỡ của tuổi trẻ và chứa nội dung trực tiếp từ các dự án và sáng kiến do chính tuổi trẻ khởi sự.

Meuser và Lermer đặc biệt lưu ý tới việc nội dung phải “có chất liệu khoa học và xã hội” lấy từ tuổi trẻ, cũng như tuổi trẻ thực hiện các dự án nhiếp ảnh về nội dung xã hội như công lý và hòa bình.

Bên trong cuốn sách, bản văn chính hiển thị ở một bên với các câu hỏi và các câu trả lời, một số các câu này được trang trí bằng “các hình ảnh rất vui nhộn”.

Sách cũng bao gồm nhiều trích dẫn lấy của Chân Phúc John Henry Newman, Đức Bênêđíctô XVI, và Thánh Kinh. Ngoài ra, sau mỗi chương, còn có các đoạn trích ngắn về học thuyết xã hội từ Đức Lêô XIII tới Đức Phanxicô hiện nay.

Meuser cho biết: “tuổi trẻ cung cấp cho chúng tôi nhiều hình ảnh và góp ý, nên chúng tôi đã xuất bản cuốn sách trong diễn trình tham dự của người trẻ”. Ý niệm chính ở đây là vận động giới trẻ tham dự vào thế giới chung quanh họ, sau khi đã thấm nhuần học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Ông hy vọng rằng DoCat sẽ là “thời điểm để học hỏi học thuyết xã hội. Chúng ta đang sống trong phế tích của hai ý thức hệ lớn: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Cả hai đã tiêu hủy thế giới”. Nay “ta phải thay đổi thế giới”.

2. Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Krakow, các người trẻ Iraq sẽ đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramic trước Đức Giáo Hoàng

Sẽ có hơn 2 trăm người trẻ Kitô hữu Iraq từ khắp các giáo phận của đất nước tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới, được tổ chức tại Krakow vào cuối tháng Bẩy. Và trong bối cảnh này, khi đi Đàng Thánh Giá, một số bạn trẻ sẽ có dịp đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramic, vốn là ngôn ngữ của Chúa Giêsu, trước Đức Giáo Hoàng. Đức Cha Basel Salim Yaldo, giám mục nghi lễ Canđê, người sẽ tháp tùng giới trẻ Iraq, trong cuộc du hành của họ tới Balan, nói với hãng tin Fides rằng: “Đây sẽ là giờ phút quan trọng cho tất cả chúng tôi được củng cố trong đức tin và trong hiệp thông với toàn thể Giáo Hội của Chúa Kitô”. Cùng đi với đoàn còn có Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda, hơn 10 linh mục và 7 nữ tu.

Những người trẻ Iraq đang chuẩn bị tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới phần lớn xuất thân từ các giáo phận Baghdad, Kirkuk và Erbil. Trong số những người xuất thân từ giáo phận Erbil, cũng có một số người trẻ là người tỵ nạn hiện đang sống tại thủ phủ của Vùng Tự Trị Kurdistan, sau khi cùng gia đình bị buộc phải bỏ các làng mạc của họ ở Bình Nguyên Niniveh. Các người trẻ Iraq đã chuẩn bị tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow bằng nhiều cuộc gặp gỡ cộng đồng và vào ngày 19 tháng 7, trước khi lên đường đi Balan, họ sẽ sống với nhau một ngày để cầu nguyện, ca hát và cử hành bí tích trong tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ở Krakow, khi cử hành Đàng Thánh Giá, một số người trong đoàn sẽ đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramic.

Đức Cha Basel Yaldo nói rằng “Khi cử hành lòng đạo đức, qua đó Giáo Hội làm sống lại Cuộc Thống Khổ của Chúa Kitô này, chúng tôi cũng sẽ sẽ nhìn sự đau khổ của đất nước chúng tôi dưới ánh sáng sự đau khổ của Chúa Giêsu. Trong những ngày này, các người trẻ nam nữ của Iraq sẽ trao đổi kinh nghiệm của họ với người trẻ khắp thế giới. Và, chúng tôi cũng sẽ triệu tập một cuộc gặp gỡ quốc gia để người trẻ ở Krakow thuật lại kinh nghiệm của họ. Nhờ thế, chúng tôi sẽ tự khám phá ra điều này: ta có thể sống niềm hy vọng Kitô Giáo và sự hiệp thông hân hoan với toàn thể Giáo Hội, bất chấp các điều kiện khó khăn hiện đang sống. Nhờ thế, chúng tôi sẽ nhận ra rằng không cần phải chạy trốn, di cư, và sống ơn phúc hân hoan Kitô giáo tại nơi mình sinh ra và là nơi chúng tôi đã gặp được Chúa Giêsu, được lắng nghe lời công bố Tin Mừng, quả là điều tốt đẹp”.

3. Máy phát thanh để nghe lời dịch của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Mọi người hành hương tham dự Các Biến Cố Chính trong tháng Bẩy nên mang theo một máy phát thanh di động nhỏ có ống nghe. Máy này giúp họ sử dụng các lời dịch.

Các người hành hương từ gần 200 nước sẽ tới Krakow và họ sẽ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Một nhóm thông dịch viên sẽ giúp giới trẻ hiểu đầy đủ các bài giảng lễ và các bài diễn văn trong các buổi lễ và các cuộc gặp gỡ.

Anna Chmura, phối trí viên Truyền Thông của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nói rằng “lời dịch cùng một lúc sẽ được thực hiện bằng mọi thứ tiếng chính thức của Đại Hội: tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Ukrain, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng Nga. Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Czech cũng sẽ cung cấp lời dịch sang tiếng Czech”.

Mateusz Zimny của Phòng Thông Dịch tại Đại Hội nói thêm: “Nhóm chúng tôi bao gồm các thông dịch viên có khả năng và được chuẩn bị thích đáng. Một trong các tiêu chuẩn để được chọn lựa là hiểu biết các từ vựng Giáo Hội học”.

Các người hành hương nên mang theo một máy phát thanh có ống nghe và ít cục pin phòng hờ. Ban tổ chức khuyến cáo không nên sử dụng điện thoại di động, dù họ có thể nghe lời dịch bằng các dụng cụ này.

Mateusz Zimny nói thêm: “pin của điện thoại di động có thể hết chạy. Đừng quên ống nghe (headphones), nó vốn là một antenna. Không có ống nghe, không thể có việc thu thanh bằng điện thọai thông minh”.

Tần số chuyên biệt cho từng tiếng nói sẽ bao gồm trong áp dụng và trên trang mạng chính thức của Đại Hội.

4. Cửa sổ Giáo Hoàng tại Krakow

Dinh Giám Mục tại Krakow (ở số 3 Đường Franciszkanska) là Trụ Sở Chính của Tổng Giám Mục Krakow, Ba Lan, và là cư sở truyền thống của các giám mục Krakow từ cuối thế kỷ thứ 14. Nó là dinh lớn thứ hai trong thành phố, sau Wawel, cư sở cũ của các vua chúa Ba Lan. Nó là một phần trong một quần thể đan viện của Dòng Phanxicô. Dinh Giám Mục được nhiều người biết đến vì là nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cư ngụ lúc ngài còn ở trong thành phố. Vào ban đêm, ngài thường ban phép lành và nói với các tín hữu từ một chiếc cửa sổ phía trên lối ra vào chính.

Dinh này thường đóng cửa, không cho du khách vào trừ bảo tàng viện; hiện nay, nó là một trong những địa điểm tôn giáo nổi tiếng nhất để viếng thăm vì có liên hệ tới đời sống Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giữa các năm 1958 và 1978, dinh này là cư sở của Đức Hồng Y Karol Wojtyła, người, vào tháng 10 năm 1978, đã trở thành vị Giáo Hoàng người Slav đầu tiên trong lịch sử, lấy tên là Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y Wojtyła trước đó đã sống tại quần thể này hồi Thế Chiến II, khi ngài là sinh viên của Chủng Viện Chui của tổng giáo phận Krakow, do Đức Hồng Y Adam Stefan Sapieha điều khiển thời Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan. Sau cuộc bố ráp hàng ngàn đàn ông con trai ở Krakow của Quốc Xã ngày 6 tháng 8 năm 1944, Đức Hồng Y Sapieha đã quyết định để các sinh viên của chủng viện ở ngay trong Dinh Giám Mục cho tới ngày người Đức rút khỏi thành phố. Chủng Sinh Wojtyła được thụ phong linh mục không bao lâu sau Thế Chiến II, tức ngày 1 tháng 11 năm 1946, bởi tay Đức Hồng Y Sapieha tại nhà nguyện riêng của ngài. Không xa Dinh bao nhiêu (ở số 19 Đường Kanonicza) là Bảo Tàng Viện của tổng giáo phận (tiếng Ba Lan: Muzeum Archidiecezjalne) nơi trưng bầy nhiều nghệ phẩm có liên quan.

Khi nghe tin Đức Gioan Phaolô II qua đời ngày 2 tháng 4, năm 2005, 40,000 người Công Giáo đã tụ tập trước dinh, tham dự buổi canh thức cầu nguyện. Mỗi năm đến giỗ của ngài, hàng ngàn bó hoa đã được đặt quanh tòa nhà và nhiều ngọn lửa được đốt lên. Cửa sổ phía trên lối ra vào được người ta gọi là “cửa sổ giáo hoàng”, vì từ đây, Đức Gioan Phaolô II đã nói chuyện với đám đông tụ tập để diện kiến ngài. Ở sân trước, có tượng của Đức Gioan Phaolô II do nghệ sĩ Jole Sensi Croci tạc và tặng dinh hồi tháng 5, năm 1980.

Thứ Tư, ngày 27 tháng 7 này, tức ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Krakow, lúc 8 giờ tối, Đức Thánh Cha sẽ xuất hiện ở Cửa Sổ Giáo Hoàng để chào thăm tín hữu tụ tập tại công trường trước Dinh Giám Mục.

5. Nhà thờ chính tòa Wawel

Vương Cung Thánh Đường Hoàng Gia Các Thánh Stanislaus và Wenceslaus trên Đồi Wawel, cũng có tên là Nhà Thờ Chính Tòa Wawel (tiếng Ba Lan: katedra wawelska), là một nhà thờ Công Giáo Rôma tọa lạc trên Đồi Wawel ở Krakow, Ba Lan. Tại đây, hôm thứ Tư, ngày 27 tháng 7, sau khi gặp các nhà cầm quyền và ngoại giao đoàn, và thăm xã giao Tổng Thống Cộng Hòa Ba Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp các giám mục Ba Lan.

Đức Giáo Hoàng cũng sẽ cầu nguyện thinh lặng tại mộ Thánh Stanislaus, nơi di hài của Thánh Gioan Paholô II cũng được trưng bầy, trước khi tôn thờ Bí Tích Cực Thánh tại nhà nguyện phía sau Bàn Thờ.

Đã được xây cách nay 900 năm, nó là đền thờ quốc gia của Ba Lan và theo truyền thống vốn dùng làm địa điểm phong vương cho các vị vua Ba Lan và làm Nhà Thờ Chính Tòa của tổng giáo phận Krakow. Cha Karol Wojtyla, người vào năm 1978 trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một ngày sau khi chịu chức linh mục, tức ngày 2 tháng 11 năm 1946, đã dâng Thánh Lễ mở tay tại Hầm Nhà Thờ này, và được tấn phong giám mục phụ tá của Krakow cũng tại đây vào ngày 28 tháng 9, năm 1958.

Nhà Thờ Chính Tòa Wawel vốn là nơi chính để chôn cất các vua chúa Ba Lan từ thế kỷ thứ 14. Trong tư cách này, nó đã được nới rộng và thay đổi rất đáng kể vì mỗi vị vua đều thêm vào nhiều nhà nguyện an táng.

Nhà thờ chính tòa theo lối Gôtích hiện thời là tòa nhà thứ ba tại địa điểm này: tòa nhà thứ nhất được xây rồi bị hủy vào thế kỷ 11; tòa nhà thứ hai được xây hồi thế kỷ 12, rồi bị hủy do hỏa hoạn vào năm 1305. Việc xây cất tòa nhà hiện thời bắt đầu trong thế kỷ 14 theo lệnh của Đức Cha Nanker.