Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các Giám Mục Nhật Bản kêu gọi bài trừ vũ khí nguyên tử

Các Giám Mục Nhật Bản tái kêu gọi bài trừ vũ khí nguyên tử, học các giáo huấn của Đệ Nhị Thế Chiến, và đừng lập lại các lỗi lầm quá khứ.

Hội Đồng Giám Mục Nhật đã đưa ra lời kêu gọi trên đây nhân chuyến viếng thăm Hiroshima của tổng thống Barack Obama ngày 27 tháng 5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm viếng thăm nơi quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945.

Bình luận về chuyến viếng thăm này Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi, Giám Mục Niigata, nói chuyến viếng thăm này là một “ngạc nhiên thích thú”, và có thể góp phần phát triển ước mong của nhiều người dân Nhật muốn bài trừ vũ khi nguyên tử. Hoà bình đích thật không thể đạt được mà không có việc duyệt xét luơng tâm liên quan tới các trách nhiệm của quá khứ. Bất cứ hoạt động nào cho một thế giới không có vũ khí nguyên tử đều đáng cầu mong và được đón nhận. Nhưng không thể tiến tới, nếu không suy tư sâu rộng trên các giáo huấn của Đệ Nhị Thế Chiến và các biện pháp cần áp dụng hiện nay để duy trì hoà bình.

Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đã luôn luôn lưu tâm tới đề tài này trong các năm 1995, 2005 và 2015, nhân các dịp kỷ niệm 50 năm, 60 năm và 70 năm bom nguyên tử nổ tại Hiroshima và Nagasaki và chấm dứt thế chiến. Giáo Hội đã luôn luôn dấn thân cổ võ hoà bình và khước từ chiến tranh. Trong một tài liệu công bố ngày mùng 7 tháng 4 vừa qua các Giám Mục Nhật đã tố cáo hai luật có hiệu lực từ ngày 29 tháng 3 năm 2016, cho phép quân đội Nhật can thiệp trợ giúp một đồng minh gặp nguy hiểm trong một cuộc xung khắc ngoại quốc. Như thế hai luật mới này tránh khoản 9 của Hiến Pháp cấm Nhật Bản dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Các Giám Mục nhấn mạnh rằng khổ đau do các vũ khí nguyên tử gây ra vượt ngoài mọi lời nói. Chúng ta hãy làm sao để đừng lập lại các lỗi lầm quá khứ, nhưng phải suy tư nghiêm chỉnh về điều chúng ta được mời gọi làm trong tư cách công dân và kitô hữu. Chính qua lời cầu nguyện, chứ không phải qua các sức mạnh vũ trang, mà chúng ta đi lên để xây dựng một nền hoà bình dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

2. Nigeria - “Hơn 1,3 triệu Kitô hữu buộc phải chạy trốn khỏi miền bắc Nigeria”

Tin của Thông tấn xã Fides từ Thành phố Abuja loan đi ngày thứ Hai 30/5/2016 thì ở miền Bắc Nigeria, yu72 giữa năm 2006 tới 2014 ước tính có khoảng 11.500 Kitô hữu bị giết, hơn 1,3 triệu người Kitô hữu bị buộc phải di tản và 13.000 nhà thờ bị phá hủy hoặc bỏ hoang.

Đức Hồng Y Joseph Bagobiri, Giám Mục Giáo phận Kafanchan đã nêu ra các con số trên trong bài tường trình bày của Ngài tại Hội nghị Quốc tế được nhóm họp tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (UNO), New York, Hoa Kỳ với nhan đề “Ảnh hưởng của bạo lực dai dẳng trên Giáo Hội tại miền Bắc Nigeria”.

Các cộng đồng Kitô hữu bị ảnh hưởng nhiều nhất ở miền bắc tiểu bang Adamawa, Borno, Kano và Yobe. Kitô hữu ở các vùng này phải di tản tới các vùng có nhiều Kitô giáo định cư như vùng lưu vực miền Trung: Plateau, Nassarawa, Benue, Taraba và một phần phía Nam của Kaduna.

Nhưng trong những tháng gần đây, các khu vực bị ảnh hưởng do bạo lực ngay cả trong những “Cộng đồng có nhiều Kitô hữu sinh sống như miền Trung lưu vực cũng bị những lượng lượng Hồi giáo xâm lược và tấn công dã man. Đây là những cuộc chiếm hữu trắng trợn đất đai tổ tiên của những người Kitô giáo đã sống lâu đời gầy dựng lên và của các cộng đồng các sắc tộc thiểu số”.

Đức Hồng Y Bagobiri trong bài tường trình gửi đến Fides đã viết “Trong nhiều vùng của những người du mục Fulani đã không ngừng bị khủng bố, bị tiêu diệt như ở Agatu thuộc tiểu bang Benue và Gwantu, Manchok thuộc quốc gia Kaduna đã xảy ra nhiều cuộc tấn công diệt chủng từ 150 đến 300 người mỗi đêm “.

Đức Hồng Y Bagobiri kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy gây áp lực lên các nhà chức trách Nigeria để họ bảo đảm sự tự do tôn giáo cho các Kitô hữu và các dân tộc thiểu số khác ở miền bắc Nigeria, và giải quyết khẩn cấp việc cung cấp nhân đạo cho các nhóm người tỵ nạn.

3. Đức Thánh Cha tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

Trưa 28-5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra nhà ga xe lửa trong nội thành Vatican đón tiếp 400 trẻ em vùng Calabria đến thăm Toà Thánh.

Chuyến xe lửa trẻ em năm nay có khẩu hiệu là “Đuợc các làn sóng đưa đi”, do sáng kiến “Sân Dân Ngoại” của Hội Đồng Toà Thánh Văn Hoá tổ chức. 400 trẻ em nói trên đến từ các trường khác nhau vùng Calabria nam Italia, là nơi có đông người di cư tỵ nạn cặp bến. Linh Mục Laurent Mazas, giám đốc điều hành Sân của dân ngoại, cho biết chuyến xe lửa năm ngoái gồm con cái của các cha mẹ bị tù. Năm nay nó gồm phân nửa trẻ em Ý phân nửa trẻ em con của những người di cư tỵ nạn đã trở thành bạn của nhau trong các trường học. Hằng năm Bộ Hoả Xa Italia dành cho cha một chuyến xe lửa miễn phí chở các trẻ em về Vatican đi về trong một ngày. Truớc chuyến đi các em đã được chuẩn bị tinh thần và sư phạm để hiểu biết ý nghĩa của các chuyến xe lửa viếng thăm này.

Đón tiếp các em tại nhà ga xe lửa trong nội thành Vatican cũng có các trẻ em thuộc Dàn nhạc thiếu nhi “Bốn bài ca” tình Palermo, và Hiệp hội “Thể thao vô biên giới”. Cha Mazas cho biết lần trước cha đã hỏi Đức Thánh Cha “Thưa Đức Thánh Cha chúng ta làm thêm một chuyến xe lửa nữa chăng?” Ngài đã tươi cười trả lời: “Ồ có chứ, tôi thích nó, tôi thích nó”. Và lần này cũng có 400 trẻ em được Đức Thánh Cha tiếp đón tại nhà ga Vatican. Ngoài việc gặp gỡ Đức Thánh Cha các em cũng được hướng dẫn viếng thăm quốc gia thành phố Vatican, cầu nguyện bước qua Cửa Thánh để lãnh ơn Toàn Xã, và viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô.

4. Hội nghị học đường quốc tế tại Vatican

Trong các ngày 27-29 tháng 5 Hội nghị các học đường quốc tế đã diễn ra tại nội thành Vatican với sự tham dự của 400 đại diện đến từ 190 quốc gia.

Hội nghị do Hàn Lâm viện các khoa học của Toà Thánh và Bộ Giáo dục Công Giáo tổ chức với sự tham dự của các giới chức chuyên môn thuộc 40 đại học năm châu và có đề tài là “Đại học và học đường: một bức tường hay một cây cầu”. Việc phân tích do dại diện của nhiều tôn giáo cũng như các chuyên viên khoa học não bộ, trí thức luận và chính trị đảm trách.

Từ phiá Giáo Hội Công Giáo có Đức Tổng Giám Mục Angelo Vincenzo Zani, Thư ký Bộ giáo dục Công Giáo trình bầy về đề tài “sứ mệnh học đường theo tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô”. Trong số các thuyết trình viên cũng có bà Shahrzad Houshmnd Zadeh, giáo sư Khoa nghiên cứu Hồi giáo thuộc Đại học giáo hoàng Gregoriana Roma, đại diện cho thế giới hồi giáo nói về “học đường như cây cầu đối thoại liên tôn và liên văn hóa”; ông Tamar Hay Sagic thuộc trường Twinned Peace Sport Trung tâm Perez thăng tiến hoà bình giữa Israel và Palestine trình bầy về “việc dùng thể thao như dụng cụ thăng tiến cuộc sống chung và hiểu biết giữa hai dân tộc”; giáo sư Luigi Berlinguer, nguyên Bộ trưởng giáo dục và đại học Italia, trình bầy về “học đường và sư phạm của cuộc gặp gỡ”. Cũng có đại diện của các nước Nigeria, Tay Ban Nha, Brasil, Gibuti, Israel, Palestina và Argentina tham dự. Mười hai bạn trẻ tham dự đến từ các nước Argentina, Australia, Các vương quốc A rập, Mozambic, Tây Ban Nha và Paraguay.

Sau ba ngày hội học các tham dự viên soạn thảo các đề nghị và giải pháp cụ thể cho hai vấn đề lớn của thế giới ngày nay: đó là sức hấp dẫn của nạn khủng bố quốc tế đối với người trẻ, và vai trò của giới trẻ trong việc săn sóc căn nhà chung, tiềm năng của họ đối với việc thay đổi thế giới.

Hội nghị đã kết thúc chiều Chúa Nhật với cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI.

5. Đức Thánh Cha tiêp kiến tổng thống Costa Rica

Sáng ngày 27 tháng 5 vừa qua Đức Thánh Cha đã tiếp kiến tổng thống Costa Rica, ông Luis Guillermo Solis Rivera.

Thông cáo Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc hội kiến thân tình hai bên đã đề cập tới các tương quan tốt đẹp giữa Toà Thánh và nước Costa Rica, cũng như việc chính quyền đánh giá cao phần đóng góp của Giáo Hội cho dân nước này, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, sức khỏe và thăng tiến các giá trị nhân bản và tinh thần, cũng như trong các hoạt động bác ái. Ngoài ra, cũng có một số vấn đề được bàn đến như việc bảo vệ sự sống con người, nạn di cư và buôn bán ma tuý. Sau cùng là vài vấn đề vùng miền và quốc tế.

Sau khi hội kiến với Đức Thánh Cha tổng thống Costa Rica đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Paul Richard Gallagher.

6. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Singapore

Sáng 28/5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống Singapore Tony Trần Khánh Viêm. Đây là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng tiếp kiến người đứng đầu nhà nước của quốc gia nhỏ bé này.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, “trong cuộc thảo luận thân tình, những quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Singapore đã được nhắc đến, cũng như sự hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và xã hội”. Sau đó hai bên cũng chú ý đến những đề tài thời sự quốc tế và các vấn đề liên quan đến tình hình chính trị trong khu vực, đề cập đặc biệt đến tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và liên văn hóa để thúc đẩy nhân quyền, sự ổn định, công lý và hòa bình ở Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Tông thống Tony Trần cũng đã gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức Giám Mục Ngoại trưởng Paul Richards Gallagher. Đức Hồng Y Pietro Parolin đã viếng thăm Singapore vào tháng 8 năm ngoái trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của nước này.

Đức Tổng Giám mục Singapore William Gore đã chào đón cuộc viếng thăm Italia và Vatican của Tổng thống Trần. Đức Cha nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Sìgapore và Giáo Hội, ngài nói: “Chính quyền Singapore thì thế tục nhưng mà không bị thế tục hóa vì họ hiểu tầm quan trọng của tôn giáo trong sự phát triển luân lý của nhân dân”.

7. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Sau khi trở thành Đức Giáo Hoàng đầu tiên là tác giả của một cuốn sách cho giới trẻ vào đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả của một cuốn sách khác sắp được phát hành, dựa trên các câu trả lời của ngài cho các câu hỏi của giới trẻ đặt ra cho ngài trên một trang web.

Trong cuộc họp mặt quốc tế của các lãnh đạo của tổ chức Scholas Occurentes, nhà báo và tác giả Tiziana Lupi đã giải thích là cuốn sách mới nhắm mở ra một cánh cửa đối thoại với giới trẻ. Scholas Occurentes là tổ chức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập vào tháng 8/2013 như sáng kiến để khuyến khích sự hội nhập xã hội và văn hóa của gặp gỡ qua kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. Tác giả Lupi cũng cho biết:việc xuât bản đã kết hợp những nỗ lực của tổ chức Scholas trong việc tạo nên một diễn đàn kỹ thuật mới “cho phép các bạn trẻ khắp thế giới, thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo, đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà không bị lọc lựa”. Bình thường chỉ các nhà báo đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng, nhưng lần này các bạn trẻ có thể làm điều này qua trang web: new page “Ask Pope Francis” (đây là đường link trực tiếp: http://askpopefrancis.scholasoccurrentes.org/pope-francis-en-gb/). Chắc chắn là sẽ có rất nhiều câu hỏi được gửi đến Đức Giáo Hoàng nên chỉ có những câu thật sự xuất phát từ trái tim sẽ được chọn in trong sách. Cuốn sách này có thể được phát hành khoảng tháng 10 hay 11 năm nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các tham dự viên trong buổi họp hôm 29 tháng 5. Sau khi nghe chứng từ đầy nước mắt của một thiếu nữ Mêhicô có cha mẹ đã chia tay, bị ngược đãi khi đến Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng được cho biết là một chiến dịch chống ngược đãi do tổ chức Scholas đưa ra với hashtag “#nosotrossomosunicos”, nghĩa là “chúng ta là duy nhất”.

Sau chứng từ của em gái người Mêhicô, 12 bạn trẻ trên mạng Youtube đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm sao để xây dựng một thế giới tốt hơn, đa dạng và hòa đồng. Đức Giáo Hoàng trả lời là mỗi người phải nhận ra căn tính cá nhân của họ. Ngài giải thích là sẽ không có tương lai nếu một người thiếu một căn tính rõ ràng. Nếu muốn sự ngược đãi được ngừng lại thì chúng ta phải bỏ sự tấn công lại sau lưng; “ngược đãi là một sự tấn kích che dấu một sự tàn ác sâu sắc.” “Thế giới tàn ác. Chiến tranh là những tượng đài của sự tàn ác”, Đức Giáo Hoàng nói như thế và lấy từ trong túi ra một tấm ảnh mà một nữ tu ở châu Phi đã gửi cho ngài. Cho những tham dự viên xem tấm ảnh và Đức Giáo Hoàng than phiền: làm sao người ta có thể vẽ những hình ảnh ghê tởm như hình một em bé bị cắt cổ và em khác bị chặt đầu.

Đức Giáo Hoàng giải thích: nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta phải loại bỏ mọi hình thức tàn ác. Thay vì tấn kích, chúng ta phải đạt được khả năng lắng nghe người khác và đối thoại, hơn là tranh luận. Ngài nói với các người hiện diện: “đừng sợ đối thoại” bởi vì với đối thoại “mọi người đều chiến thắng, không có ai thua cuộc”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: thế giới hôm nay cần giảm bớt mức độ tấn kích; nó cần sự khoan dịu, cần lắng nghe, cần bước đi với nhau. Vì thiếu những thái độ này nên đã có những tàn ác.

8. Hội Đồng Giám Mục Pháp kêu gọi đối thoại để giải quyết các xung đột bạo lực

Các Giám Mục Pháp kêu gọi mọi người hoà hoãn và đối thoại chân thành để tìm ra các sáng kiến giúp thắng vượt tình trạng xung đột bạo lực hiện nay.

Đức Cha Jean Luc Brunin, Giám Mục Le Havre, kiêm chủ tịch Uỷ ban Gia đình và Xã hội của Hội Đồng Giám Mục Pháp, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trước làn sóng mới của các vụ xuống đường biểu tình và đình công bãi thị chống lại Luật Lao Động do tổng thống François Hollande đề ra.

Song song với các vụ xuống đường biểu tình ồ ạt của dân chúng trong mọi tỉnh toàn nước, tất cả các nhà máy lọc dầu đều đóng cửa khiến cho cuộc khủng hoảng xăng nhớt có nguy cơ trầm trọng thêm. Trong sứ điệp Đức Cha Brunin tha thiết mời gọi mọi thành phần xã hội nỗ lực đối thoại để tìm ra một giải pháp thích đáng cho cuộc khủng hoàng gây ảnh hưởng tiêu cực trên cuộc sống của người dân và các gia đình, cũng như trên cuộc sống kinh tế của các hải cảng và các sinh hoạt kỹ nghệ toàn nước. Nếu tình trạng khủng hoảng này kéo dài, nó sẽ có các hậu quả trầm trọng trên sự phát triển và tương lai của đất nước. Thông cáo có đoạn viết: “Giáo Hội không có ý đưa ra các lập trường liên quan đến cuộc xung đột giữa các tầng lớp xã hội và chính quyền, vì đây không phải là vai trò của Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội lên án mọi hình thức bạo lực và mời gọi mọi phe liên hệ ý thức được tình hình nghiêm trọng này, và Giáo Hội xin mọi giai tầng xã hội mau chóng tái đối thoại và thương thuyết với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng. Vì chỉ có đối thoại mới cho phép thắng vượt quan điểm riêng để cùng nhau phân định công ích.

Từ nhiều tuần qua dân chúng Pháp đã rầm rộ xuống đường biểu tình tại Paris cũng như trong nhiều thành phố toàn nước để phản đối Luật Lao Động do chính quyền của tổng thống Hollande đề ra, vì nó không giúp giải quyết nạn thất nghiệp và đáp ứng các nhu cầu của giới công nhân.

9. Trẻ em Iraq ở trại tị nạn Erbil rước lễ lần đầu.

Hôm thứ Sáu 27 tháng 05 năm 2016, nhóm trẻ em Iraq đầu tiên ở trại tị nạn ở Erbil đã được rước lễ lần đầu, đem lại một nét sáng sủa cho tình hình u ám hiện nay.

Trong số 5,500 người tị nạn sống trong trại Aishty 2 ở Erbil, đa số là trẻ em; trong số này, 470 em sẽ được rước lễ lần đầu trong vài tuần tới. Năm 2015 số em lãnh nhận bí tích Thánh Thể vào khoảng 400 em.

Vì con số năm 2016 quá đông, nên các em được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên 175 em, đã rước lễ hôm thứ Sáu 27 tháng 05 năm 2016; nhóm thứ hai 145 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 03 tháng 06 năm 2016, và nhóm thứ ba 150 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 10 tháng 06 năm 2016.

Tất cả các em đều thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria, và hầu hết đã cùng với gia đình trốn thoát khỏi thành phố Qaraqosh, là trung tâm Kitô giáo của người Kurd, khi quân ISIS tấn công thành phố này đêm 06 tháng Tám năm 2014.

Thánh lễ ngày 27 tháng 05 năm 2016 cho nhóm đầu tiên do Ðức Tổng giám mục Mosul là Ðức cha Boutros Moshe cử hành trong nhà thờ tiền chế lớn của trại tị nạn.

Nhà thờ có sức chứa khoảng 800 người, mới đầu chỉ là một căn lều khi những người tị nạn Kitô giáo đầu tiên đổ vào Erbil hai năm trước cần có một nơi để cầu nguyện. Hiện nay đã trở thành nhà thờ giáo xứ chính của trại tị nạn Aishty, đây là trại tị nạn lớn nhất ở Erbil và được chia thành ba trại nhỏ: Aishty 1, 2 và 3.

Ða số người tị nạn đến từ Qaraqosh, là nơi đặt Toà Giáo Hội Syria trước khi bị quân ISIS tấn công vào năm 2014.

Sau khi dời Toà chính thức từ Mosul về Qaraqosh mấy năm trước, do quan ngại về vấn đề an ninh và do thực tế là hầu hết các tín hữu sống tại thành phố, người Công Giáo Syria hiện nay không có giáo phận chính thức hay trụ sở chính nào.

Bây giờ sống ở vùng Erbil đa số là người Canđê, họ được Giáo Hội địa phương đón nhận và phải nỗ lực hằng ngày để giữ vững tinh thần cho các tín hữu đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn trong nước.

Có được gần 500 em rước lễ lần đầu ở trại tị nạn là một dấu hiệu của hy vọng ở một nơi mà ngọn lửa Kitô giáo đang leo lét, có nhiều nguy cơ sẽ tắt hẳn.

Một dấu hiệu hy vọng khác cho các Kitô hữu Iraq là việc phong chức bốn phó tế tại giáo xứ này. Hiện nay các thầy đang giúp những người tị nạn ngày đêm, và có thể sẽ được thụ phong linh mục trong vài tháng nữa.

Ba trong số bốn thầy phó tế này cùng với các nữ tu Dòng Ða Minh Catarina thành Siena - là cộng đoàn chủ yếu tạo thành cộng đồng Kitô hữu tị nạn Erbil - đảm trách việc giảng dạy giáo lý Thánh Kinh và phụng vụ cho các em.