Tháng này cách nay hai năm, Thành Phố London được xem lại ấn bản mới cuốn phim Giã Từ Vũ Khí (A Farewell to Arms). Cuốn phim cổ điển được tái tạo bằng kỹ thuật số này là một phần trong một loạt phát hành phim để kỷ niệm Thế Chiến Hai.

Nguồn của cuốn phim trên là cuốn tiểu thuyết thời danh của Ernest Hemingway, xuất bản chỉ 3 năm trước ngày ra đời của nguyên bản cuốn phim này năm 1932. Cuốn truyện dựa phần nào vào kinh nghiệm thời chiến của tác giả lúc đang là tài xế tải thương trong Chiến Dịch của Ý; cốt truyện của cuốn phim cũng chỉ dựa một phần vào cuốn truyện.

Sau này tác giả cuốn truyện thuật lại một biến cố lạ trong kinh nghiệm thời chiến lúc chàng tuổi trẻ Hemingway nằm bị thương do mảnh đạn gây ra và được một Tuyên Úy Công Giáo tới giúp đỡ, ban phép Xức Dầu cho. Trong những năm sau đó, hành động vừa nói gây một tác động mạnh đến nỗi chính nhà văn cho rằng biến cố này “đã làm ông thành một người Công Giáo”. Còn về việc lúc ấy, chuyện gì thực sự đã xẩy ra, thì không hề có sự hợp tác độc lập; tuy nhiên, điều ta biết chắc là 10 năm sau, nhà văn quả trở lại Công Giáo thực sự. Nhiều người cho rằng yếu tố kích thích việc này là sự kiện lúc ấy nhà văn kết hôn lần thứ hai với một phụ nữ Công Giáo. Tuy nhiên gần đây, một số người đã thách thức lối giải thích đơn giản này, bằng cách trích dẫn chính lời lẽ và các hành động của nhà văn trước cuộc nhân duyên ấy làm bằng chứng ông đã nghiêng về Rôma từ lâu.

Còn về cuốn phim Giã Từ Vũ Khí, thì rõ ràng là một truyện tình lấy chiến tranh làm phông. Đây cũng là một “cuốn phim trước khi có qui định” (pre-code movie). Luật Qui Định Việc Sản Xuất Phim Ảnh (The Motion Picture Production Code) chỉ có hiệu lực hai năm sau, tức năm 1934, và ít nhiều được Hollywood tuân thủ cho tới cuối thập niên 1960. Luật này dự liệu một danh sách các điều cấm kỵ nhằm bảo đảm để một số chủ đề, hoàn cảnh không được đề cập trong phim. Thành thử Giã Từ Vũ Khí rất thành thực đối với thời đại mình, mô tả luôn cả mối liên hệ tính dục tiền hôn nhân của hai nhân vật chính trong phim do Gary Cooper và Helen Hayes đóng, và mối liên hệ này đã mang lại kết quả thai nghén.

Các nhà duyêt phim thời ấy trên New York Times cho rằng người ta cảm thấy cuốn phim rời rạc, đầy những cảnh diễn tiến quá nhanh. Nhận định này không hẳn sai. Xem lại bây giờ, khán giả có lúc như bị “chia trí”. Nhưng có một cảnh rất đáng lưu ý trong phim, đó là lúc nhân vật Gary Cooper bị thương và một cách bất ngờ, được một linh mục tới thăm, trong lúc nằm dưỡng thương.

Và cũng từ cảnh này, người có đức tin bắt đầu coi phim một cách chăm chú hơn. Nhân vật Helen Hayes cùng bước vào phòng gặp cả vị linh mục lẫn Gary Cooper. Nàng đóng vai một nữ y tá có tình ý thơ mộng với chàng chiến binh Gary Cooper. Trước khi nàng bước vào, vị linh mục đang truyện trò thân mật với bệnh nhân. Cuộc chuyện trò này buộc phải kết thúc khi ngài thấy niềm vui rạng rỡ nở trên khuôn mặt hai kẻ yêu nhau, một niềm vui chỉ giảm đi chút chút trước nỗi quan ngại của vị linh mục rằng cuộc tình của họ vượt “ra ngoài Ơn Thánh Thiên Chúa”. Khi nghe thấy thế, hai kẻ yêu nhau có vẻ bẽn lẽn. Rồi, trước khi rời khỏi phòng, vị linh mục cầu nguyện bằng tiếng La Tinh. Cooper tự hỏi không biết có phải ngài đọc Nghi Thức Hôn Phối hay không. Hình như thế, và đôi trẻ thành thực tin như thế. Khi kết thúc, vị linh mục nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho Hayes và Cooper, và cảnh phim chấm dứt ở đấy.

Đấy là một cảnh phim lạ, không có trong cuốn truyện. Hơn nữa, đây là một “cuốn phim trước khi có qui định”, không cần thiết phải thêm vào vì sợ này sợ nọ. Tuy nhiên, nó đã trở thành một điểm chủ chốt trong trình thuật, dù khá khó hiểu. Và nếu xét theo một nghĩa khác, nó không phải chỉ có thế.

Vì lời cầu nguyện, một khi đã buột miệng nói ra, không trở về “tay trắng”. Điều này đúng cho cả những lời cầu nguyện nói ra trên sân khấu hay trong phim ảnh. Nếu cho rằng nhận định này là một nhận định nói cho vui, thì bạn nên xem chứng tá nơi Thánh Genesius, Bổn Mạng Các Tài Tử. Chàng tuổi trẻ Genesius sống tại Rôma thế kỷ thứ ba, và là thành phần của một ban kịch thời ấy, một ban kịch chuyên chế nhạo thiểu số đáng ghét và bị bách hại lúc ấy là các Kitô hữu. Ban kịch quyết định trình diễn vở hài hước, chế giễu các niềm tin của nhóm thiểu số này; Genesius là người hăng hái tham gia vở kịch. Phần dành cho anh là phần chế nhạo Bí Tích Rửa Tội. Đến lúc trình diễn thực sự, kịch sĩ trẻ tuổi của chúng ta nằm xuống giữa sân khấu… Chỉ có điều, đến cuối nghi thức, một thay đổi đã diễn ra: chính chàng. Từ đó, Genesius tìm cách trở thành Kitô hữu, trở lại đạo do chính những lời Bí Tích được đọc trên sân khấu. Thành thử, phần trình diễn ấy không những kết liễu nghề nghiệp đang lên của chàng, mà còn kết liễu luôn đời chàng nữa; vì chẳng bao lâu sau, Genesius đã anh dũng hiến dâng mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin vừa nhận được.

Trở lại với cảnh ở bệnh viện trong Giã Từ Vũ Khí, người ta hẳn sẽ bắt đầu thắc mắc. Phải chăng cũng có một hình thức nào đó của sức mạnh thiêng liêng hiện diện ở đây, một sức mạnh mà cả Hayes lẫn Cooper đã bước vào?

Nữ tài tử hai lần trúng giải Oscar Helen Hayes vốn được nuôi dưỡng trong đức tin Công Giáo, nhưng rồi, năm 1928, 4 năm trước khi đóng trong Giã Từ Vũ Khí, cô bị cấm không được rước lễ vì đã cưới một người ly dị. Tuy nhiên, năm 1956, sau khi chồng qua đời, cô đã trở về với đức tin. Một đức tin từ đó hoàn toàn vững vàng, một đức tin vốn được truyền thụ từ các tổ tiên Ái Nhĩ Lan, và có lẽ nhờ thế cô được diễm phúc qua đời vào chính ngày Lễ Thánh Patrick năm 1993. Thánh Lễ an táng cô được một vị Hồng Y chủ trì. Xét cho cùng, phải chăng lời chúc lành trong cuốn phim đã được lắng nghe?

Dĩ nhiên, câu truyện của Cooper được biết đến nhiều hơn, nhưng cũng không kém đau lòng. Lúc đóng trong Giã Từ Vũ Khí, anh là người vô tôn giáo. Tuy nhiên, tôn giáo sẽ đi vào đời anh chỉ hơn một năm sau khi anh gặp và kết hôn với một phụ nữ Công Giáo ngoan đạo, đó là Veronica ‘Rocky’ Balfe. Hết sức bất thường đối với Hollywood, cuộc nhân duyên này sẽ kéo dài tới cùng, bất chấp rất nhiều lần bất trung, có lúc công khai, của Cooper.

Có một lần bất trung gần như tiêu hủy cuộc hôn nhân của họ. Sau khi kết thúc đóng cùng nữ tài tử Patricia Neal trong cuốn phim The Fountainhead (1949), Cooper thực sự nghĩ đến việc bỏ vợ để cưới người cùng đóng phim với mình. Lúc đang do dự, anh đi tìm lời khuyên của người bạn cũ, tức Ernest Hemingway. Cùng Neal bay đi Cuba, Cooper ngạc nhiên khi thấy nhà văn nhiều lần kết hôn rồi ly dị nay duy trì “lời chúc hôn” của chàng. Và thế là khởi đầu việc kết thúc mối tình của họ, với Neal và Cooper chia tay nhau sau đó không lâu.

Chưa hết, việc kết thúc trên đem lại cho đôi bên cả một chuỗi lạ thường. Trong những ngày tháng sau đó, Neal chịu nhiều đau khổ trong đời sống riêng của nàng, sau cùng phải đi tìm an ủi bằng cách tới thăm người bạn cũ trước đây cũng là một nữ tài tử nhưng nay đang sống một cuộc sống hoàn toàn khác. Nhờ tình bạn với người nay là nữ đan sĩ Biển Đức Dolores Hart, và tình bạn còn lạ thường hơn với con gái Maria của Gary Cooper, vốn cũng là bạn của Hart, cuối cùng Neal đã trở lại Công Giáo; và sau đó, đã được chôn cất trong thửa đất vô cùng thanh tĩnh của đan viện nơi trước đó, cô đã đến tìm sự bình an. Như một nghiên cứu lẽ huyền nhiệm của hành động ơn thánh, chính câu truyện nhân bản của Patricia Neal đã kết thúc một cách không ngờ với một bài học cũng huyền nhiệm không kém về tính nối kết hỗ tương giữa hai thực tại này.

Những năm sau cuộc dan díu với Neal cũng là những năm khó khăn đối với Cooper. Loay hoay với chính hoàn cảnh “giữa trưa” (high noon) của bản thân mình, hình ảnh thu nhỏ của thái độ chỉ có qủi mới quan tâm của người Mỹ này, trong thực tế, biết rõ: điều đang diễn ra trong cuộc sống tư riêng của mình thực ra cũng là một bi hài kịch thực sự, và là một bi hài kịch xem ra đang lao vào một thảm kịch. Điều bất ngờ là một dịp may của gia đình đã đem đến cho Cooper một đà thúc đẩy để ông bắt đầu đi tìm giải pháp. Năm 1953, khi viếng Rôma, để cổ vũ phim “High Noon” (Giữa Trưa), gia đình Cooper được yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô XII. Vị giáo hoàng này gây ấn tượng rất lớn đối với Cooper. Tuy nhiên, điều ấy vẫn chưa kết thúc các khó khăn của ông. Nhiều “lưu lạc” vẫn tiếp tục xẩy ra, trước khi ông gặp được một linh mục địa phương, người giúp ông tìm được Đức Tin, hay ông để đức tin tìm được mình, và ông đi theo con đường bình an mà ông hằng tìm kiếm.

Giống như thánh bổn mạng của nghề nghiệp mình, phải chăng việc trở lại của Cooper đã bắt đầu từ lúc ông thủ diễn cảnh bệnh viện trong Giã Từ Vũ Khí? Điều ta biết chắc là từ lúc trở thành người Công Giáo, ông quả đã giã từ mọi thứ vũ khí, mọi thứ cánh tay (chơi chữ: arms cũng là cánh tay) khác với đôi cánh tay vợ, khi anh để mình rơi vào vòng ôm của cánh tay Mẹ Thánh Giáo Hội.

Ông cần vòng ôm ấy, vì với việc ông trở lại, Thập Giá đã xuất hiện. Qua năm 1961, lúc 60 tuổi, ung thư đã đánh gục nhà tài tử, người nay qua đời cũng như đã sống lâu năm trước con mắt thế giới. Cuối cùng, những lời cuối cùng của ông với công chúng đã tóm lược hết những gì ông khổ công tìm kiếm cả đời: “Tôi biết rằng điều đang diễn ra là thánh ý Thiên Chúa. Tôi không hề sợ tương lai”.

Không có lời lẽ nào hay hơn đã được viết cho ông thủ diễn như thế.

Ông bạn lâu đời Hemingway của ông qua đời sau đó ít tháng. Chỉ buồn một điều là đến lúc đó, người bạn lâu đời này đã xa rời Đức Tin mà trước đó ông ta từng ôm ấp. Việc kết liễu cuối cùng này hiện vẫn còn được tranh luận, một số người cho là do tai nạn, một số khác cho là do tự sát, đầy thương xót thay, phán xét việc ấy nằm ở một chỗ khác. Tuy nhiên, điều ta biết chắc là: giống Cooper, Hemingway đã được chôn cất theo nghi lễ Công Giáo.

Điều ta cũng biết chắc là: trong một cuốn phim được gợi hứng từ một bi hài kịch của Hemingway, Gary Cooper đã lãnh nhận lời chúc phúc một cách lạ lùng liên quan tới hôn nhân. Và không lâu sau đó, ở đời thực, ông đã kết hôn với một người đàn bà mà dây hôn phối với nàng, cuối cùng, đã dẫn ông tới Đức Tin, bất chấp mọi sự.

Trở lại với cảnh lạ trong phim, có một điểm mà người xem ít khi lưu ý. Trên màn ảnh, phía sau vị linh mục, lúc ngài đọc lời chúc lành, là bức bích họa Truyền Tin. Ở Hoa Kỳ, ngày khởi chiếu Giã Từ Vũ Khí đúng là ngày 8 tháng Mười Hai, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và vị giáo hoàng từng gây ấn tượng mạnh cho Cooper vốn có lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa cách đặc biệt, nhất là Đức Mẹ Fatima: ngài là vị giáo hoàng đầu tiên thừa nhận các lần Đức Mẹ hiện ra tại đó. Trên thực tế, ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, 13 tháng 5 năm 1917, chính là ngày Đức Giáo Hoàng Piô XII tương lai được tấn phong tổng giám mục, và năm 1958, ngài được an nghỉ tại hầm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cũng đúng vào ngày Lễ Đức Mẹ Fatima.

Ngày 13 tháng 5 cũng là ngày Gary Cooper qua đời. Tất cả phải chăng chỉ là trùng hợp? Có thể lắm; nhưng, nếu ta nhớ lời phát biểu của Đức Gioan Phaolô II về các biến cố liên quan đến ngày này năm 1981, thì tất cả đều nằm trong kế sách của Đấng Quan Phòng. Không có gì là “thuần trùng hợp” cả.