Hà Nội (AsiaNews) - Các nhà chức trách Việt Nam đã đáp trả tàn bạo trước những cuộc biểu tình ở các thành phố lớn sau khi cá chết hàng loạt. Cảnh sát đã đàn áp dã man các cuộc biểu tình ôn hòa, và bắt giữ ít nhất 200 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Hàng ngàn người đã xuống đường tại Hà Nội, Sàigòn và các thành phố khác đòi hỏi sự minh bạch của nhà nước đối với các hoạt động của Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh Steel Corp (thuộc sở hữu của tập đoàn Formosa Plastics), là doanh nghiệp đã gây ra một thảm họa môi trường tai hại dọa ngành công nghiệp đánh cá địa phương.
Thùy Linh, một nhà văn ở Hà Nội, chứng kiến những hành động của cảnh sát. “Khi tôi đi về phía Hồ Hoàn Kiếm, tôi thấy ít nhất 100 người bị tống lên xe. Cảnh sát và một số nhân viên an ninh mặc thường phục kẹp cổ những người trẻ và lôi kéo cả một số phụ nữ lên những chiếc xe buýt. Các cuộc biểu tình diễn ra rất ôn hòa. Tại sao họ phải làm như thế?”
Cha Nguyễn Văn Toản, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, cũng bị bắt vào lúc sáng sớm và bị đưa tới một đồn cảnh sát. Ngài được thả ra lúc 3 giờ chiều cùng ngày. Cha cho biết: “Mọi người đang ngồi trên bờ hồ, hoặc ở phía trước của Ủy ban nhân dân, rất ôn hòa nhưng họ đã bị bắt”.
Cha Nguyễn Văn Toản là một linh mục được nhiều người biết đến tại Việt Nam vì những dấn thân của ngài trong lãnh vực công lý và hòa bình. Sáu tháng sau ngày thụ phong linh mục, ngài đã có những bài giảng gây chấn động dư luận những người tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Mọi thứ bắt đầu một vài tuần trước khi hàng nghìn con cá chết trôi dạt vào các bãi biển ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Vào đầu tháng Năm, đã có những báo cáo theo đó cá đã chết vì ô nhiễm môi trường gây ra bởi một đường ống nước thải đường kính 17 mét được thải trực tiếp ra biển gần nhà máy thép Hưng Nghiệp.
Công ty thừa nhận đã tuôn ra biển 12,000 mét khối nước thải mỗi ngày. Trong thời gian qua (có thể là tháng trước), họ đã sử dụng 300 tấn hóa chất cực kỳ độc hại để làm sạch hệ thống thoát nước.
Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan có một hồ sơ rất dầy các hành động phi đạo đức ở các nước khác. Năm 1998, nó đổ 5,000 tấn chất thải độc hại, bao gồm cả thủy ngân, ở Sihanoukville, một thị trấn ở Campuchia, khiến hơn một nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Tháng 9 năm 2009, nhà chức trách ở bang Texas và Louisiana đã phạt công ty này 10 triệu Mỹ Kim vì thải các chất độc hại vào không khí và mặt đất.
Gần một triệu người đã ký vào bản kiến nghị chấm dứt hoạt động của công ty Hưng Nghiệp tại Việt Nam, trong đó có cả một hợp đồng 70 năm với nhà nước Việt Nam, vì nó làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường.
Thỉnh nguyện thư kêu gọi Formosa Plastics “chấm dứt ngay mọi hành động gây tổn hại môi trường”, và có “biện pháp để khôi phục lại môi trường trong sạch và an toàn” đối với con người cũng như các sinh vật biển. Ngoài ra, kiến nghị cũng kêu gọi công ty phải bù đắp cho những thiệt hại về môi trường. Cho đến nay, ngành công nghiệp đánh cá địa phương đã thiệt mất 200,000 Mỹ Kim.